23/12/2024

Sinh viên cần học cách chi tiêu hợp lý

Vài năm gần đây, nhiều ngân hàng hỗ trợ mở thẻ tín dụng, giúp sinh viên có thể ‘vay’ chi tiêu những lúc ngặt nghèo. Tuy nhiên, không ít bạn trẻ tiêu xài không đúng mục đích dẫn đến mất khả năng chi trả.

 

Sinh viên cần học cách chi tiêu hợp lý

Vài năm gần đây, nhiều ngân hàng hỗ trợ mở thẻ tín dụng, giúp sinh viên có thể ‘vay’ chi tiêu những lúc ngặt nghèo. Tuy nhiên, không ít bạn trẻ tiêu xài không đúng mục đích dẫn đến mất khả năng chi trả.
 
 
 
 

Sinh viên cần học cách chi tiêu hợp lý khi sử dụng thẻ tín dụng  /// Ảnh: Ngọc Thắng

Sinh viên cần học cách chi tiêu hợp lý khi sử dụng thẻ tín dụng  ẢNH: NGỌC THẮNG

 
 
Vay dễ, xài thoải mái!
Nguyễn Thu H., sinh viên (SV) năm 3 Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM, kể: “Hiện nay có khá nhiều ngân hàng hỗ trợ SV mở thẻ, với hạn mức tín dụng từ 3 – 6 triệu đồng. Thủ tục khá đơn giản”.
 
H. cho biết mình và bạn bè đều làm thẻ. Khi được hỏi H. sử dụng thẻ vào những việc gì, H. chia sẻ: “Những lúc hết tiền, thẻ này rất tiện ích. Em dùng nó để mua đồ siêu thị, mua vé xem phim hoặc đi ăn uống với bạn bè…”. Trong khi đó, Gia Khiêm, Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, cho biết khi vừa có thẻ, Khiêm đã rút gần hết số tiền, cộng với số tiền mẹ cho để mua một chiếc điện thoại “xịn” hơn.
 
Cả H. và Khiêm đều không đi làm thêm nên số tiền nợ thẻ, hằng tháng H. và Khiêm lại trích tiền bố mẹ gửi trả khoản tiền tối thiểu cho ngân hàng. Nhưng rồi cuối tháng hết tiền, khi cần tiêu lại “rút” từ thẻ ra. Cá biệt, Nguyễn Trần Kh.,  SV Trường ĐH Bách khoa TP.HCM do tiêu xài không có kế hoạch, không chỉ nợ toàn bộ số tiền trong thẻ, mà còn vay bạn bè… đến nỗi liên tiếp vài tháng không có tiền đóng cho ngân hàng nên phải gọi về xin tiền ba mẹ để trả.
 
Thạc sĩ Hoàng Thị Thoa, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ SV, Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, thông tin thêm: “Một số ngân hàng còn liên kết với các công ty dịch vụ cung cấp dạng thẻ tích hợp để người dùng có thể mua sắm, chi tiêu thông qua ứng dụng trên điện thoại. Nếu tải ứng dụng về sẽ được hỗ trợ 6 triệu đồng, có thể mua điện thoại, máy tính trả góp… Việc này rất có ích đối với những SV đã kiếm ra tiền và biết cách chi tiêu hợp lý, nhưng lại gây ra hệ l uỵđối với những bạn chi tiêu bất hợp lý, trong khi còn đang phụ thuộc vào cha mẹ”.
 
Cẩn thận bị “nợ xấu”
Ông Đặng Kiên Cường, Trưởng phòng Công tác SV, Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, cho biết: “Không phải SV nào cũng đi làm thêm và kiếm ra tiền. Các em vẫn còn đang phụ thuộc vào cha mẹ. Nhiều em không tự chủ được việc chi tiêu, còn lấy cả tiền học phí mua sắm những thứ không cấp bách như điện thoại, quần áo, ăn chơi…”.
 
Đối với những trường hợp trả nợ không đúng hạn hoặc không trả nợ nhiều tháng liên tiếp, sẽ ảnh hưởng tới hồ sơ tín dụng cá nhân. Ông Nguyễn Ngọc Anh, Trưởng phòng Công tác SV, Trường ĐH Mở TP.HCM, cho rằng: “Ngân hàng sẽ liệt những em trả nợ chậm vào danh sách nợ xấu, gây tác hại lớn cho các em sau này. Trong tương lai, sẽ có lúc các em phải thực hiện những hồ sơ vay khác. Lịch sử tín dụng này có thể cản trở điều đó”.
 
Vì vậy, ông cho rằng SV cần biết cách chi tiêu khi sử dụng thẻ tín dụng.
 
 
MỸ QUYÊN