Tình cảm trong những lá thư tay
“Tôi và bạn trai thường gửi thư tay, bưu thiếp cho nhau. Cảm xúc đặc biệt lắm”, Nguyễn Ngọc Uyên Thao (chuyên viên 1 Tổng lãnh sự quán tại TP.HCM) nói.
Tình cảm trong những lá thư tay
“Tôi và bạn trai thường gửi thư tay, bưu thiếp cho nhau. Cảm xúc đặc biệt lắm”, Nguyễn Ngọc Uyên Thao (chuyên viên 1 Tổng lãnh sự quán tại TP.HCM) nói.
Điều giản dị ấm áp
Đang sinh sống, học tập tại Mỹ, Trang Trần (21 tuổi, tiểu bang California) khoe đang giữ gần 20 tấm ảnh, lá thư qua lại giữa bạn trai và mình.
“Biết tôi một mình du học xa nhà, bạn trai thường xuyên tìm cách giúp tôi vơi bớt nỗi trống trải. Anh thường viết thư tay, nói múi giờ hai bên lệch nhau, anh muốn hạn chế chat chit để sức khoẻ của tôi không bị ảnh hưởng”, Trang Trần nói.
Những lần về nước hiếm hoi, Trang Trần và bạn trai đều tìm đến những quầy chụp hình lưu động ở các trung tâm thương mại trong thành phố.
“Chẳng biết chúng tôi có “lập dị” quá không, nhưng việc in ra các khoảnh khắc làm “mặt xấu” bên nhau, nghí ngoáy viết vài dòng trao nhau khiến cả hai rất vui. Tôi hay đùa nếu lỡ mất ví, tôi không tiếc các thẻ ngân hàng mà sẽ rất tiếc những tấm hình này”, bạn dí dỏm.
Khoảng thời gian cuối năm 2017, phong trào thư tay, viết bưu thiếp trao nhau bỗng “hồi sinh” ở TP.HCM. Khi nhận được thiệp chúc mừng Giáng sinh từ một người thầy thời đại học, Bùi Thị Minh Châu (chuyên viên một tổ chức phi lợi nhuận) cho biết cô rất cảm động.
“Gần gũi và thân thương là những gì tôi cảm nhận được”, Minh Châu nói.
Còn Đoàn Phương Linh (ĐH Kinh tế TP.HCM, đồng sáng lập viên dự án “Letter to Angel” – LTA) cho biết từng nhờ những lá thư tay mà tình cảm giữa bạn và các em nhỏ tại những mái ấm Phương Linh đến dạy trở nên gần gũi hơn.
“Ngày rời dự án, một em đã tặng tôi quyển nhật ký được em nắn nót viết tay. Tôi xúc động đến nghẹn lời và giờ vẫn còn lật ra xem khi rảnh”, bạn nói.
Mày râu cũng thích mê
Đừng nghĩ đó là câu chuyện của những người yêu nhau hay hàng “độc quyền” của phe kẹp nơ, nhiều bạn nam vẫn tìm thấy niềm vui từ điều bé nhỏ này. TS Trần Nguyên Khang (giảng viên ĐH KHXH&NV, ĐHQG TP.HCM) cho biết: “Thời đại 4.0, thư điện tử quả là hình thức giao tiếp nhanh và vô cùng tiện lợi. Nhưng tôi lại có thú vui từ nhỏ là sẽ tự tay mua hoặc vẽ những cánh thiệp để gửi đến những người tôi yêu quý hoặc bạn bè phương xa.
Tôi duy trì điều này để dặn lòng rằng chúng tôi vẫn luôn nhớ về nhau giữa bộn bề cuộc sống, mặc khoảng cách địa lý”, TS Nguyên Khang chia sẻ.
Anh cho biết vẫn lưu giữ những cánh thiệp, lá thư tay nhận được và luôn coi chúng như một phần “của gia bảo” cuộc đời mình. “Những buổi sáng, nhận được thư tay nơi thềm cửa, với tôi là một trong những khoảnh khắc tuyệt vời nhất”, anh nói.
Còn Võ Anh Vũ (26 tuổi, quản lí 1 công ty nước ngoài tại TP.HCM) cho rằng hình thức này giúp bạn cảm thấy bớt nhạt nhẽo, chán hơn là những dòng tâm trạng, các bức hình được chụp theo kiểu “mì ăn liền” rồi đăng trên mạng xã hội.
“Cái gì nhanh đến thì nhanh đi, những lá thư tay và những tấm hình được chụp rửa, nâng niu và có thể chạm tận tay sẽ thích hơn nhiều chứ. Cảm giác cầm trên tay bức thư với những dòng chữ nắn nót đầy yêu thương của cha mẹ, bạn bè với tôi rất đáng yêu”, bạn nói.
Viết thư tay là điều tuyệt đẹp và ý nghĩa. Người viết cân nhắc từng câu chữ trải lòng, dù đó là lời cảm ơn, xin lỗi hay trao gửi yêu thương… Trong nhịp sống hiện đại hối hả như hiện tại, tôi tin chắc người nhận sẽ luôn cảm nhận được sự trân trọng tột cùng từ “món quà” tinh thần đáng quý này
Nhà thơ Nguyễn Phong Việt
Tạp chí Entrepreneur (Mỹ) từng nhận định việc soạn một email, tin nhắn… thông qua internet thường quá dễ dàng, nhanh chóng, nên cả người viết lẫn người nhận thường không có cảm xúc gì đặc biệt.
“Bạn sẽ vui sướng phát run nếu nhận được một lá thư tay do ai đó viết riêng cho mình. Đó cũng chắc chắn là cái đầu tiên bạn mở trong xấp thư nhận được”, tạp chí này viết.
Nhiều nghiên cứu cũng chỉ ra rằng việc viết thư tay sẽ rất tốt cho não, vì đây như một bài tập thể thao cho não, buộc chúng ta tập trung, dùng nhiều giác quan hơn so với những gì thuộc về thế giới ảo.
giữa năm 2016, các nhà nghiên cứu thuộc ĐH Princeton (nằm trong tốp những trường danh tiếng nhất thế giới), ĐH UCLA (Mỹ) đã công bố những nghiên cứu chỉ ra rằng sinh viên viết tay có sức học lẫn khả năng sáng tạo tốt hơn và nhớ thông tin lâu hơn.
Trước đó các nghiên cứu của ĐH Indiana, ĐH Washington (Mỹ) cũng cho ra kết quả tương tự. Một số nghiên cứu được đăng trên các tờ báo uy tín New York Times, Wall Street Journal, BBC… cũng khẳng định điều này.
Và một số giáo sư tại các trường ở Mỹ như ĐH Michigan, ĐH Kansas, ĐH Georgetown… đã cấm sinh viên mang laptop vào giảng đường. Họ chỉ được viết tay.