Cho chó săn cắn xé heo rừng: thú vui hay man rợ?
Việc một nhóm người trẻ tại Hà Nội tổ chức thi đấu chó săn với heo rừng diễn ra ngày 18-3 vừa rồi là một hành vi đáng lên án. Nó được tổ chức nhằm thoả mãn thú vui qua cảnh tàn sát, bạo lực, không phù hợp trong một xã hội văn minh, hiện đại.
Cho chó săn cắn xé heo rừng: thú vui hay man rợ?
Việc một nhóm người trẻ tại Hà Nội tổ chức thi đấu chó săn với heo rừng diễn ra ngày 18-3 vừa rồi là một hành vi đáng lên án. Nó được tổ chức nhằm thoả mãn thú vui qua cảnh tàn sát, bạo lực, không phù hợp trong một xã hội văn minh, hiện đại.
Cuộc vui đáng bị lên án: đàn chó săn lao vào xâu xé con heo trước sự chứng kiến của một số thanh niên tại Hà Nội – Ảnh: cắt từ clip
Tổ chức Động vật châu Á (Animalsasia) cho biết ngày 18-3, có một nhóm thanh niên tổ chức cuộc đấu chó với heo rừng tại Hà Nội. Cuộc đấu này bị cộng đồng mạng tiến bộ và những người yêu động vật phê phán mạnh mẽ.
Hành hạ động vật
Những con vật vô tội bị đẩy vào cảnh phải tàn sát lẫn nhau. Chúng được khuyến khích, kích động bởi tiếng reo hò của đám đông những người đứng cổ vũ. Đây là hành vi hành hạ động vật có chủ đích. Những hành vi này nếu không được ngăn chặn sẽ gây tiền lệ xấu và tác động tiêu cực tới xã hội về nhiều mặt.
Nó trực tiếp và gián tiếp gây ảnh hưởng tới cộng đồng khi được tổ chức công khai ở nơi công cộng, với hàng trăm người chứng kiến. Chưa kể nguy cơ những con chó dữ tham gia hoạt động này tấn công những người tham dự. Việc này còn có thể làm phát sinh những ảnh hưởng tâm lý tiêu cực, khiến cho cảm xúc của công chúng ngày càng trở nên trơ lì hay gây ra nỗi sợ chó nói chung.
Một số hình ảnh liên quan tới sự việc này còn cho thấy có sự chứng kiến của trẻ em, đối tượng có tâm lý chưa ổn định và rất dễ bị ảnh hưởng. Điều này có thể gây hậu quả khôn lường tới tâm lý của các em.
Bảo vệ động vật hiệu quả hơn
Tổ chức Động vật châu Á đã có những phản ánh về các hoạt động ngược đãi, tàn ác với động vật. Một số những phản ánh này cũng đã được cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước ghi nhận và điều chỉnh, đặc biệt trong quy định cấm tổ chức các lễ hội mang tính bạo lực, gây đau đớn cho cộng đồng.
Tuy nhiên, để đạt được hiệu quả lâu dài và ở quy mô lớn hơn, tổ chức hi vọng có sự tham gia của nhiều bộ, ngành vào công tác nâng cao nhận thức cộng đồng, như Bộ Giáo dục – đào tạo, Bộ Văn hoá – thể thao và du lịch, các trường học, cơ sở giáo dục…
Ở nhiều quốc gia có các quy định về bảo vệ động vật (luật phúc lợi động vật hay luật bảo vệ động vật), trong đó việc đấu chọi động vật (đặc biệt là đấu chó) bị ngăn cấm. Ví dụ: đấu chó bị cấm tại Canada từ năm 1892, đấu chó là phạm pháp ở toàn bộ 50 tiểu bang của Mỹ, ở nhiều quốc gia châu Âu và hầu hết các quốc gia khu vực Nam Mỹ. Ở Afghanistan và Pakistan, hoạt động này cũng bị cấm.
Tiến sĩ Nguyễn Văn Vịnh (cựu phó viện trưởng Viện Nghiên cứu xã hội và phát triển):
Không nhân bản, lệch chuẩn
Người VN có tập tục nuôi chó từ lâu đời, chó đã trở thành người bạn của nhiều người. Nhưng việc tổ chức chọi chó hoặc tổ chức cho chó đấu với heo rừng thì từ trước đến nay không có.
Không thể so sánh rằng hiện vẫn còn tục chọi trâu, đấu quyền anh… để nói rằng đấu chó hay chó đấu với heo rừng là không vấn đề gì. Một đàn chó lao vào cắn xé một sinh vật khác thì không còn là thú vui nữa mà là sự lệch chuẩn của các hành vi xã hội. Sự lệch chuẩn này nói lên tính hiếu sát của những người tham gia.
Về khía cạnh văn hóa, hành động đó là xúc phạm nghiêm trọng đến tính nhân bản vốn có của con người. Những “cuộc vui” như thế hoàn toàn xa lạ trong văn hóa người Việt. Thậm chí từ góc độ xã hội nên coi đây là hành vi phạm tội.
Việc để cả đàn chó lao vào cắn xé một con heo rừng như vậy có thể còn gây nguy hiểm cho chủ nuôi, bởi nó gợi lại những bản năng hoang dã của loài chó. Những hình ảnh từ cuộc cắn xé ấy được lan truyền sẽ tạo cho cộng đồng một cảm giác ghê sợ. Những ai tham gia hành vi này và có hành vi ngược đãi động vật đều sẽ bị xã hội tiến bộ phê phán mạnh mẽ.
Tại Indonesia, các hoạt động tổ chức thi đấu giữa chó và heo rừng, đã từng diễn ra hơn 50 năm tại các tỉnh Tây Java, đã bị cấm hoàn toàn từ giữa tháng 11-2017 sau khi bị phản đối bởi các tổ chức bảo vệ động vật trong nước và quốc tế.
Ở Việt Nam, Luật thú y 2015 có điều 21 quy định về “đối xử nhân đạo với động vật”, tuy nhiên những quy định này vẫn còn chưa cụ thể, chưa được thực thi nghiêm túc nhằm đảm bảo động vật được bảo vệ, đối xử nhân đạo, cũng như chưa có chế tài xử phạt mang tính răn đe cao.
Các biện pháp xử lý hiện tại vẫn chỉ là xử phạt hành chính, không mang lại hiệu quả cao, và do đó rất nhiều động vật vẫn đang bị đối xử tàn ác dưới nhiều hình thức khác nhau.
Chúng tôi hi vọng VN sẽ sớm có những quy định, luật về bảo vệ động vật cụ thể và hiệu quả hơn nữa trong thời gian tới.
Trên đây là góc nhìn của các chuyên gia. Còn bạn, bạn nghĩ gì đề điều này. Theo bạn, đây là thú vui hay hành động man rợ? Hãy chia sẻ với chúng tôi qua phần BÌNH LUẬN dưới bài viết hoặc [email protected]. Cảm ơn bạn!