23/01/2025

“Click to Pray”, ứng dụng cầu nguyện cho Giáo hội và với Đức Giáo hoàng

Roma – Phiên bản tiếng Ý của một ứng dụng do “Mạng lưới Cầu nguyện Quốc tế” thực hiện đã được trình bày ở Roma. Cha Federico Lombardi, nguyên Giám đốc Radio Vatican và Phòng Cáo chí Toà Thánh, hiện là Giám đốc Quỹ Ratzinger, nhận định rằng “đây là một công cụ để là một cộng đồng trong thế giới kỹ thuật số”.

 “Click to Pray”, ứng dụng cầu nguyện cho Giáo hội và với Đức Giáo hoàng

 

 

 

Roma – Phiên bản tiếng Ý của một ứng dụng do “Mạng lưới Cầu nguyện Quốc tế” thực hiện đã được trình bày ở Roma. Cha Federico Lombardi, nguyên Giám đốc Radio Vatican và Phòng Cáo chí Toà Thánh, hiện là Giám đốc Quỹ Ratzinger, nhận định rằng “đây là một công cụ để là một cộng đồng trong thế giới kỹ thuật số”.

Ứng dụng “Click to Pray” đã hoạt động tại 21 quốc gia với 900.000 người sử dụng bằng các ngôn ngữ Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Đức và Bồ Đào Nha. Từ sáng ngày 06/03/2018, phiên bản tiếng Ý của ứng dụng được ra mắt. Đơn vị thực hiện, “Mạng lưới Cầu nguyện Quốc tế”, giới thiệu ứng dụng này là “một nơi kết nối lời cầu nguyện của bạn với thế giới”.

Nếu chỉ định nghĩa ứng dụng “Click to Pray” là một mạng xã hội với nội dung Công giáo thì quá đơn giản. Ứng dụng này muốn tạo một không gian chung để trao đổi và trợ giúp thiêng liêng (theo nghĩa này, bảng thông báo cập nhật 24 giờ trên 24, trên bảng này có thể thấy những người, thời gian và nơi chốn của những người đang cầu nguyện và có thể chia sẻ hình ảnh và các ý tưởng), nhưng trên hết, ứng dụng muốn là một công cụ dành cho mỗi tín hữu, đặc biệt là các người trẻ, giúp đỡ và khuyến khích họ cầu nguyện cho sứ  vụ của Giáo hội và theo ý chỉ của Đức Giáo hoàng.

Cha Frederic Fornos, Dòng Tên, Giám đốc Quốc tế của “Mạng lưới Cầu nguyện Quốc tế” nhận định rằng đây là cách thế “để đi ra khỏi sự toàn cầu hóa dửng dưng” và mỗi ngày đi vào hơn “nền văn hoá gặp gỡ”. Còn Cha Alessandro Piazzesi, Giám đốc “Mạng lưới Cầu nguyện” ở Ý thì đánh giá ứng dụng này là “một phiên bản kỹ thuật số hiện đại của các tiếng chuông sẽ vang lên vào giữa trưa nhắc chúng ta đọc Kinh Truyền Tin”.

Cha Fornos cũng nhấn mạnh rằng người trẻ là đối tượng đầu tiên của ứng dụng. Cha nói: “Thông qua một công cụ phù hợp với họ, với phương pháp truyền thông và ngôn ngữ của họ, chúng tôi muốn giúp họ “trả lời cho những thách đố” của thế giới thực và kỹ thuật số.” Theo nghĩa này, “Click to Pray” là “một phương pháp sư phạm để học cách cầu nguyện và gặp Chúa Giêsu vào buổi sáng, buổi chiều và ban đêm”.

Ứng dụng này được trình bày với Đức Giáo hoàng vào tháng 08/2015 và đã được ngài chúc lành. Hiện nay ứng dụng đăng tải video ý cầu nguyện hàng tháng của Đức Thánh Cha, như trong tháng 3 này ngài mời gọi cầu nguyện cho việc đào tạo phân định thiêng liêng, một đề tài rất quan trọng vì thế giới ngày nay đang chịu sự mù chữ thiêng liêng.

Ứng dụng “Click to Pray” thiết lập 3 thời khắc cầu nguyện trong ngày với những bản văn ngắn mời gọi “tiến bước theo Chúa Giêsu”. Nhưng ứng dụng này không nhắm thay thế việc cầu nguyện truyền thống. Cha Fornos nói: “Sử dụng một ứng dụng cầu nguyện không miễn cho chúng ta trách nhiệm gặp gỡ Chúa Giêsu diện đối diện. Chúng ta sử dụng nó như một thứ nhắc nhở cầu nguyện, sức mạnh thinh lặng để biến đổi thế giới.”

Cuối cùng, Cha Lombarid nói: “Ứng dụng giúp tìm kiếm và tìm thấy Chúa trên các nẻo đường kỹ thuật số.” Câu hỏi là: “Làm thế nào để chúng ta tìm thấy mình là một cộng đồng trong một thế giới kỹ thuật số mênh mông?” “Click to Pray” – vào tháng 9 sẽ có phiên bản tiếng Hoa và tiếng Việt – là câu trả lời, nhưng “có nhiều ứng dụng rất tốt, nhiều trang web để suy tư và giúp cho chiều kích thống nhất của Giáo hội Công giáo”. 

Cha Lombardi cũng nhắc rằng các Giáo hoàng luôn nhìn nhận cách tích cực về thế giới kỹ thuật số, tuy nhiên cũng mời gọi và cảnh giác vì mạng internet đầy những nguy hiểm, bắt đầu từ “fake news” – tin giả, cho đến các hình ảnh khiêu dâm. 

Cha Lombardi kết luận: “Do đó, chào mừng các công cụ giúp chúng ta sống Giáo hội trong thế giới kỹ thuật số và chiến đấu cho cuộc chiến thiện mỹ trong thế giới hôm nay.” (Vatican Insider 06/03/2018)

 
 

Hồng Thuỷ