25/12/2024

GS Trương Nguyện Thành không đủ chuẩn VN làm hiệu trưởng: ĐH thiếu tự chủ, cơ quan quản lý ngại trách nhiệm

Theo nhiều chuyên gia, lùm xùm trong việc bổ nhiệm hiệu trưởng Trường ĐH Hoa Sen là hệ quả của một nền đại học thiếu tự chủ, trong khi năng lực của cơ quan quản lý nhà nước đã hạn chế lại còn sợ phải chịu trách nhiệm.

 

GS Trương Nguyện Thành không đủ chuẩn VN làm hiệu trưởng: ĐH thiếu tự chủ, cơ quan quản lý ngại trách nhiệm

Theo nhiều chuyên gia, lùm xùm trong việc bổ nhiệm hiệu trưởng Trường ĐH Hoa Sen là hệ quả của một nền đại học thiếu tự chủ, trong khi năng lực của cơ quan quản lý nhà nước đã hạn chế lại còn sợ phải chịu trách nhiệm.
 
 
 
 
 

GS Trương Nguyện Thành sẽ rời Trường ĐH Hoa Sen vì không đạt quy định hiệu trưởng của VN /// Ảnh: Quỳnh Thu

GS Trương Nguyện Thành sẽ rời Trường ĐH Hoa Sen vì không đạt quy định hiệu trưởng của VN   ẢNH: QUỲNH THU

 
Luật phải phù hợp thực tiễn
Theo GS Đào Trọng Thi, nguyên Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá – Giáo dục – Thanh niên – Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, so với quy định bổ nhiệm cán bộ đứng đầu các cơ quan khác, môi trường ĐH được xem là khá cởi mở trong việc bổ nhiệm hiệu trưởng (HT). Cần phải xác định với vị trí HT trường ĐH, yêu cầu ứng viên phải có kinh nghiệm quản lý là hợp lý. Chỉ có điều thế nào là “kinh nghiệm quản lý”, có phải là 5 năm hay bao nhiêu năm ở một vị trí quản lý cấp khoa phòng nào đó không, thì cần phải bàn thêm.
 
GS Thi cũng đồng ý quan điểm với bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD-ĐT, luật có thể đưa ra quy định linh hoạt, chẳng hạn như có thể đặt ra tiêu chuẩn cụ thể với vị trí HT, đồng thời mở ra hướng giải quyết cho những trường hợp đặc biệt. Còn một khi luật đã quy định cứng rồi thì không thể “linh hoạt” vì sẽ làm trái luật.
 
GS Thi đề xuất: “Phải căn cứ thực tiễn để quy định trong luật làm sao cho phù hợp với thực tiễn. Luật chưa phù hợp thì phải trao đổi, bàn bạc để đề nghị thay đổi, bổ sung thêm cho đầy đủ hơn, cụ thể hơn. Nếu cảm thấy các quy định hiện nay chưa bao quát được hết các trường hợp, chưa phản ánh đầy đủ thực tiễn thì phải bổ sung sửa đổi làm sao cho phù hợp hơn”.
 
Cần để hội đồng trường quyết định
GS Thi nêu quan điểm: “Luật nên đưa ra quy định chung HT trường ĐH phải là người có trình độ chuyên môn, có kinh nghiệm quản lý, có uy tín. Còn quy định cụ thể như thế nào, mức độ nào cho từng tiêu chuẩn thì còn tùy bối cảnh lịch sử mà có nêu trong luật hay không. Việc giao cho hội đồng trường định ra các yêu cầu cụ thể này cũng là một hướng có thể xem xét”.
Theo GS Lâm Quang Thiệp, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, quy định của luật hiện hành về tiêu chuẩn HT hiện nay cứng nhắc quá, ngăn cản sự tham gia quản lý của những người thực sự có năng lực đóng góp cho giáo dục ĐH. GS Thiệp cho rằng luật Giáo dục ĐH cũng cần chỉnh sửa cho hợp lý hơn. “Trước hết luật phải xác định được vai trò của HT với trường ĐH, và quan trọng là không nên quy định quá cứng mà cần để hội đồng trường quyết định”, ông Thiệp đề xuất.
 
Trường thiếu tự chủ
Còn theo phân tích của TS Lê Trường Tùng, Chủ tịch HĐQT Trường ĐH FPT, vụ lùm xùm về bổ nhiệm HT của Trường ĐH Hoa Sen cho thấy rõ bức tranh tự chủ còn nhiều mảng tối của giáo dục ĐH nước nhà. “Tự chủ nghĩa là Bộ đặt ra hành lang pháp lý (là luật) và hậu kiểm, các trường cứ thế hoạt động mà không cần phải hỏi ý kiến ai. Bộ hậu kiểm, thấy vi phạm thì tuýt còi. Nhưng như hiện tại thì trường phải chờ UBND thành phố công nhận HT. Sở thấy trường hợp khó, bí quá phải xin ý kiến Bộ, Bộ cứ theo luật mà trả lời, nên mọi việc rối tinh cả lên trong khi lẽ ra cách giải quyết có thể đơn giản hơn nhiều”, TS Tùng nhận xét.
 
Theo TS Lê Trường Tùng, trường phải nắm rõ luật, phải chuẩn bị đủ hồ sơ bổ nhiệm HT theo luật để trình cấp có thẩm quyền công nhận.
Tương tự, theo TS Đỗ Ngọc Quyên, một chuyên gia nghiên cứu giáo dục độc lập về giáo dục, trường hợp của Trường ĐH Hoa Sen, trong phạm vi được phép trường có thể thực hiện vai trò tự chủ của mình. “Chẳng hạn như họ có thể lập hồ sơ, tờ trình để thuyết minh năng lực quản lý và lãnh đạo của GS Trương Nguyện Thành. Ví dụ với kinh nghiệm 10 năm làm Viện trưởng Viện Khoa học và công nghệ tính toán và 1 năm kinh nghiệm lãnh đạo ở Trường ĐH Hoa Sen, thì trường hoàn toàn có khả năng thuyết phục được cơ quan quản lý về tiêu chuẩn này”, TS Quyên cho biết.
 
Sẽ bỏ quy định hiệu trưởng trường ĐH tư thục phải được UBND cấp tỉnh công nhận ?
Theo bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD-ĐT, hiện nay dự thảo luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Giáo dục ĐH đang sửa tiêu chuẩn HT theo hướng kết hợp quy định chuẩn có định tính và định lượng. Dự thảo luật hiện nay cũng bỏ quy định về thủ tục HT trường ĐH tư thục phải được chủ tịch UBND cấp tỉnh công nhận (trong Điều lệ trường ĐH) mà quy định trực tiếp “HT cơ sở giáo dục ĐH tư thục do hội đồng quản trị quyết định”. Qua hai dự thảo 4, 5 cho đến nay, không có ý kiến góp ý về nội dung này.

 

Ý kiến:
Áp dụng khiên cưỡng
HT cần là người có khả năng nghiên cứu khoa học và quản lý tốt, tiêu chí này ở nước nào cũng vậy. Ở nước ngoài, trường ĐH bầu ai làm HT là việc của trường, không liên quan đến các cơ quan khác. Trong trường hợp GS Thành, tôi cho rằng luật đã được áp dụng rất khiên cưỡng. GS Thành, về khả năng và thành tích nghiên cứu, hơn mặt bằng ở VN rất xa. Ông đã làm hiệu phó một thời gian và được ban quản trị của trường tín nhiệm với số phiếu cao. Như vậy về năng lực là thích hợp, vả lại Hoa Sen là trường tư, tự nhiên ban quản trị sẽ hành động theo hướng tốt nhất cho trường.
GS Vũ Hà Văn (ĐH Yale, Mỹ)
GS Thành phù hợp nếu xét theo tiêu chí Mỹ
Ở Mỹ thậm chí không yêu cầu HT trường ĐH cần phải có bằng TS. Theo tiêu chuẩn của Mỹ, một người như bà Đàm Bích Thủy, HT Trường ĐH Fulbright VN, rất phù hợp với vị trí của một HT ĐH: từng làm doanh nghiệp, quan hệ rộng, nền tảng khoa học cơ bản tốt, có uy tín trong xã hội. Với trường Mỹ thì uy tín là tiêu chí rất quan trọng. GS Thành cũng rất phù hợp nếu xét theo tiêu chuẩn HT ĐH Mỹ.
TS Đàm Quang Minh (Tổ chức Giáo dục Mỹ)

QUÝ HIÊN