25/12/2024

Hiến mô, tạng cứu người

Qua câu chuyện đầy tính nhân văn của bé Hải An và gia đình (hiến giác mạc của bé đem lại ánh sáng cho hai người bệnh, sau khi bé qua đời) đã làm lan rộng tinh thần hiến mô, tạng trong cộng đồng.

 

Hiến mô, tạng cứu người

Qua câu chuyện đầy tính nhân văn của bé Hải An và gia đình (hiến giác mạc của bé đem lại ánh sáng cho hai người bệnh, sau khi bé qua đời) đã làm lan rộng tinh thần hiến mô, tạng trong cộng đồng.


 

 

Hiến mô, tạng cứu người

 
 
TS-BS Dư Thị Ngọc Thu, thuộc Đơn vị điều phối ghép các bộ phận cơ thể người, Bệnh viện (BV) Chợ Rẫy (TP.HCM), cho biết sau khi các báo, đài thông tin về câu chuyện bé Hải An, có 200 người đến đơn vị đăng ký hiến mô, tạng; hiện bình quân mỗi ngày có 20 người đến đăng ký, tăng rất nhiều so với trước.
 
Ông Nguyễn Hữu Hoàng, Giám đốc Ngân hàng Mắt (đặt tại BV Mắt T.Ư, Hà Nội), cho biết: Sau khi bé Hải An hiến giác mạc, Ngân hàng Mắt liên tục nhận được các ca hiến giác mạc. Ngân hàng đã nhận được 4 ca hiến giác mạc với 8 giác mạc được lấy thành công kể từ ngày 25.2 đến nay. Còn từ 1.1 – 7.3, ngân hàng đã nhận được 13 ca hiến, trong khi cả năm 2017 ngân hàng chỉ nhận 77 ca hiến.
 
Ngày 6.3, có 58 bác sĩ (BS) nội trú và các sinh viên cao học của Đại học Y Hà Nội đăng ký hiến tạng, nâng tổng số người đăng ký hiến tạng tại Trung tâm điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người từ 25.2 – 6.3 lên 765 người (trong đó có 1 nhà sư từ Thái Lan về và 1 sư cô từ Quảng Trị ra đăng ký). Con số chưa từng có trong các năm qua.
 
Nhu cầu bức thiết

Theo GS-TS Trần Ngọc Sinh (người thực hiện ghép thận nhiều nhất tại BV Chợ Rẫy, hiện là Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Ghép tạng VN): Nhu cầu ghép mô, tạng trong nước và trên thế giới rất lớn. Tại VN, luật về hiến mô tạng… đã có 12 năm nay nhưng nhu cầu rất bức thiết, vì rất hiếm mô, tạng hiến; lâu nay hầu hết người cho tạng là người thân bệnh nhân (BN). Những tạng cần gồm: thận, tim, gan, phổi, tụy, ruột; mô gồm: giác mạc, da, xương… Nhu cầu quá lớn, trong khi nguồn hiến khan hiếm nên lâu nay phát sinh tình trạng mua bán, môi giới mua bán mô, tạng. Ông Nguyễn Hữu Hoàng cho biết mỗi năm, có khoảng 15.000 người mắc bệnh lý về giác mạc, nhu cầu được ghép giác mạc rất lớn. Tại BV Mắt T.Ư luôn có hơn 1.000 hồ sơ BN chờ ghép giác mạc. 

 



Đăng ký hiến mô, tạng
Đăng ký hiến mô, tạng tại Đơn vị điều phối ghép các bộ phận cơ thể người BV Chợ Rẫy (201B Nguyễn Chí Thanh, P.12, Q.5, TP.HCM, ĐT: 028.39560139/028.38554137 – 184), có thể đăng ký qua email: [email protected].
 
Tại Hà Nội, đăng ký ở Trung tâm điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người (40 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội, ĐT: 0915060550 hoặc 024.39386693).
 
Theo luật, người đủ 18 tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự, đều có quyền hiến tặng mô, bộ phận cơ thể của mình khi còn sống hoặc hiến sau khi chết, chết não và hiến xác. Pháp luật không bắt buộc phải có sự đồng ý của cha mẹ trong đơn đăng ký hiến tạng, tuy nhiên khuyến khích có sự đồng ý của gia đình vì trong trường hợp nếu đăng ký hiến sau khi chết, chết não mà gia đình không biết sẽ khó khăn trong việc báo tin cho cơ sở y tế hoặc tránh sự phản đối của gia đình.
 
BN ung thư hay đã từng điều trị bệnh hoàn toàn có thể đăng ký hiến tạng, mô sau khi chết/chết não. Giác mạc là bộ phận mà người bệnh ung thư có thể hiến tặng sau khi qua đời.


 

Ông Nguyễn Hoàng Phúc, Phó giám đốc Trung tâm điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người cho biết: ước tính, hiện cả nước có khoảng 6.000 người cần ghép thận, 1.500 người cần ghép gan và nhiều trường hợp cần ghép tim. Số được ghép tạng mới khoảng 3.000 ca trong hơn 25 năm qua, chủ yếu là ghép thận lấy từ người sống; số ghép tạng từ người hiến chết não chiếm chưa đến 10%, vì thế còn rất nhiều người mất cơ hội sống do không được ghép tạng.
 
1 người cứu được 8 người
TS-BS Dư Thị Ngọc Thu cho biết một người chết não do tai nạn giao thông (TNGT) hoặc ngưng tim, ngưng thở, nếu hiến mô, tạng sẽ cứu được 8 BN. Tại BV Chợ Rẫy, thời gian qua có hơn 30 trường hợp (chết não, tim ngừng đập) có ý nguyện hiến mô, tạng, trong số đó, BV đã tiếp nhận 22 trường hợp (số còn lại do bệnh lý…), cứu sống nhiều BN.
 
“Với mô thì có thể lấy sử dụng được khi người hiến ngưng tim, ngưng thở dưới 8 giờ. Còn với các tạng cần có sự chuẩn bị ít nhất 24 giờ trước khi người hiến ngưng tim, ngưng thở. Các BS cần thời gian để đánh giá tạng hiến đó đảm bảo hoạt động sau ghép không, bệnh của người hiến có chống chỉ định ghép không… Trong đó, tim là đòi hỏi khắt khe nhất, rồi đến gan, thận…”, TS-BS Thu nói và cho biết độ tuổi người hiến mô, tạng như sau: Với tim – tốt nhất người hiến dưới 50 tuổi; giác mạc – tốt nhất dưới 70 tuổi (giác mạc “dễ” hơn các tạng khác là không cần người hiến và BN phải cùng nhóm máu…); gan – với nước ngoài dưới 90 tuổi, còn VN hiện dưới 60 tuổi; thận – VN người hiến có thể dưới 90 tuổi.
 
Theo GS-TS Trần Ngọc Sinh: “Những người không may mất đi, hãy hiến mô, bộ phận cơ thể mình để cứu người, là việc làm rất nhân văn. Mỗi năm VN có hơn 10.000 ca tử vong do TNGT, chỉ cần 1.000 người trong số này hiến mô, tạng sẽ cứu được rất nhiều BN”. Năm 2010, lần đầu trong nước thực hiện lấy mô, tạng của người hiến chết não ghép cho BN, BV Chợ Rẫy cứu được 2 BN bệnh thận; cùng năm này, phía bắc lấy gan, tim từ người hiến chết não cứu các BN. Đến nay, đã có hơn 100 trường hợp chết não do TNGT hiến mô, tạng, đã ghép cho hơn 200 BN bệnh thận và ghép tim, gan, giác mạc… cho nhiều BN khác.
 
Quyền lợi của người hiến mô, tạng
Theo luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác năm 2006 (điều 17) về quyền lợi của người đã hiến mô, bộ phận cơ thể người khi sống: Người đã hiến mô, tạng được chăm sóc, phục hồi sức khoẻ miễn phí ngay sau khi thực hiện việc hiến và được khám sức khỏe định kỳ miễn phí; được cấp thẻ BHYT miễn phí; được ưu tiên ghép mô, bộ phận cơ thể người khi có chỉ định; được tặng Kỷ niệm chương vì sức khoẻ nhân dân.
 
Nhưng theo GS-TS Trần Ngọc Sinh, lâu nay người (còn sống) hiến chỉ được BHYT chi trả từ khi họ nhập viện để lấy mô, tạng; còn chi phí xét nghiệm kiểm tra trước đó thì không được chi trả. Đây là điều vô lý!
 
GS-TS Sinh cho rằng: BHYT cần trả chi phí điều trị cho người hiến chết não, ngưng tim. Thế giới đã tính toán, nếu một BN suy thận mãn không được ghép thận, phải chạy thận nhân tạo thì bình quân mỗi năm BHYT phải chi tốn nhiều hơn 10.000 USD/BN so với BHYT chi trả tiền thuốc cho BN uống sau khi được ghép thận.
 
Thông tư số 104/2017/TT-BTC do Bộ Tài chính ban hành (có hiệu lực từ ngày 20.11.2017) quy định về quản lý và sử dụng kinh phí thực hiện chế độ đối với người đã hiến bộ phận cơ thể người, hiến xác, cụ thể: Trường hợp thân nhân của người hiến bộ phận cơ thể người sau khi chết, hiến xác có nhu cầu tổ chức tang lễ và mai táng di hài cho người hiến bộ phận cơ thể người sau khi chết, hiến xác được hỗ trợ mai táng phí bằng 10 tháng lương cơ sở.
 
Hiến mô, tạng cứu người - ảnh 1

Ghép tạng tại Bệnh viện Chợ Rẫy  ẢNH BVCC

 

Người đã hiến bộ phận cơ thể khi còn sống được hưởng chế độ khám sức khỏe định kỳ gồm: Được miễn chi phí khám sức khỏe định kỳ; được hỗ trợ 450.000 đồng/ngày/người tiền thuê phòng ngủ trong trường hợp người đã hiến bộ phận cơ thể người ở xa cơ sở khám bệnh, chữa bệnh không thể đi về trong ngày, tối đa không quá 2 ngày; Hỗ trợ 200.000 đồng/ngày tiền ăn trong những ngày thực tế đi khám sức khoẻ định kỳ, tối đa không quá 3 ngày/lần khám định kỳ; Hỗ trợ chi phí đi lại từ nhà đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và ngược lại theo mức giá phương tiện vận tải công cộng. Cơ sở khám, chữa bệnh thực hiện khám sức khoẻ định kỳ cho người đã hiến bộ phận cơ thể người có trách nhiệm chi trả kinh phí để thực hiện đầy đủ chế độ cho người đã hiến đó.
 
Tuy nhiên, với người hiến chết não, theo TS-BS Thu, do chưa có hướng dẫn cụ thể về hỗ trợ người hiến, nên lâu nay BV Chợ Rẫy linh động hỗ trợ người hiến chết não về chi phí điều trị, kể cả ma chay.
 

Lần đầu ghép phổi thành công từ người hiến chết não

Sáng 16.3, BV T.Ư Quân đội 108 công bố về ca ghép phổi từ người cho chết não đầu tiên tại VN, được thực hiện thành công ngày 26.2 tại BV này. Người được ghép phổi là ông Trần Ngọc Hanh (54 tuổi, ngụ Nam Định). Người hiến phổi là một quân nhân 45 tuổi. Ghép phổi được đánh giá là một trong những kỹ thuật khó nhất trong lĩnh vực ghép tạng, kể cả với những nước có nền y học tiên tiến, vì tính chất phức tạp, khẩn trương, đòi hỏi kỹ thuật chuyên sâu, điều phối, chuẩn bị cơ sở trang thiết bị… Ghép phổi từ người cho còn sống đã khó, ghép phổi từ người cho chết não còn khó hơn (BN được ghép cả hai lá phổi).
 
Đây không chỉ là ca ghép phổi từ người cho chết não đơn thuần mà là trường hợp ghép tạng cho nhiều người trong cùng thời gian rất ngắn từ một người hiến trên (phổi, tim, thận, giác mạc). Trong đó, tại BV T.Ư Quân đội 108, BS thực hiện ghép phổi cho BN Hanh, và ghép giác mạc cho BN khác. BV T.Ư Quân đội 108 phối hợp với Trung tâm điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người và BV Chợ Rẫy (TP.HCM) tiếp nhận, tiến hành lấy tạng bảo quản, vận chuyển tạng vào TP.HCM để thực hiện ghép thận và tim cho 2 BN tại Chợ Rẫy. Toàn bộ chi phí ghép phổi cho BN Hanh được miễn phí.
 
Liên Châu