Vì sao giới trẻ kiếm nhiều tiền nhưng vẫn “cháy túi” ?
Đi làm suốt nhiều năm với lương tháng có khi lên đến vài chục triệu đồng nhưng nhiều bạn trẻ không tích lũy được tiền do chi tiêu vào những thú vui như du lịch, mua sắm, giải trí…
Vì sao giới trẻ kiếm nhiều tiền nhưng vẫn “cháy túi” ?
Đi làm suốt nhiều năm với lương tháng có khi lên đến vài chục triệu đồng nhưng nhiều bạn trẻ không tích lũy được tiền do chi tiêu vào những thú vui như du lịch, mua sắm, giải trí…
Lê Mộc Miên ăn tết 2018 tại Sri Lanka ẢNH: M.M
Tiền “bay” theo những chuyến đi
Lê Mộc Miên, nhân viên truyền thông của Tập đoàn Navigos Group tại TP.HCM, tốt nghiệp năm 2011, đi làm được 7 năm với mức lương kha khá, nhưng có bao nhiêu tiền là lại “xách ba lô lên và đi”. Miên chủ yếu đi du lịch nước ngoài. Mỗi lần như vậy tốn ít nhất vài chục triệu đồng.
Miên kể: “Em đã thử qua vài chiêu tiết kiệm nhưng chỉ được vài tháng là đâu lại vào đấy. Chẳng hạn, chiêu của một người bạn em chỉ, cứ mỗi tháng nhận lương bắt buộc phải mua một chỉ vàng. Nhưng đến dịp lễ tết, buồn buồn em lại… bán số vàng đó để đi du lịch. Thế là hết tiết kiệm”. Hiện tại mục tiêu của Miên là cố gắng luôn có khoảng 30 – 40 triệu đồng tiết kiệm trong tài khoản.
Hoàng Ngân (Q.Tân Bình, TP.HCM) là nhân viên văn phòng của một công ty quảng cáo. Hầu như số tiền kiếm được Ngân đều dành cho du lịch. “Mình quan niệm giữ tiền nhiều cũng không làm gì cả. Vì thế, lương của mình một nửa đưa mẹ, chỉ để dành 1/5 phòng trừ lúc cần, còn lại để đi trải nghiệm thế giới. Có những lúc chưa đủ tiền đi thì xài thẻ visa rồi lĩnh lương trả sau”, Ngân chia sẻ. Ngoài ra, mỗi năm Ngân còn trích khoảng 10 triệu đồng làm từ thiện.
Cũng vì đi làm lâu rồi mà không có đồng tiết kiệm nào nên Lê Vũ Hà (biên tập viên tại Thông tấn xã VN) vẫn bị bà và mẹ mắng suốt. Hà cho biết: “Mẹ và bà em suốt ngày hỏi tiết kiệm được mấy trăm triệu rồi. Em bảo không có đồng nào, bà không tin. Nhất là giờ có mua sắm online, ngồi một chỗ mua được cả thế giới. Ngoài ra, thi thoảng đi đây đó với bạn bè. Em nghĩ bây giờ kinh tế khá hơn rồi, người ta không cảm thấy lo lắng bất an về tài chính như thời trước, tiêu hết thì lại kiếm thôi”.
Còn Tuấn Hùng (làm thiết kế tự do tại TP.HCM) thì kiếm được bao nhiêu lại dốc hết vào thú đam mê xe phân khối lớn và những chuyến đi phượt. Mỗi chiếc xe như vậy giá vài trăm triệu đồng. “Nhiều khi mua xe xong, đi chơi xa về trong túi không còn một xu. Nhưng tuổi trẻ kéo dài được bao lâu chứ? Được sống vì đam mê, làm những điều mình muốn thì đó chính là hạnh phúc”, Hùng cho hay.
Tiêu thế nào để không hoang phí ?
Lý giải về việc giới trẻ ngày nay không đặt nặng vấn đề tiết kiệm tiền bạc, sẵn sàng chi tiêu thoải mái cho các đam mê, tiến sĩ Lê Minh Công, Phó khoa Tâm lý học, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, cho rằng: “Khi VN mở cửa kinh tế cũng đồng nghĩa với việc người VN tiếp cận văn hoá của nhiều quốc gia khác nhau. Ngoài ra, internet khiến giới trẻ dễ dàng tiếp cận, học hỏi nhiều điều từ văn hoá của các quốc gia phương Tây, trong đó có lối sống tiêu xài. Bên cạnh đó, thế hệ trẻ ngày nay đang là “nhóm hưởng thụ” nên ít nghĩ đến tiết kiệm”.
Nhiều bạn trẻ đồng ý với cách lý giải này. Nguyễn Huy Hải (sinh viên năm cuối Trường ĐH Kinh tế TP.HCM) nhận định: “Cuộc sống ngày nay dễ dàng hơn. Nếu cần mua nhà, mua xe, đã có ngân hàng luôn sẵn sàng cho vay. Hơn nữa mỗi khi cô đơn buồn chán lại bỏ tiền để “mua” niềm vui như mua sắm, xem phim, nhậu… Cũng chính vì thế kiếm được tiền nhiều nhưng nợ cũng nhiều”. Phương Anh, sinh viên Trường ĐH Tài chính – Marketing thì cho rằng còn trẻ nếu kiếm được tiền thì cứ đi đây đó trải nghiệm, làm những điều mình thích…
Vì vậy, tiến sĩ Công cho rằng người trẻ không nhất thiết phải quá tiết kiệm nhưng tiêu xài phải phù hợp và đúng mục đích. Sự phù hợp ở đây là chúng ta chỉ nên tiêu tiền do mình làm ra, và phải có giá trị đối với bản thân. Nên dành một khoản thu nhập tích luỹ cho tương lai, có thể dành để khởi nghiệp. Ngoài ra, theo tiến sĩ Công, cũng nên dành khoản tiền tiết kiệm để làm từ thiện, hỗ trợ người khác… để thấy cuộc sống ý nghĩa hơn.
MỸ QUYÊN