Chưa nhận diện được vua Hùng, sao xây tượng đài?
Nhiều ý kiến các nhà khoa học băn khoăn nếu lập quy hoạch tượng đài Quốc tổ Hùng Vương thì sẽ chọn vua Hùng thứ mấy bởi hiện năm sinh, năm mất và các tài liệu nhân chủng học vua Hùng là ai vẫn là câu hỏi lớn.
Chưa nhận diện được vua Hùng, sao xây tượng đài?
Nhiều ý kiến các nhà khoa học băn khoăn nếu lập quy hoạch tượng đài Quốc tổ Hùng Vương thì sẽ chọn vua Hùng thứ mấy bởi hiện năm sinh, năm mất và các tài liệu nhân chủng học vua Hùng là ai vẫn là câu hỏi lớn.
Sáng 8-5, tại Hà Nội, Bộ Văn hoá, thể thao và du lịch tổ chức hội thảo quy hoạch tượng đài Quốc tổ Hùng Vương đến năm 2035.
Phát biểu đề dẫn hội thảo, Thứ trưởng Bộ Văn hoá, thể thao và du lịch Vương Duy Biên cho biết, lập quy hoạch nhằm kiểm soát về số lượng và chất lượng các công trình tượng đài Quốc tổ Hùng vương trên cả nước.
Theo Cục Mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm, tượng vua Hùng được xây ngoài trời hiện nay chủ yếu nằm trong các khu vui chơi, thắng cảnh, du lịch nhằm mục đích trang trí cảnh quan nên không mang tính biểu tượng và thiếu tính sáng tạo về nghệ thuật.
“Tượng Quốc tổ Hùng Vương còn thiếu đấu tư nghiên cứu nên thể hiện theo hình khối kiểu dân gian thái quá, hoặc kiểu vạt mảng hoặc tròn tròn tròn hay cường điệu khối quá mức làm biến dạng hình thể con người,nên một số các tượng Quốc tổ bị khô khan, đơn điệu, xa lạ, không có sức truyền cảm”, báo cáo thực trạng tượng đài Hùng vương ngoài trời chỉ rõ.
Ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm cho biết dự kiến tiêu chí nội dung khi xây dựng tượng vua Hùng là thể hiện lòng thành kính, tri ân công đức vua Hùng, tôn vinh giá trị văn hoá, cội nguồn dân tộc, tinh thần đại đoàn kết dân tộc.
Tiêu chí địa phương nào được xây tượng Hùng Vương là vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm nhất, để tránh tình trạng nơi nào cũng xin xây tượng đài.
Theo dự thảo, địa phương phải thoả mãn một trong các tiêu chí như: là đất tổ Hùng Vương (Phú Thọ); có vị trí địa lý đặc biệt, thể hiện ý chí đại đoàn kết dân tộc; có dấu ấn lịch sử trong quá trình dựng nước, giữ nước, bảo vệ chủ quyền quốc gia.
Chưa nhận diện được vua Hùng, sao xây tượng đài?
Ông Nguyễn Ngọc Ân, giám đốc Sở Văn hoá thể thao và du lịch Phú Thọ cho rằng hiện nay có nhiều tượng đài Hùng Vương chủ yếu do các công ty, điểm du lịch xây dựng nhưng mẫu mã không thống nhất, không đáp ứng về mỹ thuật.
“Khi xây dựng quy hoạch tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh thì có nhiều dấu ấn, thời gian ở các địa phương rõ ràng. Nhưng Quốc tổ Hùng Vương chỉ là biểu tượng văn hoá, các chứng tích, số liệu lịch sử chưa rõ ràng. Nên tiêu chí xây tượng đài Hùng Vương ở các địa phương phải cụ thể hơn nữa.
Cả nước hiện có hơn 1.417 di tích có liên quan đến Hùng Vương và thời đại Hùng Vương. Nhưng nếu chỉ đưa ra tiêu chí địa phương có dấu ấn lịch sử trong quá trình dựng nước và giữ nước, địa phương nào chẳng có dấu ấn”, ông Ân nói.
PGS. TS Phạm Mai Hùng (Hội di sản văn hoá Việt Nam) thắng thắn: “Đến thời điểm này chúng ta chưa có đầy đủ tư liệu về nhân chủng học nhận diện ông Hùng Vương như thế nào, ra sao thì sẽ dựng tượng ra sao?
Hơn nữa, phải làm sao tránh gây mất đoàn kết vì địa phương này được xây tượng đài, nơi khác lại không được. Phú Thọ là nơi có tính đại diện, còn khắp nơi trên đất nước nơi nào chẳng có đóng góp vào quá trình dựng nước và giữ nước”, ông Hùng bày tỏ băn khoăn.
Ông còn phê bình khá gay gắt hiện ở Việt Nam có nhiều tượng đài nhưng các tượng đài đã xây dựng chưa công trình nào đạt được giá trị thẩm mỹ và nghệ thuật cao.
“Thậm chí có nơi còn ghi theo thần phả là vua Hùng thọ mấy trăm tuổi, lấy bao nhiêu vợ, đẻ được bao nhiêu người con… Chúng tôi rất băn khoăn, nếu không quản lý được thì sẽ có rất nhiều ông vua Hùng mà không biết ông nào là chính”, PGS. TS Phạm Mai Hùng nói.
Chọn vua Hùng thứ mấy làm tượng đài?
Nhà sử học Dương Trung Quốc cũng chung băn khoăn khi nhân cách, cá thể hoá hình tượng vua Hùng.
Chúng ta có tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương từ xưa đến nay. Nhưng nếu cá thể hoá thì làm tượng Hùng Vương thứ nhất hay thứ 18 hay ông nào? Nếu cứ nhân cách hoá như thế thì không ổn. Hơn nữa, Lạc Long Quân, Kinh Dương Vương… cũng là Quốc tổ, chúng ta có dựng tượng không?
Nhà sử học Dương Trung Quốc chia sẻ với hội thảo.
Ông nêu rõ quan điểm là không ủng hộ làm tượng đài Hùng Vương lớn ở các nơi, thay vào đó nên phát huy tục thờ cúng theo truyền thống.
“Nên hạn chế tối đa xây dựng tượng đài, chỉ những người thực sự có ý nghĩa tiêu biểu. Chứ nơi đâu cũng xây tượng đài vua Hùng để làm gì? Nhiều lần xã hội đã lên án bởi xây tượng đài là “dự án” chứ có phải để tôn vinh ai đâu. Thế giới tôn vinh tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương chứ đâu phải tôn vinh tượng đài Hùng Vương?”, ông Quốc đặt nhiều câu hỏi với hội thảo.
Ông Trần Ngọc Chính, chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam đề nghị làm quy hoạch phải làm đến giữa thế kỷ hoặc không giới hạn thời gian.
Phải có tổng kết, đánh giá những tượng đã xây chỉ rõ những mặt được và chưa được xem người dân có ủng hộ hay không. Phải quy định rõ tiêu chí về kinh phí xây dựng, không thể xây tượng đài bằng bất cứ giá nào, đến mấy trăm, mấy nghìn tỉ cũng phải xây
Ông Trần Ngọc Chính, chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam
Ông đề xuất, nếu làm quy hoạch thì mỗi khu vực chỉ nên xây một tượng đài Hùng Vương như: Phú Thọ, Bắc Trung Bộ, Nam Trung bộ, Đông Nam Bộ, Đồng bằng sông Cửu Long.
“Rõ ràng nhu cầu thờ cúng vua Hùng, biết ơn Tổ tiên thì nơi nào cũng có. Nhưng không có nghĩa là chỗ nào cũng xây tượng đài”, Thứ trưởng Vương Duy Biên kết luận hội thảo.