23/01/2025

Sinh viên Việt phải giỏi tiếng Anh để tiếp cận kiến thức mới

Theo giáo sư Gerard’t Hooft, sinh viên Việt Nam phải học giỏi tiếng Anh để tìm hiểu, tiếp cận những tri thức khoa học bên ngoài quốc gia mình mới có thể có những công trình nghiên cứu giá trị.

 

Sinh viên Việt phải giỏi tiếng Anh để tiếp cận kiến thức mới

Theo giáo sư Gerard’t Hooft, sinh viên Việt Nam phải học giỏi tiếng Anh để tìm hiểu, tiếp cận những tri thức khoa học bên ngoài quốc gia mình mới có thể có những công trình nghiên cứu giá trị.


Sinh viên Việt phải giỏi tiếng Anh để tiếp cận kiến thức mới - Ảnh 1.

GS Trần Thanh Vân (bìa phải) giới thiệu hai GS đoạt giải Nobel là G.Hooft và F.Kydland (thứ hai và ba từ phải sang) với các đại biểu Việt Nam – Ảnh: DUY THANH

 

Sáng 9-5, hội thảo quốc tế liên ngành chủ đề “Khoa học để phát triển” do Tổ chức khoa học và giáo dục Gặp gỡ Việt Nam phối hợp Bộ Khoa học – công nghệ, UBND tỉnh Bình Định tổ chức tại Trung tâm Quốc tế khoa học và giáo dục liên ngành (ICISE, TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định).

Đây là một trong những hoạt động kỷ niệm 25 năm chương trình “Gặp gỡ Việt Nam” (1993-2018).

Giáo dục phù hợp để có tư duy sáng tạo

Tham dự hội thảo có 200 nhà khoa học, chuyên gia, doanh nhân, nhà ngoại giao, nhà hoạch định chính sách ở Việt Nam và từ 40 quốc gia.

Trong đó, đáng chú ý là hai nhà khoa học đoạt giải Nobel là Gerard’t Hooft (người Hà Lan, Nobel vật lý năm 1999), Finn Kydland (người Na Uy, Nobel kinh tế năm 2004) và lãnh đạo Tổ chức Cấm vũ khí hóa học (đoạt giải Nobel hoà bình năm 2013).

Trong phiên toàn thể, GS Gerard’t Hooft đề xuất rằng để có được lực lượng nhà khoa học chất lượng đảm bảo cho sự phát triển của xã hội, công tác giáo dục rất quan trọng.

“Tôi nghiên cứu thì thấy rằng các nhà khoa học thành công, nhất là những nhà khoa học đoạt giải Nobel họ được tiếp cận với khoa học đúng cách, đúng mức từ khi còn ngồi trên ghế trường tiểu học.

Tất cả những gì chúng ta cần, đó là có sự giáo dục phù hợp để tạo tư duy sáng tạo và tiếp cận cái mới, làm việc chuyên nghiệp cho thế hệ trẻ” – ông nói.

Ông cho biết trước khi đến với hội thảo đã có buổi nói chuyện với sinh viên tại Đà Lạt và thấy rằng bạn trẻ Việt Nam ham học hỏi, thích tìm tòi, yêu nghiên cứu khoa học.

Tuy nhiên, theo ông, sinh viên Việt Nam phải học giỏi tiếng Anh để tìm hiểu, tiếp cận những tri thức khoa học bên ngoài quốc gia mình mới có thể có những công trình nghiên cứu giá trị.

Lập cầu nối giữa chính khách, nhà khoa học…

GS Trần Thanh Vân – sáng lập Tổ chức khoa học và giáo dục Gặp gỡ Việt Nam – cho biết hội thảo “Khoa học để phát triển” là tiếp nối các cuộc thảo luận của Gặp gỡ Việt Nam 2016 với chủ đề “Khoa học cơ bản và xã hội”.

Ông nói rằng hội thảo năm nay sẽ đi xa hơn và đề cập đến vai trò của khoa học cơ bản hay khoa học ứng dụng cho sự phát triển bền vững của xã hội, đặc biệt là đối với Việt Nam.

“Cần thiết lập các cầu nối giữa các chính khách, nhà khoa học, nhà ngoại giao, các tổ chức quốc tế, các nhà kinh doanh và các nhà hoạch định chính sách ở tất cả các cấp độ.

Có như vậy xã hội mới có thể tận dụng tối đa các lợi ích mà khoa học có thể mang lại, cả về sự đóng góp trực tiếp vào việc giải quyết các vấn đề cụ thể trước mắt cũng như thiết lập các mô hình để giải quyết các vấn đề phức tạp dài hạn” – GS Vân nói.

Ông Phạm Công Tạc, thứ trưởng Bộ Khoa học – công nghệ, cho rằng chủ đề “Khoa học để phát triển” rất quan trọng và thú vị, đặc biệt đối với một quốc gia đang phát triển như Việt Nam.

Ông mong muốn các nhà khoa học, chuyên gia, lãnh đạo, doanh nhân, nhà ngoại giao, nhà hoạch định chính sách sẽ thảo luận sâu về khoa học để phát triển bền vững, tạo điều kiện để Việt Nam học hỏi, áp dụng phát triển khoa học công nghệ vào thực tiễn để thúc đẩy sự phát triển của đất nước.

7 hội thảo bàn tròn

Ngoài phiên toàn thể còn có bảy hội thảo bàn tròn với các nội dung “Tác động xã hội và kinh tế của khoa học đối với xã hội”, “Khoa học giúp đưa ra các cảnh báo và các giải pháp”, “Khoa học và chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững Liên Hiệp Quốc”, “Các mô hình khoa học và sự phát triển”, “Khoa học và việc hoạch định chính sách”, “Khoa học và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0”, “Khoa học là yếu tố thúc đẩy đối thoại”.