27/01/2025

Thời trang là thủ phạm thứ 2 gây ô nhiễm nguồn nước

Ngành công nghiệp thời trang là ngành công nghiệp thứ hai trên thế gây ô nhiễm nguồn nước. Mỗi năm trên thế giới lãng phí đến 500 tỉ USD cho những sản phẩm thời trang không bao giờ được bán hay sử dụng…

 

Thời trang là thủ phạm thứ 2 gây ô nhiễm nguồn nước

Ngành công nghiệp thời trang là ngành công nghiệp thứ hai trên thế gây ô nhiễm nguồn nước. Mỗi năm trên thế giới lãng phí đến 500 tỉ USD cho những sản phẩm thời trang không bao giờ được bán hay sử dụng…
 


Cần đến 7000 lít nước để sản xuất ra một chiếc quần jeans và 2700 lít nước để làm ra một chiếc áo thun. Còn gì bạn chưa biết về những thứ mình đang mặc trên người?

Đó chỉ là vài con số và sự thật được đề cập đến trong buổi đối thoại thời trang với chủ đề Thời trang bền vững do H&M Việt Nam, tạp chí Elle Việt Nam và Đại học quốc tế RMIT tại Việt Nam tổ chức vào ngày 6-4 tại TP.HCM.

Hẳn nhiên, những đơn vị tổ chức buổi đối thoại lẫn khách mời của chương trình không chỉ đến để trình bày hay nghe về các con số mà đã có một “chương trình hành động” đã được giới thiệu đến tất cả mọi người.

Những sự thật đáng ngại

 

Tại buổi đối thoại về Thời trang bền vững, bà Nguyễn Liên Chi – thư ký tòa soạn tập chí ELLE Việt Nam – đã cho rằng chúng ta hẳn chỉ biết một nửa về những gì mình đang mặc trên người.

Gây ô nhiễm nguồn nước, sử dụng chất hoá học độc hại và lãng phí nguồn nguyên liệu vải, thời trang hay thời trang nhanh đã khiến môi trường phải trả một cái giá quá đắt.

Có mặt tại cuộc đối thoại, bà Bùi Thu Hiền – điều phối viên quốc gia của Liên minh bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) chia sẻ: “Trong ngành hàng may mặc, polyester là loại vải được sử dụng phổ biến nhất. Nhưng khi loại vải này được giặt trong máy giặt gia đình, chúng tạo nên những sợi vải siêu nhỏ (microfiber) làm gia tăng lượng nhựa trong nước biển.

Những sợi này rất nhỏ, có thể dễ dàng đi qua nhà máy xử lý nước thải vào các tuyến đường thuỷ. Vì không phân hủy sinh học, chúng trở thành mối đe doạ nghiêm trọng đối với sinh vật dưới nước.

Những loại sinh vật nhỏ như sinh vật phù du sẽ ăn chúng, sau đó trở thành chuỗi thức ăn cho cá và động vật ăn thịt. Cuối cùng, các sợi siêu nhỏ chui vào dạ dày con người”. Bà Hiền cũng tiết lộ, Việt Nam là nước thứ 4 trên thế giới thải chất thải nhựa ra biển.

Bộ phim tài liệu The True Cost năm 2015 đã cho thấy tác động khủng khiếp của việc sử dụng hóa chất độc hại trong trồng bông, từ cái chết vì ung thư của một nông dân tại Mỹ cho đến nhiều trường hợp dị tật bẩm sinh nghiêm trọng của con em gia đình người trồng bông tại Ấn Độ.

Trồng bông đòi hỏi lượng nước và thuốc trừ sâu lớn. Giờ đây, hầu hết bông được trồng trên thế giới đều đã biến đổi gen, kháng sâu bệnh và đạt năng suất cao. Tuy nhiên, chúng dẫn tới sự ra đời của loại “siêu cỏ dại” có khả năng kháng thuốc trừ sâu thông thường.

Để tiêu diệt “siêu cỏ dại”, nông dân toàn cầu cần phải sử dụng các loại thuốc chống cỏ dại độc hơn, đe doạ nghiêm trọng sức khỏe vật nuôi và con người.

 

Thời trang là thủ phạm thứ 2 gây ô nhiễm nguồn nước - Ảnh 3.

Các người mẫu trong bộ sưu tập thời trang bền vững bảo vệ môi trường Conscious Exclusive 2018. Các mẫu áo đều làm bằng vải hữu cơ, Tencel và Econyl – sợi nylon tái chế 100% được làm từ luới đánh bắt cá và chất thải nylon – Ảnh: Thành Luân

 

Hãy tái chế và tiết kiệm

Tờ South China Morning Post hồi cuối năm 2017 đã có bài viết: “Cơ hội để Việt Nam để trở thành quốc gia đi đầu trong sản xuất thời trang bền vững“.

Bài viết đặt vấn đề Việt Nam là nước xuất khẩu hàng dệt may lớn thứ 5 trên thế giới và đang phải đối mặt với vấn đề gây ô nhiễm nguồn nước, trong khi các nhà đầu tư nước ngoài đang xây dựng các nhà máy mới theo tiêu chuẩn cao hơn và sử dụng các quy trình sản xuất thân thiện với môi trường.

Bà Victoria Rhodin Sandstrom – Bí thư thứ nhất Trưởng ban chính trị Đại sứ quán Thụy Điển – cho hay Thuỵ Điển đã bắt tay thực hiện những bước phát triển thời trang bền vững từ 24 năm qua. Và bà cũng cho rằng việc phát triển bền vững là điều bắt buộc phải thực hiện nếu một doanh nghiệp thời trang muốn sống còn.

Đây không phải là công việc từ thiện để muốn hay không muốn làm mà bắt buộc phải làm. Chúng tôi tin rằng “sức mạnh người tiêu dùng” là yếu tố quyết định trong việc mang đến các kết quả tốt đẹp cho phát triển bền vững chứ không chỉ là trách nhiệm của chính phủ, các công ty hay cơ sở sản xuất.

Bà Victoria Rhodin Sandstrom – Bí thư thứ nhất Trưởng ban chính trị Đại sứ quán Thụy Điển

Câu hỏi đặt ra là liệu Việt Nam có thể phát triển ngành công nghiệp dệt may của mình theo cách bền vững, thân thiện với môi trường?

Chính phủ hiện đã có các luật bảo vệ môi trường chặt chẽ hơn với các khoản tiền phạt mạnh tay hơn, lên đến 88.000 đô la Mỹ đối với những nhà máy gây ô nhiễm.

Và các nhà sản xuất trang phục cũng đã có những bước đi để làm sạch ngành công nghiệp này, đủ để tin rằng Việt Nam có tiềm năng dẫn đường tới các thực tiễn xanh ở châu Á.

Giáo sư Julia Gaimster – trưởng khoa Ngành thời trang, ĐH RMIT Việt Nam – vui mừng chia sẻ ngày nay, rất nhiều sinh viên ngành thiết kế hay những thương hiệu mới tại Việt Nam đã chú trọng ngay từ đầu về phát triển bền vững, ưu tiên cho những sản phẩm thân thiện với môi trường.

“Đã có những thương hiệu Việt chú tâm ngay từ công tác trồng bông theo phương pháp hữu cơ hay có các tư duy khác trong việc kinh doanh thời trang. Ví dụ họ không sản xuất để bán mà để cho thuê để tránh lãng phí trong sử dụng.

Một số thương hiệu còn chịu khó tìm đến các nhà máy lớn để mua lại các nguyên liệu thừa để làm nên các sản phẩm của mình. Con người thường mua quần áo vì thích, muốn nhiều hơn là vì cần. Người ta luôn muốn được mới mẻ, khác biệt. Vậy làm sao để vẫn có đuợc những sản phẩm mới mẻ, thỏa nhu cầu của khách hàng mà không gây lãng phí hay ô nhiễm môi trường?”.

Câu hỏi của giáo sư Julia đã được bà Xin Yi Wong – quản lí phát triển bền vững của H&M Đông Nam Á – chia sẻ: “Đây là năm thứ 7 H&M giới thiệu bộ sưu tập thời trang bền vững từ vải lanh, lụa, bông hữu cơ và các polyester hay sợi nylon tái chế.

Năm nay, bộ sưu tập Conscious Exclusive 2018 được làm từ luới bắt cá và chất thải nylon , góp phần làm sạch đại dương. Bà Xin Yi Wong cũng cho biết thêm, mục tiêu đến năm 2020 của H&M là sẽ 100% sử dụng chất liệu cotton hoặc tái chế hoặc có nguồn gốc bền vững.

Trong tháng 9 năm nay, các bạn trẻ quan tâm đến thời trang bền vững cũng có thể tham gia cuộc thi Global change awards để có cơ hội theo học một năm tại học viện thời trang nổi tiếng với nhiều kinh nghiệm thực tiễn hơn trong thời trang phát triển bền vững.”

Còn người tiêu dùng Việt thì có thể làm gì cho thời trang xanh hay môi trường xanh? Bà Xin Yi Wong cho hay ngoài việc ưu ái lựa chọn những “sản phẩm xanh”, ngay bây giờ, hãy mang những túi đồ thời trang cũ, dư thừa của bất kỳ thương hiệu nào đến các cửa hàng H&M.

Bà nói: “Chúng tôi sẽ mang đến cho những món đồ đó một cuộc sống mới. Với những món đồ còn dùng được, sẽ chuyển cho công ty Ico của Đức để gửi dến những địa chỉ cần thiết. Với những món đồ đã sờn rách, sẽ chọn lựa để may thành giẻ lau. Và với những món đồ quá nát, chúng tôi sẽ nghiền ra để tạo nên những vật liệu mới.

Hoạt động thu gom quần áo diễn ra ở tất cả các cửa hàng H&M và khách hàng sẽ được tặng một phiếu ưu đãi 15% trên một túi qần áo cũ được mang đến cửa hàng”.

Đừng coi những đồ dùng cũ là rác hay chất thải mà vất đi. Hãy coi chúng là những dòng vật chất hay năng lượng khác và tái sử dụng. 

 

QUỲNH NGUYỄN