26/12/2024

Bảng hiệu tiếng nước ngoài ‘đè’ tiếng Việt

Tại các tuyến đường ven biển Đà Nẵng, hầu như các nhà hàng kinh doanh món ăn hải sản, matxa, trầm hương… đều có bảng hiệu, bảng quảng cáo tiếng nước ngoài lấn át tiếng Việt.

 

Bảng hiệu tiếng nước ngoài ‘đè’ tiếng Việt

Tại các tuyến đường ven biển Đà Nẵng, hầu như các nhà hàng kinh doanh món ăn hải sản, matxa, trầm hương… đều có bảng hiệu, bảng quảng cáo tiếng nước ngoài lấn át tiếng Việt.


 

Bảng hiệu tiếng nước ngoài  đè tiếng Việt - Ảnh 1.

Một nhóm công nhân thi công biển hiệu trên đường Võ Nguyên Giáp, Đà Nẵng toàn tiếng Anh lẫn tiếng Hàn – Ảnh: TRƯỜNG TRUNG

Sự việc nhà hàng Siêu Hấp ở TP Đà Nẵng mới đây in phiếu tính tiền cho khách Việt Nam bằng hóa đơn chữ… Trung Quốc làm nhiều người ngỡ ngàng. 

Ở TP biển này, từ khi lượng khách từ Đông Á đến ngày càng nhiều, các biển hiệu, bảng quảng cáo tràn ngập chữ nước ngoài, có khi không có một dòng tiếng Việt.

Tình trạng này gióng lên hồi chuông về việc tiếng mẹ đẻ bị ngôn ngữ nước ngoài lấn át.

Đầy biển quảng cáo tiếng Tây, Tàu

 

Tại các tuyến đường ven biển ở Đà Nẵng, hầu như các nhà hàng kinh doanh món ăn hải sản, matxa, trầm hương… đều có bảng hiệu, bảng quảng cáo tiếng nước ngoài lấn át tiếng Việt. 

Khu vực “đậm đặc” nhất là các tuyến đường Hồ Xuân Hương, Võ Nguyên Giáp, Phạm Văn Đồng, Nguyễn Văn Thoại… 

Thậm chí có nhiều cửa hiệu tại ngã ba Hồ Xuân Hương – Võ Nguyên Giáp (khu vực quận Sơn Trà và Ngũ Hành Sơn) không xuất hiện lấy một từ tiếng Việt, dù in tới 3 ngôn ngữ nước ngoài khác nhau.

Chị L., chủ một cửa hàng trên đường Võ Nguyên Giáp, cho biết chị thuê nhà để mở tiệm làm móng tay, chân, bảng hiệu bằng chữ Hàn Quốc. 

“Mình làm ngành dịch vụ mà, cái gì tiện nhất cho “thượng đế” thì mình phải chiều. Quảng cáo bằng ngôn ngữ mẹ đẻ của khách vừa bắt mắt, thuận lợi mà hiệu quả cao” – chị L. nói.

Theo bà Võ Thị Phương – trưởng Phòng văn hóa – thông tin quận Sơn Trà, chỉ tính riêng trong năm 2017, quận đã phát hiện hơn 650 mẩu quảng cáo, rao vặt sai quy định. 

Trong đó lập biên bản đối với 75 trường hợp treo biển hiệu, biển quảng cáo sai quy định tại các tuyến đường chính trên địa bàn. “Có trường hợp biển quảng cáo “sạch trơn” tiếng Việt” – bà Phương cho biết.

Bảng hiệu tiếng nước ngoài  đè tiếng Việt - Ảnh 2.

Tràn ngập biển hiệu tiếng nước ngoài ở TP Nha Trang – Ảnh: THÁI THỊNH

Phải tôn trọng tiếng Việt

Theo bà Võ Thị Phương, thời gian “bùng phát” lượng khách Hàn Quốc và Trung Quốc cũng là thời điểm vi phạm về bảng quảng cáo tăng đột biến. Chủ yếu do nhiều người kinh doanh chưa hiểu Luật quảng cáo, trong đó nhiều chủ là người nước ngoài.

Trước thực trạng này, Đà Nẵng cũng tìm cách “gỡ” cho doanh nghiệp. Bà Phương cho biết có trường hợp doanh nghiệp trót in bảng sai quy cách, địa phương du di cho làm bảng phụ, mỗi thứ tiếng một bên. 

Bà giải thích: “Để hài hoà lợi ích “ba trong một” giữa kinh doanh, du lịch và văn hoá là việc không dễ. Nhưng việc để tiếng Việt bị lấn át ngay trên đất mẹ đẻ là không chấp nhận được”.

Việc vi phạm này cũng có một phần “ma mãnh” của các đơn vị làm bảng hiệu, quảng cáo. “Có tình trạng cơ sở làm quảng cáo biết luật nhưng cố tình làm sai để sửa đi sửa lại kiếm thêm thu nhập. Do vậy, thời gian tới chúng tôi sẽ mời các cơ sở này đến để phổ biến thêm kiến thức pháp luật” – bà Phương cho biết.

Ông Hà Vỹ, phó giám đốc Sở Văn h - thể thao Đà Nẵng, cho biết năm 2014-2015 từng có hiện tượng bùng phát phố Tây phố Tàu, sở đã tổ chức đợt tổng kiểm tra trên địa bàn. Vi phạm chủ yếu vẫn là khổ chữ và hình thức thể hiện. 

“Thật ra, điều quan trọng không phải là chăm chăm xử phạt, mà phải đảm bảo hài hoà lợi ích kinh doanh nhưng giữ gìn được bản sắc tiếng Việt, giúp đảm bảo quảng bá hướng đến đối tượng là khách nước ngoài nhưng cũng không quên đối tượng trong nước và bản sắc ngôn ngữ Việt” – ông Vỹ chia sẻ.

Do vậy, theo ông Vỹ, bên cạnh việc tăng cường kiểm tra, sở cũng quan tâm, chú trọng đến công tác tuyên truyền, phổ biến bằng nhiều hình thức, chủ yếu là thông qua công tác thanh tra, kiểm tra có nhắc nhở, hướng dẫn các đơn vị.

Thuận tiện nhưng chưa hẳn đã hay

Bảng hiệu tiếng nước ngoài  đè tiếng Việt - Ảnh 3.

Biển quảng cáo của các nhà hàng bằng nhiều thứ tiếng nước ngoài trên một con phố ở TP Đà Nẵng – Ảnh: Trường Trung

Anh Min Jun, du khách Hàn đến Đà Nẵng, nhìn nhận: sự xuất hiện của tiếng Hàn trên các bảng hiệu ở đây khiến anh cảm thấy thân thiện như quê nhà. 

“Tôi thấy rất thuận lợi vì tìm kiếm dịch vụ rất dễ dàng, cũng không lo ngại về giá và khác biệt văn hóa. Nhưng nếu bảng quảng cáo chỉ bằng tiếng nước tôi thì chưa hẳn đã hay…”.

Anh cho biết có chụp một tấm hình với cửa hiệu tiếng Hàn trên phố ở đây đăng lên mạng. Thế là bạn bè cứ theo hỏi chỗ nào vì “bạn bè tôi cứ tưởng tôi chụp nó trong nước” – anh Min Jun nói.

Theo ông Hà Vỹ, thời gian tới sẽ kiên quyết xử lý các bảng quảng cáo “sạch trơn” tiếng Việt.

Quy định về biển quảng cáo và biển hiệu

* Biển quảng cáo

Điều 18 Luật quảng cáo quy định: trong các sản phẩm quảng cáo phải có nội dung thể hiện bằng tiếng Việt (trừ những trường hợp nhãn hiệu hàng h, khẩu hiệu, thương hiệu, tên riêng bằng tiếng nước ngoài hoặc các từ ngữ đã được quốc tế hóa không thể thay thế bằng tiếng Việt). 

Trong trường hợp sử dụng cả tiếng Việt, tiếng nước ngoài trên cùng một sản phẩm quảng cáo thì khổ chữ nước ngoài không được quá ba phần tư khổ chữ tiếng Việt và phải đặt bên dưới chữ tiếng Việt.

* Biển hiệu

Điều 34 Luật quảng cáo quy định phải có các nội dung sau: tên cơ quan chủ quản trực tiếp (nếu có); tên cơ sở sản xuất, kinh doanh theo đúng giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; địa chỉ, điện thoại. Việc thể hiện chữ viết trên biển hiệu phải tuân thủ quy định tại điều 18.

Bà Ninh Thị Thu Hương (cục trưởng Cục Văn h cơ sở):
Trách nhiệm thuộc về địa phương
Luật quảng cáo đã quy định rất rõ trên các bảng biểu giới thiệu, quảng cáo của cửa hàng, cửa hiệu kinh doanh đều bắt buộc phải có tiếng Việt và tiếng Việt phải lớn hơn tiếng nước ngoài. Tuy nhiên, ở một số địa phương vẫn còn tình trạng bảng hiệu quảng cáo chỉ có tiếng nước ngoài.

Trách nhiệm của sự việc này thuộc về sở VH-TT hoặc sở VH-TT&DL các địa phương. Tôi đề nghị các địa phương vẫn còn tình trạng này phải nghiêm túc triển khai thực hiện Luật quảng cáo và các chỉ đạo của Bộ VH-TT&DL bằng cách thanh tra, kiểm tra, yêu cầu tháo dỡ các bảng hiệu sai quy định và xử phạt theo quy định.

Việc quy định tên bảng hiệu hay bảng quảng cáo phải có tiếng Việt để gìn giữ giá trị dân tộc Việt Nam. Tình trạng sử dụng bảng hiệu không có tiếng Việt sẽ để lại hệ quả lâu dài là ảnh hưởng đến việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt trong cộng đồng. Hành vi này vừa vi phạm quy định pháp luật vừa không đúng với truyền thống.

Nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến: Như vậy là phản văn h
Tất cả các quốc gia đều có ngôn ngữ riêng và khi họ đi du lịch sang quốc gia khác mà thấy quốc gia ấy cũng có ngôn ngữ, chữ viết riêng nhưng lại quảng cáo bằng thứ ngôn ngữ của quốc gia khác sẽ làm cho họ thiếu tôn trọng chính người bán hàng bản địa. Còn đối với người trong nước, việc quảng cáo bằng tiếng nước ngoài tràn lan sẽ gây tự ái.
Tình trạng này còn là sự đau buồn với một dân tộc, bởi chúng ta có chữ viết và ngôn ngữ mà phải dùng ngôn ngữ nước ngoài để quảng cáo.


Các cửa hàng có ý định kinh doanh chỉ dành cho người nước ngoài vẫn có thể sử dụng cả hai ngôn ngữ tiếng Việt và tiếng nước ngoài được chứ. Như vậy sẽ vừa thuận lợi cho người Việt cần mua quà tặng nào đó và là sự tôn trọng chính bản thân khách hàng, dù là người nước ngoài hay trong nước.


Nếu coi thường ngôn ngữ và chữ viết của dân tộc, vì lợi ích kinh doanh mà bất chấp thì rất phản văn h
.

VŨ VIẾT TUÂN ghi

 

TRƯỜNG TRUNG