‘Nổ’ chữa bệnh trên Facebook
Không hề có chuyên môn nhưng lập trang Facebook quảng bá rầm rộ về bài thuốc gia truyền chữa thoát vị đĩa đệm, đái tháo đường… Bị cơ quan chức năng phát hiện, xử lý thì đóng cửa và lập trang Facebook khác tiếp tục “nổ”…
‘Nổ’ chữa bệnh trên Facebook
Không hề có chuyên môn nhưng lập trang Facebook quảng bá rầm rộ về bài thuốc gia truyền chữa thoát vị đĩa đệm, đái tháo đường… Bị cơ quan chức năng phát hiện, xử lý thì đóng cửa và lập trang Facebook khác tiếp tục “nổ”…
Đó là trường hợp ông Trần Văn Cường và ông Lê Văn Ngư, hành nghề chữa thoát vị đĩa đệm bằng bài thuốc gia truyền. Tháng 11.2016, qua thông tin từ Facebook (FB), PV Thanh Niên đã thâm nhập phòng khám (PK) của 2 ông này tại P.12, Q.Vò Vấp, TP.HCM. Thanh tra Sở Y tế sau đó kiểm tra, đình chỉ hoạt động PK vì ông Cường, ông Ngư không có bằng cấp chuyên môn và giấy phép hoạt động, có nhiều loại sản phẩm dạng bột được đóng gói không nhãn mác…
“Bệnh nặng lắm rồi” !
Bẵng đi một thời gian, đến giữa năm 2017, trên FB xuất hiện một cái tên mới là nhà thuốc đông y Trần Vượng với 2 cơ sở: ấp Xóm Đồng, xã Tân Phú Trung, H.Củ Chi và chi nhánh nhà thuốc đông y Trần Vượng tại đường số 10, P.Hiệp Bình Chánh, Q.Thủ Đức, TP.HCM. Hai cơ sở này rầm rộ đăng tải các clip quay cảnh khám chữa bệnh (KCB) đưa lên trang FB “Cộng đồng chữa thoát vị đĩa đệm”. Các clip về bệnh nhân (BN) khoe nhờ chữa trị ở đây mà “đỡ hơn” cũng được đăng tải dày đặc càng khiến nhiều người tin tưởng tìm đến. Cơ sở này còn lập cả website chuathoatvidiadem.org và đưa lên YouTube. Không chỉ người địa phương, mà BN từ Đà Nẵng, Huế… đến tận Cà Mau cũng tìm đến khám và mua thuốc vì đọc thông tin qua mạng.
Ông Lê Văn Cường đang chỉ đạo khám, chữa bệnh tại cơ sở Q.Thủ Đức ngày 30.3 ẢNH: DUY TÍNH |
Theo quảng cáo của nhà thuốc, đây là bài thuốc đắp gia truyền có nguồn gốc từ Nam Định, có thể chữa hết bệnh thoát vị đĩa đệm với nhiều BN nặng, nhẹ khác nhau.
Ngày 29.3, PV Thanh Niên trong vai người bệnh đã thâm nhập cơ sở 110/5/8 tỉnh lộ 2, tổ 5, ấp Xóm Đồng, xã Tân Phú Trung, H.Củ Chi. Trước cổng cơ sở treo biển: Phòng chẩn trị y học cổ truyền, y sĩ Lê Xuân Hoà. Tuy nhiên, bên trái cổng lại treo thêm một biển phụ ghi: Công ty TNHH đông y Trần Vượng.
Dù gần trưa nhưng người tới khám bệnh vẫn rất đông, có cả người từ Đắk Lắk đến khám. Một phụ nữ tên Đào Thị Sen phát số và liên tục trộn thuốc đắp cho BN, gói thuốc để gửi cho BN ở xa. Cạnh đó, ông Lê Văn Ngư đang tập vật lý trị liệu cho một nữ BN. Vừa nắn bóp, xoa đầu cho BN, ông Ngư vừa nói: “Chữa ở đây thì phải theo phác đồ của tôi. Có người đến đây bảo tôi bấm huyệt này kia, trả tiền nhiều tôi cũng không làm. Phải lấy thuốc ở đây mới được”. Những loại thuốc ở đây không khác gì thuốc tại địa điểm hành nghề ở Q.Gò Vấp nói trên.
Thấy PV vào, bà Sen hỏi ngay: “Tới đắp thuốc hả? Chịu khó vô phòng bên trong đợi, các “thầy” đang có khách. Sáng giờ mới có 32 người nên không phải đợi lâu. Chứ thứ bảy, chủ nhật họ đến cả trăm người”. Liền đó, bà Sen hướng dẫn PV đi vào căn phòng nơi có 3 “thầy” đang xoa bóp, tập vật lý trị liệu cho BN.
Một “thầy” vừa làm xong cho BN liền tới hỏi bệnh tình và đòi xem phim X-quang của PV. Cầm phim X-quang, “thầy” phán PV bị thoái hóa, gai cột sống “nặng lắm rồi” và yêu cầu nằm lên giường rồi bắt đầu màn đấm bóp, trị liệu. Chừng 25 phút, PV được đẩy ra ngoài để mua thuốc. Tại đây, bà Sen kêu mua thuốc đắp với giá 200.000 đồng/lá. PV lấy cớ bận còn đi tiếp khách, sẽ quay lại sau thì bà này cau mặt, thu 100.000 đồng công đấm bóp của “thầy”.
Qua tìm hiểu của PV, các “thầy” vật lý trị liệu, xoa bóp chỉ là các kỹ thuật viên nhưng BN đưa phim X-quang họ đều đọc vanh vách và phán bệnh khiến BN khiếp vía!
Ngày 30.3, PV tiếp tục thâm nhập cơ sở 2 của nhà thuốc đông y Trần Vượng tại số 44, đường số 10, P.Hiệp Bình Chánh, Q.Thủ Đức. Nơi này là một căn nhà 4 tầng không có biển hiệu hoạt động KCB, nhưng bên trong lúc nào cũng tấp nập người đến khám và mua thuốc. Tầng trệt làm nơi đón tiếp và phòng chờ BN. Tầng hai được chia làm hai căn phòng lớn để các “thầy” khám bệnh và trị liệu.
Khi PV vào, có gần chục BN đang được 7 “thầy” điều trị trong 2 phòng thực hiện đấm bóp, massage và trị liệu. Nhiều BN phải ngồi đợi đến lượt. Quy trình khám bệnh ở đây cũng rập khuôn cơ sở chính ở H.Củ Chi. Nếu BN có mang phim X-quang thì thầy sẽ xem, chỉ chỏ qua loa rồi kêu nằm xuống giường để trị liệu. Thậm chí, có “thầy” còn dùng khoan tường để đâm lên người BN! Sau khoảng 25 – 30 phút trị liệu, BN sẽ được đẩy ra ngoài để mua thuốc đắp với giá 200.000 đồng/lá (gói) như ở Củ Chi, cộng với chai rượu thoa bóp 50.000 đồng/chai. Ở đây, chúng tôi nhận ra “người quen cũ” Trần Văn Cường đứng “chỉ đạo”.
Nói là nhà thuốc đông y nhưng chẳng có tủ thuốc theo quy định, thuốc được bỏ trong bao ni lông lớn và cần thì lấy ra trộn bột, rượu đắp lên cho BN hoặc bỏ vào bao đưa BN mang về. Theo quảng cáo thì BN chữa, đắp từ 6 – 12 lá thuốc sẽ… khỏi thoát vị đĩa đệm (?!). BN ở xa, PK gửi thuốc qua đường bưu điện kèm video chỉ dẫn, cũng… khỏi bệnh!
Bị kiểm tra, xóa luôn facebook
Từ phản ánh của PV Thanh Niên, ngày 3.4, Thanh tra Sở Y tế TP.HCM thành lập khẩn 2 đoàn, đồng loạt kiểm tra 2 điểm bán thuốc của nhà thuốc đông y Trần Vượng.
Đoàn một đến cơ sở chính ở H.Củ Chi. Lúc này, bà Sen đang làm thuốc để đắp lưng, ông Ngư xoa bóp cho BN, bên phòng trong 4 “thầy” đang tập vật lý trị liệu cho BN. Thấy thanh tra, mọi hoạt động dừng lại, cả chục BN lục tục ra về. Ông Ngư loanh quanh một lúc rồi khuất dạng. Trả lời Thanh tra, bà Sen nói chỉ làm cho y sĩ Lê Xuân Hoà và chờ 20 phút ông Hòa về làm việc. Đoàn thanh tra đã niêm phong, tạm giữ 18 gói thuốc uống không rõ nguồn gốc nhưng nhãn mác quảng cáo trị bá bệnh; 14 gói thuốc ngâm rượu và 36 gói thuốc đắp lưng có đóng chữ đông y Trần Vượng; yêu cầu PK dừng hoạt động đắp thuốc vì không có phép của Sở Y tế; đồng thời mời ông Hoà tới Sở Y tế làm việc vào ngày 5.4.
Tại PK ở đường số 10, P.Hiệp Bình Chánh (Q.Thủ Đức), khi đoàn vừa tới, cơ sở lập tức đóng cửa kín mít, ngưng hoạt động. Trang FB “Cộng đồng chữa thoát vị đĩa đệm” của cơ sở này cũng bất ngờ xóa địa chỉ tại P.Hiệp Bình Chánh. Khi PV liên lạc vào số điện thoại của cơ sở này, người trực điện thoại thông báo: “Cơ sở ở P.Hiệp Bình Chánh tạm thời ngưng hoạt động một tháng vì thầy bận đi nước ngoài sắm máy móc thiết bị. Nếu muốn mua thuốc thì có thể đặt gửi qua đường bưu điện”. Đoàn thanh tra đã lập biên bản ghi nhận vụ việc, giao Phòng Y tế Q.Thủ Đức phối hợp chính quyền địa phương kiểm tra, giám sát hoạt động KCB tại đây.
Cơ quan chức năng không biết?
Theo điều tra của PV, ông Hoà đang công tác tại Trung tâm y tế Q.Bình Thạnh, được Sở Y tế TP.HCM cấp phép hoạt động phòng chẩn trị y học cổ truyền tại địa chỉ trên vào tháng 8.2017. Từ thứ hai đến thứ bảy, PK hoạt động từ 17 giờ 30 – 21 giờ 30 và chủ nhật từ 7 giờ 30 – 20 giờ. Những ngày bình thường, trong giờ hành chính, ông Hòa đi làm tại Q.Bình Thạnh, PK được giao lại cho nhóm ông Lê Văn Ngư, Trần Văn Cường, Đào Thị Sen và những người không có chuyên môn hành nghề trái phép, rầm rộ bấy lâu nay với tên gọi trên FB “Nhà thuốc đông y Trần Vượng”. Vậy nhưng, các cơ quan chức năng không hề hay biết (?).
Thuốc của ông Cường được trộn bột, rượu đắp cho bệnh nhân ẢNH: DUY TÍNH |
Ông Nguyễn Trọng Nghĩa, đại diện Phòng Y tế H.Củ Chi, cho biết đã kiểm tra PK của ông Hoà một lần vào ngày 26.9.2017. Biên bản kiểm tra thể hiện đoàn liên ngành H.Củ Chi đi kiểm tra lúc 16 giờ ngày 26.9.2017 (thứ ba), trong khi giờ hành nghề cho phép của ông Hòa là từ 17 giờ 30 trở đi. Tại thời điểm kiểm tra PK mở cửa hoạt động, có mặt ông Hòa và ông cung cấp đầy đủ các loại giấy phép theo quy định. H.Củ Chi ghi nhận PK chưa lập sổ khám bệnh theo dõi BN, biển hiệu quảng cáo ghi Trần Vượng không đúng theo giấy phép hoạt động. Mặc dù sai phạm là vậy nhưng PK chỉ bị… nhắc nhở sửa biển hiệu. Đại diện Phòng Y tế H.Củ Chi cũng cho biết, PK này hiện chỉ có mình ông Hòa đăng ký hành nghề chứ không có nhóm ông Ngư, bà Sen…
Trả lời PV về việc cơ sở KCB nằm ngay trên địa bàn mà cán bộ quản lý về y tế không biết, bà Nguyễn Thị Nhị (đại diện Phòng Y tế Q.Thủ Đức), phân trần: “Do cơ sở không phép, không biển hiệu, nhìn ở ngoài như nhà dân nên chúng tôi cũng không biết được. Họ không thông qua y tế Q.Thủ Đức. Khi nào cán bộ phường có kiểm tra, thống kê thì may ra mới biết!”.
Tràn lan mạo danh trên mạng
Bác sĩ (BS) Th. (phòng khám phẫu thuật thẩm mỹ ở Q.1, TP.HCM) bức xúc việc bị mạo danh trên mạng để làm thẩm mỹ. “Người ta lấy uy tín của mình ra làm ăn, mà mạng xã hội giờ đầy ra đó nhưng có ai giải quyết gì đâu. Kiện cáo chỉ mất thời gian”, BS Th. chia sẻ và cho biết rất nhiều khách hàng phản ánh việc bà bị người khác mạo danh để chèo kéo khách hàng.
BS Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm – thần kinh BV Nhi đồng 1 (TP.HCM) khá nổi tiếng với fanfage “Hỏi BS nhi đồng” cũng bị nhiều người giả danh, đưa hình ảnh lên FB và rao bán… thực phẩm chức năng chữa đau lưng, nam khoa, tăng chiều cao.
“Nổi tiếng” về tư vấn cho khách hàng trên FB lâu nay phải kể đến “BS thẩm mỹ” giả danh T.V.H. “BS” H. lên FB của mình ghi từng học tại Trường đại học Y Dược TP.HCM và thường xuyên livestream phẫu thuật nâng mũi, cắt mí, làm răng… Sau khi bị phản ánh, ông H. hiện đã đổi tên từ “BS thẩm mỹ” qua “tư vấn thẩm mỹ”.
“Mới đây chúng tôi phải đề nghị cơ quan quản lý xử lý trang web sử dụng hình ảnh giáo sư, BS của Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) trong bài viết quảng bá cho thực phẩm chức năng điều trị bệnh mỡ máu. Vì giáo sư, BS của bệnh viện chưa từng dự hội thảo đó”, BS Bích Mận, Trưởng phòng Công tác xã hội, Bệnh viện Bạch Mai cho biết. (Duy Tính – Liên Châu)
|
DUY TÍNH