12/01/2025

Khan văcxin ngừa bệnh dại

Nhiều bệnh nhân bị chó cắn loay hoay không biết đi đâu để chích ngừa được văcxin ngừa bệnh dại. Đến chiều 4-4, chỉ còn hai địa điểm có thể tiêm được văcxin Abhayrab (Ấn Độ), còn văcxin Verorab (Pháp) thì gần như hết.

 

Khan văcxin ngừa bệnh dại

Nhiều bệnh nhân bị chó cắn loay hoay không biết đi đâu để chích ngừa được văcxin ngừa bệnh dại. Đến chiều 4-4, chỉ còn hai địa điểm có thể tiêm được văcxin Abhayrab (Ấn Độ), còn văcxin Verorab (Pháp) thì gần như hết.

 

 

Khan văcxin ngừa bệnh dại - Ảnh 1.

Người dân tìm hiểu để được tiêm văcxin ngừa dại tại Viện Pasteur TP.HCM – Ảnh: T.Dương

Sáng 4-4, Viện Pasteur TP.HCM dán thông báo: “Hiện tại, Viện Pasteur TP.HCM đã hết văcxin ngừa bệnh dại” nhưng vẫn có rất nhiều bệnh nhân đến quầy hướng dẫn cạnh đó hỏi lại một lần nữa xem có còn văcxin ngừa bệnh dại hay không. Cô nhân viên hướng dẫn liên tục phải trả lời: “Không còn…”.

Lo lắng khi chưa tiêm được văcxin

Nhìn vào bàn tay trái bị chó cắn, chị V.T.H. – 47 tuổi, ngụ Bình Dương – kể chiều qua, hai con chó nhà chị xông vào cắn nhau, chị chạy vào can chúng ra, không ngờ bị một con chó cắn vào tay. Vì chó nhà chưa được chích ngừa nên chị lo lắng đến Viện Pasteur TP.HCM chích ngừa bệnh dại, nhưng ở đây lại hết văcxin. Chị H. không biết chỗ nào còn văcxin để được chích ngừa.

Bế con trai 2 tuổi trên tay, chị N.T.T.T. – 32 tuổi, ngụ Bình Dương – tỏ ra rất lo lắng khi Viện Pasteur TP.HCM hết thuốc. Chồng chị đứng cạnh cũng rất hoang mang vì dưới tỉnh hết văcxin chích ngừa bệnh dại. Vợ chồng chạy lên tận đây cũng nhận được thông tin hết văcxin, không biết con trai sẽ như thế nào đây nếu không được chích ngừa? Chị T. kể hôm qua, con trai chị bị con chó nhà bên cạnh cắn vào trán. Con chó này chưa được ngừa bệnh dại, nên hai anh chị từ sáng sớm đã bắt xe lên TP.HCM với hi vọng sẽ được chích ngừa.

Trong sáng 4-4, nhiều người đến Viện Pasteur chích ngừa, trong đó có cả những người đã chích một, hai mũi ngừa bệnh dại trước đó đều phải quay về vì không còn văcxin. Đến 11h cùng ngày, Trung tâm Y tế dự phòng TP cũng không còn văcxin để chích.

Hiện Việt Nam đang sử dụng 2 loại văcxin tiêm ngừa dại là Verorab (Pháp) và Abhayrab (Ấn Độ). Tuy nhiên, văcxin Verorab được sử dụng nhiều hơn.

Theo ghi nhận của phóng viên Tuổi Trẻ, đến chiều 4-4 chỉ còn Trung tâm Tiêm chủng ở trẻ em và người lớn (Q.Phú Nhuận, TP.HCM) có văcxin tiêm ngừa dại Verorab nhưng không nhận tiêm ngừa cho bệnh nhân mới và Phòng khám đa khoa Gentical Lạc Long Quân (Q.Tân Bình) chỉ có văcxin Abhayrab.

Cũng trong chiều 4-4, Viện Pasteur TP.HCM đã chích ngừa hai loại văcxin trở lại nhưng số lượng văcxin Verorab có hạn, trong khi Trung tâm Y tế dự phòng TP, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới, một số trung tâm y tế quận huyện có tổ chức tiêm ngừa dại đều đã hết cả hai loại văcxin này. Một bác sĩ tại Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM cho biết trước đó, ngày 3-4, một phụ nữ mang thai bị chó cắn đến Trung tâm Y tế dự phòng TP phòng ngừa bệnh dại nhưng trung tâm đã hết loại văcxin Verorab, nên đã chỉ bệnh nhân qua Viện Pasteur TP.HCM mà không biết viện này cũng hết cả hai loại văcxin này trước đó một ngày.

Thiếu tạm thời

Theo ThS.BS Nguyễn Minh Ngọc – Viện Pasteur TP.HCM, sau hai ngày tạm thời hết văcxin ngừa dại do nhu cầu người bệnh tăng đột biến, chiều 4-4, Viện Pasteur TP.HCM đã được cung cấp cả hai loại văcxin ngừa dại là Verorab và Abhayrab phục vụ nhu cầu người dân. Tuy nhiên, số lượng văcxin Verorab không nhiều. Theo các nhà cung cấp, khoảng giữa hoặc cuối tháng Verorab mới được cung cấp trở lại.

Theo thông tin kê toa của nhà sản xuất, văcxin Verorab có nghiên cứu chứng minh “không có bất kỳ tác hại đến khả năng sinh sản của nữ lẫn sự phát triển trước và sau sinh, không thấy bất kỳ dị dạng hoặc gây hại phôi thai”. Vì vậy, văcxin Verorab được khuyến cáo tiêm ngừa để phòng bệnh dại cho phụ nữ có thai và cho con bú. Còn đối với văcxin Abhayrab thì “chưa có bằng chứng Abhayrab có gây quái thai hay không, hoặc ảnh hưởng lên khả năng sinh sản. Vì vậy, chỉ dùng trên phụ nữ có thai khi rõ ràng cần thiết”. Abhayrab cũng có thể sử dụng ở phụ nữ cho con bú.

Trong trường hợp chỉ còn văcxin Abhayrab, đối với phụ nữ mang thai bị chó cắn, các bác sĩ của Viện Pasteur TP.HCM sẽ khám lâm sàng, hỏi tiền sử và cân nhắc giữa lợi ích với nguy cơ để quyết định có tiêm văcxin hay không. Bệnh dại là bệnh không có thuốc điều trị, một khi đã lên cơn dại, bệnh nhân sẽ tử vong nên việc tiêm ngừa càng sớm càng tốt sau khi bị súc vật cắn là biện pháp bảo vệ tốt nhất. Bệnh nhân nên tuân thủ theo hướng dẫn của nhân viên y tế.

Đại diện Công ty cổ phần y tế Đức Minh, công ty phân phối loại văcxin Abhayrab do Ấn Độ sản xuất, cho biết: hiện công ty cũng đang làm việc với nhà sản xuất để tiếp tục tăng sản lượng nhưng do tính chất đặc thù sản phẩm văcxin cần ít nhất 6-8 tháng mới có thể đáp ứng được sự thay đổi, nên vừa qua cũng không thể tăng nguồn cung ứng hơn được nữa.

Theo đại diện Công ty Sanofi Pasteur, hiện nguồn cung ứng văcxin Verorab của Sanofi Pasteur đang bị thiếu hụt. Tình trạng này nặng nề hơn khi đang có sự thiếu hụt văcxin dại trên toàn cầu. Công ty đang hết sức nỗ lực để cung ứng văcxin Verorab cho Việt Nam và dự kiến văcxin có sớm trong tháng 5 này.

Ông Đỗ Văn Dũng, trưởng phòng nghiệp vụ dược Sở Y tế TP.HCM, cho biết hiện nay, sở chưa nhận được báo cáo nào từ các đơn vị y tế về việc thiếu văcxin ngừa bệnh dại (văcxin dịch vụ). Hiện Sở Y tế đang chủ động làm việc với các đơn vị này.

Hà Nội còn một ít văcxin ngừa dại

Tại Hà Nội, ông Nguyễn Nhật Cảm, giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội, cho hay trung tâm còn 300 liều văcxin ngừa dại loại Verorab (Pháp), nhưng do nhiều cơ sở tiêm ngừa hết văcxin nên người có nhu cầu đổ dồn về trung tâm, tăng áp lực về văcxin. “Số văcxin dại hiện có chúng tôi sử dụng chính cho những người tiêm chưa đủ mũi, còn người mới đến chuyển sang sử dụng văcxin của Ấn Độ” – ông Cảm cho biết.

L.ANH

Phải đặt chỗ từ trước

Chiều 4-4, trong vai một người cần chích văcxin phòng dại, tôi gọi điện đến Trung tâm Tiêm chủng ở trẻ em và người lớn (Q.Phú Nhuận, TP.HCM) đã được nhân viên tư vấn nếu muốn chích ngừa văcxin ngừa bệnh dại phải đặt chỗ trước (khoảng 2 ngày) với giá 312.000 đồng/mũi tiêm. Văcxin tiêm tại đây là Verorab (Pháp). Trước đây, tại các cơ sở y tế công lập, giá chích ngừa loại văcxin này khoảng 200.000 đồng.

 

THUỲ DƯƠNG