24/12/2024

Tay nhúng phải chàm để hậu quả gì cho xã hội?

Nếu ai đó “tay nhúng phải chàm” sẽ để lại hậu quả gì cho xã hội? Nhận diện và giữ mình luôn là điều quan trọng trong bất kỳ hoàn cảnh nào.

 

Tay nhúng phải chàm để hậu quả gì cho xã hội?

Nếu ai đó “tay nhúng phải chàm” sẽ để lại hậu quả gì cho xã hội? Nhận diện và giữ mình luôn là điều quan trọng trong bất kỳ hoàn cảnh nào.
 
 
 
 
 
 
 Tay nhúng phải chàm để hậu quả gì cho xã hội?  - Ảnh 1.

 

Vụ nguyên tướng công an Nguyễn Thanh Hoá dính dáng tới “bảo kê” cờ bạc công nghệ cao làm cả xã hội ngỡ ngàng. Vụ AVG làm người ta hình dung có sự tiếp tay của người có quyền lực. Và những đại án gần đây cho thấy nhiều người có quyền đã “tay nhúng phải chàm”.

* Sinh viên Lê Thị Thuỳ Linh (năm 4 Đại học Kinh tế TP.HCM):

Giới trẻ sẽ bị sứt mẻ niềm tin

sinh-vien-linh-2-3(read-only)

 

Khi đọc các thông tin về những cán bộ tham nhũng, bảo kê đánh bạc mà phần lớn họ đều có chức vụ hoặc là cán bộ cấp cao, khiến tôi có phần nào đấy thấy họ đang làm sứt mẻ niềm tin trong tôi và các bạn trẻ.

Ban đầu, tôi nghĩ đồng tiền đã khiến họ đánh mất mình, nhưng rồi tôi lại nghĩ có thể họ vì nhiều lý do khác. Có lẽ khi thực hiện những hành động xấu, vi phạm pháp luật, họ không nghĩ đến hậu quả sau này.

Nhưng điều quan trọng là làm sao để cái xấu đừng cám dỗ mình mới là khó. Học điều tốt dễ hơn là sa ngã vào điều xấu. Nhưng nếu mình không biết giữ gìn, đề cao lòng tự trọng thì cũng rất dễ nghiêng ngả trước những cám dỗ. 

Chỉ với vị trí là sinh viên nhưng tôi đã thấy cái xấu luôn rình rập, dụ dỗ người trẻ. Do vậy, bản thân mình nên tự răn phải tham gia những hoạt động có ích, tránh xa cái xấu.

Học về kinh tế và đang thực tập ở ngân hàng, tôi lại càng nghĩ phải rèn luyện bản thân để đừng hoa mắt vì đồng tiền. Mai này khi đi làm, tôi nghĩ bản thân càng phải giữ gìn và nên hướng mình đến những việc làm, hoạt động tốt đẹp, không đồng lõa với những điều xấu xa.

* Anh Mai Nhật Phương (bí thư Quận đoàn 10):

Lấy giám sát tài sản làm trọng

mai-nhat-phuong-3(read-only)

 

Cán bộ “nhúng chàm” không phải là điều gì mới mẻ, song nhiều cán bộ có chức quyền, được giao trọng trách cao bị phanh phui gần đây khiến dư luận không khỏi bất ngờ. 

Theo tôi, để không tha hoá, không vướng đến những sai phạm về tiền bạc, tự thân mỗi cán bộ phải thật vững vàng về chính trị, tư tưởng, đạo đức.

Điều này phải được rèn luyện, phấn đấu liên tục, thường xuyên học tập và trau dồi đạo đức, nắm sát các nghị quyết, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Cán bộ cần xem đó là chuyện cơ bản mà mỗi người tự nhắc mình mỗi ngày. 

Ở đây có vai trò kiểm tra, giám sát thường xuyên, liên tục của cấp uỷ, lãnh đạo đơn vị. Bởi nếu không tăng cường việc này và không làm thường xuyên, ranh giới dẫn đến sai phạm rất mong manh, rất dễ sai.

Chúng ta có quy định cán bộ quản lý hằng năm phải kê khai tài sản. Điều này cần thiết và rất hay, nhưng phải được làm minh bạch, cụ thể hơn nữa. Cơ chế kiểm tra, giám sát phải được các cơ quan thực hiện công khai chứ không phải kê khai và giám sát… trên giấy, cần đi vào thực chất. 

Cùng với việc kê khai rõ ràng, trung thực thì cấp uỷ, người có trách nhiệm liên quan đến giám sát việc kê khai cũng phải làm việc hết sức công tâm, phải kiểm tra hằng năm để có thể kịp thời xử lý các vấn đề phát sinh.

Tăng thu nhập để đảm bảo cuộc sống cũng là một trong những giải pháp góp phần giảm đi phần nào nguy cơ bị cám dỗ, sa ngã của cán bộ. Dĩ nhiên còn tuỳ bản lĩnh, ứng xử của cá nhân mỗi cán bộ nữa.

Tôi cho rằng chính cấp ủy, ban điều hành khu phố, người dân tại nơi người cán bộ sinh sống sẽ nắm bắt, hiểu rõ nhất về những “thay đổi bất thường” trong đời sống của người cán bộ công chức, hoàn toàn có thể giám sát và thông tin với cấp cao hơn về sự thay đổi ấy.

* PGS.TS Nguyễn Lê Ninh (uỷ viên Uỷ ban MTTQ Việt Nam TP.HCM):

Xây dựng lại những chuẩn mực đạo đức xã hội

nguyen-le-ninh-3(read-only)

 

Có người lấy lý do rằng xã hội hiện nay nhiều cám dỗ hơn trước để lý giải việc nhiều cán bộ sa ngã, “nhúng chàm”. 

Theo tôi, thời nào, xã hội nào cũng đầy cám dỗ. Nhưng nền tảng đạo đức xã hội không có và giáo dục kém khiến bản năng lấn lướt và người ta dễ dàng làm điều sai trái.

Thời của chúng tôi, ngay từ khi còn đi học đã được dạy rất nhiều về tinh thần yêu nước, tinh thần vì cái chung, chống chủ nghĩa cá nhân. Cuối tuần còn sinh hoạt, thảo luận với nhau rất sôi nổi. 

Cách giáo dục đó định hình nên những giá trị đạo đức chuẩn mực mà người ta không dám phạm vào. 

Ngày xưa, ai mà vi phạm, tay trót “dính chàm” như vậy là nhục nhã lắm. Bây giờ nhiều chuyện trở thành bình thường, không ai sợ.

Bởi vậy, phải xem lại cách giáo dục hiện nay, ngoài đào tạo kiến thức chuyên môn giỏi còn phải giáo dục về đạo đức. Nếu không có đạo đức tốt thì người đó càng tài giỏi, chức quyền càng cao sẽ càng gây hại lớn cho dân, cho nước.

Một cách giám sát nữa là giữa những người cùng làm việc. Nếu thực sự quan tâm, thương nhau thì chỉ cần một thay đổi nhỏ của đồng chí, đồng nghiệp cũng có thể nhận ra. Qua công tác phê và tự phê bình để đấu tranh với cái sai. Những phương pháp đã có từ lâu, chỉ cần thực hiện cho tốt.

5 năm “đả hổ diệt ruồi” của ông Tập Cận Bình

Kể từ khi lên cầm quyền ở Trung Quốc năm 2013, ông Tập Cận Bình phát động cuộc chiến chống tham nhũng.

Từ đây, dân chúng kinh hồn trước mức độ tham nhũng của Từ Tài Hậu, lấy làm kinh sợ trước những thủ đoạn chính trị bị vạch trần của Bạc Hy Lai – Cốc Khai Lai hay lấy làm rúng động trước tập đoàn tham nhũng của trùm công an Chu Vĩnh Khang…

Những cái tên vừa kể ra chỉ là một trong số nhiều “con hổ” bị bẻ nanh tước vuốt trong chiến dịch diệt trừ tham nhũng không giới hạn của ông Tập. Dưới những con hổ đó, còn hàng trăm, hàng ngàn con ruồi là những cán bộ tay bị “nhúng chàm”.

Tổng kết công tác chống tham nhũng được báo cáo tại Đại hội toàn quốc lần thứ 19 Đảng Cộng sản Trung Quốc hồi tháng 10-2017 cho thấy kể từ Đại hội 18 (năm 2013), Trung Quốc đã lập án điều tra đối với 440 cán bộ cấp tỉnh, bộ và cán bộ thuộc quản lý của Ban Tổ chức trung ương, trong đó có 43 ủy viên trung ương, uỷ viên trung ương dự khuyết khoá 18, 9 người thuộc Uỷ ban Kiểm tra kỷ luật trung ương; hơn 8.900 cán bộ cấp cục, sở và 63.000 cán bộ cấp huyện, phòng. Số cán bộ, đảng viên cấp cơ sở bị xử lý là 278.000 người.

Bên cạnh đó, thông qua các chiến dịch “Săn cáo” và “Lưới trời”, Trung Quốc đã truy bắt được 3.453 cán bộ trốn chạy ra nước ngoài và 48 tội phạm thuộc diện truy nã đặc biệt.

BẢO DUY

Q.LINH – K.ANH – MAI HOA