10/01/2025

Có phải khi đứng không nên uống nước?

Vài ngày qua, hàng loạt tin nhắn được lan truyền nhanh, gây xôn xao trên mạng về những vấn đề liên quan đến… nước và cách uống nước.

 

Có phải khi đứng không nên uống nước?

Vài ngày qua, hàng loạt tin nhắn được lan truyền nhanh, gây xôn xao trên mạng về những vấn đề liên quan đến… nước và cách uống nước.

 
 

Có phải khi đứng không nên uống nước? - Ảnh 1.

Uống nước khi đứng không gây hại cho cơ thể – Ảnh: DUYÊN PHAN

 

Nào là: khi chúng ta đứng, không nên uống nước vì nước sẽ “trôi tuột” xuống phần dưới cơ thể, tích trữ lại tại đây mà không được đưa đến các cơ quan khác. Rồi thì: uống nước khi đứng, nước sẽ gây khó khăn cho việc đào thải độc tố, hay gây sưng chân đối với các bệnh nhân bị đột quỵ… Có thông tin cho rằng một dược sĩ ở Trung Quốc nói về cách uống nước “đúng mốt” thì sẽ phòng ngừa và chữa được nhiều bệnh. Dưới mỗi chia sẻ đều có thêm câu: “Nếu mỗi người đọc được thông tin này mà chia sẻ cho 10 người khác được biết thì chúng ta sẽ cứu được ít nhất 1 người. Tôi đã làm tròn phận sự, giờ đến phiên bạn”. Thực hư việc này ra sao?

Đừng vội tin thông tin lan truyền

Đến thời điểm hiện nay, bài viết về uống nước đã thu hút đông đảo cộng đồng mạng, với hàng trăm nghìn lượt chia sẻ và bình luận. Một số ý kiến đồng tình nhưng cũng không ít ý kiến cho rằng cách uống nước này nghe có vẻ hợp lý nhưng phi khoa học, phi thực tế vì thức ăn và đồ uống vào miệng đều phải qua dạ dày.

Nhiều bác sĩ cho biết không có tài liệu hay công trình nghiên cứu nào nói rằng uống nước khi đứng thì nước sẽ “tuột xuống” ngay phần dưới cơ thể và nhanh chóng bị đào thải ra ngoài, tương tự như nước chảy qua một đoạn ống thẳng được.

Bác sĩ Võ Phước Khương (Bệnh viện Nguyễn Tri Phương) nhấn mạnh: “Bài viết này có thể là suy luận theo cảm tính của một người không có chuyên môn về quá trình nước uống vào cơ thể. Khi uống nước, không quan trọng hình thức uống là đứng hay ngồi, miễn chúng ta dung nạp lượng nước theo nhu cầu của cơ thể”.

“Hành trình” nước vào cơ thể

Một bác sĩ chuyên khoa nội tổng quát cho biết “hành trình” nước và các chất lỏng vào cơ thể khá phức tạp, không hề đơn thuần và trải qua bước một như chia sẻ trên.

Bác sĩ Võ Phước Khương cho biết sự hấp thu và bài tiết nước là một quá trình, không chỉ qua đường tiểu mà còn qua mồ hôi… Khi uống nước, nước sẽ từ miệng đi qua thực quản. Tiếp đó nước sẽ được hấp thu trực tiếp qua các tế bào biểu mô bao phủ đường ruột của con người. Ruột non sẽ chịu trách nhiệm cho sự hấp thụ hầu hết lượng nước được cung cấp vào cơ thể.

Khi nước đến ruột non, 90% sẽ được hấp thụ còn lại 10% sẽ được chuyển đến ruột già. Lượng nước này sẽ được ruột già hấp thụ nhiều nhất có thể, còn lại bao nhiêu sẽ được cơ quan bài tiết xử lý và thải ra ngoài cơ thể thông qua tiểu tiện, đại tiện.

Uống nước đúng cách theo nhu cầu cơ thể

Các chuyên gia y tế cho biết uống nước đúng cách là phải hiểu biết nhu cầu cần nước của cơ thể hằng ngày. Thông thường mỗi ngày, cơ thể chúng ta cần được cung cấp từ 1,5 – 2 lít nước uống thì mới đảm bảo đủ lượng nước cho các tế bào và các cơ quan luôn hoạt động hiệu quả.

Ngược lại, nếu uống quá nhiều nước mỗi ngày thì các cơ quan hấp thụ nước sẽ phải làm việc rất vất vả, gây áp lực cho thận. Nếu uống quá ít nước thì cơ thể sẽ thiếu nước, gây mệt mỏi, đau đầu, thậm chí tử vong khi cơ thể mất nước lên đến 20%.

Vì vậy, uống nước đúng và đủ theo nhu cầu cơ thể là điều kiện trước tiên giúp cơ thể khoẻ mạnh.

XUÂN MAI