Nỗi lo… mắt ‘ốc nhồi’
Đôi mắt là “cửa sổ tâm hồn”. Bỗng một ngày “cửa sổ” ấy bị đơ, phình to như con “ốc nhồi” không sao nhắm lại được. Đây là một bệnh lý khá phổ biến khiến nhiều người ám ảnh.
Nỗi lo… mắt ‘ốc nhồi’
Đôi mắt là “cửa sổ tâm hồn”. Bỗng một ngày “cửa sổ” ấy bị đơ, phình to như con “ốc nhồi” không sao nhắm lại được. Đây là một bệnh lý khá phổ biến khiến nhiều người ám ảnh.
Bệnh bướu cổ lồi mắt tương đối phổ biến ở phụ nữ tuổi từ 40 đến 50. Trong ảnh: Một bệnh nhân được điều trị bệnh lồi mắt tại Bệnh viện Mắt TP.HCM – Ảnh: HOÀNG LỘC
Theo khuyến cáo của chuyên gia nhãn khoa, triệu chứng trên là dấu hiệu của bệnh bướu cổ lồi mắt (còn gọi là bệnh Basedow). Người gặp bệnh lý này cần phải được điều trị kịp thời, đúng cách, nếu không sẽ để lại biến chứng khó lường, thậm chí gây mù mắt.
Tim đập nhanh, chân run, sút cân
Kể với chúng tôi, chị N.T.L. (29 tuổi, ngụ Q.Thủ Đức, TP.HCM) cho biết sau khi sinh con được khoảng 6 tháng, không hiểu tại sao chị tụt một lúc 6kg, người luôn cảm thấy kiệt sức, kèm theo chứng nấc cụt liên tục.
Ngoài ra, nhà chị L. ở chung cư nên mỗi lúc đi thang máy là tai bị ù, tim đập nhanh, run tay chân và luôn có cảm giác hồi hộp như… đi thi. “Lúc đó mắt tôi vẫn chưa lồi như bây giờ. Tôi không hề nghĩ đó là bệnh nhưng mọi người làm cùng cơ quan thấy biểu hiện lạ nên giục tôi đi bệnh viện thăm khám điều trị” – chị L. kể.Kết quả khám lâm sàng và xét nghiệm máu tại Bệnh viện Mắt TP.HCM bác sĩ chẩn đoán chị L. bị bệnh bướu cổ lồi mắt. “Bác sĩ nói với tôi bệnh này nhiều người bị, chỉ có lồi mắt chứ không giảm thị lực. Nhưng thực tế tôi cảm thấy mắt rất đau, nhiều lúc không thấy gì cả cứ lo sợ bị mù” – chị L. lo lắng.
Quá hoang mang nên chị L. đi thêm nhiều bệnh viện thăm khám, điều trị nhưng cũng chỉ hết run, chứ mắt ngày càng lồi ra như con “ốc nhồi”. Ban ngày còn đỡ, đêm xuống là một cực hình với chị khi mắt cứ mở không sao đóng lại được, nước mắt cứ chảy ròng ròng. Theo chị L., do quá mệt mỏi nên khi có người bảo lăn trứng ấm ở mắt mỗi đêm 10 quả chị cũng làm theo nhưng về sau tốn kém, không hiệu quả nên chị tạm ngưng.
Tương tự, chị N.T.T. (40 tuổi, quê Tiền Giang) vừa được mổ mắt cho biết gần hai năm qua chị bị bệnh bướu cổ lồi mắt. “Lúc mới bị bệnh tôi thấy mệt mỏi, tim đập nhanh, tay run, giảm tới 4kg. Ngoài việc khó chịu cho mình, mọi người xung quanh cũng hết sức e ngại. Có thời gian tôi chẳng dám đi đâu vì mắt lồi to ai nhìn vào cũng thấy sợ, một số người còn chọc nhìn mắt tôi như… yêu quái” – chị T. kể.
Do phát hiện điều trị kịp thời nên đến nay mắt chị T. không lồi nhiều như trước. Sau khi điều trị chị ăn ngon trở lại và tăng cân lại như lúc trước.
Mù mắt nếu không điều trị sớm
Theo TS.BS Nguyễn Thanh Nam – trưởng khoa tạo hình thẩm mỹ Bệnh viện Mắt TP.HCM, với các triệu chứng mắt lồi kèm theo hồi hộp, nóng nảy, cáu gắt, tay chân run, mệt mỏi, mất ngủ và gầy đi… có thể khẳng định bệnh nhân bị bướu cổ lồi mắt. Bệnh này có nguyên nhân từ bướu cổ.
“Đây không phải là bệnh bướu cổ đơn thuần mà bướu cổ kèm triệu chứng cường giáp. Bệnh này phát triển nhanh hay chậm tùy theo cơ địa của mỗi người, nhưng nếu không được can thiệp kịp thời sẽ phát triển lên mắt làm mắt phình to rất khó chịu, mất thẩm mỹ” – TS.BS Nam nói.
TS.BS Nam cho rằng bệnh bướu cổ lồi mắt hiện nay tương đối phổ biến. Đối tượng của bệnh này chủ yếu ở phụ nữ từ 40 – 50 tuổi, thậm chí có nhiều trường hợp phụ nữ trong thời gian mang thai hoặc sau sinh. Đa số người bệnh thường chủ quan ít ý thức về bệnh lý này nên nhiều người đi điều trị khi bệnh chuyển qua giai đoạn tương đối nặng.
Để điều trị bệnh này, các bác sĩ cho khám nội tiết để phát hiện cường giáp, từ đó người bệnh được uống thuốc khống chế cường giáp. Tuy nhiên, việc khống chế này chỉ trong một giới hạn nhất định, có thể vẫn bị phát tán lên mắt gây lồi mắt.
“Nếu phát hiện và điều trị càng sớm thì nguy cơ lồi mắt ít hơn, còn để lâu quá mắt lồi chèn ép dây thần kinh có thể gây mù mắt hoặc khi mắt bị lồi nhiều quá nhắm không kín bụi bẩn bay vào gây viêm nhiễm giác mạc” – TS.BS Nam nhận định.
Và ngoài việc chỉ định nhỏ nước mắt nhân tạo để theo dõi, trường hợp nếu mắt lồi quá lớn bác sĩ phải tiến hành mổ giải áp hốc mắt khống chế độ lồi của mắt để không chèn ép dây thần kinh, mạch máu.
“Mổ giải áp hốc mắt là phương pháp mổ nhằm đánh sập sàn con mắt để tất cả các tổ chức về vị trí ban đầu. Phẫu thuật này tương đối phức tạp, chỉ thực hiện vào giai đoạn khi con mắt của bệnh nhân đã lồi quá mức” – TS.BS Nam khẳng định và nói về cơ bản điều trị bệnh bướu cổ lồi mắt không quá tốn kém tiền thuốc men nhưng bắt buộc người bệnh phải theo dõi suốt đời. Trong quá trình điều trị bệnh nhân phải tuân thủ đúng lịch tái khám để bác sĩ kiểm tra, đánh giá để có hướng xử lý kịp thời.
Theo ThS.BS Trần Thế Trung – giảng viên bộ môn nội tiết Đại học Y dược TP.HCM, cách điều trị bệnh Basedow – một bệnh của tuyến giáp gây ra bướu giáp và cường giáp – là dùng thuốc nhằm điều hòa sự bài tiết hormon của tuyến giáp về mức bình thường, đủ cho nhu cầu sống của cơ thể – không bị dư (nghĩa là cường giáp) cũng như không ở mức quá thấp (nghĩa là suy giáp).
Việc điều trị bằng thuốc uống kéo dài khoảng 1-2 năm, sau đó có thể ngưng thuốc nếu ổn định. Nếu bệnh không ổn định hoặc tái phát, người bệnh được chỉ định thêm biện pháp điều trị là uống chất iôt phóng xạ hoặc mổ cắt bớt tuyến giáp.
Trong thời gian đầu dùng thuốc trị bệnh, mắt thường lồi thêm trước khi ổn định và giảm bớt. Trường hợp lồi mắt nặng cần đi khám thêm chuyên khoa mắt để cùng phối hợp điều trị.
Bạn đọc có những bài viết, thắc mắc về sức khỏe người lớn, mẹ và bé, sức khoẻ sinh sản, giới tính, bệnh nam khoa, chữa trị hiếm muộn, dinh dưỡng, chấn thương… có thể gửi về email: [email protected]. Phòng mạch Online sẽ chọn lọc và giúp bạn giải đáp. Chân thành cám ơn.