Tài sản bất minh: Dính đến chức vụ thì phải tịch thu
Dự định truy thu thuế thu nhập cá nhân đối với tài sản không giải trình được nguồn gốc là trừu tượng, chung chung và không giải quyết được cái gốc của vấn đề tham nhũng.
Tài sản bất minh: Dính đến chức vụ thì phải tịch thu
Dự định truy thu thuế thu nhập cá nhân đối với tài sản không giải trình được nguồn gốc là trừu tượng, chung chung và không giải quyết được cái gốc của vấn đề tham nhũng.
Luật phòng chống tham nhũng (sửa đổi) vừa được Chính phủ trình Uỷ ban Tư pháp Quốc hội ngày 5-3. Nội dung cốt lõi được dư luận quan tâm: ứng xử sao với tài sản của cán bộ, công chức không chứng minh được nguồn gốc, đánh thuế hay tịch thu? Tuổi Trẻ ghi nhận một số ý kiến của những người quan tâm.
* TS Nguyễn Thị Kim Vinh (nguyên thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao): Truy thu thuế là thiếu cơ sở
TS Nguyễn Thị Kim Vinh
Tại sao lại truy thu thuế thu nhập cá nhân đối với tài sản bất minh? Và cơ sở nào để đưa ra con số 45%? Cần tách bạch tài sản bất minh gắn với nhóm chủ thể là quan chức với tài sản không rõ nguồn gốc và không kê khai.
Nếu xác định tài sản bất minh gắn với chức vụ, tham nhũng mà có thì đã có pháp luật hình sự điều chỉnh. Theo đó, hành vi tham nhũng phải bị xử lý và tịch thu toàn bộ tài sản tham nhũng. Quan chức có nghĩa vụ kê khai trung thực tài sản, thu nhập khi đảm nhận chức vụ và kê khai thay đổi theo từng năm, từng chức vụ mới.
Đây là cơ sở quan trọng để kiểm soát, điều tra, xử lý nhóm chủ thể này. Nếu tài sản, thu nhập không kê khai, kê khai không trung thực, bất minh phát sinh từ chức vụ hoặc hành vi vi phạm pháp luật thì dứt khoát là tịch thu chứ không truy thu thuế thu nhập.
Về thu nhập không rõ nguồn gốc, không kê khai, kê khai không trung thực nhằm trốn thuế cũng đã được điều chỉnh bởi Luật thuế. Trường hợp này phải bị truy thu và tùy mức độ có thể bị xử lý hình sự về tội trốn thuế. Nếu tài sản, thu nhập tăng thêm của quan chức không kê khai, kê khai không trung thực nhưng có nguồn gốc từ tặng cho, thừa kế… hợp pháp thì chỉ thu thuế tương ứng chứ không phải mức 45%.
Cho nên quy định truy thu thuế thu nhập cá nhân đối với thu nhập, tài sản không rõ nguồn gốc, kê khai không trung thực như đề xuất của dự thảo Luật phòng chống tham nhũng (sửa đổi) là trừu tượng, chung chung và không giải quyết .
Theo tôi, quan trọng là quy định pháp luật phải hoàn thiện, minh bạch và nhất là phải được thực thi nghiêm túc. Đối với nhóm hành vi tham nhũng thì phải có các quy định, biện pháp để trừng phạt, răn đe, phòng ngừa. Phải thực hiện nghiêm túc việc kê khai tài sản của quan chức thì mới ngăn ngừa tham nhũng.
Còn việc xử lý với tài sản, thu nhập tăng thêm của quan chức chỉ là phần ngọn. Tài sản, thu nhập đó có nguồn gốc bất minh, tham nhũng hay không kê khai, trốn thuế thì phải xác minh, làm rõ để có cơ sở xử lý đúng đắn được.
Tài sản, thu nhập không kê khai, kê khai không trung thực, bất minh phát sinh từ chức vụ hoặc hành vi vi phạm pháp luật thì dứt khoát là tịch thu chứ không truy thu thuế thu nhập.
TS Nguyễn Thị Kim Vinh
* Luật sư Bùi Quang Nghiêm (phó chủ nhiệm Đoàn luật sư TP.HCM): Nên tịch thu mới đủ sức răn đe
Luật sư Bùi Quang Nghiêm
Quan chức là chủ thể đặc biệt, phải chịu sự kiểm soát, giám sát cao nhất trong công tác phòng chống tham nhũng. Có nhiều biện pháp để kiểm soát tài sản, thu nhập của quan chức theo Luật phòng chống tham nhũng.
Trong đó, nghĩa vụ kê khai trung thực, đầy đủ về tài sản, thu nhập là một biện pháp giúp Nhà nước kiểm soát tốt, phòng chống tham nhũng.
Như vậy, khi quan chức không kê khai, kê khai không trung thực, đầy đủ về tài sản thu nhập ban đầu hoặc tăng thêm là đã vi phạm nghĩa vụ.
Trường hợp đó, họ khó có thể biện minh cho động cơ thiếu trong sáng khi kê khai cũng như nguồn gốc bất minh của tài sản, thu nhập.
Quyền lợi của người dân sẽ luôn luôn ở thế yếu và dễ bị xâm hại so với nhóm chủ thể có điều kiện tham nhũng. Với mong muốn cao nhất là phòng chống tham nhũng để bảo đảm quyền lợi tất cả người dân còn lại thì nên quy định tịch thu đối với tài sản, thu nhập không rõ nguồn gốc, kê khai không trung thực.
Hiện nay, việc quản lý tài sản, thu nhập còn chưa tốt, giao dịch không thông qua ngân hàng… dẫn đến tồn tại tài sản không rõ nguồn gốc là không hề nhỏ. Nhà nước cần có cơ chế hoàn thiện quản lý được nguồn gốc tài sản. Tuyệt nhiên không nên vì lý do này mà lại “nhẹ tay”, chỉ truy thu 45% đối với nhóm chủ thể tham nhũng.
* Nguyễn Văn Toại (sinh viên ĐH Luật TP.HCM): Cái mất lớn hơn là uy tín, lòng tin!
Sinh viên Nguyễn Văn Toại
Tài sản cá nhân dù có rõ nguồn gốc hay không, việc đầu tiên là phải chịu thuế thu nhập cá nhân theo quy định của pháp luật.
Khi chủ sở hữu không thể chứng minh được tài sản vượt quá kê khai là của mình, trách nhiệm chứng minh khối tài sản đó phi pháp hay không là trách nhiệm của Nhà nước.
Nếu chứng minh được đó là tài sản phi pháp, cần tịch thu 100% và tùy vào mức độ còn xử phạt hành chính hoặc truy tố trách nhiệm hình sự.
Nếu Nhà nước không thể chứng minh đó là tài sản phi pháp, đương nhiên tài sản trên thuộc về chủ sở hữu và họ chịu thuế thu nhập cá nhân theo luật định.
Ai cũng biết đã là cán bộ tức phải được sự tín nhiệm của tổ chức, nhân dân. Nên một khi đã có “niềm tin” rằng khối tài sản kia không minh bạch thì niềm tin, tín nhiệm không còn nữa.
Tuy không chứng minh được quan chức phạm tội nhưng cũng không thể chứng minh ấy là tài sản minh bạch, đồng nghĩa uy tín của họ cũng mất. Tôi cho rằng lúc ấy tổ chức cần kiểm điểm, cách chức để phòng ngừa, củng cố niềm tin của nhân dân về cán bộ thanh liêm, minh bạch.
Thế giới kiểm soát tài sản quan chức
Từ những năm 1960 – 1970, Mỹ và Hà Lan đã đưa việc kê khai tài sản và thu nhập thành một cơ chế chống tham nhũng hiệu quả. Từ đó, biện pháp này dần trở thành một tiêu chuẩn toàn cầu, áp dụng ở 35 nước thành viên Tổ chức Hợp tác phát triển kinh tế (OECD), các nước kinh tế phát triển ở châu Âu, Bắc Mỹ, hàng chục quốc gia ở châu Á, Phi, Mỹ Latin và được Liên Hiệp Quốc ban hành công ước phòng chống tham nhũng.
Các viên chức hành pháp, lập pháp, tư pháp và công chức cấp cao được khuyến cáo kê khai tài sản trước và sau khi nhận chức vụ, thực hiện kê khai mỗi năm hoặc hai năm một lần.
Theo Tổ chức Minh bạch quốc tế, các tài sản cần kê khai của bản thân gồm bảng kê đầy đủ thu nhập và nợ nần, trong đó liệt kê tất cả bất động sản, tài sản có giá, danh mục đầu tư và các khoản nợ hoặc tiền trả góp hằng tháng, tất cả mọi nguồn thu nhập như tiền đầu tư, tiền thực hiện các hợp đồng tư vấn và từ công việc chuyên môn.
Tuy nhiên quy mô áp dụng, nội dung kê khai và hiệu quả của việc kê khai phụ thuộc vào tính nghiêm minh của luật pháp, thực thi pháp luật, hoạt động của bộ máy tư pháp, truyền thông, các tổ chức dân sự, các tổ chức phản biện độc lập… của nhà nước đó.
Từ năm 2014, Trung Quốc buộc cán bộ công chức phải đăng ký vào hệ thống các bất động sản và cổ phiếu của mình. Nhà chức trách có quyền kiểm tra ngẫu nhiên các thông tin và sẽ kiểm tra nghiêm túc mỗi lần cán bộ này được thăng chức.
Tuy nhiên, Trung Quốc chưa buộc cán bộ công chức phải kê khai toàn bộ tài sản và họ không kê khai hồ sơ ngân hàng.
Tại Ấn Độ, Luật quyền thông tin 2014 quy định đăng công khai thông tin về lương – thưởng của nhân viên nhà nước, cảnh sát trên trang web của cơ quan. Họ cũng phải công khai tài sản vào các tháng 3, tháng 7 hằng năm. Luật công chức năm 2014 quy định mỗi nhân viên nhà nước phải làm bảng kê khai hằng năm về tiền thu nhập và nợ nần của mình và vợ con.
Tại Nhật Bản, bên cạnh việc kê khai thu nhập và tài sản, các viên chức cấp cao phải báo cáo về những món quà có giá trị hơn 5.000 yen (khoảng 45 USD), các vụ mua bán chứng khoán và các khoản thu nhập vượt 1 triệu yen (khoảng 9.430 USD).
HỒNG VÂN