23/01/2025

Hỗ trợ tiền trực tiếp không phải cách để người Việt thoát nghèo

Đó là nhìn nhận của các chuyên gia nước ngoài, về việc hỗ trợ cho người nghèo VN thoát nghèo, khi Chính phủ bãi bỏ chính sách hỗ trợ tiền trực tiếp cho người dân thuộc hộ nghèo ở vùng khó khăn.

 

Hỗ trợ tiền trực tiếp không phải cách để người Việt thoát nghèo

Đó là nhìn nhận của các chuyên gia nước ngoài, về việc hỗ trợ cho người nghèo VN thoát nghèo, khi Chính phủ bãi bỏ chính sách hỗ trợ tiền trực tiếp cho người dân thuộc hộ nghèo ở vùng khó khăn.


Hỗ trợ tiền trực tiếp không phải cách để người Việt thoát nghèo - Ảnh 1.

Ngôi nhà chưa đủ che chắn nắng mưa của một gia đình ở xã Vĩnh Xuân, huyện Trà Ôn (Vĩnh Long) – Ảnh: LINH THOẠI

 

Nếu lớp tập huấn nghề dựa trên nhu cầu, thực tiễn và kết nối được với thị trường như các nhà máy, công ty cần lao động có tay nghề, chắc chắn mọi người sẽ muốn tham gia học. Họ học nghề để hăng hái đi câu, thay vì ngồi chờ “con cá” – ẩn dụ của sự hỗ trợ mang tính từ thiện và ngắn hạn.

Ông Jon Ragne Bolstad

Ông Jon Ragne Bolstad (giám đốc quốc gia của Tổ chức Liên minh Na Uy tại Việt Nam – NMA-V):

Tín dụng vi mô có tác dụng tốt

Hỗ trợ tiền trực tiếp không phải cách để người Việt thoát nghèo - Ảnh 3.

Tổ chức NMA-V đã làm việc ở Việt Nam được hơn 20 năm. Chúng tôi hiểu người nghèo cần cả hai thứ: kỹ năng và tài chính để thoát nghèo. 

 

Có những trường hợp tiền mặt có tác dụng rất tích cực (trong những tình huống khẩn cấp như sau bão lụt, tai nạn, bệnh đột ngột…), nhưng trong đa số trường hợp, các biện pháp can thiệp khác có hiệu quả hơn.

 

Chúng ta có thể phân tích từ ví dụ về mô hình tín dụng vi mô dành cho người nghèo. Tín dụng vi mô là các khoản vay rất nhỏ cho những người vay nghèo khó, không biết chữ, hay thiếu tài sản thế chấp, không có việc làm ổn định. 

Tín dụng vi mô có tác dụng tốt vì nhiều lý do mà chúng tôi quan sát được từ chính hoạt động của chúng tôi với 44.000 khách hàng ở đồng bằng sông Cửu Long.

Một trong những lý do đó là vì những người tham gia chương trình không phải là “người hưởng lợi” mà là những “khách hàng”. Quan điểm này rất quan trọng vì người nghèo được nhận sự hỗ trợ với phẩm giá. 

Một lý do khác là khi họ trả lại tiền (99% những khách hàng có thu nhập thấp vay tiền của chúng tôi trả lại khoản vay), chúng tôi dùng tiền đó giúp đỡ những người khác trong một vòng vốn mới. 

Tuy nhiên, việc tiếp cận vốn phải được kết hợp với việc tập huấn về tài chính và thực hành để vốn vay sẽ được đầu tư vào những hoạt động có thể mang lại thu nhập. Chúng tôi luôn kết hợp việc cho vay với các hoạt động theo dõi và hỗ trợ sau đó.

Có một số ý kiến cho rằng đưa tiền trực tiếp cho người nghèo là không nên vì nó như “gió vào nhà trống”, khiến họ ỷ lại, trông chờ…, nhưng theo kinh nghiệm của tôi, người nghèo hiếm khi có thời gian để lười biếng. 

Trong nhiều trường hợp, họ là những người làm việc chăm chỉ và cố gắng hết sức có thể để cải thiện cuộc sống cho mình và gia đình. Tuy nhiên, vì những thách thức và rào cản trong xã hội mà họ không có được những cơ hội và kỹ năng mà những người không nghèo trong xã hội có được.

Tôi đã thấy rất nhiều trường hợp thoát nghèo thành công từ sự hỗ trợ của cộng đồng.

Tôi đã đến thăm nhiều khách hàng trong chương trình tín dụng vi mô của chúng tôi. Họ đã sử dụng khoản vay để kinh doanh hoặc mở rộng sinh kế của mình. Họ tạo ra thu nhập để có thể trả lại khoản vay và đồng thời có cuộc sống tốt hơn. 

Bên cạnh chương trình tín dụng vi mô, rất nhiều chương trình đào tạo của chúng tôi đã mang lại kết quả tốt. Chẳng hạn, năm ngoái chúng tôi đã thành công trong việc đào tạo nghề thiết kế cho nhiều người khuyết tật. Đa số họ hiện nay đều có được công việc với mức lương lên đến 5 triệu đồng/tháng.

Tuy nhiên, để những lớp đào tạo nghề được thành công, điều quan trọng là khóa tập huấn phải thực tiễn và dựa trên nhu cầu của những người nghèo mà tổ chức của chúng ta muốn hướng đến. 

Nếu khóa tập huấn chỉ được đánh giá bởi “số người tham dự” thì ban tổ chức phải đối mặt với rủi ro rất lớn vì họ sẽ thu hút những người không có nhu cầu đến ngồi tham dự để lớp học đông đủ.

Ông Shyam Paudel (người Nepal, cán bộ Liên Hiệp Quốc tại Đông Timor):

Hỗ trợ tiền trực tiếp không phải cách làm bền vững

Hỗ trợ tiền trực tiếp không phải cách để người Việt thoát nghèo - Ảnh 4.

 

Tôi từng làm việc ở Việt Nam nên hiểu số tiền 80.000-100.000 đồng mà Nhà nước hỗ trợ cho một người nghèo trong một năm là số tiền rất nhỏ và không giúp được gì nhiều trong việc giảm nghèo đói. Nhiều người thậm chí có thể xài hết số tiền đó chỉ trong một ngày. 

Tuy nhiên, với Chính phủ khi chi cho nhiều người, đó có thể là một số tiền lớn, trong khi đây không phải là cách làm bền vững.

Có một số ít ý kiến không ủng hộ việc đưa tiền trực tiếp cho người nghèo. Tôi cũng hoàn toàn đồng ý không nên đưa tiền trực tiếp cho người nghèo, nếu chỉ hỗ trợ tiền mà không đồng hành cùng người nghèo, trong những kế hoạch khả thi giúp tạo ra thu nhập từ số tiền đó. 

Tuy nhiên, những biện pháp tiếp cận khác như các chương trình cho vay lãi suất thấp hoặc chương trình tín dụng nhỏ không lãi suất lại là trường hợp khác vì mỗi người đi vay đều có kế hoạch sử dụng vốn vay cho những sáng kiến của họ và đầu tư vào những thứ có thể mang lại thu nhập.

Tín dụng nhỏ giúp những người nông dân hay phụ nữ nghèo có điều kiện đầu tư vào vườn tược, đồng ruộng để tạo ra thu nhập thay đổi cuộc sống của họ và gia đình. Đây là biện pháp được xem là tốt cho đôi bên – chính quyền và người dân.

Các mô hình như trợ cấp hay thưởng dựa trên năng suất nông nghiệp có thể là ví dụ tốt về các chương trình hỗ trợ có hiệu quả người dân ở vùng nông thôn. 

Tôi từng làm chương trình REDD+ ở Việt Nam (Giảm phát thải khí nhà kính thông qua nỗ lực hạn chế mất rừng và suy thoái rừng) và chúng tôi chi trả cho người dân vì nỗ lực quản lý tài nguyên tốt hơn của họ. 

Chính phủ cũng nên phát triển về mặt hạ tầng như làm đường, xây chợ, khuyến khích phát triển công nghiệp địa phương để tạo dòng tiền về các vùng nông thôn và tạo việc làm cho người dân…