Dành nhiều thời gian trong quán xá, được và mất gì?
Nghĩ cũng lạ! Nhiều người làm việc gì cũng coi ngày lành, tháng tốt, giờ đẹp nhưng lại dùng thời gian hết sức hoang phí, tuỳ hứng. “Chém gió”, tán gẫu, nhậu lai rai không tiếc thời gian nhưng làm thêm ngày, thêm giờ thì đồng thanh phản đối.
Dành nhiều thời gian trong quán xá, được và mất gì?
Nghĩ cũng lạ! Nhiều người làm việc gì cũng coi ngày lành, tháng tốt, giờ đẹp nhưng lại dùng thời gian hết sức hoang phí, tuỳ hứng. “Chém gió”, tán gẫu, nhậu lai rai không tiếc thời gian nhưng làm thêm ngày, thêm giờ thì đồng thanh phản đối.
Nhiều khi vào quán cà phê hàng giờ để… lướt mạng (ảnh chụp một quán cà phê trên đường Phạm Ngọc Thạch, Q.3, TP.HCM) – Ảnh: TỰ TRUNG
Anh chị ấy có hai con đang độ tuổi teen, họ vẫn ở với ông bà trong một căn nhà bốn thế hệ cùng chung sống. Gia đình ấy gần 20 người với bốn gia đình nhỏ, những người lớn U-50 có con cái đã lớn đều không hề có ý định ra riêng.
Cuối tuần, người lớn hẹn hò bè bạn ra quán cà phê tán dóc đến gần 11h. Trẻ con đứa ôm điện thoại di động ở nhà, đứa vào tiệm net giết thời gian. “Nghỉ hè mà, cho tụi nhỏ thoải mái!”. Thật ra nghỉ hè hay còn trong năm học thì thằng bé nhà này cũng thường xuyên ra tiệm chơi game.
Đã lâu không có dịp gặp anh chị. Một sáng cuối tuần ngồi với nhau, lại nghe anh “chém” về dự định thay dàn âm thanh karaoke xịn hơn, định mua tivi mới, cũng sẽ đổi xe máy cho chị luôn, lần này chị chọn xe SH…
Chục năm, chị đổi xe 4 lần, lần nào cũng đổi sang loại xịn hơn. Thu nhập của anh chị cũng không cao, dư chút đỉnh thì mua sắm. Lúc nào anh chị cũng có vẻ sành điệu, thong dong. Anh nói không ngừng về dự định mua ôtô, về giá cả các mặt hàng thời thượng. Có khi anh chị cũng nói về việc bán căn nhà chung để chia tiền cho các anh chị em.
Chưa bao giờ nghe anh chị nói về dự định mua một miếng đất hay một căn hộ để ra riêng, cho con cái được ở nhà riêng của ba mẹ mình. Rồi thật sự ngán ngẩm khi anh nói: “Nay cà phê sáng, bữa tối nào em mời ăn tối nha, anh em lâu ngày không ngồi lai rai cũng chán!”.
Tôi thầm nghĩ: sẽ mất bao nhiêu thời gian và tiền bạc cho những cuộc gặp mặt kiểu này? Nhìn quanh thấy rất nhiều người cũng thế. Quán cà phê nào cũng có nhiều khách ruột, ghé thường xuyên, không chỉ ngày cuối tuần.
Người ra quán làm việc, bàn chuyện làm ăn có vẻ ít hơn người nói chuyện phiếm. Những người hay đọc báo, lướt web thì bàn cãi đủ chuyện: từ chuyện thuế đến bóng đá, từ chuyện giao thông đi lại đến chuyện kiều nữ – đại gia… Chuyện gì họ cũng nói y như “rành sáu câu”!
Ở quán nhậu mỗi chiều còn xôm tụ, ồn ào hơn. Ngồi với nhau từ chiều đến hơn 10h đêm là chuyện bình thường. Nói nhau nghe rồi tranh luận, thậm chí cãi nhau về đủ chuyện trên đời. Ở nông thôn thì có thể lai rai từ sáng tới chiều.
Ai cũng thấy dân mình tiêu phí quá nhiều thời gian cho những tiệc nhậu, la cà quán cà phê hoặc ôm điện thoại lướt “phây”. Trên “phây” cũng rộn ràng và căng thẳng không kém. Người ta bàn cãi đủ thứ, đủ kiểu, đủ các loại ngôn ngữ, từ các vấn đề văn hoá giải trí, dân sinh đến chính trị.
Ở đó, những ý kiến đóng góp xây dựng xã hội thì ít, chửi và mỉa thì tràn ngập, cãi xong rồi vẫn không có lối ra…
“Chém gió” thì không ai chịu thua ai! Nhưng tôi thấy trong số những người “chém gió phần phật” ấy quá nhiều người sống an phận, cứ đủng đỉnh sống, đời tới đâu sống tới đó. Họ thờ ơ, phung phí thời gian, cơ hội để có thể làm nhiều hơn nói, để sống tốt hơn mỗi ngày.
Giống như kiểu khi chạy xe ngoài đường người ta phóng ào ào, vượt đèn đỏ, giành nhau từng chút trên đường, vội vàng bất chấp nguy hiểm… cứ như đang tranh thủ từng phút, nhưng khi vào quán xá lại thành ra hết sức rảnh rang, quên hết ngày giờ.
Và cách tiêu phí thời gian vào quán xá cũng là nguyên nhân giảm thu nhập, giảm tích lũy cho gia đình, cho xã hội. Sống để làm gương cho con còn là chuyện xa xôi hơn.
Tất nhiên có khi người ta vào quán vì công việc, vì những cuộc gặp gỡ, hội ngộ ở đời. Ai cũng có thể ngồi nhiều giờ ở hàng quán.
Nhưng thử nghĩ coi: mỗi người đã bỏ phí bao nhiêu thời gian cho thói quen lê la hàng quán, mỗi gia đình bỏ phí bao nhiêu thời gian cho nhau, xã hội mất bao nhiêu ngày giờ lao động?
Ước muốn sung túc có thành hiện thực hay không có lẽ bắt đầu từ việc mỗi người sử dụng thời gian của mình.
Sử dụng thời gian mỗi ngày vào việc gì là sự chọn lựa của mỗi người. Khác nhau ở chỗ chúng ta chia thời gian của mình vào việc gì, bao nhiêu là đủ? Tôi nghĩ ai đang sống trong đủ đầy, hạnh phúc hay còn vất vả, khó khăn cũng cần tự hỏi mình đã biết tiết kiệm thời gian chưa?