24/12/2024

Phục sinh bắt đầu với hành trình sứ vụ và loan báo Chúa Kitô Phục Sinh

Lễ nào quan trọng nhất trong niềm tin của chúng ta? Đó là câu hỏi ĐTC Phanxicô đặt ra cho khoảng 20.000 tín hữu hiện diện trong buổi yết kiến chung vào sáng thứ tư 28.03 tại Quảng trường Thánh Phêrô. ĐTC chia sẻ là mãi cho đến năm 15 tuổi ngài vẫn nghĩ rằng Lễ Giáng Sinh là lễ quan trọng nhất. ĐTC nhắc rằng Lễ Phục Sinh quan trọng nhất vì là lễ của ơn cứu độ của chúng ta.

 Phục sinh bắt đầu với hành trình sứ vụ và loan báo Chúa Kitô Phục Sinh

 

 

ĐTC ôm hôn một em bé tại buổi yết kiến chung

Lễ nào quan trọng nhất trong niềm tin của chúng ta? Đó là câu hỏi ĐTC Phanxicô đặt ra cho khoảng 20.000 tín hữu hiện diện trong buổi yết kiến chung vào sáng thứ tư 28.03 tại Quảng trường Thánh Phêrô. Trong số các tín hữu hiện diện có rất đông các học sinh và sinh viên của các trường trung học và đại học của các nước về Roma hành hương trong Tuần Thánh, đặc biệt là 3.200 sinh viên của Opus Dei đang tham dự tuần lễ UNIV Forum 2018 nhân kỷ niệm 50 năm diễn đàn được tổ chức. ĐTC chia sẻ là mãi cho đến năm 15 tuổi ngài vẫn nghĩ rằng Lễ Giáng Sinh là lễ quan trọng nhất. ĐTC nhắc rằng Lễ Phục Sinh quan trọng nhất vì là lễ của ơn cứu độ của chúng ta. Vì lý do này, trong buổi tiếp kiến chung hôm nay, ĐTC muốn suy niệm về ý nghĩa của Tam Nhật Vượt Qua.

Tam Nhật Vượt qua bắt đầu từ chiều Thứ Năm Tuần Thánh với Thánh lễ Tiệc Ly và kết thúc với Kinh chiều ngày Chúa Nhật Phục Sinh. Tam Nhật Vượt qua đánh dấu các giai đoạn cơ bản của đức tin và ơn gọi của chúng ta trong thế giới, và mọi Kitô hữu được kêu gọi sống ba Ngày Thánh này – Thứ Năm, Thứ Sáu, Thứ Bảy; và Chúa Nhật, nhưng mà Thứ Bảy là ngày Chúa sống lại – 3 ngày thánh này như “khuôn mẫu” của cuộc sống cá nhân và cộng đoàn của họ, như các anh em Do Thái của chúng ta đã sống. Tam Nhật Vượt Qua tạo thành một cử hành tưởng niệm mầu nhiệm cao cả: sự chết và sống lại của Chúa Giêsu. 

Để giúp các tín hữu hiểu về điều này, ĐTC giải thích:

Ba ngày này tái trình bày lại cho các Kitô hữu các sự kiện quan trọng của ơn cứu độ đã được Chúa Kitô thực hiện và như thế hướng họ về vận mệnh tương lai của họ và củng cố họ trong sự dấn thân làm chứng trong lịch sử.

Buổi sáng Phục sinh, trong khi nhắc lại các giai đoạn đã trải qua trong Tam Nhật Vượt Qua, bài Ca Tiếp liên, một loại thánh thi, sẽ làm vang lên cách trang trọng lời loan báo Phục sinh: “Chúa Kitô, niềm hy vọng của chúng ta, đã sống lại và đi trước chúng ta đến Galilê.” Đây là lời khẳng định quan trọng: Chúa Kitô đã sống lại. Tại nhiều dân tộc trên thế giới, đặc biệt ở Tây Âu, vào ngày Lễ Phục Sinh, người ta không chào nhau bình thường, chào buổi sáng hay buổi chiều, nhưng là “Chúa Kitô Phục Sinh”. Tam Nhật Vượt Qua đạt đến đỉnh điểm trong những lời reo mừng cảm động này. Những lời này không chỉ chứa đựng lời loan báo tin vui và hy vọng, nhưng còn là một lời kêu gọi nhận lãnh trách nhiệm và sứ vụ. Lễ Phục Sinh không kết thúc với bánh với trứng, và các ngày lễ… Những điều này thật đẹp bởi vì là ngày lễ của gia đình, nhưng Phục sinh không kết thúc như thế. Phục sinh bắt đầu từ đó với hành trình sứ vụ và loan báo “Chúa Kitô Phục Sinh”. Lời loan báo này, đối với những người được Tam Nhật Vượt Qua chuẩn bị để đón nhận, là trung tâm của đức tin và hy vọng của chúng ta, là kerygma – lời rao giảng tiên khởi – đã loan báo cách liên tục cho Giáo hội và đến lượt mình, Giáo hội được mời gọi rao giảng tin vui này.

Thánh Phaolô đã tóm tắt biến cố phục sinh trong thành ngữ “Chúa Kitô, Lễ Vượt Qua của chúng ta, đã chịu hiến tế” (1 Cor 5,7). Vì thế, thánh nhân nói tiếp – “những điều xưa cũ đã qua đi và nảy sinh những điều mới mẻ” (2 Cr 5,15). Tái sinh. Vì thế, từ ban đầu, trong ngày Lễ Phục Sinh, người ta rửa tội cho các tân tòng. Vào đêm thứ bảy này, tại Vatican, tôi cũng rửa tội cho 8 người trưởng thành, họ bắt đầu hành trình cuộc sống Kitô hữu. Và tất cả bắt đầu: tất cả được tái sinh. Và Thánh Phaolô cũng dùng một thành ngữ tổng hợp khác để giải thích rằng Chúa Kitô “đã bị trao nộp vì tội lỗi chúng ta và đã được Thiên Chúa Cha làm cho sống lại để chúng ta được nên công chính” (Rm 4,25). Điều duy nhất làm cho chúng ta nên công chính, điều duy nhất tái sinh chúng ta chính là Chúa Giêsu Kitô. Không có điều gì khác. Vì điều này chúng ta không phải trả đồng nào cho sự công chính – điều làm cho chúng ta được công chính là miễn phí. Đây là sự vĩ đại của tình yêu của Chúa Giêsu: hiến dâng sự sống cách nhưng không để thánh hóa chúng ta, để canh tân chúng ta, để tha thứ cho chúng ta. Đây chính là hạt nhân của Tam Nhật Vượt Qua này. Trong Tam Nhật Vượt Qua việc tưởng niệm biến cố nền tảng này được cử hành với sự nhận thức và đồng thời canh tân ý nghĩa của tình trạng mới của những người được rửa tội, điều mà Thánh Phaolô diễn tả: “Nếu anh em sống lại với Chúa Kitô, hãy tìm kiếm những sự thuộc về thượng giới, […] chứ đừng chú tâm vào những gì thuộc về hạ giới.” (Cl 3,1-3). Hướng nhìn về thượng giới, nhìn về chân trời: đây là đức tin của chúng ta, đây là sự công chính của chúng ta, đây là tình trạng ân sủng. Thật vậy, nhờ Bí tích Rửa Tội, chúng ta được sống lại với Chúa Giêsu và chúng ta chết đi với những sự việc và luận lý của thế gian, chúng ta được tái sinh như các thụ tạo mới: một thực tại mới đòi hỏi trở thành sự hiện hữu cụ thể từng ngày.

Nếu một Kitô hữu thực sự để mình được Chúa Kitô tẩy rửa, nếu thực sự để mình được Người lột bỏ con người cũ để đi vào một sự sống mới, dù vẫn là người tội lỗi – bởi vì tất cả chúng ta là người tội lỗi – thì không còn có thể bị hư hoại: ơn công chính hoá của Chúa Giêsu cứu chúng ta khỏi bị hư hoại – chúng ta là người tội lỗi nhưng không hư hoại, và Kitô hữu không thể sống với tội lỗi trong tâm hồn và cũng không thể là nguyên nhân của tội lỗi. Ở đây tôi phải nói một điều đáng buồn… Có những Kitô hữu giả hình: những người nói rằng “Chúa Giêsu đã phục sinh”, “tôi được công chính hóa nhờ Chúa Giêsu”, tôi đang ở trong sự sống mới nhưng họ lại sống một cuộc sống hư hoại. Những Kitô hữu giả mạo này sẽ kết thúc không tốt đẹp. Tôi nhắc lại, Kitô hữu là người tội lỗi, tất cả chúng ta, tôi cũng thế, nhưng chúng ta chắc chắn rằng khi chúng ta xin Chúa tha thứ thì Người sẽ thứ tha cho chúng ta. Kẻ hư hoại tỏ ra là một người đáng kính nhưng cuối cùng trái tim của họ lại chứa sự mục nát. Chúa Giêsu ban cho chúng ta sự sống mới. Kitô hữu không thể sống với sự chết trong tâm hồn và không thể là nguyên nhân sự chết. Chúng ta nghĩ đến các Kitô hữu mafia. Những loại Kitô hữu này không có thứ gì. Họ nhận là Kitô hữu nhưng mang sự chết trong tâm hồn và cho người khác. Chúng ta cầu nguyện cho họ, xin Chúa chạm đến trái tim họ.

Người lân cận, đặc biệt là người bé nhỏ nhất và đau khổ nhất, trở thành gương mặt cụ thể để Kitô hữu trao ban tình thương mà Chúa Giêsu đã trao ban cho chúng ta. Và thế giới trở thành không gian của sự sống mới cho những người được phục sinh. Chúng ta được sống lại với Chúa Giêsu: bước đi trên đôi chân và đầu ngẩng cao, chúng ta có thể chia sẻ sự khiêm hạ của những người ngày nay vẫn còn như Chúa Giêsu, đang đau khổ, trần truồng, đói khổ, cô đơn, trong sự chết, để nhờ Chúa Giêsu và với Chúa Giêsu, trở thành khí cụ cứu độ và hy vọng, dấu hiệu của sự sống và phục sinh. Tại nhiều quốc gia, ở Ý và tại quê hương tôi, có thói quen, vào ngày Lễ Phục Sinh, khi nghe tiếng chuông, những người bà, các bà mẹ mang các trẻ em đi rửa mắt chúng bằng nước, với nước sự sống, là dấu chỉ có thể nhìn thấy những thứ thuộc về Chúa Giêsu, những sự vật mới. Trong Lễ Phục Sinh này, chúng ta hãy để mình được rửa mắt tâm hồn, để nhìn thấy những điều thiện mỹ và làm những điều tốt đẹp. Điều này thật tuyệt vời. Đây chính là sự sống lại của Chúa Giêsu sau cái chết, là giá cứu độ tất cả chúng ta.

Anh chị em thân mến, chúng ta hãy chuẩn bị để sống sốt sắng Tam Nhật Thánh giờ đây đã gần kề, để luôn chìm mình cách sâu thẳm trong mầu nhiệm của Chúa Kitô, Đấng đã chết và sống lại vì chúng ta. Xin Đức Trinh Nữ Rất Thánh Maria đồng hành với chúng ta trong hành trình thiêng liêng này, Mẹ đã theo Chúa Giêsu trong cuộc khổ nạn, Mẹ ở đó, nhìn Chúa và đau khổ, đã hiện diện và kết hợp với Chúa Giêsu dưới chân thập giá, nhưng không xấu hổ về con của mình. Một người mẹ không bao giờ xấu hổ về con của mình. Mẹ ở đó và đã đón nhận trong trái tim Mẹ niềm vui vô biên của sự phục sinh. Xin Mẹ ban cho chúng ta ân sủng để được tham dự trong tâm hồn những cử hành trong những ngày sắp tới để tâm hồn chúng ta và cuộc sống chúng ta thực sự được biến đổi. Khi chia sẻ với anh chị em những suy tư này, tôi gửi đến anh chị em và cộng đoàn và những người thân của anh chị em những lời chúc mừng Phục Sinh vui tươi và thánh thiện. 

 
 

G. Trần Đức Anh OP