26/12/2024

30 năm ngày 14-3: Bài học giữ vững chủ quyền

Đúng 30 năm trước, 14-3-1988, Trung Quốc đưa quân tấn công các bãi đá Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. 64 chiến sĩ đã hi sinh anh dũng. Bài học gì cho hôm nay và mai sau?

30 năm ngày 14-3: Bài học giữ vững chủ quyền

Đúng 30 năm trước, 14-3-1988, Trung Quốc đưa quân tấn công các bãi đá Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. 64 chiến sĩ đã hi sinh anh dũng. Bài học gì cho hôm nay và mai sau?
 
 
 
 


30 năm ngày 14-3: Bài học giữ vững chủ quyền - Ảnh 1.

Người dân cùng nhiều thân nhân liệt sĩ đến viếng Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma ở Khánh Hoà – Ảnh: THÁI THỊNH

Tuổi Trẻ có cuộc đối thoại với tiến sĩ Trần Công Trục, cựu trưởng Ban biên giới Chính phủ, về biến cố này. Ông Trục nói đầy cảm xúc:

– Cũng như hàng triệu người dân Việt Nam, những ngày này, trong tôi đang dâng trào nhiều cảm xúc đặc biệt khi ôn lại những diễn biến trong trận chiến bi hùng của những chiến sĩ công binh hải quân Việt Nam chống trả quân Trung Quốc xâm lược Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao, những thực thể địa lý nằm về phía tây quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

 

ts tran cong truc (read-only)

 

 

“Chúng ta cần tăng cường nghiên cứu, phổ biến thông tin rộng rãi cho mọi người hiểu rõ lịch sử chủ quyền và luật pháp quốc tế về biển đảo, công khai lập trường của chúng ta, tạo được sự thống nhất trong nhân dân, thống nhất trong khu vực và quốc tế, để có tiếng nói đồng tình, sức mạnh của sự thống nhất, đoàn kết dân tộc và quốc tế”

Bài học giá trị

* Cuộc chiến bảo vệ Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao trước nòng súng quân xâm lược Trung Quốc để lại những bài học ra sao trong công cuộc bảo vệ chủ quyền Tổ quốc thiêng liêng?

 

– Bài học đầu tiên có giá trị đối với sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước là kẻ thù xâm lược, dù đến từ đâu, cũng luôn luôn chọn thời điểm Việt Nam ở thế khó khăn, ngặt nghèo nhất cả về đối nội lẫn đối ngoại để ra tay. 

Việc Trung Quốc đánh chiếm Hoàng Sa tháng 1-1974 và Gạc Ma tháng 3-1988 là những minh chứng điển hình.

Với tương quan lực lượng, tiềm lực và thế lực chênh lệch, việc chúng ta giữ được quần đảo Trường Sa, dù bị Trung Quốc chiếm mất một phần, cũng đã là một nỗ lực to lớn và bền bỉ vô cùng. 

Về mặt ngoại giao, chúng ta vẫn giữ nguyên ý chí khi đấu tranh với Trung Quốc, khi công bố một cách công khai hành động này của Trung Quốc với công luận quốc tế.

Nhắc lại chuyện này để nói rằng về mặt pháp lý, chúng ta đã từng đấu tranh rất nhiều lần với Trung Quốc, chúng ta đã lường trước và biết được những âm mưu, thủ đoạn của Trung Quốc, khi họ đào san hô lên rồi đắp thành đảo. 

Bình tĩnh phân tích âm mưu của Trung Quốc mới thấy nguy hiểm thế nào. Vì thế, chúng ta phải tiếp tục cuộc đấu tranh trên các mặt trận ngoại giao và pháp lý.

* Không chỉ cuộc chiến bảo vệ Trường Sa 1988 mà đến nay cuộc chiến tranh vệ quốc bảo vệ biên giới phía Bắc 1979, sự kiện hải chiến Hoàng Sa 1974… được nhắc đến rất ít trong chính sử và sách giáo khoa. Quan điểm của ông ra sao?

– Theo tôi, tôn trọng sự thật, dù sự thật đau lòng và sòng phẳng với lịch sử sẽ vừa góp phần bảo vệ hòa bình, ổn định khu vực, đoàn kết dân tộc, củng cố quan hệ hữu nghị giữa hai dân tộc Việt Nam – Trung Quốc.

Trong lịch sử đấu tranh dựng và giữ nước, dân tộc Việt Nam đã chứng kiến và kiên cường đập tan âm mưu và chống trả quyết liệt hành động xâm lược hay bành trướng lãnh thổ xuống phía nam của các nhà cầm quyền Trung Quốc. Sử sách Việt Nam đã ghi nhận những sự thật lịch sử bi hùng đó. 

Nhưng những sự kiện gần đây, như hải chiến Hoàng Sa năm 1974, trận chiến bảo vệ Trường Sa năm 1988, cuộc chiến tranh vệ quốc bảo vệ biên giới phía Bắc 1979, nhiều người cho rằng ít được nhắc đến trong chính sử.

Tôi nghĩ rằng khi hai nước xung đột, đối đầu, việc nói xấu, lên án chỉ trích nhau cũng là điều có thể hiểu được. 

Nhưng khi bình thường hóa quan hệ, cả hai phía cần chủ động cùng đánh giá lại bài học lịch sử để rút ra kinh nghiệm cho mình, tránh lặp lại chiến tranh, xung đột; nhìn thẳng vào quá khứ với thái độ khách quan, cầu thị, khoa học. 

Đến lúc chúng ta cần sòng phẳng với lịch sử, có những bước đi thích hợp đánh giá công khai các sự kiện này dưới ánh sáng công pháp quốc tế, rút ra bài học cho mình để trả lại cho lịch sử sự chân thực vốn có của nó.

Chỉ có như vậy chúng ta mới làm nguôi ngoai vết thương chiến tranh, củng cố đại đoàn kết dân tộc, phát triển đất nước cường thịnh.

 

30 năm ngày 14-3: Bài học giữ vững chủ quyền - Ảnh 5.

Cụ Lê Thị Lan bật khóc bên bàn thờ con – liệt sĩ Nguyễn Hữu Lộc cùng các đồng đội tại lễ cầu siêu 64 chiến sĩ hi sinh trên đảo Gạc Ma ở Đà Nẵng ngày 13-3 – Ảnh: ĐOÀN CƯỜNG

Những cách đi

* Trung Quốc vẫn đang ngang nhiên tuyên bố về đường lưỡi bò 9 đoạn vô lý ở Biển Đông. Chúng ta nên lựa chọn cách ứng xử ra sao để bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo cũng như giáo dục lòng yêu nước cho thế hệ hôm nay và tương lai?

– Người Việt Nam chúng ta đã trải qua rất nhiều thời điểm cam go trong các cuộc đấu tranh chống ngoại xâm, cho nên từ những bài học nói trên, chúng ta không dễ dàng bị mất cảnh giác. Chỉ có điều trong các bước đi, chúng ta luôn tính toán làm sao hài hòa giữa lợi ích dân tộc, khu vực và quốc tế.

Mục đích cao nhất của Trung Quốc chính là chứng minh đường lưỡi bò mà họ tự kẻ vẽ ra là có cơ sở về mặt pháp lý. 

Mục tiêu của Trung Quốc chính là toàn bộ Biển Đông. Vì thế, cảnh giác – đó chính là điều chúng ta phải luôn tự nhắc mình trong phép ứng xử với Trung Quốc.

Bối cảnh quốc tế hiện tại cũng đã khác nhiều ngày trước. Nhưng lần này Trung Quốc sử dụng nhiều thủ đoạn hơn, đó là tổng hợp các biện pháp pháp lý, hành chính, dân sự, kinh tế nhằm vơ vét tài nguyên biến nơi không tranh chấp thành tranh chấp, nhảy vào khai thác, nếu không hợp tác thì họ tự làm, gây khó khăn rất lớn cho các bên.

Đây mới là cái hiện nay Trung Quốc đang làm và thực hiện mạnh mẽ hơn trong thời gian sắp tới. 

Rõ ràng họ đã chiếm chỗ đứng ở Hoàng Sa và một số vị trí ở Trường Sa, dù muốn hay không họ đã cắm chân được ở Trường Sa để tạo ra sự mặc cả trong chủ trương “gác tranh chấp cùng khai thác”, củng cố yêu sách đường lưỡi bò, tìm kiếm các lợi ích khác.

Vì vậy chúng ta phải có những cách đi để ngăn cản các hoạt động nguy hiểm của Trung Quốc.

* Theo ông, những cách đi đó cụ thể là gì?

– Pháp lý là một kênh chúng ta nên áp dụng song song với hoạt động đàm phán với các bên liên quan, cần lưu ý kênh tài phán quốc tế. 

Mặt khác, chúng ta phải lưu ý đến những phương diện kinh tế, cảnh giác với những âm mưu và hoạt động của Trung Quốc như đấu thầu dầu khí, chủ trương “gác tranh chấp cùng khai thác” trong khu vực họ yêu sách mà không dựa trên Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS), tức khu vực không tranh chấp mà họ nhảy vào tranh chấp.

Với những bài học lịch sử để lại và xét đến bối cảnh hiện tại, nguy cơ Trung Quốc tiếp tục gây hấn, xâm lấn, tiếp tục bất chấp luật pháp quốc tế còn rất lớn.

Vấn đề là chúng ta cần tăng cường dành công sức để nghiên cứu, phổ biến thông tin rộng rãi cho mọi người hiểu rõ lịch sử chủ quyền và luật pháp quốc tế về biển đảo, công khai lập trường của chúng ta, tạo được sự thống nhất trong nhân dân, thống nhất trong khu vực và quốc tế, để có tiếng nói đồng tình, khi có sự cố xảy ra vi phạm lợi ích của đất nước, chúng ta mới có được sức mạnh của sự thống nhất, đoàn kết dân tộc và quốc tế.

* Nhà sử học Dương Trung Quốc:

Nhắc lại Gạc Ma để có bài học hòa bình

dương trung quốc

 

Cuộc chiến bảo vệ Gạc Ma xảy ra cách đây 30 năm, đúng là có một thời kỳ chúng ta ít nhắc đến do tình hình chính trị Việt Nam – Trung Quốc.

 

Nhưng gần đây, vấn đề đó trở nên hết sức rõ ràng. Ngay ở bờ biển miền Trung đã có đài tưởng niệm các chiến sĩ Gạc Ma do Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam chủ trì xây dựng.

Báo chí cũng nhắc đến sự kiện này nhiều. Nhưng riêng đối với sách giáo khoa, sự kiện này chưa được nhắc đến. Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị cần đưa những sự kiện lịch sử ấy vào chương trình giảng dạy.

Không nên e ngại rằng nhắc đến chuyện xưa thì ảnh hưởng đến ngày nay. Bao nhiêu năm chúng ta đấu tranh với người Pháp, người Mỹ nhưng chúng ta vẫn viết rõ trong sách sử để giảng dạy.

Nhưng chúng ta vẫn xây dựng những mối quan hệ tốt đẹp với các nước đó. Vậy nên không có lý do gì để e ngại khi nhắc lại các cuộc chiến tranh vệ quốc chống Trung Quốc xâm lược.

Nhắc lại chiến tranh là để có những bài học hoà bình. Cuộc chiến Gạc Ma 1988 là bài học lớn cho chúng ta về tinh thần cảnh giác. Chúng ta luôn mong muốn hòa bình, hữu nghị nhưng phải cảnh giác.

* GS.TS Phạm Hồng Tung (chủ biên chương trình và sách giáo khoa lịch sử mới):

Sẽ đưa Gạc Ma vào sách giáo khoa phổ thông mới

phạm hồng tung

 

Chắc chắn sự kiện Gạc Ma 1988 sẽ được đưa vào chương trình môn lịch sử và sách giáo khoa phổ thông mới, được nhắc lại nhiều lần trong chương trình giảng dạy lịch sử ở cấp THCS và THPT.

Khi đưa sự kiện Gạc Ma vào sách giáo khoa dựa trên những nguyên tắc cơ bản của lịch sử là tôn trọng sự thật, khách quan, trung thực.

Sự thật lịch sử ra sao thì phải trình bày đúng như vậy, đặt trong bối cảnh khu vực và thế giới mà sự kiện đã xảy ra để xem xét, trình bày.

Giáo dục lịch sử để hiểu đúng, hiểu đầy đủ về sự kiện Gạc Ma trong quá khứ, nhưng không phải thông qua đó để khơi sâu thêm hận thù của quá khứ.

Quan trọng hơn, phải hướng học sinh Việt Nam và học sinh Trung Quốc đến tinh thần hòa bình, hợp tác, hữu nghị. Tính nhân văn, nhân bản và khoa học trong giáo dục lịch sử phải được tôn trọng.

Bạn đọc Tuổi Trẻ hướng về Trường Sa

Đất thiêng gửi Trường Sa

Trồng cây trên đảo Phan Vinh bằng đất thiêng từ chương trình “Đất thiêng gửi Trường Sa” do báo Tuổi Trẻ tổ chức – Ảnh: HỮU KHOA

 

Từ năm 2009 – 2018, Tuổi Trẻ đã nhận được hơn 121 tỉ đồng từ bạn đọc trong và ngoài nước đóng góp cho các chương trình Tuổi Trẻ phát động vì Trường Sa thân yêu.

* Ngày 26-6-2009, Tuổi Trẻ phát động chương trình “Chung tay thắp sáng nhà giàn DK1”, hỗ trợ lắp đặt tấm pin năng lượng mặt trời, máy lọc nước biển, trang thiết bị cho nhà giàn… với hơn 7 tỉ đồng.

* Chương trình “Góp đá xây Trường Sa”: phát động tháng 5-2011, đã nhận được sự đóng góp của bạn đọc trong và ngoài nước với tổng số tiền hơn 54 tỉ đồng, thực hiện 2 công trình tại đảo Đá Tây A và Đá Tây C; trao tủ thuốc cho ngư dân, cán bộ chiến sĩ hải quân; hỗ trợ trang thiết bị y tế cho Trường Sa; trao xuồng CQ; trao tặng trang thiết bị y tế cho bệnh xá Trường Sa…

* Chương trình “Chung sức bảo vệ chủ quyền Biển Đông”: phát động từ tháng 5-2014, đã tiếp nhận được gần 60 tỉ đồng, hỗ trợ lực lượng cảnh sát biển, kiểm ngư, hải quân và ngư dân để tiếp tục ra khơi bám biển, giữ chủ quyền…

* Khánh thành công trình Trung tâm y tế thị trấn Trường Sa: tháng 5-2017, Tuổi Trẻ khánh thành công trình Trung tâm y tế thị trấn Trường Sa, với tổng vốn đầu tư gần 30 tỉ đồng, trong đó bạn đọc báo Tuổi Trẻ đóng góp 22 tỉ đồng thông qua chương trình “Chung sức bảo vệ chủ quyền Biển Đông”.

* Chương trình “Đất thiêng gửi Trường Sa”: tháng 5-2017, báo Tuổi Trẻ phối hợp với các cơ quan, đơn vị tổ chức lễ tiếp nhận đất thiêng tại ba miền của đất nước mang đến huyện đảo Trường Sa, mang ý nghĩa khẳng định chủ quyền non sông liền một dải từ đất liền ra biển đảo.

 

VŨ VIẾT TUÂN thực hiện