Cần ‘hội nghị Diên Hồng’ về giáo dục
Những vụ việc không thể tưởng tượng được xảy ra trong ngành giáo dục khiến dư luận bất bình, bức xúc. Thế nên hiện nay rất cần một hội nghị Diên Hồng về giáo dục.
Cần ‘hội nghị Diên Hồng’ về giáo dục
Những vụ việc không thể tưởng tượng được xảy ra trong ngành giáo dục khiến dư luận bất bình, bức xúc. Thế nên hiện nay rất cần một hội nghị Diên Hồng về giáo dục.
Ngành sư phạm phải tuyển chọn được những người thực sự yêu thích nghề dạy học – Ảnh: NHƯ HÙNG
Đó là ý kiến của PGS.TS Đinh Phương Duy – phó giám đốc Học viện Cán bộ TP.HCM, chủ tịch Hội Tâm lý - giáo dục TP.HCM.
Giá trị nghề nghiệp bị mai một
* Theo ông, đâu là căn nguyên dẫn đến những chuyện không hay trong ứng xử của giáo viên – học sinh, giáo viên – phụ huynh và cả giáo viên với giáo viên vừa qua?
– Theo tôi vì nhiều lý do. Thứ nhất, cách tuyển sinh và đào tạo của trường sư phạm đang có vấn đề. Ai cũng biết nghề giáo là nghề đặc thù, đã bước chân vào nghề giáo cần phải yêu trẻ như con em, người thân của mình.
Nhiệm vụ của giáo viên là giảng bài mà lên lớp không giảng bài tức là không yêu nghề, yêu trẻ; cho học sinh uống nước giẻ lau tức là không thương học sinh như con em của mình… Vậy mà những người như vậy vẫn thi đậu vào trường sư phạm, tốt nghiệp ra trường và có tên trong đội ngũ nhà giáo.
Dĩ nhiên, ở đây cũng cần nhìn nhận thực trạng “…chạy cùng sào mới vào sư phạm”. Trong một thời gian khá dài, nhiều trường sư phạm đã tuyển sinh ồ ạt cho đủ chỉ tiêu với điểm đầu vào khá thấp.
Thứ hai, giá trị nghề nghiệp của người thầy ngày càng bị mai một. Ngay cả tinh thần tôn sư trọng đạo cũng ngày càng giảm sút. Trong đó có lý do chủ quan từ người thầy. Nhưng cũng có nguyên nhân từ xã hội như thước đo giá trị của một con người bây giờ là họ có bao nhiêu đất, bao nhiêu nhà…
Cuộc sống chật vật của đa số giáo viên, nỗi lo cơm, áo, gạo, tiền ám ảnh họ từng ngày. Có người lên lớp với chiếc áo đã sờn, chiếc quần đã cũ, đi vào trường với chiếc xe máy cọc cạch… khiến hình ảnh “ông thầy” bớt lung linh trước mặt học trò. Nghề giáo không được coi trọng như doanh nhân, bác sĩ… một phần là vì vậy.
Về phía giáo viên thì sao? Nhiều người không có niềm tự hào về nghề nghiệp, không yêu nghề, yêu trẻ, nhưng họ vẫn phải gắn với bục giảng vì chưa biết hoặc không biết làm nghề gì khác.
Thế nên, họ ít có được niềm vui nghề nghiệp. Khi gặp những sự cố thì họ hành xử theo những cách không thể chấp nhận như chúng ta đã thấy.
PGS.TS Đinh Phương Duy – Ảnh: HỮU THUẬN
* Có ý kiến cho rằng người dân đang bị khủng hoảng niềm tin đối với ngành giáo dục, ông nghĩ sao về vấn đề này?
– Tôi cho rằng đây là điều có thật. Nhiều người đã và đang đặt nghi vấn về chất lượng giáo dục; nghi ngờ về sự nhất quán trong chỉ đạo của ngành giáo dục dẫn đến tình trạng “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược” trong thực hiện những quốc sách về giáo dục.
Ngay cả công cuộc đổi mới chương trình – sách giáo khoa phổ thông cũng khiến nhiều người băn khoăn, lo lắng khi chương trình có sự chuẩn bị nhưng thực hiện có vẻ gấp gáp, vội vàng…
Bên trong ngành giáo dục đang rối nhưng bên ngoài thì ngành giáo dục cũng không nhận được sự ủng hộ một cách đoàn kết, thống nhất của những chuyên gia, nhà giáo tâm huyết… Thế nên, hiện nay rất cần một hội nghị Diên Hồng về giáo dục.
Lãnh đạo ngành giáo dục ở các cấp dám bứt phá và mạnh dạn dẹp bỏ những tồn tại, ung nhọt của ngành thì giáo dục mới phát triển được”
PGS.TS Đinh Phương Duy
Bắt đầu từ đào tạo sư phạm
* Theo ông, ngành giáo dục cần làm gì để ngăn chặn những vụ việc gây “tức ngực” cho người dân?
– Nếu ngành giáo dục không nhận ra thực trạng đáng báo động như hiện nay thì những vụ việc không thể tưởng tượng được có thể sẽ còn tiếp diễn.
Cá nhân tôi cho rằng lãnh đạo ngành giáo dục các cấp cần thể hiện tinh thần cầu thị, lắng nghe những góp ý tâm huyết cho ngành và sửa đổi, cải thiện những bất cập đang tồn tại theo thẩm quyền của mình.
Tôi có nói chuyện với một số nhà giáo, nhà nghiên cứu, họ cho biết họ rất nản khi góp ý với Bộ GD-ĐT vấn đề này, vấn đề kia. Vì vấn đề họ góp ý không được cải thiện.
* Nhưng theo ông, giải pháp căn cơ là gì?
– Giải pháp căn cơ nên bắt đầu từ khâu đào tạo trong trường sư phạm. Trước hết, việc tuyển sinh nên cải tiến để có thể lựa chọn được những người thực sự yêu thích nghề dạy học.
Thứ hai, cần cải tiến chương trình đào tạo theo hướng chú trọng kỹ năng giảng dạy, kỹ năng giải quyết các tình huống sư phạm… ngoài kiến thức cần thiết.
Tóm lại, yêu cầu đối với nhà giáo trong thời kỳ hội nhập đã cao hơn trước rất nhiều. Tâm sinh lý học sinh cũng thay đổi rất nhiều so với học sinh cùng lứa tuổi các thế hệ trước. Nếu nhà giáo không được đào tạo theo hướng hội nhập, không có điều kiện để tự học, tự bồi dưỡng, tự nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ thì sẽ thành lạc hậu trước học sinh.
Bên cạnh đó, xã hội phải trả lại vai trò đích thực của người thầy với nhiệm vụ dạy học. Đừng bắt họ phải đi thu tiền thay nhà trường, đừng bắt họ làm những việc không tên nhưng chẳng liên quan gì đến giáo dục học sinh.
Ông Trương Minh Đức (giáo viên Trường THPT Lê Quý Đôn, TP.HCM):
Chỉ quan tâm đến nghề, chưa lưu tâm đến nghiệp
Việc tuyển chọn và đào tạo những “kỹ sư tâm hồn” hiện đang vấp phải nhiều vấn nạn. Nhiều đơn vị định hướng chọn nghề không tới nơi tới chốn, chỉ quan tâm đến nghề mà không lưu tâm đến nghiệp.
Chị đồng nghiệp của tôi hướng dẫn sinh viên sư phạm thực tập. Suốt hơn 10 tuần, cô sinh viên không quan tâm đến học sinh, không sinh hoạt cùng với lớp, thiếu liên kết đối với học sinh… Do vậy cuối kỳ thực tập chị đã chấm cho cô sinh viên 7,5 điểm công tác chủ nhiệm.
Không ngờ, cô sinh viên kia đã nhắn cho chị rằng: “Cô hướng dẫn cho sinh viên thực tập được bao lâu rồi?”. Sau đó mới được biết ngọn nguồn của câu hỏi kia là vì điểm 7,5 trong khi các bạn của cô sinh viên toàn 9 với 9,5. Rồi sau đó, trưởng đoàn hướng dẫn thực tập gặp đồng nghiệp của tôi để xin tăng điểm cho sinh viên. Rồi sinh viên đến gặp chị để xin lỗi. Xin lỗi xong thì xin tăng điểm… Những sinh viên này rồi sẽ trở thành giáo viên như thế nào?