Dạy trẻ tôn trọng bản quyền
Một trong những điều cần làm để xây dựng văn hoá tôn trọng bản quyền ở Việt Nam chính là dạy trẻ em tôn trọng quyền tác giả. Các em được hướng dẫn, giải thích từ nhỏ sẽ dần hình thành thói quen tôn trọng bản quyền.
Dạy trẻ tôn trọng bản quyền
Một trong những điều cần làm để xây dựng văn hoá tôn trọng bản quyền ở Việt Nam chính là dạy trẻ em tôn trọng quyền tác giả. Các em được hướng dẫn, giải thích từ nhỏ sẽ dần hình thành thói quen tôn trọng bản quyền.
Ở Việt Nam, vi phạm bản quyền là chuyện xảy ra như cơm bữa. Trong khi đó, luật về bản quyền đã đi vào áp dụng trong thực tiễn ở Việt Nam hơn một chục năm nay.
Phải tuân thủ luật chơi
Việc phần đông người Việt còn xa lạ với khái niệm bản quyền cũng có thể lý giải. Nếu như ở châu Âu hay ở Mỹ người dân có văn hoá tôn trọng luật bản quyền khá cao bởi luật bản quyền đã được công nhận từ vài trăm năm nay, vừa để bảo vệ tác giả – nhà sáng tạo tác phẩm – vừa để đáp ứng nhu cầu thực tế về quản lý thị trường xuất bản.
Ngược lại, ở Việt Nam, Luật bản quyền mới có hơn chục năm nay và sự ra đời này là kết quả của việc đất nước chúng ta trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), chứ chưa hẳn vì người Việt Nam đã sẵn sàng tôn trọng bản quyền.
Không chỉ thế, văn hoá châu Á đề cao giá trị tập thể nhiều hơn giá trị cá nhân và nhấn mạnh vào sự tự do chia sẻ kiến thức, thông tin. Đó là lý do vì sao đối với nhiều người Việt Nam, Luật bản quyền không chỉ khó hiểu mà dường như còn không phù hợp với quan niệm truyền thống Á Đông.
Tuy nhiên, chúng ta cũng phải hiểu được rằng trong thế giới “phẳng” hiện nay, việc không tuân thủ luật chơi của thế giới sẽ chỉ mang lại tác động tiêu cực tới nền kinh tế Việt Nam. Hơn nữa, Luật bản quyền hoàn toàn không phải là luật “cấm” trao đổi kiến thức, thông tin.
Ngược lại, nó có tác dụng cơ bản là khuyến khích sự sáng tạo, thúc đẩy sự phát triển của khoa học, nghệ thuật bằng cách trao quyền khai thác độc quyền cho tác giả. Nếu như không có sự bảo vệ của Luật bản quyền, tác giả sẽ không có đủ động cơ để sáng tác.
Ngoài ra, Luật bản quyền không chỉ bảo vệ quyền tác giả, mà còn tạo điều kiện cho sự truyền bá kiến thức. Nhiều quy định căn bản của Luật bản quyền nhắm tới mục đích tạo sự cân bằng giữa quyền của tác giả với nhu cầu giáo dục của xã hội.
Ở thời điểm hiện nay, Việt Nam không những cần hoàn thiện luật mà đặc biệt cần xây dựng văn hoá tôn trọng bản quyền ở người Việt Nam. Điều này rất cần thiết vì chúng ta đã tiến vào kỷ nguyên số hoá, nơi sức mạnh sáng tạo quyết định năng lực cạnh tranh kinh tế giữa các quốc gia
TS LÊ THỊ THIÊN HƯƠNG
Hình thành thói quen từ nhỏ
Làm thế nào xây dựng văn hoá tôn trọng bản quyền ở Việt Nam? Tôi cho rằng một trong những điều cần làm chính là dạy trẻ em tôn trọng quyền tác giả. Các em được hướng dẫn, giải thích từ nhỏ sẽ dần hình thành thói quen tôn trọng bản quyền.
Trên thực tế, các bậc cha mẹ có thể dạy điều này từ những chuyện rất nhỏ hằng ngày, cũng giống như dạy các con biết giữ gìn vệ sinh, bảo vệ môi trường hay dạy các thói quen văn minh lịch sự.
Đối với trẻ còn ở tuổi rất nhỏ, khi đọc truyện cho con chẳng hạn, cha mẹ đừng quên giới thiệu tên tác giả đầu tiên. Nếu như cha mẹ hay con từng đọc sách của tác giả đó, cha mẹ có thể thêm vài dòng giới thiệu về các quyển sách và tác giả đó.
Ở nhiều nước phát triển, trong các buổi đọc truyện tập thể hay cha mẹ đọc sách cho con, người đọc đều bắt đầu bằng việc giới thiệu tên sách và không thể thiếu tên tác giả. Chính điều này giúp hình thành trong trẻ một mối liên hệ với người sáng tác, nền tảng đầu tiên để hiểu và tôn trọng đóng góp của tác giả cho xã hội.
Với trẻ lớn hơn một chút, như học tiểu học, cha mẹ có thể dạy con đừng sao chép những gì người khác đã viết, đã sáng tác ra, mà hãy tự viết văn thơ theo cảm nhận của mình, các bài văn mẫu chỉ để tham khảo.
Cha mẹ cũng có thể giải thích với con rằng có thể trích dẫn tác phẩm của người khác, nhưng đừng quên ghi tên tác giả, các con cần phải hiểu rằng lấy văn người khác làm của mình là rất đáng xấu hổ, chẳng khác nào ăn trộm cả.
Để các bạn trẻ Việt Nam hiểu và tôn trọng Luật bản quyền, cần phải biết kết hợp linh hoạt giữa giáo dục và sự răn đe của luật pháp. Trong một vấn đề nhạy cảm văn hoá như Luật bản quyền ở Việt Nam, giáo dục, tuyên truyền cần đóng một vai trò chính. Vì thế, không bao giờ là quá sớm hay quá thừa để dạy trẻ em về Luật bản quyền cả.
Hướng dẫn con sử dụng tài liệu
Nếu con đã đủ lớn và chủ động tìm kiếm kiến thức, các bậc cha mẹ cũng nên khuyến khích con tham khảo tài liệu học tập trên mạng Internet, vì đây là một nguồn khổng lồ thông tin và kiến thức.
Ngoài việc hướng con tới các nguồn tài liệu có chất lượng đảm bảo, cha mẹ hãy giải thích cho con các nguyên tắc về sử dụng tài liệu của người khác, ví dụ như trích dẫn tên nguồn đầy đủ, chỉ dùng cho mục đích học tập cá nhân…
Ngoài ra, cha mẹ có thể hướng dẫn con tìm tài liệu, phim ảnh thuộc về Creative Commons (nguồn tài liệu mở), tức là các tác phẩm mà người đọc được tự do sử dụng, sao chép nhưng cần ghi tên tác giả.