24/12/2024

Kiêng muối cẩn thận hại sức khoẻ

Nhiều người lo ngại ăn muối dễ cao huyết áp, ảnh hưởng chức năng tim, thận nên tự kiêng muối. Có những người tự đưa ra chế độ ăn không muối một cách máy móc, ảnh hưởng không tốt tới hệ thần kinh, hệ tuần hoàn, gây chán ăn, suy nhược cơ thể…

 

Kiêng muối cẩn thận hại sức khoẻ

Nhiều người lo ngại ăn muối dễ cao huyết áp, ảnh hưởng chức năng tim, thận nên tự kiêng muối. Có những người tự đưa ra chế độ ăn không muối một cách máy móc, ảnh hưởng không tốt tới hệ thần kinh, hệ tuần hoàn, gây chán ăn, suy nhược cơ thể…


Kiêng muối cẩn thận hại sức khỏe - Ảnh 1.

Nên ăn mắm hoặc muối làm gia vị vừa đủ trong mỗi bữa ăn – Ảnh: TRẦN KINH BANG

Bà Nguyễn Thị Thanh (70 tuổi, Hà Nội) có huyết áp hơi cao được bác sĩ khuyên nên ăn nhạt. Bà tự thực hiện chế độ ăn không mắm muối, nhạt tuyệt đối. Thấy bà ăn uống kém, cơ thể suy nhược, phù nhẹ chân tay, tinh thần bất ổn, gia đình đưa đi khám mới hay bệnh mới của bà là do kiêng muối thái quá.

Ăn ít muối chứ không nên kiêng hoàn toàn

Thực tế tình trạng ăn nhạt, kiêng muối đang là một xu hướng phổ biến không chỉ ở người già mà ở cả giới trẻ. 

ThS Hoàng Khánh Toàn, chủ nhiệm khoa y học cổ truyền Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, cho biết đã có nhiều nghiên cứu chứng minh việc ăn mặn ảnh hưởng tới sức khoẻ tim mạch nhưng bên cạnh đó, chế độ ăn quá nhạt cũng không tốt cho sức khoẻ. 

 

Thói quen này là một sai lầm không đáng có trong ăn uống. Bởi nếu ăn quá ít muối, cơ thể cũng bị mệt mỏi, chán ăn… dẫn tới suy giảm các chức năng của cơ quan trong cơ thể và suy giảm sức khỏe nếu để tình trạng đó diễn ra trong thời gian dài.

Trong cơ thể, muối đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì áp lực thẩm thấu, giữ cho cân bằng lượng nước bên trong, ngoài tế bào và trong lòng mạch máu. Ngoài ra, muối còn có vai trò trong việc duy trì điện thế tế bào, dẫn truyền xung động thần kinh, đảm bảo thăng bằng kiềm toan. Điều hòa natri trong cơ thể do hormon vỏ thượng thận aldosteron (tái hấp thu Na+ và thải K+, H+ qua ống thận) và hormon vasopressin (hay ADH, hormon chống bài niệu) của tuyến hậu yên. Natri máu bình thường là 135-145 mEq/l. Muối trong máu giảm khi lượng natri máu dưới 135 mEq/l.

Chế độ ăn ít muối là khi lượng thức ăn, nước uống trong 24 giờ đưa vào cơ thể có tổng lượng NaCl dưới 2.400mg (tương đương khoảng 1 thìa cà phê). Nếu người bình thường chỉ sử dụng 1-2 gam muối/ngày và kéo dài thì được coi là ăn quá ít muối và có thể bị hạ natri máu. 

Đối với những người ăn kiêng muối quá mức, lượng natri máu giảm nhiều sẽ ảnh hưởng không tốt tới sức khỏe, thậm chí có thể tử vong nếu lượng natri máu xuống quá thấp. Natri máu giảm cũng làm cho nước tự do thoát ra ngoài khoảng kẽ dẫn đến hiện tượng phù tay, chân hoặc nặng hơn là gây phù toàn thân. 

Hạ natri máu khiến hệ cơ bị suy giảm chức năng với các biểu hiện như mỏi cơ, liệt cơ, kiến bò, chuột rút…

Nhiều người thiếu muối

PGS.TS Trần Đáng, chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam, cho biết nói tới natri – Na người ta thường nghĩ ngay tới muối ăn vì natri là thành phần chính của muối ăn (natri clorua). Nhưng thực tế, natri không phải là thủ phạm gây ra bệnh cao huyết áp, nhưng tạo điều kiện cho bệnh xuất hiện. Nguyên nhân của bệnh có thể do hệ thống bơm hút các ion Na+ trong cơ thể không hợp lý.

Theo PGS.TS Trần Đáng, cơ thể chúng ta ít khi bị thiếu muối mặc dù luôn có hiện tượng natri bị thải ra ngoài theo đường tiêu hoá, nước tiểu và mồ hôi.

Có nhiều trường hợp thiếu natri như: làm việc nặng trong thời gian lâu dưới trời nắng hoặc ở nơi nóng, người bị mất nước do nôn, ói, bị tiêu chảy lâu ngày, người bị bệnh thận…

Ăn muối thế nào cho đúng?

Theo PGS.TS Trần Đáng, không nên chỉ định một cách máy móc chế độ ăn nhạt cho người già, kể cả trường hợp những người có chỉ số huyết áp cao. Nên coi việc có huyết áp hơi cao ở người già là điều bình thường. Việc ăn quá nhạt đối với người già sẽ có ảnh hưởng không tốt tới hệ thần kinh, gây nhạt miệng, chán ăn, dẫn tới sụt cân và suy dinh dưỡng. Bởi ngoài vai trò hút nước và giữ nước, dung hòa các chất để giữ cho pH của máu không đổi, ion Na+ còn tham gia vào việc truyền các thông tin nhận được từ não và hệ thần kinh, ra lệnh cho các cơ co hoặc duỗi.

ThS Hoàng Khánh Toàn nhấn mạnh muối là một loại gia vị đặc biệt, rất cần thiết cho mọi hoạt động của cơ thể con người. Tuy nhiên, việc dùng muối như thế nào để có lợi nhất cho sức khỏe cũng có khá nhiều quan điểm khác nhau tùy theo vùng miền, chủng tộc, giới tính, tuổi tác, nghề nghiệp, thói quen, tính chất bệnh lý…

Muối có lẽ là chất mà loài người không thể thiếu trong thức ăn hằng ngày, thậm chí đối với nhiều người, có thể thiếu thịt chứ không thể thiếu muối trong bữa ăn. Lượng muối bình quân cần thiết cho cơ thể dao động từ 4-10 gam muối/ngày, trong đó thành phần muối có sẵn trong các thức ăn thiên nhiên chiếm khoảng 3%, số còn lại được bổ sung trong quá trình chế biến thực phẩm.

Theo chuyên gia dinh dưỡng của Viện Dinh dưỡng quốc gia, người bình thường không bị tăng huyết áp, không bị thừa cân, không mắc các bệnh phải kiêng mặn chỉ nên ăn từ 6-8 gam muối một ngày (bao gồm cả muối ăn, nước mắm, bột canh…).