Thuỷ điện xả nước: mùa khô thì không cần cảnh báo?
Trao đổi với báo chí, lãnh đạo nhà máy thuỷ điện khẳng định tai nạn chết người là đáng tiếc nhưng việc xả nước đúng quy trình, trong mùa khô không có quy định phải cảnh báo bằng điện thoại, còi hụ…
Thuỷ điện xả nước: mùa khô thì không cần cảnh báo?
Trao đổi với báo chí, lãnh đạo nhà máy thuỷ điện khẳng định tai nạn chết người là đáng tiếc nhưng việc xả nước đúng quy trình, trong mùa khô không có quy định phải cảnh báo bằng điện thoại, còi hụ…
Lại thêm một vụ việc đau lòng: thuỷ điện bất ngờ xả nước phát điện trong mùa khô khiến 2 nạn nhân bị nước cuốn trôi.
Đây không phải là vụ tai nạn thương tâm đầu tiên liên quan tới việc thuỷ điện xả nước trong mùa khô.
Ngày 24-5-2017, 4 học sinh lớp 6 ra sông Ba (đoạn qua thị trấn Củng Sơn, huyện Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên) để tắm. Các em không biết Nhà máy thuỷ điện sông Ba Hạ (cách nơi các em tắm khoảng 4km) bất ngờ xả nước chạy máy nên bị nước cuốn trôi.
Thấy sông cạn, ai ngờ…
Đến chiều 18-3, gia đình các nạn nhân trong vụ bị nước cuốn trôi trên sông Sêrêpốk (đoạn qua xã Hòa Phú, TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) đã lo xong hậu sự. Nhưng nhiều người thân vẫn đau đáu về cái chết của các nạn nhân.
Trước đó ngày 16-3, gia đình chị H’Yam Niê (27 tuổi, trú thôn 1, xã Cư Ê Bur, TP Buôn Ma Thuột) tổ chức đi chơi thác Đray H’Linh gần nhà và có rủ chị H’Duin Niê (24 tuổi, trú buôn Knia 3, xã Ea Bar, huyện Buôn Đôn, Đắk Lắk) là bạn thân đi cùng.
Lúc này mực nước sông Sêrêpốk rất thấp, người dân có thể đi bộ dưới lòng sông. Thấy vậy, chị H’Yam rủ chị H’Duin xuống dưới bờ sông hái rau rừng (mọc sát mép nước) về ăn.
“Hai em đang hái rau thì bất ngờ nước ở thượng nguồn đổ mạnh về khiến hai em bị nước cuốn trôi. Gia đình thấy vậy chạy đến, cố gắng kéo hai người vào bờ nhưng không được, đành nhìn dòng nước cuốn trôi hai em” – chị H’Eo Niê (chị gái của H’Yam) nói trong đau đớn.
Sau khi sự việc xảy ra, chị H’Eo mới biết nguyên nhân nước về bất ngờ là do thủy điện xả nước chạy máy.
“Lúc đó chúng tôi ở hạ du nhưng không hề được cảnh báo. Nếu nghe còi hụ báo sắp xả nước, chúng tôi lập tức lên hết trên bờ” – chị H’Eo Niê nói.
Một lãnh đạo UBND xã Hoà Phú cho biết trên sông Sêrêpốk có nhiều nhà máy thủy điện. Mùa mưa, các nhà máy này phối hợp với địa phương trong việc thông báo lịch xả lũ đến người dân.
“Nhưng trong vụ xả nước khiến 2 nạn nhân bị nước cuốn trôi thì nhà máy không hề thông báo gì” – vị này khẳng định.
Theo vị lãnh đạo xã, mùa khô mực nước trên sông Sêrêpốk rất cạn, người dân vẫn đi bộ qua sông bình thường.
“Vào mùa kiệt, các nhà máy thuỷ điện không có giờ chạy máy cố định, khi nào cần thì xả nước chạy máy, địa phương và nhân dân không biết” – vị này nói.
Do thuỷ điện thường xả nước bất ngờ, nên người dân phải dựng biển cảnh báo sông trên Sêrêpốk – Ảnh: TR.TÂN
“Chạy máy đúng quy trình…”
Một lãnh đạo Xí nghiệp thuỷ điện Đray H’Linh (đơn vị quản lý Nhà máy thuỷ điện Đray H’Linh 1) cho biết đã có báo cáo về vụ tai nạn.
Ông này khẳng định việc chạy máy là theo lịch điều độ, chào hàng cạnh tranh trong mùa khô. Việc chạy máy đúng quy trình được phê duyệt nhưng không thể nói thông tin cụ thể.
Theo ông Lê Hữu Danh – phó giám đốc Công ty Lưới điện cao thế miền Trung (đơn vị quản lý Nhà máy thủy điện Đray H’Linh), cụm thác Đray H’Linh có ba nhà máy là Đay H’Linh 1, 2, 3.
Khoảng 13h30 ngày 16-3, theo lệnh điều độ của Trung tâm điều độ quốc gia (A0), thủy điện Đay H’Linh 1 chạy 2 tổ máy (công suất 8MW) để phát điện bổ sung nguồn. Lưu lượng nước qua hai tổ máy là 83m3/s, các nhà máy khác bao nhiêu thì không rõ.
Ông Danh nói Đray H’Linh 1 không có hồ chứa mà chỉ có hệ thống đập tràn để tích nước. Thời điểm đầu giờ chiều 16-3 đập vẫn chưa tràn. Lúc hai nạn nhân gặp nạn, nhà máy vận hành bình thường.
Ở dưới hạ du nhà máy vẫn cắm các cọc cảnh báo mực nước. Các nạn nhân gặp nạn là sự cố đáng tiếc, nằm ngoài tầm kiểm soát của đơn vị.
“Khi nghe thông tin, nhà máy dừng máy khẩn cấp, đồng thời báo để các nhà máy ở trên dừng chạy máy để phục vụ công tác cứu hộ. Nhà máy cũng có phối hợp với các cơ quan chức năng để tìm kiếm thi thể, đến thăm hỏi gia đình các nạn nhân” – ông Danh nói.
Ông Danh còn nói đến nay Nhà máy thủy điện Đray H’Linh 1 chỉ cắm các cọc cảnh báo về mực nước ở các khu vực dưới hạ du, không có cảnh báo trước khi chạy máy.
“Trong quy trình được Bộ Công thương phê duyệt thì việc hụ còi chỉ thực hiện trong mùa lũ và xả lũ thôi. Còn trong mùa kiệt cứ theo giờ hoặc được điều động thì mình chạy máy” – ông Danh nói.
Theo ông Danh, mùa kiệt thì nước cạn, khi chạy máy nước chỉ chảy xuống ở mức bình thường, không phải xả lũ nguy hiểm.
Thành lập đoàn kiểm tra làm rõ vụ việc
Ông Trần Văn Lượng – cục trưởng Cục Kỹ thuật an toàn và môi trường công nghiệp (Bộ Công thương) – cho biết chưa nhận được báo cáo về sự cố ở tỉnh Đắk Lắk.
Tuy nhiên sau khi tiếp nhận thông tin qua báo chí, cục vẫn quyết định hôm nay thành lập đoàn vào Nhà máy thuỷ điện Đray H’Linh 1 để kiểm tra, tìm hiểu nguyên nhân.
“Phải làm rõ vụ việc. Có gì chưa phù hợp cần thiết điều chỉnh ngay” – ông Lượng khẳng định.
Ông Tô Xuân Bảo – phó cục trưởng Cục Kỹ thuật an toàn và môi trường công nghiệp – nói sở dĩ Nhà máy thuỷ điện Đray H’Linh 1 cho rằng xả nước đúng quy trình là vì hiện nay không có quy định phải hú còi cảnh báo khi chạy máy vào mùa khô.
Nhưng Bộ Công thương có văn bản chỉ đạo các nhà máy thuỷ điện không chỉ mùa lũ mà trong phát điện hay thay đổi lưu lượng nước đột ngột đều phải có biển hiệu, tín hiệu cảnh báo để người dân biết. Thực tế là có nhà máy thuỷ điện nghiêm túc thực hiện, có nhà máy vẫn chưa chú trọng công tác này.
Theo ông Bảo, cần thông cảm cho các nhà máy thuỷ điện ở vùng sâu vùng xa. Để thiết lập các biển cảnh báo khá khó khăn, nhiều khi trên cả một tuyến hạ du trong rừng không biết địa điểm nào người dân hay lui tới để đặt cảnh báo.
Còn như cảnh báo cả tuyến hạ du thì không hợp lý.
Riêng trường hợp của Nhà máy thuỷ điện Đray H’Linh 1, ông Bảo cho biết đến nay ông chưa nắm rõ vị trí xảy ra sự cố ở gần hay xa nhà máy thuỷ điện.
“Cái này cần phải tìm hiểu mới đưa ra kết luận đúng hay sai” – ông Bảo nói.
THUÝ LINH