Đó là cầu Tân Phong, bắc qua sông Đáy, trên địa bàn xã Mỹ Tân (H.Mỹ Lộc, Nam Định). Cầu có tổng đầu tư là 463,1 tỉ đồng, được thi công chỉ trong 6 tháng, từ tháng 6 – 12.2015, giảm so với thời hạn thi công đề ra tới 6 tháng. Theo phản ánh của người dân, ngay sau khi hết bảo hành vào cuối năm 2017, cây cầu này đã xảy ra sụt lún, thấm dột.
Bê tông vỡ vụn như tấm xốp
Ngày 9.6, có mặt tại cầu Tân Phong, PV ghi nhận đơn vị quản lý cầu là Công ty CP quản lý cầu đường bộ Nam Định đã xử lý các hố sụt lún mà người dân phát hiện vài ngày trước bằng cách đào toàn bộ khu vực mố cầu dài hơn 1 m và đổ bê tông lấp kín. Tuy nhiên, địa điểm này đã có hiện tượng co ngót, rạn nứt. Trưa 9.6, khu vực này có mưa rào và nước vẫn thấm qua lớp bê tông vừa đổ, chảy thành dòng ở mặt dưới thân cầu.
Phần bê tông vừa đổ đã bị nứt vỡ
|
Trước đó, tối 6.6, một số người dân tập thể dục trên cầu phát hiện tại vị trí khớp nối giữa đường dẫn (từ QL10) với thân cầu có 1 hố sụt lún khoảng 50 x 30 cm, sâu gần 40 cm. Phản ánh với PV Thanh Niên, ông Trần Văn Sơn (ngụ xã Mỹ Tân) cho biết có thể dùng tay bẻ từng miếng mặt đường và lớp bê tông bên dưới gãy vụn như tấm xốp. Đáng chú ý, dưới các hố sụt lún, thân cầu có biểu hiện “rỗng ruột” vì có thể dùng tay không bốc lên từng vốc cát, đá từ lỗ sụt lún.
Theo ông Sơn và những người dân ở ven cầu, từ đầu năm 2018 tới nay, các lỗ sụt lún trên cầu thường xuyên xuất hiện, thường ở vị trí mố cầu và đơn vị duy tu phải nhiều lần đổ bê tông để hàn vá. Ông Ngô Mạnh Chiến, nhân viên tuần đường Hạt 21B – đơn vị được Công ty CP quản lý và xây dựng cầu đường Nam Định giao quản lý, duy tu công trình cầu Tân Phong, cho biết từ khi phát hiện có điểm sụt lún, đơn vị này đã chuẩn bị sẵn cát đá để đổ lấp hố. “Nhưng cứ đổ đến đâu, cát, đá lại sụt xuống đến đấy. Có thể do cốt bên trong đã bị rỗng nên xảy ra tình trạng này”, ông Chiến nói.
Theo Sở GTVT tỉnh Nam Định, cầu Tân Phong khánh thành ngày 9.1.2016, đến hết năm 2017 thì hết hạn bảo hành. Vì vậy, khi phát hiện các điểm sụt lún, sở này đã chỉ đạo đơn vị được giao duy tu cầu là Công ty CP quản lý cầu đường bộ Nam Định khắc phục sự cố như kể trên.
Lún sụt bình thường?
Cầu Tân Phong do Bộ GTVT là chủ đầu tư, giao cho Ban Quản lý Dự án 6 làm đại diện chủ đầu tư. Trao đổi với PV Thanh Niên chiều 9.6, ông Phạm Ngọc Biên, Phó tổng giám đốc Ban Quản lý dự án 6 (Bộ GTVT), cho biết trong ngày 8.6 đã cùng Sở GTVT Nam Định kiểm tra hiện trạng cầu. “Theo đánh giá của chúng tôi, hiện tượng sụt lún ở các công trình giao thông là bình thường. Cầu Tân Phong cũng vậy, bởi điểm kết nối giữa đường dẫn lên mố cầu bị rỗng do rơi cốt liệu dẫn đến đường bị lún, sụt”, ông Biên nói và cho biết đơn vị quản lý công trình là Sở GTVT đã có biện pháp khắc phục bằng cách đào bung các điểm lún sụt, đổ bê tông vào các lỗ rỗng và trải thảm lại mặt cầu. Theo ông Biên, trong thi công cầu đường, giữa đường và mố cầu thường có hiện tượng vênh nhau nhưng không ảnh hưởng đến an toàn của cầu cũng như người lưu thông trên đường.
Lý giải về việc bê tông và mặt nhựa tại các điểm lún sụt “dễ dàng dùng tay bẻ vụn” như người dân phản ánh, ông Biên cho rằng hiện tượng lún sụt này đã xảy ra từ trước đây và được đơn vị quản lý xử lý bằng cách đổ bê tông nghèo vào các điểm rơi cốt liệu để đảm bảo an toàn, nên có thể người dân nghĩ rằng các đơn vị thi công “ăn bớt” vật liệu. Ông Biên cũng thừa nhận việc đổ bê tông nghèo là những giải pháp “không phải là căn cơ”. “Tuy nhiên, đơn vị quản lý đã khắc phục bằng việc đổ bê tông và trải lại thảm nhựa thì chắc chắn sẽ không có hiện tượng dùng tay bẻ một cách dễ dàng”, ông Biên khẳng định.
Trong khi đó, TS Phạm Sanh, chuyên gia ngành giao thông tại TP.HCM, cho rằng cách giải thích và khắc phục của các bên liên quan đối với cầu Tân Phong chưa thuyết phục. “Một cây cầu có giá trị gần 500 tỉ đồng và có tới 6 đơn vị thi công, tiến độ trong 6 tháng, mà xảy ra sự cố thì chắc là có vấn đề liên quan đến thi công ẩu và cách khắc phục hậu quả cũng rất ẩu”, ông Sanh thẳng thắn.
Theo chuyên gia này, đường dẫn vào cầu luôn phải đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật về thiết kế, về đầm, dựa trên kết quả khảo sát thiết kế từ trước đó thì mới không xảy ra hiện tượng lún sụt. “Đối với nhà thầu khi thi công thấy rằng cốt liệu bên trong bị trôi, rớt thì phải báo lại đơn vị thiết kế khảo sát liệu bên dưới có phải là túi bùn hay không? Thứ hai, có thể do khi thi công, đắp, lu lèn không đảm bảo nên phần nền không cứng, xe đi qua phá vỡ kết cấu dẫn đến lún sụt”, TS Sanh phân tích.
“Lẽ ra thi công, nếu phát hiện hiện tượng trôi cốt liệu thì phải báo thiết kế, giám sát xác nhận chỗ này như thế nào rồi đưa ra giải pháp khắc phục, thậm chí phải khảo sát lại. Còn biết như thế mà vẫn thi công, vẫn đổ bê tông nghèo vào đó là không đảm bảo chất lượng, không đúng pháp luật. Và hiện tại, các đơn vị khắc phục theo kiểu đổ bê tông vào theo kiểu vá víu như thế cũng không đảm bảo chất lượng cũng như quy định pháp luật”, TS Phạm Sanh nhận định.
Nhà thầu không còn liên quan!
Cầu Tân Phong gồm vốn đầu tư ODA của chính phủ Nhật Bản và vốn đối ứng của Chính phủ VN. Đơn vị thi công là 6 nhà thầu: Công ty CP phát triển và thương mại Thuận An, Công ty CP cầu 11 Thăng Long, Tổng công ty Thăng Long, Công ty CP cầu 14, Tổng công ty xây dựng công trình giao thông 4 và Công ty CP Tasco. Trong đó, đơn vị thi công hạng mục bị sụt lún là Công ty CP phát triển và thương mại Thuận An.
Về hiện tượng sụt lún tại cầu Tân Phong, ông Phạm Ngọc Biên cho rằng do cầu Tân Phong đã hết bảo hành, việc khắc phục và chi phí sẽ thuộc về trách nhiệm của đơn vị khai thác, tức là Sở GTVT, còn nhà thầu không còn liên quan.
|
VĂN ĐÔNG – THÁI SƠN