Khi người trẻ đi ‘khập khiễng’
Nói đến bệnh gout, ta nghĩ ngay là “căn bệnh nhà giàu”, đối tượng thường mắc phải là nam giới, từ độ tuổi trung niên trở lên. Tuy nhiên hiện nay, bệnh gout ngày càng trẻ hoá, xuất hiện ở người trẻ tuổi, cả nam lẫn nữ.
Khi người trẻ đi ‘khập khiễng’
Nói đến bệnh gout, ta nghĩ ngay là “căn bệnh nhà giàu”, đối tượng thường mắc phải là nam giới, từ độ tuổi trung niên trở lên. Tuy nhiên hiện nay, bệnh gout ngày càng trẻ hoá, xuất hiện ở người trẻ tuổi, cả nam lẫn nữ.
BS Nguyễn Đức Thành khám và điều trị bệnh nhân mắc bệnh gout tại Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM – Ảnh: BVCC
BS Nguyễn Đức Thành – trưởng khoa vật lý trị liệu và phục hồi chức năng Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM – cho rằng bệnh gout là căn bệnh đáng báo động của thời đại hiện nay.
Gout “gọi tên” khi chỉ trên 20 tuổi
Anh L.B.T. (25 tuổi, huyện Cần Giờ, TP.HCM) đang điều trị bệnh gout tại Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM cho biết cách đây 4 tháng, tại các khớp xương ở ngón tay và ngón chân của anh có biểu hiện đau nhức từng cơn, thường kéo dài 3-4 ngày rồi tự mất. Tuy nhiên, cơn đau này lại xuất hiện với mức độ nặng hơn, đặc biệt là sau những cuộc nhậu.
Chị T.N. (Quảng Ngãi) nghẹn ngào chia sẻ: “Bác sĩ kết luận tôi mắc bệnh gout cấp tính, tôi không ngờ vì mình mới 29 tuổi mà đã “dính” bệnh này rồi. Tôi có nhậu nhẹt gì đâu?”.
BS Phan Vương Huy Đổng – phó chủ tịch Hội Y học thể thao TP.HCM – cho hay tỉ lệ người dân đến khám bệnh gout và liên quan đến gout chiếm khoảng 2% trong số các bệnh nhân đến khám cơ – xương – khớp. “Gần 30 năm kinh nghiệm trong nghề, tôi thấy tỉ lệ mắc bệnh gout ngày càng trẻ hóa. Bởi lẽ trước đây bệnh gout thường xuất hiện ở độ tuổi từ 40 trở lên. Tuy nhiên, hiện nay có trên 50% người mắc bệnh gout đến khám tại phòng khám của tôi chỉ ở độ tuổi từ 20-40” – BS Huy Đổng cho biết.
BS Đức Thành cho rằng trong những năm gần đây, số lượng bệnh nhân mắc bệnh gout và liên quan đến gout đến khám và điều trị tại bệnh viện tăng cao. Điều đáng chú ý là bệnh nhân ngày càng trẻ hóa, mắc bệnh vào độ tuổi 20 trở lên nhiều. Mặc dù trước đây bệnh gout chỉ xuất hiện ở những người trên độ tuổi trung niên hoặc ở những người mắc do yếu tố di truyền.
Đừng chủ quan khi bị sưng đỏ
BS Huy Đổng cho biết trong những giai đoạn đầu, người bệnh có các biểu hiện chung như đau, sưng, nóng, đỏ… ở các khớp tại vùng đầu ngón tay, cổ tay, ngón chân, mắt cá chân, đặc biệt là ngón chân thứ nhất (ngón cái). Ngoài ra, thỉnh thoảng vẫn xuất hiện ở đầu gối, khuỷu tay…
Đối với những trường hợp gout mãn tính, tại các vị trí vừa nêu trên thường có sự xuất hiện các u cục tophi. Lúc này các cục tophi thường nổi lên rất to, gây biến dạng khớp, làm giảm chức năng vận động. Nếu cục tophi vỡ ra có thể gây nhiễm trùng, thậm chí gây hoại tử khớp và mô lân cận.
Ngoài ra, người mắc bệnh gout thường có những biểu hiện chung về dáng vẻ bề ngoài, đó là người thì béo phì, dáng đi thì khập khiễng, mặt thì sưng sưng, phì phệ…
Điều trị và phòng tránh
BS Huy Đổng khuyến cáo, khi có dấu hiệu bệnh gout hoặc đang nghi ngờ bị bệnh gout thì nên đến các cơ sở chuyên khoa cơ – xương – khớp để được thăm khám, xét nghiệm, chẩn đoán, điều trị. Đặc biệt là phải theo dõi liên tục vì bệnh gout là bệnh do thói quen ăn uống, sinh hoạt không đúng gây nên.
Sau khi bệnh nhân vượt qua giai đoạn cấp, việc bình ổn axit uric trong máu là cực kỳ quan trọng. Để thực hiện điều này, ngoài việc dùng thuốc theo sự hướng dẫn của bác sĩ, điều quan trọng nhất là người bệnh cần có chế độ ăn uống, sinh hoạt khoa học.
Người bị gout nên:
1. Giảm những thực phẩm giàu chất đạm (thịt có màu đỏ, hải sản không tươi sống (đông lạnh)…).
2. Tăng cường ăn nhiều rau xanh, uống nhiều nước nhằm tăng lượng nước tiểu để đào thải chất độc ra ngoài.
3. Có chế độ tập luyện thể dục thể thao hợp lý, phù hợp với thể trạng dưới sự tư vấn của bác sĩ chuyên khoa.
Không nên:
1. Tập thể dục thể thao quá mức, điều này làm các khớp thêm đau, yếu, thậm chí vỡ khớp xương vì do axit “ăn mòn” trước đó. Đặc biệt lưu ý tránh những chấn thương trong tập luyện vì có thể làm cơn đau gout cấp tính “trỗi dậy”.
2. Không được tự ý mua thuốc trị bệnh gout theo kinh nghiệm, theo truyền miệng hoặc theo toa thuốc của người cũng mắc bệnh gout trước đó.
3. Việc dùng các thực phẩm chức năng vì chúng chỉ có tác dụng hỗ trợ, điều hoà axit uric trong máu, giúp người bệnh dễ dàng sống chung với gout. Vì thế người bệnh không nên đặt quá nhiều kỳ vọng và lạm dụng như quảng cáo.
4 yếu tố dễ gây bệnh gout
Bệnh gout có cơ chế rất phức tạp vì chúng gắn liền các sinh hoạt trong cuộc sống của chúng ta. Có nhiều yếu tố khiến bệnh gout ngày càng trẻ hoá:
1. Yếu tố di truyền, tức là khi sinh ra đã mắc bệnh hay thiếu một số men trong quá trình chuyển hóa chất đạm, tạo ra nhiều axit uric trong máu gây nên bệnh gout.
2. Thường xuyên uống rượu bia, ăn nhiều thực phẩm có nhiều chất đạm, đặc biệt là các thực phẩm không tươi sống và chế biến công nghiệp.
3. Ít vận động, stress, béo phì. Việc ăn uống đầy đủ nhưng lười vận động sẽ làm năng lượng trong cơ thể dư thừa, chuyển hoá cơ thể sẽ bị rối loạn dễ sinh bệnh.
4. Tỉ lệ người mắc bệnh thận, bệnh gan ngày càng trẻ hóa và tăng cao góp phần làm gia tăng bệnh gout. Ngược lại, bệnh gout cũng gây ra suy gan, suy thận mãn tính. Như vậy những bệnh này tương tác qua lại với nhau, còn gọi là vòng xoắn bệnh lý.