23/01/2025

Ợ hơi liên tục, phải làm sao?

Không ai trong chúng ta lại không ợ hơi, xì hơi. Tuy nhiên, nhiều người lại ợ hơi, xì hơi liên tục, không kiểm soát và kéo dài nhiều ngày liền.

 

Ợ hơi liên tục, phải làm sao?

 

Không ai trong chúng ta lại không ợ hơi, xì hơi. Tuy nhiên, nhiều người lại ợ hơi, xì hơi liên tục, không kiểm soát và kéo dài nhiều ngày liền.

Ợ hơi liên tục, phải làm sao? - Ảnh 1.

Một ca nội soi dạ dày – Ảnh: VĂN PHONG

Câu hỏi đặt ra ở đây là do bệnh lý thực thể hay bệnh chức năng của đường tiêu hoá?

Hiểu đúng về bệnh

Về vấn đề này, BS Dương Phước Hưng, chuyên khoa hậu môn – trực tràng Bệnh viện ĐH Y dược TP.HCM, cho biết:

Về bản chất thì ợ hơi, xì hơi không nguy hiểm đến sức khoẻ vì đây là kết quả của quá trình không khí đi vào cơ thể khi nhai nuốt thức ăn, rồi không khí này sẽ rời khỏi cơ thể chúng ta không cách này thì cách khác.

 

Ợ hơi thuộc bệnh lý đường tiêu hoá trên (bắt đầu từ miệng và kết thúc tại tá tràng), là một quá trình bình thường khi không khí tích tụ trong dạ dày. Lượng không khí này có thể bị ợ ngược trở lên hoặc có thể tiếp tục đi qua dạ dày vào ruột non và sau đó được truyền qua trực tràng (xì hơi).

Xì hơi thuộc bệnh lý đường tiêu hoá dưới là nói đến việc khí đi qua trực tràng. Khí này có được là sự kết hợp từ không khí nuốt vào và khí được sinh ra do vi khuẩn tiêu hoá thức ăn trong đại tràng; bắt đầu từ hoạt động lên men các cellulose, các protein hay lipid được ăn quá nhiều.

Nguyên nhân và cách khắc phục

Thực tế rất khó đo lường chính xác, nhưng nếu xì hơi khoảng 4-5 lần/giờ được coi là nhiều hơn so với bình thường. Thông thường có hai nguyên nhân:

Thứ nhất, do ăn quá nhiều thức ăn có gia vị, trái cây, rau xanh, đặc biệt các dòng họ đậu, củ, các protein động vật… Khi cơ thể chúng ta tiêu hoá những loại thức ăn này do vi trùng sinh hơi trong đường ruột, dễ sinh ra hơi trong đường ruột, gây trướng bụng đầy hơi và kích thích đại tràng co thắt nhiều để đẩy hơi gây ra triệu chứng trên. Dạng này thường xảy ra trong khoảng thời gian ngắn, khi nào hết hơi trong đại tràng thì sẽ hết.

Thứ hai, nếu xì hơi kèm theo đi vệ sinh nhiều lần trong ngày thì đây có thể là biểu hiện của hội chứng ruột kích thích (IBS). Hội chứng này sẽ làm ruột co thắt nhiều, trướng bụng, gây xì hơi.

Nếu rơi vào trường hợp 1 thì nên hạn chế những thức ăn vừa nêu trên. Đối với trường hợp thứ 2 do hội chứng ruột kích thích thì bệnh nhân nên đến các bác sĩ chuyên khoa tiêu hoá đường ruột để được thăm khám, tư vấn và đưa ra phương pháp điều trị thích hợp.

Tương tự ợ hơi cũng có thể là bệnh lý chức năng hay thực thể của đường tiêu hoá trên. Một là do bệnh lý trào ngược thực quản gây ra ợ hơi, ợ chua ở đường tiêu hoá trên; hai là do chứng khó tiêu chức năng. Ợ hơi có thể là biểu hiện của bệnh lý chức năng hay tổn thương thực thể như viêm dạ dày, trào ngược thực quản, loét dạ dày tá tràng… Để chẩn đoán ợ hơi là bệnh lý chức năng cần nội soi dạ dày để loại trừ bệnh thực thể cũng như nhiễm vi khuẩn Helicobacter Pylori.