23/01/2025

Long Sơn nếp xưa Nam bộ

Cách TP.HCM chỉ vài chục cây số, nơi đó đàn ông, đàn bà tới tuổi trung niên mặc áo bà ba đen, búi tóc củ tỏi. Họ vẫn chụm củi, đắp lò đất, duy trì lối sống tập thể như người Nam bộ hàng trăm năm trước.

 

Long Sơn nếp xưa Nam bộ

Cách TP.HCM chỉ vài chục cây số, nơi đó đàn ông, đàn bà tới tuổi trung niên mặc áo bà ba đen, búi tóc củ tỏi. Họ vẫn chụm củi, đắp lò đất, duy trì lối sống tập thể như người Nam bộ hàng trăm năm trước.

Bà Năm Tây (xới cơm) bếp trưởng nhà Lớn hàng chục năm nay /// Ảnh: Lam Ngọc

Bà Năm Tây (xới cơm) bếp trưởng nhà Lớn hàng chục năm nay

ẢNH: LAM NGỌC

 

Đó là xã đảo Long Sơn, dưới chân núi Nứa (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu). Đến Long Sơn vào buổi sáng sớm chúng tôi bắt gặp nhiều người chân trần thủng thẳng rảo bước trong bộ bà ba đen, tóc búi củ tỏi gọn gàng sau đầu. Cảnh vật ở đây khá bình yên, nhiều ngôi nhà gỗ với bờ rào là những hàng cây được cắt tỉa gọn gàng. Dừng lại một tiệm vé số ven đường, chúng tôi được cụ Quang Trạng Rạng (78 tuổi, người xã Long Sơn) hướng dẫn: “Cứ đi theo ông già búi tóc, mặc đồ đen phía trước là tới nhà Lớn. Ông ấy đang trên đường tới nhà Lớn vì hôm nay tới phiên ông ấy trực”.

Trực phiên…không lương

Hầu hết người dân ở đây đều dành toàn bộ thời gian rảnh để làm việc tập thể tại nhà Lớn (được ông Trần xây dựng từ năm 1910 – 1929 theo kiểu đình làng cổ của người Việt xưa). Theo phân công, trai – gái từ 18 tuổi trở đi sẽ bắt đầu trực ở nhà Lớn.

Phiên trực của những người đàn ông thường kéo dài ba ngày đêm, 5 – 10 người/phiên, trực đủ 365 ngày trong năm. Một ngày hai lần họ có trách nhiệm lo hương hỏa, đồ cúng cho hơn 200 bàn thờ (một bàn thờ dành cho Bác Hồ, một dành cho ông Trần số còn lại là bàn thờ của trăm họ). Suốt thời gian này những người đàn ông không rời nhà Lớn nửa bước. Phụ nữ trong xã chia làm hai nhóm, một phục vụ ở nhà khách, một phụ trách nhà bếp. Họ thường có mặt ba ngày/tuần để làm việc cùng nhau.

Không có một lịch phân công cụ thể nào, phiên trực được bà con Long Sơn tự phân chia bằng miệng và họ luôn tuân thủ. Khi ai đó bận sẽ tự tìm người đổi lịch để không làm ảnh hưởng tới công việc chung. Đặc biệt: “Việc trực phiên này không có một đồng lương hay phụ cấp nào”, ông Rạng chia sẻ.

Ngày nay khi bếp ga, nồi cơm điện đã quá thông dụng, người dân ở đây phần nhiều vẫn nấu bằng bếp củi, nồi gang đúc. Để có củi nấu, quanh năm chị em Long Sơn thường đi xin củi ở khắp nơi. “Thấy ai gọi cho củi là chị em mang dao, cưa, dây thừng đi xin rồi thuê xe chở về nhà Lớn để nấu dần. Tiền thuê xe người có nhiều góp nhiều, không ai nạnh ai”, chị Trần Thị Nguyệt cho hay.

Chúng tôi tới nhà Lớn vào ngày thường, không vào cuối tuần hay dịp lễ nhưng không khí ở đây vẫn tấp nập. 4 giờ sáng, bên lò than rực hồng bà Năm Tây (77 tuổi, người dân Long Sơn) cho hay: “Hôm nay chị em tập trung làm tương, mứt chuối để dành đãi khách phương xa. Nguyên liệu để làm những món này do nhà Lớn mua, chị em chúng tôi góp sức làm”.

Hôm đó, hầu hết chị em trong xã đều có mặt, ngồi chật cả chục gian bếp nhưng phân công việc khoa học nên mọi người ai làm việc nấy rất nhịp nhàng. Đậu nành được đãi sạch vỏ, đường muối dọn ra ngăn nắp. Nội trong một ngày mà hàng trăm hũ tương, mứt chuối được làm khéo léo. Trong lúc những người khác làm mứt, làm tương thì hơn chục người đàn bà trong phiên trực nhanh tay gọt củ cải, xắt khổ qua, bầu, bí để nấu. Đồ ăn này dành cho những người ở phương xa tới thăm nhà Lớn và một số bà con trong xã có hoàn cảnh khó khăn cần được ăn cơm miễn phí.

Long Sơn nếp xưa Nam bộ - ảnh 1

Bà Năm (cháu dâu của ông Trần) hằng ngày phụ khu nhà bếp lấy củi nấu nướng

 

Đạo Ông Trần

Ông Trần tên thật là Lê Văn Mưu, sinh năm 1865 tại làng Thiện Khánh, tổng Hà Thành, Q.Giang Thành, tỉnh Hà Tiên (nay là Kiên Giang). Ông là người khai mở vùng đất Long Sơn cũng là người xây dựng và duy trì lối sống tu thân tích đức từ đầu thế kỷ 20 đến nay.

Gọi là “ông Trần” vì vị tiên hiền này có thói quen đi chân trần, để đầu trần, suốt ngày lao động, phong thái chân chất như một người nông dân bình thường. Ông Trần thường mặc đồ bà ba đen để thuận tiện cho những công việc lao động nặng nhọc hằng ngày. Người dân thấy áo bà ba đen ít lấm bẩn, nên học theo cho tới giờ.

Hằng năm vào dịp tết quà mà phụ nữ Long Sơn háo hức chờ đợi từ nhà Lớn chỉ là những thước vải đen để may áo bà ba mặc hằng ngày, may áo dài mặc vào những dịp đặc biệt hay khi tiếp khách. Hơn 70 năm sống ở đây, dù con cái vẫn thường xuyên mua cho quần áo mới nhưng bà Năm Tây vẫn thích mặc bộ đồ bà ba đen, đi chân trần. Bà bảo: “Ở nhà cũng như lúc đi mần, tôi thích mặc áo bà ba đen vì màu đen sạch, hơn nữa nó nhắc tôi nhớ mình là người Long Sơn”.

Đạo Ông Trần là “bất tự vi thư” (không có kinh kệ, văn bản), luôn đề cao nhân – lễ -nghĩa – trí – tín, đặt trung hiếu làm kim chỉ nam trong cuộc sống. Những câu chuyện về việc ông Trần khai hoang mở đất, xây dựng nhà cửa, xây chợ, trường học được kể đi kể lại từ đời này qua đời khác. Người dân ở đây luôn ghi nhớ việc ông Trần cắt đất, cắt ruộng cấp cho người mới đến, mời thầy giáo từ Bà Rịa về Long Sơn để dạy chữ nghĩa, kêu gọi mọi người cùng lao động, giúp đỡ lẫn nhau. Anh Quàng Trọng Sang, 34 tuổi, chia sẻ: “Mỗi việc ông làm là một câu chuyện dài, gần 20 năm trực phiên tôi đã được nghe không biết bao nhiêu câu chuyện như thế để rồi khi có con cái tôi lại dạy để chúng noi gương, sống tốt như ông lúc sinh thời”.

Dù nhà không khá giả gì nhưng chị Trần Ngọc Vui vẫn luôn sốt sắng với công việc chung và có mặt ngay khi nhà Lớn cần. Dẫn chúng tôi đi thăm một số nhà trong xã, chị Vui cho biết: “Khi còn sống ông luôn dạy mỗi người cách sống, cách suy nghĩ lương thiện, không tư lợi. Dù không biết mặt ông nhưng tôi và hàng ngàn người dân vẫn nằm lòng những lời răn dạy đó để sống đùm bọc lẫn nhau, người mạnh giúp kẻ yếu”.

Hiện nay, toàn bộ khuôn viên nhà Lớn về hình thức là do bà Lê Thị Kiềm (cháu đời thứ 4 của ông Trần) thừa kế nhưng là thừa kế để bảo tồn, tu bổ lấy đó làm nơi sinh hoạt chung, truyền dạy đạo nghĩa, duy trì nền nếp của bà con. Tuyệt nhiên không có chuyện tư túi. Mọi khoản chi tiêu đều công khai và thông qua các vị bô lão.