24/01/2025

Dùng trí tuệ nhân tạo ‘chữa’ bệnh ung thư

Có hàng triệu bệnh nhân ung thư khi ứng dụng vào kho dữ liệu nhân tạo của Mỹ, trí tuệ nhân tạo sẽ phân tích và gợi ý hướng điều trị.

 

Dùng trí tuệ nhân tạo ‘chữa’ bệnh ung thư

 Có hàng triệu bệnh nhân ung thư khi ứng dụng vào kho dữ liệu nhân tạo của Mỹ, trí tuệ nhân tạo sẽ phân tích và gợi ý hướng điều trị.


 

Dùng trí tuệ nhân tạo “chữa” bệnh ung thư - Ảnh 1.

Phẫu thuật cho bệnh nhân ở Bệnh viện K. Sắp tới đây Bệnh viện K cũng sẽ ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào khám và điều trị cho bệnh nhân

Việc dùng bộ dữ liệu lớn để bác sĩ điều trị có thêm gợi ý về phác đồ điều trị hoàn toàn không phải là chuyện cao siêu, xa lạ, mà đã và đang được áp dụng ngay tại VN.

Hiện các bệnh viện ở VN đang ứng dụng công nghệ thông tin ở giai đoạn 1, tức là công nghệ thông tin tập trung vào quản lý bệnh viện, tính tiền viện phí, lấy bệnh viện làm trung tâm. Ở giai đoạn 2 thì công nghệ thông tin sẽ lấy bệnh nhân làm trung tâm và tiến đến cái đích là nhờ bộ dữ liệu hỗ trợ bác sĩ ra quyết định trong trường hợp bác sĩ còn băn khoăn về bệnh và cách chữa trị

Bác sĩ Vũ Mạnh Tiến

Điều trị ung thư bằng trí tuệ nhân tạo

Trước tết năm 2018, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ là cơ sở y tế đầu tiên đưa bộ dữ liệu gồm 1,5 triệu hồ sơ bệnh án của bệnh nhân ung thư Mỹ vào dùng tại phòng khám – tư vấn sử dụng trí tuệ nhân tạo điều trị ung thư.

Ông Trần Quý Tường, cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, Bộ Y tế, khá mừng rỡ cho biết có rất nhiều lợi ích khi áp dụng bộ dữ liệu như vậy trong chẩn đoán và điều trị bệnh ở VN. Theo ông Tường, ngay khi nhập thông tin được bệnh nhân mô tả về tình hình bệnh, kết hợp với các phương tiện xét nghiệm vào máy, hệ thống phần mềm sẽ cho ra 10-100 gợi ý chẩn đoán và phác đồ điều trị mới nhất cho bệnh nhân, các phác đồ đó đều là phác đồ mới nhất áp dụng tại Mỹ.

 

“Thông thường nếu bác sĩ chưa thật chắc chắn về chẩn đoán của mình, bác sĩ có thể phải liên lạc với các thầy, các chuyên gia trong và ngoài nước để xem chẩn đoán phác đồ của mình đã thật chuẩn chưa, nhưng khi có bộ dữ liệu với số bệnh án lớn như thế này thì bác sĩ có ngay những gợi ý trước khi quyết định. Ví dụ biểu hiện thông thường của viêm phổi là ho, sốt, khó thở và cho các thuốc cụ thể là x, y, nhưng nếu biểu hiện và xét nghiệm của bệnh nhân là viêm phổi mà bác sĩ có chẩn đoán khác và cho thuốc lạ là thiết bị sẽ hỏi lại ngay”- ông Tường cho biết.

Ông Tường cũng cho rằng dịch vụ y tế có nhiều tiềm năng ứng dụng trí tuệ nhân tạo, hiện các kỹ thuật như chụp CT, MRI, robot phẫu thuật hay sử dụng bộ dữ liệu để hỗ trợ quyết định như tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ đều là ứng dụng trí tuệ nhân tạo.

Tiến tới đây, ứng dụng công nghệ phải tiến lên một bước để bệnh viện các tuyến có thể chuyển phim chụp để chuyên gia có thể đọc phim từ xa, hỗ trợ cung cấp dữ liệu để bác sĩ tuyến dưới chẩn đoán chính xác hơn, đồng thời phát triển mô hình bệnh viện thông minh

Ông Trần Quý Tường

Đến kê đơn qua…giọng nói

Chuyện tưởng như rất xa lạ này lại có thể được áp dụng trong tương lai không xa tại VN. Theo bác sĩ Vũ Mạnh Tiến – một chuyên gia về công nghệ thông tin trong y tế, trong khảo sát vừa qua đa số bệnh viện T.Ư ở VN đang đạt chỉ số ứng dụng công nghệ thông tin ở mức 4-5, bệnh viện tỉnh mức 3 và bệnh viện huyện mức 2, trong khi nếu bệnh viện này đạt mức 6-7 là đạt tiêu chuẩn bệnh viện thông minh. Điều đó cho thấy bệnh viện ở VN đang tiến gần tới tiêu chuẩn bệnh viện thông minh và có cơ hội áp dụng mô hình này.

BS Tiến cho biết nếu đạt tiêu chuẩn bệnh viện thông minh, bác sĩ có thể kê đơn thuốc qua giọng nói và không cần phải kê đơn bằng cách ghi ra giấy, các phần mềm hiện có có thể hiểu giọng nói và có thể hiểu yêu cầu bằng tiếng Việt. Ngay sau khi bác sĩ kê đơn qua giọng nói, phần mềm sẽ lục tung bộ dữ liệu đang lưu trữ để xem các bác sĩ giỏi cho đơn thuốc trong trường hợp bệnh lý tương tự đó như thế nào, đồng thời có phản hồi với bác sĩ trong trường hợp chi phí thuốc quá cao hoặc thuốc chưa phù hợp.

Trong ngành y, ngành chữa con người tức là chữa trị trong từng trường hợp bệnh nhân cụ thể, nhưng những ứng dụng công nghệ để bác sĩ có thể xem phác đồ điều trị của bệnh nhân tương tự trên thế giới, hoặc phản hồi cho bác sĩ nếu chi phí thuốc đó cao, thuốc không có ở thị trường VN hay có tương tác với thuốc khác trong cùng đơn thuốc là một ứng dụng rất hay và cần thiết.

LAN ANH