Nhiều ứng viên GS, PGS chưa đủ minh chứng về thời gian giảng dạy
Trong hai ngày 28 và 29.3, Thanh tra Bộ GD-ĐT và Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước đã làm việc với các hội đồng ngành liên quan để xác minh làm rõ thông tin các trường hợp chưa được chính thức công nhận đạt tiêu chuẩn GS, PGS đợt xét năm 2017.
Nhiều ứng viên GS, PGS chưa đủ minh chứng về thời gian giảng dạy
Trong hai ngày 28 và 29.3, Thanh tra Bộ GD-ĐT và Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước đã làm việc với các hội đồng ngành liên quan để xác minh làm rõ thông tin các trường hợp chưa được chính thức công nhận đạt tiêu chuẩn GS, PGS đợt xét năm 2017.
Phiên họp hội đồng chức danh giáo sư cơ sở của một khối ngành ẢNH: WEBSITE HỘI ĐỒNG CHỨC DANH GIÁO SƯ NHÀ NƯỚC
Theo những thông tin ban đầu, có nhiều trường hợp chưa đưa ra được minh chứng ứng viên khai trong hồ sơ.
Giảng viên thỉnh giảng có nguy cơ chưa được công nhận
Theo nhiều nguồn tin của Thanh Niên, hiện có nhiều ứng viên đã làm đơn gửi hội đồng ngành xin rút khỏi danh sách ứng viên xét đạt tiêu chuẩn GS, PGS đợt xét năm 2017.
Trao đổi với Thanh Niên, một số thành viên Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước, hội đồng ngành cho biết quan điểm xử lý của tổ công tác đang nghiêng về hướng chấp nhận những trường hợp xin rút. Nghĩa là sau khi có ý kiến chính thức của Thủ tướng, hội đồng sẽ không đưa những ứng viên này vào danh sách quyết định công nhận bổ sung những ứng viên đạt tiêu chuẩn GS, PGS đợt xét năm 2017.
Ngoài ra, ở các hội đồng ngành, có nhiều trường hợp ứng viên không hoặc chưa đưa ra được minh chứng thuyết phục để giải thích những thắc mắc của tổ công tác về một số thông tin ghi trong hồ sơ của ứng viên. Một thành viên hội đồng ngành vật lý cho biết ngành này có 4 ứng viên phải xem xét lại, hiện 3 ứng viên trong số đó đã được tổ công tác chấp nhận thông qua hồ sơ, còn 1 ứng viên vẫn phải bổ sung minh chứng.
“Trường hợp này là giảng viên cơ hữu của một trường ĐH trong TP.HCM. Tuy nhiên, do trong hồ sơ thông tin về giờ giảng của ứng viên không khớp nhau nên thanh tra thắc mắc, yêu cầu giải trình”, vị này cho biết.
Với nhiều ngành khác, các trường hợp mà hồ sơ bị để lại chủ yếu là giảng viên thỉnh giảng, lý do là thiếu giờ hoặc thiếu thâm niên giảng dạy. Chẳng hạn với hội đồng ngành hóa học – công nghệ thực phẩm, trong số 8 ứng viên mà hồ sơ để lại xem xét, đến nay mới có 3 ứng viên có hồ sơ đạt yêu cầu.
Một thành viên hội đồng ngành giáo dục học nói: “Ngành có 5 ứng viên bị xem xét lại hồ sơ. Các ứng viên cũng đều đã giải đáp các thắc mắc của tổ công tác, nhưng không phải tất cả đều thuyết phục. Hiện chưa có kết luận cuối cùng, tuy nhiên có khả năng một số ứng viên sẽ không được đưa vào danh sách quyết định công nhận bổ sung ứng viên đạt tiêu chuẩn GS, PGS đợt xét năm 2017 của hội đồng”.
Sẽ sớm công bố quyết định bổ sung
Trao đổi với PV Thanh Niên, một thành viên hội đồng cho rằng các ứng viên có những thông tin mà thanh tra tìm hiểu khác với hồ sơ mà họ báo cáo trước đây thì phải cung cấp thêm minh chứng để thuyết phục tổ công tác. Nếu không thì phải chấp nhận chưa được chính thức công nhận đạt tiêu chuẩn GS, PGS.
Nói về quy trình làm việc của đợt rà soát, vị này giải thích: “Sau khi làm việc xong với các hội đồng, Thanh tra Bộ sẽ có báo cáo, đề xuất với Hội đồng danh sách những ứng viên đủ điều kiện để công nhận. Sau khi báo cáo để xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, Chủ tịch Hội đồng sẽ ký quyết định công nhận bổ sung những ứng viên đạt tiêu chuẩn GS, PGS đợt xét năm 2017. Những trường hợp không có tên trong danh sách này (và danh sách đã công bố chính thức từ trước) là không đủ điều kiện và sẽ không được công nhận”.
Cũng thành viên hội đồng nhà nước này cho biết sau khi kết thúc đợt xác minh, hội đồng nhà nước sẽ rút kinh nghiệm trong việc tập huấn, hướng dẫn các hội đồng cơ sở trong quá trình xét hồ sơ cho ứng viên của đơn vị mình phải hết sức thận trọng. Bởi qua việc xác minh cho thấy có những trường hợp ứng viên không cố tình mà chỉ là sơ ý khai không thống nhất, tạo sự mâu thuẫn ngay trong những chứng cứ trong cùng một bộ hồ sơ.
Mặt khác, các hội đồng cơ sở, các đơn vị giáo dục ĐH khi xác nhận hồ sơ cho ứng viên cần có trách nhiệm hơn, phải xem xét đủ các chứng cứ thể hiện trong hồ sơ mà ứng viên đưa lên.
Vị này cũng cho biết với những trường hợp xin rút, tổ công tác đang làm việc với các hội đồng ngành liên quan. Hiện tổ công tác cũng có quan điểm thống nhất là với những ứng viên xin rút thì cho rút. Giả sử ứng viên đã nằm trong danh sách kèm theo quyết định công nhận đạt tiêu chuẩn GS, PGS, nếu giờ xin rút thì mới phải thông qua hội đồng ngành, sau đó đưa ra cuộc họp hội đồng nhà nước bỏ phiếu để thông qua. Nhưng ở đây, họ chưa có quyết định công nhận nên việc này chỉ cần dừng lại ở khâu xem xét của hội đồng ngành là đủ.
Nên cho rút hay không?
Trước việc một số ứng viên xin rút không xét công nhận đạt tiêu chuẩn GS, PGS đợt năm 2017, quan điểm xử lý của các chuyên gia khác nhau.
GS Bạch Thành Công, Chủ tịch Hội đồng chức danh giáo sư ngành vật lý, ủng hộ việc cho ứng viên rút hồ sơ vào thời điểm này, vì đây là một vấn đề cần có cách giải quyết nhân văn. “Đấy là cách xử lý đẹp nhất cho những ứng viên này. Lợi ích của việc xét GS, PGS mang lại cho các ứng viên chủ yếu không phải là vật chất mà là danh dự, cho nên việc rút cũng là một động thái cho thấy ứng viên coi trọng danh dự, mà điều đó nên khuyến khích”. Tuy nhiên, GS Công cho rằng hội đồng nên công khai với trường và những ứng viên lý do mà hồ sơ của họ không được thông qua.
Còn GS Ngô Thế Chi, thành viên Hội đồng chức danh giáo sư ngành kinh tế, cho rằng không nên để cho ứng viên cứ làm đơn xin rút là xong. Vẫn cần phải xem xét lại hồ sơ, quy trình xét của ứng viên, xem trong hội đồng ai là người có trách nhiệm thẩm định hồ sơ của họ, tại sao lại để họ “lọt lưới”.
GS Chi nói thêm: “Cần phải yêu cầu ứng viên có trách nhiệm. Tại sao họ không suy nghĩ từ đầu, khi làm thì muốn làm bằng được, giờ có nguy cơ bị phát hiện cái sai thì rút mà cho rút là vô lý”.
|
QUÝ HIÊN