08/01/2025

Khó xử lý tệ nạn biến tướng tại cơ sở kinh doanh dịch vụ nhạy cảm

Sau đợt kiểm tra các cơ sở kinh doanh dịch vụ nhạy cảm tại TP.HCM theo phản ánh của báo chí mới đây, lực lượng chức năng cho biết gặp rất nhiều khó khăn trong xử lý.

 

Khó xử lý tệ nạn biến tướng tại cơ sở kinh doanh dịch vụ nhạy cảm

 Sau đợt kiểm tra các cơ sở kinh doanh dịch vụ nhạy cảm tại TP.HCM theo phản ánh của báo chí mới đây, lực lượng chức năng cho biết gặp rất nhiều khó khăn trong xử lý.
 

 

 

Khó xử lý tệ nạn biến tướng tại cơ sở kinh doanh dịch vụ nhạy cảm - Ảnh 1.

Công an lập biên bản vi phạm tại một nhà hàng kinh doanh karaoke ở quận 1, TP.HCM ngày 11-5 – Ảnh: CA

Theo một thành viên đoàn kiểm tra, các cơ sở kinh doanh này có vô vàn chiêu thức đối phó khi bị kiểm tra.

Cảnh giới từ xa

Có cơ sở thuê mướn người theo dõi, đeo bám lực lượng kiểm tra để báo các cơ sở kinh doanh lộ trình di chuyển. Có cơ sở xin nhiều giấy phép kinh doanh tại một địa điểm, nhân viên cảnh giới từ xa. 

Có cơ sở sử dụng chuông báo động và công tắc tại quầy lễ tân, khi lực lượng chức năng kiểm tra sẽ nhấn chuông và tắt công tắc thì hệ thống karaoke trên các phòng sẽ tắt hoặc chuyển qua phát nhạc.

 

Công tác thu thập chứng cứ cũng gặp nhiều khó khăn vì lực lượng kiểm tra liên ngành văn hóa – xã hội nếu gặp phải sự chống đối của cơ sở thì phải nhờ công an phường tới hỗ trợ. 

“Lực lượng công an có chức năng trinh sát, sử dụng cộng tác viên bí mật, trấn áp tội phạm… mới đủ khả năng bắt và xử lý quả tang. Còn đoàn kiểm tra liên ngành chỉ kiểm tra hành chính, khó bắt quả tang các hành vi thác loạn” – một thành viên cho biết.

Bất cập trong xử lý

Sau đợt kiểm tra, UBND TP.HCM đã chỉ ra những bất cập trong xử lý các hành vi vi phạm. Theo điều 211 Luật doanh nghiệp 2014 thì không thể thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, không thể đóng cửa doanh nghiệp. 

Mặt khác, theo quy định của Bộ luật hình sự hiện hành, các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế không còn quy định tội kinh doanh trái phép như Bộ luật hình sự năm 1999, nên các cơ quan chức năng cũng không thể xử lý hình sự về tội kinh doanh trái phép đối với những cơ sở kinh doanh không có giấy phép. 

Do vậy, các cơ sở kinh doanh biến tướng vi phạm chỉ bị xử lý hành chính rồi tiếp tục hoạt động.

Ngoài ra, qua thực tế kiểm tra xử lý, TP.HCM cũng nhận định nhiều bất cập trong quy định. 

Chẳng hạn có những trường hợp cơ sở xông hơi xoa bóp tổ chức bán vé vào cửa cho toàn khách nam, tuy nhiên không có kỹ thuật viên xoa bóp mà để các khách nam… “xoa bóp” lẫn nhau.

Bên cạnh đó, nếu kiểm tra, phát hiện quả tang hành vi kích dục cho khách cũng rất khó lập biên bản và xử lý hành vi “sử dụng việc mua dâm, bán dâm và các hoạt động tình dục khác làm phương thức kinh doanh”. 

Bởi theo khoản 2, điều 25 nghị định số 167/2013, không thể chứng minh có sự ăn chia tiền boa giữa nữ nhân viên và chủ cơ sở kinh doanh vì nữ nhân viên luôn không thừa nhận có sự ăn chia tiền boa với chủ cơ sở.

Sẽ tăng cường quản lý

Từ thực tế đó, UBND TP.HCM giao Sở Tư pháp chủ trì tham mưu HĐND, UBND TP.HCM ban hành các quy định điều chỉnh riêng, mang tính đặc thù ở TP.HCM để tăng cường công tác quản lý. Dự kiến việc này được thực hiện trước ngày 30-8.

Ngoài ra, Sở Y tế cũng sẽ tham mưu về quản lý các cơ sở kinh doanh dịch vụ xông hơi, xoa bóp; kiến nghị quản lý shisha và sử dụng bóng cười tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ. Công an thì làm rõ các điều kiện cần thiết để khởi tố hình sự đối với các hành vi, vụ việc tương tự.

TP.HCM có 1.268 cơ sở kinh doanh các loại hình tiềm ẩn phức tạp về an ninh trật tự. Trong đó:

172 cơ sở kinh doanh vũ trường, bar, beer club, trong đó có 17 cơ sở không phép.

478 cơ sở kinh doanh karaoke, trong đó có 134 cơ sở không phép.

618 cơ sở kinh doanh thu âm trên nền nhạc, nhà hàng có tiếp viên nữ “biến tướng”.