24/01/2025

VN dùng thêm 3 loại văc xin mới

GS.TS Đặng Đức Anh, viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, cho biết năm 2018 Bộ Y tế có kế hoạch đưa ba loại văcxin mới vào chương trình tiêm chủng mở rộng.

 

VN dùng thêm 3 loại văc xin mới

GS.TS Đặng Đức Anh, viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, cho biết năm 2018 Bộ Y tế có kế hoạch đưa ba loại văcxin mới vào chương trình tiêm chủng mở rộng.


VN dùng thêm 3 loại văc xin mới - Ảnh 1.

Trẻ em tiêm văcxin tại hệ thống trung tâm tiêm chủng dành cho trẻ em và người lớn VNVC trên đường Hoàng Văn Thụ, Q. PN, TP.HCM – Ảnh: Q. ĐỊNH

 

Đó là văcxin phòng bệnh sởi – rubella do Việt Nam sản xuất thay thế cho văcxin phòng bệnh sởi – rubella do Ấn Độ sản xuất. Văcxin bại liệt tiêm IPV (do Pháp sản xuất) sẽ thay thế cho văcxin bại liệt uống BOPV. Văcxin ComBe Five (do Ấn Độ sản xuất) phòng các bệnh bạch hầu, uốn ván, viêm gan B và viêm màng não mủ do vi khuẩn Hib chuyển đổi cho văcxin Quinvaxem (do Hàn Quốc sản xuất). 

Nội dung này được Bộ Y tế và Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương tổ chức thông tin vào ngày 24-4 tại TP.HCM.

Triển khai tại 4 tỉnh trước khi tiêm đại trà

Văcxin sởi – rubella do Việt Nam sản xuất đã được triển khai tiêm từ tháng 5-2016. Mỗi năm có khoảng 1,7 triệu trẻ được tiêm loại văcxin này. Từ năm 2016 đến nay, trong chương trình mở rộng tiêm loại văcxin do Ấn Độ sản xuất. Còn năm 2018 sẽ sử dụng loại văcxin do Việt Nam sản xuất, đã được Bộ Y tế cấp phép lưu hành vào tháng 3-2017. 

 

Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, loại văcxin này an toàn. Việt Nam sản xuất được loại này là một thành công vì mình sẽ chủ động được nguồn văcxin.

Trước khi được triển khai tiêm đại trà trên toàn quốc, từ tháng 2-2018 loại văcxin do Việt Nam sản xuất đã được đưa vào trong chương trình tiêm chủng mở rộng, bước đầu được triển khai tại 4 tỉnh Nam Định, Khánh Hòa, Đắk Nông, Bà Rịa – Vũng Tàu với hơn 7.700 trẻ từ 18-24 tháng tuổi được tiêm, không ghi nhận những trường hợp phản ứng nặng sau tiêm chủng. 

Từ tháng 4-2018, đã bắt đầu triển khai tiêm văcxin này tại các tỉnh còn lại trên toàn quốc.

Từ năm 2010 nước ta sử dụng văcxin Quinvaxem. Nhà sản xuất văcxin này cũng thông báo sẽ ngừng sản xuất văcxin này. Hiện trong nước vẫn còn một số liều Quinvaxem nên sẽ tiêm hết cho trẻ trong năm 2018. 

Trong thời gian tới Bộ Y tế có kế hoạch chuyển đổi sử dụng văcxin Quinvaxem bằng văcxin 5 trong 1 có thành phần tương tự là ComBe Five. Trong tháng 5, tháng 6-2018, sẽ triển khai tiêm văcxin này tại quy mô nhỏ, mới đầu sẽ tiêm tại 4 tỉnh Hà Nam, Bình Định, Kon Tum, Đồng Tháp. Cuối quý 2-2018, sẽ triển khai tiêm loại văcxin này trên quy mô toàn quốc. Các chuyên gia đều cho rằng chất lượng hai loại văcxin là như nhau.

Các bà mẹ cần biết gì khi đưa con đi tiêm chủng?

Bác sĩ Trương Hữu Khanh, trưởng khoa nhiễm thần kinh Bệnh viện Nhi Đồng 1, cho biết mục đích người ta chế ra văcxin cũng giống như mình đi tập luyện để có sức khoẻ và đã tập thì sẽ mệt. 

Trong văcxin có kháng nguyên để tạo kháng thể. Ngoài kháng nguyên, còn nhiều thành phần khác như tá dược làm tăng khả năng miễn dịch, có một ít kháng sinh để ngừa văcxin này thật sạch, không bị nhiễm vi trùng khác ở bên ngoài, những chế phẩm để bảo quản cho văcxin, ngăn ngừa nhiễm trùng… Tất cả những thành phần này đều có thể gây ra dị ứng… 

Khi tiêm văcxin vào trẻ sẽ mệt, trẻ sẽ sốt, có trẻ sốt nhẹ, có trẻ sốt cao, sưng, nóng đỏ ở vết chích sau khi tiêm. Đây là những biểu hiện bình thường của trẻ sau khi tiêm văcxin.

Các bà mẹ cần chuẩn bị hồ sơ cho trẻ trước khi đưa trẻ đi tiêm chủng. Khi đến tiêm cần thông báo cho nhân viên y tế biết bệnh đặc biệt của trẻ nếu có. Sau khi trẻ tiêm xong, cần ở lại cơ sở y tế theo dõi trong 30 phút vì theo nghiên cứu, nếu có phản ứng quan trọng nào đều xảy ra trong 30 phút sau tiêm. Về nhà tiếp tục theo dõi và thông tin cho cán bộ y tế. Sau 48 giờ trẻ tiêm văcxin mà không có biểu hiện gì thì không phải lo lắng nữa.

Khi trẻ sốt quá cao, uống thuốc hạ sốt nhưng không bớt, da nổi bóng, nôn trớ hết, sốt kéo dài hơn 24 giờ, khóc liên tục trên 3 giờ đồng hồ… thì cần đưa trẻ đi khám ngay vì có thể không phải do văcxin mà còn có thể do trẻ bệnh. Không nên tự ý cho trẻ uống thuốc điều trị mà chỉ cho trẻ uống thuốc hạ sốt và đúng liều.

Ngừa bại liệt có thể tiêm hoặc uống

Việt Nam đã thanh toán bệnh bại liệt từ năm 2000.

Để tiếp tục duy trì thành quả này, theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới, cùng với việc tiếp tục cho trẻ 2,3,4 tháng tuổi uống 3 liều văcxin bại liệt BOPV (văcxin bại liệt 2 type), Bộ Y tế sẽ đưa văcxin tiêm IPV cho trẻ 5 tháng tuổi vào chương trình tiêm chủng mở rộng từ tháng 8-2018.

Mới đầu cũng sẽ triển khai ở 4 tỉnh Vĩnh Phúc, Đà Nẵng, Gia Lai, Vĩnh Long trước khi triển khai tiêm trên toàn quốc.

Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, uống văcxin gây nhiều tâm lý như có thể bị ói ra, con văcxin phải thải qua phân nên các nước tiên tiến thường chuyển qua chích, nhưng nếu không có khả năng chích thì vẫn nên uống vì độ phủ của uống rộng hơn độ phủ khi tiêm văcxin.