Bỏ đề xuất miễn học phí THCS và chính sách lương nhà giáo: Không phù hợp và thiếu thuyết phục
GS Đào Trọng Thi nhiều lần nhắc lại cụm từ ‘rất đáng tiếc’ khi trao đổi với phóng viên Thanh Niên xung quanh việc bỏ đề xuất miễn học phí THCS và chính sách lương giáo viên.
Bỏ đề xuất miễn học phí THCS và chính sách lương nhà giáo: Không phù hợp và thiếu thuyết phục
Miễn học phí bậc THCS không còn trong dự thảo mới nhất luật Giáo dục sửa đổi ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH
|
GS Đào Trọng Thi nói: “Có lẽ 2 nội dung ban đầu được đề xuất là những nội dung mang tính ‘cách mạng’ trong chính sách của nhà nước trong giáo dục và nếu Chính phủ không trình nữa tức là trong quá trình thảo luận những đề xuất đó của ban soạn thảo đã không được đồng tình, ủng hộ. Tôi rất tiếc!”.
Nên đưa vào luật nhưng thực hiện theo lộ trình
Hai nội dung về lương nhà giáo và miễn học phí bậc THCS khi đưa vào dự thảo ban đầu đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận xã hội, cử tri cả nước. Về mặt nguyên tắc, phổ cập bắt buộc tức là trách nhiệm của nhà nước và không thu học phí ở các đơn vị giáo dục công lập. Đây là 2 nội dung rất mạnh mẽ, nhân văn, thể hiện sự quan tâm tới giáo dục, trong đó chủ thể chính là GV và học sinh (HS).
Tuy nhiên, tờ trình chính thức của Chính phủ và dự thảo luật (lần thứ 5) trình uỷ viên Thường vụ Quốc hội tại phiên họp thứ 22 thì không còn cả 2 nội dung này. Tôi cũng chia sẻ với Chính phủ vì căn cứ vào nguồn lực hiện có thì mới hoạch định được chính sách. Nếu 2 chính sách được thực hiện thì chắc chắn đòi hỏi nguồn lực lớn và Chính phủ phải cân nhắc. Là cơ quan hành pháp, Chính phủ phải lo về nguồn lực quốc gia nên phải cân đối, quyết định dựa trên nguồn lực thực tế với mong muốn của ngành, của xã hội. Nhưng dưới góc độ một đại biểu Quốc hội thì tôi thấy việc không đưa 2 nội dung đó vào dự luật là điều đáng tiếc. Đặc biệt trong bối cảnh chúng ta đang đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT, đặt vấn đề nâng cao chất lượng đội ngũ, nâng chuẩn GV, nâng chuẩn đầu vào đối với sinh viên sư phạm, thu hút HS giỏi vào ngành…, nếu không có những chính sách đồng bộ như chế độ học phí, chế độ đãi ngộ về thu nhập, về cơ hội việc làm thì những yêu cầu đặt ra sẽ chỉ dừng ở mong muốn, dù việc nâng chuẩn đó là rất cần thiết.
Với người dân có con học THCS ở những vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, những gia đình hộ nghèo, hộ cận nghèo, nếu thực hiện được việc miễn học phí sẽ rất tốt. Đây là chủ trương đã có trong nghị quyết của Đảng, có nội dung đã ban hành hàng chục năm và phải hàng chục năm nữa mới có cơ hội sửa luật Giáo dục thì nên đưa chủ trương của Đảng vào trong luật.
Phạm Tất Thắng (Phó chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá – Giáo dục – Thanh niên – Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội)
Cam kết phổ cập đến đâu thì phải thực hiện đến đó
Việc nhà nước đảm bảo cho người học được đến đâu thì tùy thuộc vào cam kết của Chính phủ, mà việc cam kết này phải tùy thuộc vào năng lực tài chính của nhà nước trong từng giai đoạn. Vấn đề quan trọng là nhà nước phải cân nhắc khả năng ngân sách của mình, để tuyên bố với xã hội là có thể phổ cập đến đâu. Còn một khi đã tuyên bố thì phải thực hiện cam kết. Cam kết thực hiện phổ cập THCS hiện nay của chúng ta mới chỉ dừng lại ở ý chí nhiều hơn là từ việc tính toán một cách chi tiết bài toán kinh tế. Đến nay chưa thấy một cái báo cáo hay một bảng phân tích nào thấu đáo về chuyện nếu phổ cập THCS thì sẽ tốn của nhà nước bao tiền, và nhà nước lấy tiền đâu để thực hiện công việc đó.
PGS Vũ Cương (Trưởng bộ môn Kinh tế công cộng, Trường ĐH Kinh tế quốc dân)
Cần mở rộng đối tượng miễn học phí
Hiện nay trên thế giới đã có nhiều nước không chỉ miễn học phí bậc phổ thông mà còn tạo điều kiện tốt nhất cho người dân đến trường thông qua nhiều khoản thu khác. Ở nước ta, dù điều kiện kinh tế còn khó khăn nhưng đã miễn học phí tiểu học từ nhiều năm trước, vì vậy chúng ta cần tiến tới mở rộng đối tượng thụ hưởng. Và nếu chưa làm đại trà thì nhà nước nên có lộ trình từng bước, nghiên cứu, chọn những HS có điều kiện cần hỗ trợ, miễn phí theo từng cấp độ để tạo mọi điều kiện thuận lợi cho HS tiếp cận với kiến thức.
Nguyễn Văn Ngai (Nguyên Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM)
Dễ dẫn đến mất niềm tin vào giáo dục
Chúng ta đang tích cực phổ cập, vận động HS đến trường nhưng có nhiều em vẫn không đủ điều kiện, do vậy miễn học phí là điều nên làm. Điều này đã được đông đảo nhà giáo, phụ huynh, nhà nghiên cứu giáo dục góp ý cho dự thảo sửa đổi luật Giáo dục. Tuy nhiên, đến nay những đóng góp này không được đề cập đến sẽ khiến GV, phụ huynh, HS nói riêng và người dân nói chung không còn niềm tin vào ngành giáo dục.
Hoàng Long Trọng (Giáo viên Trường THCS Văn Lang Q.1, TP.HCM)
Tuệ Nguyễn – Quý Hiên – Bích Thanh (ghi)
|
TUỆ NGUYỄN