24/01/2025

Trùng tu di sản Mỹ Sơn không cần giấy phép?

Nhiều nhà khoa học gắn bó với Di sản thế giới Mỹ Sơn không được góp sức trong quá trình hợp tác với chuyên gia Ấn Độ để khai quật, trùng tu tại đây. Liệu quy trình này có mang lại hiệu quả tối ưu cho di sản?

 

Trùng tu di sản Mỹ Sơn không cần giấy phép?

Nhiều nhà khoa học gắn bó với Di sản thế giới Mỹ Sơn không được góp sức trong quá trình hợp tác với chuyên gia Ấn Độ để khai quật, trùng tu tại đây. Liệu quy trình này có mang lại hiệu quả tối ưu cho di sản?
 
 
 
 
Trùng tu tháp K /// Hữu Trà

Trùng tu tháp K   HỮU TRÀ

 
Băn khoăn về cách thức trùng tu
TS Nguyễn Tiến Đông (Viện Khảo cổ học) là người gắn bó với các di tích Champa đã nhiều năm. Ông vô cùng ngạc nhiên khi qua Mỹ Sơn ngắm việc khai quật, trùng tu tại đây hồi tháng 4 vừa qua. “Ngày xưa người Pháp họ đã không đụng đến tháp H vì nó chỉ còn tường nghiêng thôi. Họ không dám đào bới vì sợ khai quật nó đổ mất. Để khi nào sau này có đủ biện pháp thì mới khai quật. Mà giờ thì đào lộ hết thân ra. Tôi đảm bảo mùa mưa này một vài bức tường sẽ không chịu nổi. Cũng chẳng có nhà khoa học VN nào, chuyên gia trùng tu nào ở đó”, ông Đông bức xúc.
 
Khu vực ông Đông nói đến chính là khu vực thuộc dự án trùng tu nhóm tháp ở khu K, H, A của Di sản thế giới Mỹ Sơn (H.Duy Xuyên, Quảng Nam) do các chuyên gia Ấn Độ thực hiện. Ông Đông còn bày tỏ ngạc nhiên về tốc độ khai quật cũng như việc đưa các vật liệu mới vào khu vực Mỹ Sơn. “Cầu thang đi lên tháp dùng gạch mới, mài bóng lên. Tức là về luật là không giữ được nguyên gốc. Mà khai quật nhanh quá. Khai quật một tháp Champa làm cẩn thận phải cả chục năm”, ông Đông cho biết.
 
Trong khi đó, theo ông M.Varadaraj Suresh, kỹ sư bảo tồn (Viện Khảo cổ học Ấn Độ), tại tháp H chỉ khai quật phát lộ chứ không can thiệp thô bạo vào kiến trúc. “Trước khi tiến hành trùng tu, chúng tôi đều đo vẽ chi li từng phần. Toàn bộ gạch cũ do trải qua thời gian, cấu trúc rời rạc được tháo ra, rồi sau đó cho chất kết dính lắp lại, không sử dụng gạch mới”, ông nói và cho biết: “Khu tường bao (tháp H) này có chừng 25 cây mọc. Có cây một người ôm, sâu 1,5 m, rễ có 3 nhánh. Để dời cây này ra, chúng tôi phải dời cả số lượng gạch ở phía ngoài. Công việc chưa hoàn thành nên dễ gây ngộ nhận”. Cũng theo kỹ sư này, trong 2 tháng tới đây, sẽ tổ chức dọn dẹp, sắp xếp gạch bể, để dành sử dụng cho công tác bảo tồn toàn bộ tháp H.
 
Trùng tu di sản Mỹ Sơn không cần giấy phép ?1
Ông M.Varadaraj Suresh, kỹ sư Ấn Độ tham gia trùng tu

 
Khu vực sử dụng gạch mới, theo ông M.Varadaraj Suresh là khu vực tháp K. “Cấu trúc đế tháp đã bị hư hại hoàn toàn. Chính vì việc trùng tu phải bám theo xoay quanh các cấu trúc còn sót lại nên chúng tôi phải gia cố lại”, ông M.Varadaraj Suresh nói. Ông còn cho biết phần nào hư hỏng không thể giữ lại thì loại bỏ, thay gạch mới rồi mài nhẵn để nước mưa không theo gạch thấm vào tường.
 
Tuy nhiên, không chỉ ông Đông, nhiều chuyên gia trong nước cũng thấy không vui với quá trình khai quật trùng tu tại Mỹ Sơn. GS Lâm Mỹ Dung (ĐH KHXH-NV, ĐH Quốc gia Hà Nội) cho biết, theo luật Di sản người nước ngoài không được quyền đứng hố khai quật, chỉ có người trong nước thôi. Thế nhưng, giới nghiên cứu VN lại hầu như không có thông tin khoa học về việc trùng tu Mỹ Sơn.
 
“Khi làm công trình lớn thế này phải có hội thảo để bàn, phải có các nhóm chuyên gia chọn phương án. Khai quật phải có nhà khảo cổ học đủ thẩm quyền, đủ thâm niên. Khai quật trùng tu phải có cả cơ quan trùng tu nữa. Ai sẽ là người chịu trách nhiệm về chuyên môn ở đây. Theo tôi được biết là không có chuyên gia nào”, bà Dung nói.
 
Khai quật “không cần giấy phép”
Ông Phan Văn Cẩm, Giám đốc Trung tâm bảo tồn di sản, di tích Quảng Nam, cho biết: Dự án bảo tồn, tôn tạo di tích Mỹ Sơn đã được chính phủ hai nước Ấn Độ và VN ký kết tại New Delhi. Sau khi ký kết, Bộ VH-TT-DL và UBND tỉnh Quảng Nam đã làm việc nhiều lần với đối tác phía Ấn Độ và thống nhất triển khai dự án này vào năm 2017.
 
Cũng theo ông Cẩm, với việc khai quật phải có giấy phép, có quyết định khai quật do Bộ VH-TT-DL cấp. Tuy nhiên, dự án này do Bộ VH-TT-DL đứng ra ký kết thoả thuận quốc tế, nên không cần giấy phép. Theo ông Cẩm, đó là do Pháp lệnh số 33 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội quy định: “Đơn vị nào đứng ra ký thỏa thuận quốc tế với tổ chức, chính phủ nước ngoài thì đơn vị đó phải trực tiếp thực hiện và chi tiền”.
 
“Có lẽ, do điều kiện địa lý xa xôi, nên Bộ ủy quyền cho phía Quảng Nam tham gia cùng với phía Ấn Độ. Như vậy, chủ thể ở dự án này là Bộ VH-TT-DL. Bộ không cần phải tự đi cấp giấy phép cho Bộ nữa, điều đó là không cần thiết”, ông Cẩm thông tin. Về việc có phải Bộ VH-TT-DL là chủ thể dự án này không, TS Nguyễn Thế Hùng, Cục trưởng Cục Di sản văn hoá, cho biết: “Không phải”.
 
Trong khi đó, PGS-TS Đặng Văn Bài, nguyên Cục trưởng Cục Di sản, Phó chủ tịch Hội Di sản văn hóa VN, cho rằng: “Người nước ngoài không bao giờ được chủ trì khai quật cả. Theo luật là như vậy. Tôi từng có một công văn nhắc các địa phương phải lưu ý điều đó rồi. Nguyên tắc cứ chạm xuống đất là phải xin phép, theo luật là phải thế. Cục Di sản cũng không có chức năng đứng hố khai quật. Họ chỉ có quyền cấp phép thôi”.
 
Kết luận về tháp Cổng
Năm 2017, khi tổ chức khởi công dự án trùng tu tháp K và sân gạch cách đế tháp chừng 4 m, các chuyên gia Ấn Độ tình cờ khai quật góc đông nam của di tích và phát hiện một bờ tường chạy dọc theo tháp. Tiếp tục lần theo bờ tường này, công nhân phát hiện bờ tường rộng hơn 60 cm chạy dài theo hướng vào khu trung tâm đền tháp Mỹ Sơn. Các chuyên gia cho rằng bên hướng tây nam cũng khả năng có thêm bờ tường nữa và cho khai quật tiếp. Họ cũng cho rằng hai bờ tường này còn có thể kéo dài nữa. Tuy nhiên, do không đủ thời gian, kinh phí nên khai quật hai bờ tường dẫn này đang tạm dừng.
 
Từ những phát hiện này và qua kinh nghiệm lâu năm trong hoạt động trùng tu, bảo tồn, các chuyên gia Ấn Độ vừa qua đã kết luận tháp K chính là tháp Cổng. Đây là con đường chính được người xưa sử dụng đi vào các cụm tháp trung tâm để hành lễ.
 

HỮU TRÀ – TRINH NGUYỄN