29/11/2024

Kỷ nguyên xe không người lái

Xe hơi tự hành, không người lái dần trở thành xu hướng nổi bật của nhiều nước với sự xuất hiện ngày càng nhiều, và loại xe này cũng đã có mặt tại VN.

 

Kỷ nguyên xe không người lái

Xe hơi tự hành, không người lái dần trở thành xu hướng nổi bật của nhiều nước với sự xuất hiện ngày càng nhiều, và loại xe này cũng đã có mặt tại VN.




 

Xe buýt tự hành trên đường phố ở thành phố Tallinn, Estonia	
 /// Ảnh: ERR

Xe buýt tự hành trên đường phố ở thành phố Tallinn, Estonia ẢNH: ERR

 
Mới đây, tờ USA Today đưa tin chính quyền bang California (Mỹ) đã thông qua quy định mới cho phép thử nghiệm xe hơi tự hành lưu thông trên đường công cộng mà không cần người giám sát kể từ ngày 2.4. Trước đây Cơ quan Quản lý các phương tiện cơ giới California (DMV) chỉ đồng ý cho các công ty thử nghiệm ô tô tự lái có người ngồi sẵn đằng sau vô lăng để kịp thời can thiệp khi có sự cố. “Đây là bước tiến quan trọng cho công nghệ xe tự lái ở California”, Giám đốc DMV Jean Shiomoto nói và cho biết thêm giới hữu trách “sẵn sàng bắt tay với các nhà sản xuất cho khâu chuẩn bị thử nghiệm xe hoàn toàn tự động ở tiểu bang”.
Chỉ vài ngày sau quyết định trên của California, truyền thông Mỹ đưa tin ông Doug Ducey, Thống đốc bang Arizona, cũng yêu cầu các cơ quan chức năng của bang này phải sớm thông qua quy định tương tự như California, nhằm đón đầu một xu hướng tiến bộ.
 
Phát triển toàn diện
Thời gian qua, xe tự hành thực sự bùng nổ ở nhiều nước và phát triển mạnh mẽ dưới nhiều hình thức. Trong đó, Hãng Tesla (Mỹ) giữ vị trí tiên phong trong mảng xe tự hành cá nhân. Hãng này đã có 3 dòng xe gồm Model S, Model X và Model 3. Chỉ trong 1 tuần sau khi giới thiệu Model 3 vào năm 2016, Tesla đã nhận được 325.000 đơn đặt hàng trước cho mẫu xe này dù phải hơn 1 năm sau mới bắt đầu giao xe cho khách hàng.
 
Trước sự thành công của Tesla, hầu hết các hãng xe hơi lớn đều nhập cuộc đua phát triển xe tự hành. Điển hình như General Motors vừa khẳng định sẽ chính thức giới thiệu mẫu xe tự hành không còn vô lăng từ nền tảng dòng Chevrolet Bolt. Hiện tại, mẫu xe Bolt cũng đã có khả năng tự hành. Toyota, Nissan cùng nhiều hãng khác đang hợp tác với dự án xe tự hành Waymo do Google phát triển. Hãng taxi công nghệ Uber thì kết hợp cùng Volvo đang thử nghiệm dòng xe tự hành. Tầm nhìn mà Uber lẫn Tesla hướng đến là cung cấp dịch vụ taxi chia sẻ không còn người lái. Thực tế, taxi tự hành cũng đã được thử nghiệm tại Singapore từ năm 2016. Chính quyền Dubai (UAE) đã đặt mua xe Tesla Model X để phát triển đội taxi tự hành. Thậm chí, Dubai còn đặt ra mục tiêu đến năm 2030 thì 25% phương tiện giao thông đường bộ tại tiểu quốc này là xe tự hành. Tiểu quốc này cũng đang thử nghiệm dịch vụ taxi bay tự hành bằng mẫu máy bay không người lái 2 chỗ ngồi.
 
Từ tháng 8.2016, trên đường phố công cộng ở thủ đô Helsinki của Phần Lan, 2 chiếc xe buýt EZ10 hoàn toàn tự hành, chở được 12 khách, được thử nghiệm trên tuyến đường dài 40 km. Đến từng trạm, khi xe ngừng lại, hành khách nào muốn lên thì sẽ nhấn nút mở cửa để lên, và ngược lại khi muốn xuống. Đức, Hà Lan và Tây Ban Nha đã cho phép chạy thử xe tự hành trên các tuyến đường công cộng. Xe buýt tự hành cũng đã được thử nghiệm trên đường công cộng tại Nhật Bản, Úc, New Zealand, Estonia, Hy Lạp, Đài Loan… cũng như ở nhiều bang của Mỹ. Về vận chuyển hàng hóa, Tesla đã giới thiệu mẫu xe tải điện bán tự hành và sẽ sớm nâng lên tự hành hoàn toàn, còn Mercedes cũng đã thử nghiệm thực tế mẫu xe tải tự hành.
 
Hoàn thiện khung pháp lý
Không chỉ nhờ khả năng vận hành ưu việt, xe tự hành còn được đánh giá cao về tính thân thiện môi trường. Đó là vì hầu hết các mẫu xe tự hành hiện nay đều sử dụng động cơ điện. Tại Mỹ, nhiều doanh nghiệp trang bị sẵn hệ thống sạc điện miễn phí trong bãi đỗ xe để kích thích nhân viên sử dụng xe điện mà không tốn chi phí nhiên liệu. Nhờ đó, các dòng xe tự hành Tesla đang có mặt trên thị trường càng được nhiều người ưa chuộng.
 
Tuy nhiên, một thách thức mà xu hướng xe tự hành cần vượt qua chính là hành lang pháp lý vẫn cần được hoàn thiện. Thực tế, xe tự hành cũng không phải “bất khả xâm phạm” trước nguy cơ tai nạn giao thông. Bằng chứng là 2 vụ tai nạn vừa xảy ra ở California gần đây. Theo báo The Mercury News, một chiếc Tesla Model S trong lúc di chuyển ở chế độ tự lái với tốc độ 105 km/giờ trên đường cao tốc đã đâm vào đuôi xe cứu hỏa của thành phố Culver vào cuối tháng 1. Trước đó một tháng, chiếc Chevrolet Bolt va chạm với xe mô tô trong lúc chuyển làn đường ở San Francisco. Người điều khiển mô tô bị thương đã kiện Hãng General Motors.
 
Tại Mỹ, lộ trình đưa xe tự hành hoàn toàn loại bỏ người lái trên đường công cộng phải trải qua 6 bước, với mốc áp dụng trên thực tế sau vài năm nữa. Quy định “cởi trói” của chính quyền California chưa áp dụng cho xe cá nhân, mà chỉ cho phép các doanh nghiệp như taxi Uber, Tesla hoặc các công ty vận chuyển hành khách công cộng tiến hành thực nghiệm. Doanh nghiệp tham gia thực nghiệm phải chịu trách nhiệm khi phạm lỗi.
 
Kỷ nguyên xe không người lái - ảnh 2

Xe buýt tự hành tại thành phố Minneapolis ở bang Minnesota, Mỹ ẢNH: SOUTHWESTJOURNAL

Gặp khó và tốn kém ở VN
Đến nay, một số người tại VN đã sở hữu xe Tesla tự hành nhưng việc hoạt động ở chế độ tự hành dường như vẫn chưa được thực hiện. Ông Lê Thanh Hiếu, Giám đốc Công ty Auto Việt Mỹ (ở TP.HCM) chuyên cung cấp dịch vụ bảo trì, bảo dưỡng ô tô, cho biết công ty này cũng đang cung cấp dịch vụ cho xe Tesla Model X của khách hàng. Theo ông Hiếu, khách hàng của ông cũng chưa thử nghiệm chế độ tự hành của xe Tesla tại VN bởi vẫn lo ngại các rủi ro. Thực tế, hạ tầng bản đồ số để kết nối với hệ thống định vị toàn cầu (GPS) nhằm dẫn đường cho xe vẫn còn nhiều giới hạn tại VN. Đồng thời đường phố các đô thị lớn như TP.HCM và Hà Nội cũng “lộn xộn” hơn đô thị ở các nước phát triển, nên người sở hữu xe Tesla dù được tích hợp hệ thống tự lái vẫn chưa dám thử.
 
Ngoài ra, xe tự hành khi về VN còn gặp nhiều khó khăn trong việc sạc điện bởi không có các trạm sạc trên đường như ở nhiều nước phát triển. Hơn thế nữa, theo ông Hiếu, nguồn điện để sạc cho xe Tesla đòi hỏi cường độ vượt mức so với nguồn điện sinh hoạt trong gia đình. Vì thế, những người sở hữu xe Tesla tại VN đang phải tốn tiền đầu tư cho nguồn điện ở gia đình để có thể sạc pin cho xe. Khi đi xa phải mang theo bộ sạc và tìm kiếm nguồn điện phù hợp mà gần như chỉ các khách sạn lớn mới đáp ứng được. Bên cạnh đó, vì thiếu trạm sạc chuyên dụng nên thời gian sạc đầy pin cho xe Tesla Model X tại VN cũng lâu hơn, có khi phải mất đến 9 tiếng. Với nguồn điện chuẩn thì chỉ mất khoảng 3 tiếng để đầy pin đủ chạy liên tục hơn 290 dặm (khoảng 460 km). Trong khi đó, tại nhiều nước, chỉ cần 30 phút ở trạm tích hợp công nghệ sạc nhanh thì chiếc Tesla Model X đủ điện để đi 170 dặm (khoảng 270 km), nên chủ xe chỉ cần ghé trạm nghỉ ngơi uống nước trong lúc chờ sạc là có thể lên đường tiếp tục.
Từ những thực tế trên, để xe tự hành có thể phổ biến ở VN thì ngoài hành lang pháp lý còn đòi hỏi phải có sự phát triển về hạ tầng tương xứng.
 
Trí tuệ nhân tạo kinh nghiệm tỉ dặm
Kỷ nguyên xe không người lái - ảnh 3

Trạm sạc điện có thể dùng cho xe tự hành Tesla ẢNH: LUỸ ĐẶNG

Xe tự hành được trang bị hệ thống camera có độ bao phủ 360 độ quanh xe nhằm thu thập hình ảnh toàn diện. Không chỉ có camera, xe tự hành còn tích hợp radar cùng hàng loạt cảm biến để kết hợp nhận diện vật thể tĩnh lẫn động, con người, phương tiện xung quanh đồng thời tính toán mức độ tương tác, khoảng cách, tốc độ của các vật thể nhằm tính toán di chuyển phù hợp. Với dòng xe Tesla được tích hợp hệ thống tự hành Autopilot thì có radar với tầm hoạt động 250 m cùng 12 cảm biến.
 
Không chỉ có camera, radar và cảm biến, xe tự hành còn tích hợp trí tuệ nhân tạo với dữ liệu thực nghiệm mà các xe đã trải qua. Dữ liệu này được nhà sản xuất thường xuyên cập nhật và chia sẻ nhằm tăng “kinh nghiệm” cho xe của hãng. Tháng 12.2016, Bloomberg đưa tin Tesla tổng hợp được dữ liệu “kinh nghiệm” thực tế lên đến 1,3 tỉ dặm (gần 2,1 tỉ km) cho các dòng xe của hãng này. Nhờ những dữ liệu lưu trữ kết hợp hệ thống phân tích tính toán, việc xe tự hành dự báo trước tai nạn của các xe khác đang đi trên đường ngày càng trở nên phổ biến.
 
 
VN cần tính đến cơ chế quản lý
Kỷ nguyên xe không người lái - ảnh 4

Chưa có khung pháp lý, người dùng xe tự hành ở VN vẫn phải cầm lái ẢNH: KHẢ HOÀ

 

Theo Cục phó Cục Đăng kiểm (Bộ GTVT) Nguyễn Hữu Trí, VN hiện chưa có quy định nào về xe tự lái, ngay cả trong bộ luật mới nhất là luật Giao thông đường bộ 2017. Theo luật Giao thông đường bộ, người lái xe tham gia giao thông phải có giấy phép lái xe phù hợp với loại xe được phép điều khiển do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp. Nói cách khác, xe phải có người lái và người lái phải có bằng lái xe.
 
Song ông Trí cũng cho rằng nhiều nước trên thế giới và ngay cả trong khu vực cũng đã cho phép xe tự lái hoạt động, điều này đặt ra đòi hỏi về việc bổ sung những quy định mới trong các luật hiện hành của VN. Tại VN, một số trường đại học và viện nghiên cứu cũng đã thử nghiệm mô hình xe tự lái thành công. Về phía doanh nghiệp, Công ty FPT Software thuộc Tập đoàn FPT cũng đã đạt một số bước tiến trong việc nghiên cứu phát triển xe tự hành và đã tiến hành thử nghiệm trong phạm vi nhỏ. Dù hiện tại chưa có những ứng dụng thương mại, nhưng điều này cũng cho thấy nhu cầu rất lớn trong phát triển khoa học công nghệ.
 
“Ở VN xe tự lái vẫn đang là khái niệm khá xa lạ với rất nhiều người, nhưng đã đến lúc phải nghĩ đến bởi nhu cầu của người dân, doanh nghiệp đang thay đổi nhanh chóng. Chỉ đạo của Chính phủ và Bộ GTVT đều nhấn mạnh đến ứng dụng công nghệ 4.0, đây là cơ sở để bổ sung, sửa đổi luật, tạo điều kiện cho thí điểm triển khai những công nghệ mới trong lĩnh vực giao thông, trong đó có xe tự lái”, ông Trí cho biết.
 
Cũng theo lãnh đạo Cục Đăng kiểm VN, tới đây khi sửa luật Giao thông đường bộ, các cục – vụ chuyên môn của Bộ GTVT có thể nêu vấn đề bổ sung các loại hình mới như xe tự lái, xin ý kiến các chuyên gia, các nhà khoa học cũng như tham khảo doanh nghiệp để đưa vào luật.
 
“Chúng ta đã chứng kiến nhiều nhà phát minh nông dân, nhiều nhà sáng chế ra mô hình máy bay, tàu ngầm nhưng rất loay hoay vì không được cấp phép. Luật cũng nên đi trước một bước, tạo khung pháp lý cho những mô hình mới được phép hoạt động”, ông Trí nhìn nhận.
 
Mặt khác, với hàng loạt vấn đề dự báo sẽ phát sinh khi cho phép xe tự lái hoạt động, nếu loại hình này được đưa vào dự luật sửa đổi, theo ông Trí, cơ quan soạn thảo sẽ tính đến nhiều vấn đề từ kinh nghiệm của các nước, cũng như các vấn đề cụ thể liên quan đến quản lý của các bộ ngành khác. Ví dụ như Bộ GTVT sẽ có các quy định về tiêu chuẩn, thử nghiệm xe, vận hành trên những loại đường nào phù hợp, Bộ Thông tin – Truyền thông quản lý về tần số, Bộ KH-CN xây dựng quy chuẩn, việc xử phạt khi có sự cố trên đường quy định như thế nào… cũng sẽ được tính đến.

Mai Hà

HOÀNG ĐÌNH  THUỴ MIÊN