Nấu bếp củi, ngủ ‘cá mòi’
Nằm gần cuối một con hẻm nhỏ hẹp trên đường Lương Ngọc Quyến, P.5, Q.Gò Vấp là căn nhà của bà Huỳnh Thị Tuyết (65 tuổi). Lúc chúng tôi đến thăm, bà Tuyết đang ngồi ở mép cửa thoăn thoắt cắt lột củ hành. Bên trong căn nhà chật cứng, hai đứa cháu của bà cùng một phụ nữ lớn tuổi cũng cắm mặt vào những rổ hành.
Bà Tuyết cho hay bà làm công việc này đã được 15 năm. Mỗi ngày bà nhận 15 – 20 kg hành (tiền công 3.000 – 4.000 đồng/kg). Chỉ vào người bạn đang phụ làm, bà Tuyết giới thiệu: “Chị này là dân kỳ cựu ở đây, sau gia đình chị bán nhà chuyển đến H.Củ Chi. Thỉnh thoảng chị nhớ xóm và nhớ… tui, nên về đây chơi”. Tận dụng các bức tường, bà treo những bao ni lông đựng mì gói, những dây dầu gội đầu và sữa tắm gói nhỏ… Bà giải thích: “Cửa hàng tạp hóa mi ni của tui đó! Thỉnh thoảng chị em trong xóm cũng ủng hộ, giúp tui kiếm thêm chút đỉnh phụ nuôi mấy đứa cháu ăn học”.
Bà Tuyết quê ở Châu Đốc (An Giang), còn chồng thì gốc gác ở Sài Gòn. Hai người nên duyên chồng vợ tại vùng kinh tế mới thuộc H.Đức Huệ, tỉnh Long An. Từ năm 1982, bà theo chồng về lại khu vực ông từng sinh sống ở đường Lương Ngọc Quyến, P.5, Q.Gò Vấp. Sau khi chồng chết và gặp nhiều biến cố trong gia đình, bà phải bán nhà và dắt díu đàn con, cháu vào sâu bên trong, sống vạ vật bên bốn ngôi mộ. “Nơi này bây giờ nhà cửa san sát chứ trước nó là khu nghĩa địa tư nhân vắng vẻ. Thấy mẹ con tui ốm đau lay lắt, người ta thương tình cho bốc cốt thân nhân họ, để phần đất mồ mả đó giúp tụi tui có chỗ nương thân”, bà Tuyết hồi tưởng.
Do vị trí từng cặp mộ không liền kề nên ngôi nhà hiện hữu của bà Tuyết rất đặc biệt: Cùng một địa chỉ, nhưng hai “căn” nằm tách biệt, ở giữa là đường hẻm. Cả hai khoảnh đất có tổng diện tích khoảng 8 m2, vốn là nơi trú ngụ của bà Tuyết cùng 15 người con, cháu. Đại gia đình nhà bà thường ngủ trong cảnh “cá mòi xếp lớp”. Tình trạng này có giảm bớt sau khi vài người cháu trưởng thành, ra ngoài thuê nhà ở đi làm.
Góc bếp của bà Tuyết được che chắn khá kỹ, có gắn một đường ống dẫn khói. Nghe ai xây sửa nhà, bà tìm đến xin củi để dành nấu ăn, đun nước uống hằng ngày. Bà nói rằng nhà đông người, nấu gas thì chịu sao nổi chi phí! Người đàn bà quanh năm đầu tắt mặt tối này bộc bạch: “Nhiều lúc tui cũng ao ước có chỗ ở rộng rộng một chút, cho mấy đứa nhỏ đỡ thiệt thòi. Nhưng nhìn những người sống ngoài đường, không nhà cửa, mình thấy mình được vậy cũng còn may mắn”.
Tại một số “khu đất vàng” ở trung tâm TP.HCM, không ít hộ dân sống chen chúc trong những căn nhà “tí hon”. Căn nhà bà Trần Thị H. (ngụ trong một nhánh hẻm 245 Nguyễn Trãi, Q.1) có chiều ngang 1,5 m, chiều dài 5 m, là nơi ở của 12 người thuộc năm thế hệ (bà ngoại, mẹ, vợ chồng bà H., con, cháu). Theo bà H., tuy đã cơi nới thêm hai cái gác nhưng gia đình khi ngủ cũng phải nằm “khít khít, xếp lớp”. Tới bữa, mỗi người xúc một tô, đa phần có thói quen bưng ra ngoài hẻm ăn “cho mát”. Ước mơ đơn sơ có đủ chỗ ngồi cho các thành viên trong nhà quây quần bên mâm cơm từ lâu đã trở thành điều xa xỉ…
Căn nhà có diện tích 7,5 m2 của một gia đình 12 người ở P.Nguyễn Cư Trinh, Q.1
|
Sát bên những toà cao ốc trên đường Nguyễn Du (P.Bến Thành, Q.1) là con hẻm số 115 chật chội, nhếch nhác đến không ngờ. Trong đó, có nhiều hộ dân (đặc biệt là 10 hộ phía đầu hẻm) sống ở những căn nhà chỉ chừng 5 – 7 m2. Do diện tích nhà quá nhỏ nên nhiều người dùng con hẻm làm nơi để xe máy, đồ đạc, phơi quần áo… Ngoài thời gian đi học, một số trẻ em rủ nhau chơi đùa trong hẻm. Tuy nhiên, những trò chơi hay bị gián đoạn bởi các em phải tránh xe qua lại khá thường xuyên.
Sống nương nhau, chết nhờ nhau
Đầu tháng 5.2018, anh N. (34 tuổi, số nhà 245/79/25 Nguyễn Trãi, P.Nguyễn Cư Trinh, Q.1) đột ngột qua đời. Mẹ anh, bà Nguyễn Thị Ri (74 tuổi, bị lãng tai) cũng như người vợ và ba đứa con nhỏ của anh không biết xoay xở thế nào.
Trước tình cảnh đó, hàng xóm và những người tốt bụng tự nguyện đứng ra lo liệu đám tang cho anh N. Căn nhà có bề ngang chưa đến 1,5 m, nên hầu như không còn lối ra vào sau khi đặt quan tài và bàn thờ. Vì vậy, các khâu hậu cần, bếp núc… nhà hàng xóm cũng tự giác đảm nhận luôn
Hầu hết các nhà trong hẻm 245/79 Nguyễn Trãi và những hẻm lân cận đều thuộc dạng siêu nhỏ, ken sát nhau. Sống cách nhà bà Ri vài căn, bà Hồng (50 tuổi, bán hàng ăn) cho hay khu này đa phần là dân lao động nghèo nhưng lối xóm sống tình nghĩa, nương tựa lẫn nhau. “Ví dụ hôm nay người ta nhờ mình, mai mốt mình có chuyện gì thì họ xúm vô giúp. Ai cũng vậy chứ không riêng cá nhân nào”, bà Hồng dẫn chứng.
Ở khu Mả Lạng này, một trong những hình ảnh thường thấy là hai hàng xe máy dựng hai bên hẻm, nhất là vào buổi tối. Một số người còn đưa bếp gas mini ra trước nhà nấu nướng… Thực tế trên khiến lối đi chung vốn đã hẹp càng trở nên chật hẹp hơn. Lý do phổ biến được đưa ra, đó là: Nhà nào cũng nhỏ xíu, không đủ chỗ để ở, lấy đâu ra chỗ để xe? Một phụ nữ ngoài 60 tuổi ở khu này còn khẳng định: “Sống ở đây mấy chục năm, tui chưa nghe ai để xe kiểu này bị mất trộm, kể cả trước khi khu phố lắp đặt camera. Chủ yếu là nhờ nhà này nhà kia dòm qua dòm lại”.
Vậy những lúc trong hẻm có đám tiệc, đám giỗ hay đám tang thì sao? Bà Hồng nói ngay: “Thì những người xung quanh tự động đem xe đi gửi chỗ khác, khi nào xong đám mới lấy xe về”.
“Đánh nhanh rút lẹ”
Sống chen chúc cùng với hơn 10 người trong căn nhà 7 m2 ở KP.8, P.Nguyễn Cư Trinh, Q.1, chị H.Th (36 tuổi) tâm sự: “Nhà đông người nhưng chỉ có một nhà vệ sinh, nên chuyện vệ sinh rất bất tiện. Mặt khác, những sinh hoạt riêng tư cũng cực kỳ khó xử. Nhiều khi vợ chồng tôi đành phải “nhịn” hoặc áp dụng chiến thuật đánh lén, đánh nhanh rút lẹ”…
|
NHƯ LỊCH