24/12/2024

Giáo dục ĐBSCL chậm hơn…42 năm so với cả nước

Đồng bằng sông Cửu Long là vùng đất có nhiều tiềm năng và lợi thế phát triển kinh tế, nhất là về sản xuất lương thực, cây ăn trái và nuôi trồng thuỷ sản, nhưng vẫn là vùng trũng về giáo dục và đào tạo. Giải pháp nào để vùng này vươn lên ngang bằng cả nước về giáo dục và đào tạo?

 

Giáo dục ĐBSCL chậm hơn…42 năm so với cả nước

Đồng bằng sông Cửu Long là vùng đất có nhiều tiềm năng và lợi thế phát triển kinh tế, nhất là về sản xuất lương thực, cây ăn trái và nuôi trồng thuỷ sản, nhưng vẫn là vùng trũng về giáo dục và đào tạo. Giải pháp nào để vùng này vươn lên ngang bằng cả nước về giáo dục và đào tạo?

 
 
 
 

Đường đến trường của học sinh vùng lũ H.Tân Hồng (Đồng Tháp) còn nhiều khó khăn /// Ảnh: Công Hân

Đường đến trường của học sinh vùng lũ H.Tân Hồng (Đồng Tháp) còn nhiều khó khăn  ẢNH: CÔNG HÂN

 
Mặc dù kinh tế – xã hội của đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) phát triển nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến sự phát triển của giáo dục – đào tạo.
 
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, vùng ĐBSCL có tốc độ tăng trưởng kinh tế khá cao: giai đoạn 2001 – 2010 trung bình 10%/năm, giai đoạn 2011 – 2014 là 8,8%/năm. Năm 2015 7,8%/năm, trong khi cả nước là 6,8%. Tuy nhiên, thu nhập bình quân đầu người của ĐBSCL vẫn thấp, dưới mức trung bình cả nước, năm 2015 vùng này đạt 40,2 triệu đồng/năm trong khi bình quân cả nước là 47,9 triệu đồng/năm.
 
Tỷ lệ di dân trong nước và di dân quốc tế cao. Các cuộc tổng điều tra dân số cho thấy giai đoạn 1994 – 1999 là 229.168 người, giai đoạn 2004 – 2009: 733.003 người, 2009 – 2014: 544.909 người. Trong khi đó, số người nhập cư ở ĐBSCL thấp hơn rất nhiều, giai đoạn 2009 – 2014 chỉ có 97.438 người. Như vậy, tỷ lệ xuất cư khỏi ĐBSCL ngày càng tăng, trong đó đa phần là lao động trẻ đến Đông Nam bộ tìm việc làm trong khu vực phi nông nghiệp.
 
Hiện tượng di cư quốc tế do phụ nữ ĐBSCL kết hôn với đàn ông Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan, và sau khi ly hôn, họ mang con về quê hương đang đặt ra nhiều vấn đề pháp lý và áp lực học tập cần được giải quyết.
 
Tỷ lệ tốt nghiệp THPT thấp nhất nước
Một trở ngại lớn của giáo dục ĐBSCL là tâm lý người dân vẫn chưa coi trọng việc học lên cao của con em. Năm 2014, tỷ lệ tốt nghiệp tiểu học 34,5% (cao nhất nước), nhưng tỷ lệ tốt nghiệp THCS của vùng này lại thấp nhất với 19,1% (bình quân cả nước 29,5%). Điều đáng nói, từ năm 2009 – 2014, tỷ lệ tốt nghiệp THCS cả nước tăng 1,29%/năm (từ 23,0% lên 29,5%), trong khi vùng ĐBSCL chỉ tăng 0,96%/năm (từ 14,3% lên 19,1%). Theo tính toán của chúng tôi, về tốt nghiệp THCS, ĐBSCL chậm so với Tây nguyên (28,3%) là 9 năm, với Đông Nam bộ (25,3%) là 7 năm, với Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung (31,7%) là 13 năm, với trung du và miền núi phía bắc (30,6%) là 12 năm, với đồng bằng sông Hồng (39,0%) là 25 năm.


Tương tự, năm 2014, tỷ lệ người dân tốt nghiệp THPT trở lên (bao gồm cả trung cấp, CĐ và ĐH) của ĐBSCL thấp nhất cả nước với 12% (cả nước là 23,1%). Từ năm 2009 – 2014, tỷ lệ tốt nghiệp THPT trở lên của cả nước tăng 0,65%/năm (từ 19,8% lên 23,1%), trong khi vùng ĐBSCL chỉ tăng 0,26%/năm (từ 10,7% lên 12,0%). Như vậy, vùng ĐBSCL, về trình độ người dân từ THPT trở lên chậm hơn so với Tây nguyên (16,6%) là 17 năm, với trung du và miền núi phía bắc (18,7%) là 25 năm, với Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung (22,6%) là 40 năm, với Đông Nam bộ (30,3) là 70 năm, với đồng bằng sông Hồng (31,6%) là 75 năm và chậm hơn so với bình quân cả nước (23,1%) là 42 năm.

 
Nếu vẫn giữ tốc độ tăng tỷ lệ như hiện nay thì vùng này khó có thể bắt kịp bình quân cả nước về tỷ lệ tốt nghiệp từ THPT trở lên. Bởi tỷ lệ huy động học sinh đúng độ tuổi THCS của vùng ĐBSCL là 80,4% (cả nước là 88%), đi học đúng độ tuổi THPT là 48,1% (cả nước 63,1%), đúng độ tuổi cao đẳng, đại học là 13,9% (cả nước 20,9%).
 
Mặt khác, năm 2015, toàn vùng hiện có 10,4% người lao động được đào tạo, thua cả khu vực Tây nguyên 13,1% và bình quân chung cả nước là 19,9%.
 
Cần miễn phí cấp THCS và giáo dục bắt buộc 9 năm
Trước thực trạng này, cần có giải pháp đủ mạnh từ nhà nước, chính quyền và nhân dân vùng ĐBSCL. Trước hết là nhà nước cần có chính sách cho vùng ĐBSCL được miễn phí cấp THCS và từng bước thực hiện giáo dục bắt buộc 9 năm như Nghị quyết số 29-NQ/TW của Đảng, ưu tiên cho vùng này thực hiện trước.
 
Kế đến, các tỉnh, thành vùng Đông Nam bộ cần liên kết, hỗ trợ cho giáo dục và đào tạo ĐBSCL. Một số trường ĐH, CĐ cần có chi nhánh ở ĐBSCL và ĐH Quốc gia TP.HCM nên sáp nhập Trường ĐH An Giang làm thành viên.
 
Nhà nước và tư nhân đầu tư mở rộng quy mô trường dạy nghề kết hợp dạy văn hóa, có chính sách hỗ trợ để học sinh sau THCS vào học các trường nghề về nuôi trồng, đánh bắt thủy sản, trồng lúa, cây ăn trái và nghề cơ khí; nhà nước đầu tư, khuyến khích tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước mở trường mầm non, phổ thông chất lượng cao, có chính sách ưu đãi cho đội ngũ nhà giáo, tạo điều kiện cho họ nâng cao về đạo đức, chuyên môn, nghiệp vụ và chính sách thu hút người giỏi vào ngành giáo dục của vùng.
 
Đứng thứ 4/6 vùng có tỷ lệ người biết chữ từ 15 tuổi trở lên
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, đến năm học 2016 – 2017, ĐBSCL có 7.029 trường mầm non và phổ thông, với 110.764 lớp, 2.864.642 học sinh, 184.702 nhà giáo và cán bộ quản lý. Toàn vùng có gần 70 trường TCCN và dạy nghề, 26 trường CĐ và 17 trường ĐH. Quy mô đào tạo là 130.000 sinh viên, trong đó ĐH khoảng 86.000.
 
Năm 2014, có 92,6% dân số 15 tuổi trở lên của ĐBSCL biết chữ, xếp thứ tư trong 6 vùng (cao nhất là vùng đồng bằng sông Hồng 98,1%, kế đến là Đông Nam bộ: 97,2%, Tây nguyên: 90%, Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung 95,2%, trung du và miền núi phía bắc 89,0%.) Đồng thời chênh lệch tỷ lệ biết chữ của nhóm người giàu nhất với nhóm người nghèo nhất của ĐBSCL thấp nhất cả nước là 12,3%. Đây là điểm sáng của ĐBSCL, khi khoảng cách tỷ lệ biết chữ giữa người giàu và người nghèo của ĐBSCL nhỏ nhất.
 

 

Bất ổn xã hội, tội phạm gia tăng
Trình độ dân trí, chuyên môn thấp không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nhân lực mà còn có nguy cơ gây nhiều bất ổn xã hội và tội phạm gia tăng.
 
Theo số liệu điều tra dân số năm 2014, vùng này có tỷ lệ goá/ly hôn/ly thân trong dân số từ 15 tuổi trở lên cao nhất nước với 9,3%, (bình quân cả nước là 8,5%, Đông Nam bộ chỉ 8,1%). Tình trạng tội phạm cũng gia tăng, tình trạng xâm hại tình dục trẻ em vùng ĐBSCL chiếm tỷ lệ cao nhất nước.
 
Theo Cục Bảo vệ chăm sóc trẻ em (Bộ LĐ-TB-XH) năm 2014, từ số liệu báo cáo của 63 tỉnh, thành phố cho thấy, tỷ lệ trẻ dưới 6 tuổi vùng ĐBSCL bị lạm dụng tình dục chiếm 6,5%, từ 6 tuổi đến dưới 14 tuổi chiếm tới 37,2%. Theo các nhà tội phạm học, tình trạng mù chữ, học vấn thấp khiến tội phạm gia tăng.