26/12/2024

Khu đô thị Thủ Thiêm có được như kỳ vọng?

Quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm được điều chỉnh qua các thời kỳ đã làm thay đổi nhiều khu chức năng, cơ cấu sử dụng đất so với ý định ban đầu.

 

Khu đô thị Thủ Thiêm có được như kỳ vọng?

Quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm được điều chỉnh qua các thời kỳ đã làm thay đổi nhiều khu chức năng, cơ cấu sử dụng đất so với ý định ban đầu.


Khu đô thị Thủ Thiêm có được như kỳ vọng? - Ảnh 1.

Theo các chuyên gia, quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm thay đổi qua các thời kỳ có xu hướng dành nhiều đất cho các dự án dân cư. Trong ảnh: một góc khu dân cư đang được xây dựng trong khi các công trình công cộng chưa xuất hiện – Ảnh: QUANG ĐỊNH

 

Theo tờ trình ngày 17-5-1996 của UBND TP.HCM xin phê duyệt quy hoạch xây dựng 1/5.000, chức năng của Thủ Thiêm là trung tâm giao dịch, thương mại, tài chính, dịch vụ, văn hóa, du lịch, là đầu mối giao lưu trong nước và quốc tế; là khu đô thị (KĐT) mới có cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và nhà ở hiện đại… 

Có chuyên gia cho rằng quy hoạch điều chỉnh đã biến Thủ Thiêm từ một khu với nhiều công trình công cộng thành nơi dành nhiều đất đai cho các dự án nhà ở, bất động sản.

Khu đô thị Thủ Thiêm có được như kỳ vọng? - Ảnh 2.

Một số chỉ tiêu của đô thị mới Thủ Thiêm thay đổi qua các lần điều chỉnh quy hoạch – Đồ họa: TẤN ĐẠT

Thay đổi cho phù hợp với thực tế?

Trên cơ sở tờ trình trên, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định 367 năm 1996 phê duyệt quy hoạch xây dựng KĐT Thủ Thiêm rộng 930ha với 7 phân khu chức năng.

 

7 khu chức năng lần lượt là khu trung tâm thương mại, tài chính, dịch vụ (từ 30-100 tầng) dọc hai trục đại lộ trung tâm Đông – Tây; khu trung tâm hội chợ triển lãm quốc tế (ở phía nam bán đảo); khu nhà ở cao cấp (phía bắc bán đảo); khu trung tâm văn hóa, du lịch, giải trí (phía nam và dọc sông Sài Gòn); công viên trung tâm; khu trung tâm hành chính; khu tái định cư rộng 160ha.

Theo tài liệu Tuổi Trẻ có được, sau khi tổ chức cuộc thi quốc tế thiết kế KĐT Thủ Thiêm, lãnh đạo TP.HCM đã xin ý kiến của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung và quy hoạch chi tiết 1/2.000 KĐT Thủ Thiêm. 

Tại công văn số 1642 ngày 24-11-2003 do phó thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký “cho phép UBND TP điều chỉnh quy hoạch chung (1/5.000) khu trung tâm đô thị mới Thủ Thiêm để phù hợp với tình hình thực tế”…

Quy hoạch chung KĐT Thủ Thiêm năm 2005 do UBND TP phê duyệt khẳng định lại các chức năng theo quyết định 367 trên. Ngoài ra còn xác định khu trung tâm đô thị mới Thủ Thiêm là một công trình chiến lược. 

Theo quy hoạch 1/5.000 và quy hoạch chi tiết 1/2.000 năm 2005, Thủ Thiêm được chia thành các khu chức năng như khu lõi trung tâm chính, khu dân cư phía bắc, khu dân cư phía đông, khu đa chức năng đại lộ Đông – Tây, khu lâm viên sinh thái phía nam.

Khu đô thị Thủ Thiêm có được như kỳ vọng? - Ảnh 3.

Theo các chuyên gia am hiểu, quy hoạch mới Thủ Thiêm với 8 khu chức năng lại dành nhiều đất hơn cho các khu dân cư, dự án bất động sản – Đồ hoạ: TẤN ĐẠT

Thủ Thiêm mới không có trung tâm hành chính

Năm 2012, UBND TP.HCM lại một lần nữa phê duyệt đồ án điều chỉnh quy hoạch 1/2.000 KĐT Thủ Thiêm. 

Quy hoạch lần này chia KĐT Thủ Thiêm thành 8 phân khu chức năng. Khu vực lõi trung tâm được chia thành khu chức năng số 1 và 2; khu dân cư phía bắc là khu chức năng số 3 và 4; khu dọc đại lộ Đông – Tây là khu chức năng số 5 và 6; khu chức năng số 7 bao gồm khu dân cư phía đông, khách sạn nghỉ dưỡng và bến du thuyền; khu chức năng số 8 là toàn bộ vùng châu thổ phía nam.

Trong đó, khu chức năng số 1 có các tòa tháp cao nhất (50 tầng) bố trí dọc đại lộ vòng cung và quảng trường trung tâm, giảm dần chiều cao về phía sông Sài Gòn và hồ trung tâm. 

Đây là khu chức năng thương mại dịch vụ đa chức năng mật độ cao. Tháp quan sát nằm ở khu chức năng số 2, khu phía nam của lõi trung tâm, là điểm nhấn của toàn bán đảo Thủ Thiêm với 86 tầng cao. 

Công trình quan trọng trong khu chức năng số 3 là trường học và nhà bảo tàng đối diện trung tâm hội nghị triển lãm qua kênh số 1. Khu chức năng số 8 là khu ngập nước phía nam, trồng đước, dành cho giao thông thủy và bảo tồn…

KTS Nguyễn Trọng Hoà nhận xét cây xanh của Thủ Thiêm theo quy hoạch này được bố trí ở phía nam do phía bên kia sông là diện tích Khu công nghiệp Tân Thuận, cần có cây xanh để ngăn cách. 

Lúc duyệt quy hoạch 1/2.000 trước đó (năm 2005), TP chưa có kế hoạch di dời Tân Cảng và cảng Sài Gòn nên các nhà quy hoạch bố trí các công viên ven sông phía Thủ Thiêm để giảm ô nhiễm.

Khu đô thị Thủ Thiêm có được như kỳ vọng? - Ảnh 4.

Một góc khu đô thị Thủ Thiêm đang được xây dựng – Ảnh: Quang Định

Khu tái định cư: từ tập trung đến phân tán

Năm 1996, Thủ tướng ký quyết định 367 phê duyệt quy hoạch KĐT mới Thủ Thiêm rộng 930ha, trong đó có 160ha đất tái định cư ở phía đông giáp ranh quy hoạch.

Năm 2002, Thủ tướng Chính phủ cho phép UBND TP thu hồi 930ha đất để thực hiện dự án KĐT Thủ Thiêm. 

Tháng 3-2002, UBND TP chỉ đạo các sở ngành liên quan rà soát quỹ đất trên địa bàn quận 2, giao đủ 160ha để xây dựng các khu tái định cư trên địa bàn quận 2. 

Kể từ thời điểm này, 160ha đất tái định cư cho người dân phải di dời trong dự án KĐT Thủ Thiêm bị chia nhỏ thành nhiều dự án ở nhiều phường chứ không còn tập trung “160ha ở phía đông giáp ranh quy hoạch” như phê duyệt ban đầu của Thủ tướng.

Các đơn vị liên quan cũng làm thủ tục thu hồi đất để xây dựng 6 khu tái định cư với diện tích gần 165ha (gồm 93ha thuộc khu An Phú – An Khánh, P.Cát Lái 50ha, và P.Thạnh Mỹ Lợi rộng 6,39ha). 

Do các khu tái định cư này thiếu cơ sở hạ tầng nên người dân không đồng ý nhận nền về ở. UBND TP lại tiếp tục giao Sở Xây dựng xây 12.500 căn hộ tái định cư tại các địa điểm khác nhau để ổn định cuộc sống cho người dân. 

Cụ thể là khu 30ha tại P.Bình Khánh, khu 17,3ha tại P.An Phú – Bình Khánh và khu 38,4ha tại trung tâm KĐT Thủ Thiêm.

Kết quả thanh tra năm 2008 của Thanh tra TP cũng chỉ ra rất nhiều dự án với tổng diện tích lên đến 169ha “chạy” theo dự án Thủ Thiêm. 

Cụ thể: trên địa bàn 3 phường (Bình An, Bình Khánh, An Lợi Đông) có 64 dự án khu dân cư, khu du lịch, văn phòng làm việc… với tổng diện tích 169ha cho các nhà đầu tư. 

Trong đó, đáng nói là có 42 dự án có quyết định giao đất của UBND TP.HCM hoặc Thủ tướng sau khi có quyết định 367 của Thủ tướng. 

Theo một chuyên gia, đó là lý do đã khiến diện tích đất của dự án KĐT Thủ Thiêm bị thu hẹp lại, không đủ diện tích ban đầu theo phê duyệt của Thủ tướng, cũng là nguyên nhân các khu tái định cư bị dạt ra rìa quận 2…

Nhiều kỳ vọng lớn ở Thủ Thiêm

vvk

Cố thủ tướng Võ Văn Kiệt trong một lần bàn về xây hầm kết nối trung tâm TP với Thủ Thiêm (ảnh chụp ngày 1-5-1997) – Ảnh: Nguyễn Công Thành

 

 

Ông Lê Văn Năm, KTS trưởng TP giai đoạn năm 1996, nhớ lại: chức năng quan trọng nhất của Thủ Thiêm vẫn là trung tâm tài chính của TP. Có dành một số mảng xanh, có những khu dân cư đặc biệt để thu hút nhà đầu tư.

“Ý đồ của TP bấy giờ lớn lắm, muốn mở rộng trung tâm TP vì trung tâm cũ chật hẹp, công trình dày dặc quá, không đủ điều kiện để phát triển”, ông Năm nhớ lại.

GS.TS Nguyễn Trọng Hoà, nguyên giám đốc Sở Quy hoạch – kiến trúc TP.HCM, cho biết: năm 2002, UBND TP.HCM phát động cuộc thi thiết kế trung tâm đô thị mới Thủ Thiêm.

Trong cuộc thi, lãnh đạo TP đã đặt kỳ vọng KĐT Thủ Thiêm sẽ là trung tâm hạt nhân mở rộng của TP.HCM, là trung tâm tài chính, thương mại, văn hoá, khoa học… tầm cỡ khu vực và quốc tế.

Khu đô thị mới này sẽ kết nối hài hòa với trung tâm hiện hữu, tại đây sẽ xây những công trình công cộng mà trung tâm hiện hữu còn thiếu như quảng trường trung tâm, trung tâm tài chính – ngân hàng, nhà hát lớn, trung tâm hội nghị quốc tế, trung tâm văn hoá thể thao – công viên cây xanh, khu hội chợ triển lãm và các khách sạn lớn sánh tầm khu vực…

Khi đó, lãnh đạo TP cùng các chuyên gia cũng đã cân nhắc rất kỹ và quyết định không xây dựng trung tâm hành chính mới tại Thủ Thiêm mà giữ lại ở trung tâm cũ để tiết kiệm quỹ đất, dành cho những công trình quan trọng khác.

Rút kinh nghiệm ở một số khu trung tâm mới tại thủ đô một số nước không xây dựng nhà ở tạo ra cảm giác vắng lặng mỗi khi về đêm, tại Thủ Thiêm chỉ cân nhắc xây dựng một số khu dân cư bố trí cho những người làm việc tại khu đô thị này và các chuyên gia quốc tế.

Ông Phan Nguyễn Như Khuê (phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM):

Đối diện, không né tránh…


nk

 

Ông Phan Nguyễn Như Khuê – Ảnh: Tự Trung

 

Đoàn đại biểu Quốc hội TP đang tổng hợp, hệ thống h các vấn đề, lên kế hoạch giám sát riêng về Thủ Thiêm, trình cho Bí thư Thành uỷ kiêm trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân để xin ý kiến chỉ đạo.

Gần đây tôi tiếp nhiều trường hợp, trên cơ sở các khiếu nại đó sẽ xác định các nội dung giám sát, thành phần cụ thể của đoàn giám sát, có mời cả chuyên gia.

Vấn đề này kéo dài quá lâu, có nhiều nội dung đơn thư khiếu nại nhiều quá, nên phải đi vào giám sát, phải đối diện, không thể né tránh…

Dự kiến việc giám sát sẽ diễn ra sau kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV. Đoàn giám sát sẽ được tổ chức thành nhiều nhóm, đi theo những nhánh như tính pháp lý của dự án, việc giải tỏa đền bù…

Trước mắt, theo kế hoạch, Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM sẽ có buổi tiếp xúc cử tri quận 2 vào chiều 9-5 để lắng nghe. Thường trực UBND TP, lãnh đạo các sở ngành được đề nghị cùng dự để trả lời.MAI HOA ghi

* GS.TS Nguyễn Trọng Hoà (nguyên giám đốc Sở Quy hoạch – kiến trúc TP.HCM):

Chưa thấy nhà hát, quảng trường…


th

 

GS.TS Nguyễn Trọng Hoà – Ảnh: Hữu Khoa

 

 

 

Qua nhiều năm phát triển, tôi có cảm giác hơi hụt hẫng khi những công trình mọc lên đầu tiên ở Thủ Thiêm không phải là các công trình đã được người dân TP mong đợi bấy lâu nay như nhà hát – công viên trung tâm, trung tâm trưng bày triển lãm hay quảng trường trung tâm… mà là các dự án bất động sản, nhà ở để bán.

Tất nhiên, lãnh đạo TP trước những khó khăn về vốn đầu tư đã có những bước đi phù hợp với nguồn lực tài chính.

Song với tư cách là người dân TP, tôi vẫn mong đợi vóc dáng của một trung tâm đô thị mới văn minh – hiện đại với những công trình sánh tầm khu vực…

Việc điều chỉnh quy hoạch cục bộ trong quá trình xây dựng các khu đô thị là cần thiết, nên tại Thủ Thiêm nếu cần điều chỉnh thì phải tiến hành theo đúng các trình tự pháp luật.

Tất cả phải công khai, minh bạch từ thông tin cho đến mục đích, việc đấu thầu, đấu giá đất, kể cả những nghĩa vụ tài chính đi kèm… Như vậy người dân sẽ tin tưởng, đồng lòng…

 

D.N.HÀ – ÁI NHÂN – TIẾN LONG