27/01/2025

Vài cảm nghĩ nhân ngày 1 tháng 11 năm 2017

Chúng tôi giới thiệu những bài viết của Bs. Trần Xuân Ninh để giúp các bạn trẻ có một tầm nhìn rộng hơn về những biến cố của đất nước cũng như để chúng ta tích cực xây dựng và bảo vệ quê hương.

 LTS: Chúng tôi giới thiệu bài viết của Bs. Trần Xuân Ninh để giúp các bạn trẻ có một tầm nhìn rộng hơn về những biến cố của đất nước cũng như để chúng ta tích cực xây dựng và bảo vệ quê hương.

 

Vài cảm nghĩ nhân ngày 1 tháng 11 năm 2017

 

Tôi lần đầu tiên được thấy những hình ảnh kỳ cục trên đường phố Mỹ nhân dịp lễ Halloween là vào thập niên 1970 khi du học Hoa Kỳ. Trên đường phố trời chiều rải rác đó đây các nhóm vài ba người, lớn có nhỏ có, mặc quần áo chói mắt, lố lăng, đủ kiểu đủ mầu sắc, đối với một chàng thanh niên là tôi, từ một nước nhược tiểu thuộc một nền văn hóa khác. Trước cửa nhà những bộ xương khô, những chiếc đầu lâu, những hình nhân phù thủy, mạng nhện vân vân trông thật gớm. Đang đi tà tà trên đường chú tâm quan sát và suy nghĩ thì một thiếu niên da đen cao lớn từ một nhóm năm bẩy ngoe, chạy vụt tới, mắt trợn trừng nói lớn “treat or trick”. Tôi ngơ ngác không hiểu gì, không biết phản ứng ra sao thì thoắt một cái, thằng bé lớn xác đó đã chạy đi. Khi vào nhà thương kể chuyện cho các đồng nghiệp nghe thì mới hiểu nghĩa mấy chữ treat or trick là gì, và họ cũng khuyên không nên một mình đi vào vùng tôi đi là khu người da đen ở. Chân ướt chân ráo mới ở Việt Nam sang, tối ngày chỉ ở nhà thương với nhà trọ, tôi nào có biết rằng tại nước Mỹ hoà bình văn minh mà lại có nguy hiểm khi đi vào một số khu nhà ở. Tôi càng không hiểu, vì khi ở VN  tôi sống trong khu nhà nghèo Bàn Cờ, chẳng bao giờ có thấy những chuyện bạo hành cướp bóc hay hãm hiếp dù đêm khuya thanh vắng.

Những sinh hoạt vào dịp Halloween ở Mỹ ngày nay đã giảm nhiều. Những khu bán kẹo rộng lớn trong các siêu thị để khách mua về phát cho trẻ con không còn nữa mà thu gọn vào các kệ kẹo bánh bình thường. Những đám trẻ con xin kẹo ít đi, vì những bạo hành bất trắc xẩy ra cho trẻ con xuất hiện và gia tăng khi đi xin kẹo riêng lẻ ngày Halloween. Bây giờ trẻ con đi xin kẹo là có người lớn đi theo, không la cà tới khuya. Tối đa chừng 9 giờ tối là chấm dứt. Sau đó chỉ còn những người lớn cả nam lẫn nữ mặc quần áo lố lăng theo tục Halloween, “go out” nghĩa là rủ nhau đi ăn đi uống theo kiểu hưởng thụ tức là enjoy người lớn. Ngày Halloween chẳng có mấy ai biết ở Việt Nam trước năm 1975, tuy rằng vào dịp này 54 năm trước đây có một biến cố chính trị lớn là cuộc đảo chính 1 tháng 11 năm 1963 lật đổ chính phủ Việt Nam Cộng Hoà đệ nhất với tổng thống Ngô Đình Diệm, gây ảnh hưởng quan trọng lên tình hình chính trị Việt Nam.

Bây giờ thì đã không còn ai chối cãi gì nữa rằng cuộc đảo chính do một số đông tướng lãnh Việt Nam Cộng Hoà thực hiện, là do sự khuyến khích và hỗ trợ của Mỹ. Lúc đó cuộc đảo chánh này được gọi là cách mạng 1 tháng 11, mà tôi thành thật thú nhận rằng tôi đồng ý với mấy chữ đó, do chịu ảnh hưởng những tin tức từ truyền thông giải trí Hoa Kỳ, điển hình là Times và Newsweek mà tôi cho là khách quan. Chế độ VNCH đệ nhất được thay thế bằng chế độ VNCH đệ nhị do các tướng lãnh cầm quyền đã bị VC chấm dứt ngày 30 tháng 4 năm 1975 và hệ quả là sự sụp đổ của miền Nam. Có người còn khẳng định rằng nếu tổng thống Diệm và bào đệ cố vấn Ngô Đình Nhu không bị giết thì miền Nam sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ. Để mà ít ra nếu không lấn chiếm miền Bắc thì cũng tồn tại và trở thành một đối tác với Hà Nội. VN sẽ không trải qua một quá trình chính trị bi đát và phân rã như đã thấy, kéo dài tới nay, mà đã tương tự như Đức hay Nam Hàn. Tôi không suy nghĩ trên giả thiết như vậy. Bởi vì với một chữ nếu, thì điều gì cũng có thể xẩy ra, xấu cũng như tốt, tùy theo cái tưởng tượng chủ quan của mỗi con người. Ngược lại thì có người căn cứ vào các nguồn truyền thông/ giải trí Mỹ những năm về sau này để nói rằng ông Diệm bị loại vì cho ông Nhu đi Đà Lạt điều đình bắt tay với Hồ chí Minh. Và như thế cho nên những người này đã đồng ý rằng hai ông Diệm và Nhu bị Mỹ đảo chánh là đúng. Tôi không căn cứ vào những dữ liệu này từ truyền thông /giải trí Mỹ mà ngày nay tôi đã biết rằng đáng tin  đến đâu và cần đặt dấu hỏi như thế nào.

Ngược lại tôi hiểu rõ rằng mọi thay đổi đều có lý do của nó.  Nghĩa là tôi tin vào cái tương quan nhân quả. Trong phạm vi chính trị, theo chủ quan của cá nhân tôi, các lý do không chỉ nằm nơi các giới quyền lực mà nằm ngay trong mỗi người dân suy nghĩ và phản ứng ra sao. Tình trạng chính trị nháo nhào nước Mỹ hiện nay không do ông Trump gây ra mà ông Trump chỉ là giọt nước làm cái bình đã đầy mà tràn. Tương tự như thế, đất nước Việt Nam đã như hiện nay vì người Việt Nam mà tôi là một, đáng được hưởng như thế.

Ngay cả cái ngày Halloween theo di dân từ Scottland và Ireland sang Bắc Mỹ được Mỹ quốc chấp nhận rộng rãi từ thập niên đầu thế kỷ 20 mà cũng đang trong tiến trình tàn lụi thì sự tiêu vong của một chế độ chính trị dù là có thành tích quan trọng trong vòng một thập niên ở miền Nam chỉ là biểu hiện của lẽ biến thái tự nhiên. Cho nên tôi nhân dịp này chỉ nhìn lại những điều đã thấy trong cuộc đời mình đã trải. Tôi nhìn lại những điều đã trải cũng vì cả một trời quá khứ đã được khêu ra bởi cuốn phim Mỹ The Vietnam War mới được quảng cáo rầm rộ, của mấy tay đạo diễn còn tuổi thiếu niên khi cuộc chiến diễn ra, đã thấm nhiễm những ngụy luận ngụy giải và những chi tiết sai lạc cố tình của hệ thống siêu quyền lực khống chế chính trị Mỹ từ sau khi thế chiến hai chấm dứt, nhằm cuốn gói rút cờ khỏi miền Nam. Tôi nhìn lại chẳng phải vì muốn đòi công bằng cho VNCH là một thực thể không còn nữa, hay đưa ra lý lẽ biện minh cho những người VNCH đã thua trận. Tại sao lại phải biện minh, khi những kẻ nêu dữ kiện trong The VietNam War không phải là, và không có thẩm quyền xét xử?  Đa số những người trong cuộc chiến đã quá vãng, chưa kể rằng trong số chưa chết có những kẻ có chút lương thiện thì tự đáy lòng có thể thấy mình không xứng đáng để biện minh gì cả.

Phim The Vietnam War đã được đưa ra trong cố gắng biện giải cho sự “ngay ngắn” và “tử tế” của siêu quyền lực chính trị Mỹ, nhằm củng cố cho sự cộng tác của Mỹ với chế độ VC biến thái hiện nay, với sự hợp tác của con cháu những người Việt thế hệ trước ở hải ngoại, cũng như ở trong nước. Luận điểm truyền đạt là công nhận cái chiêu bài “giải phóng và thống nhất” của kẻ chiến thắng Hà Nội khi thi hành nghĩa vụ vô sản quốc tế theo chiến lược bành trướng Cộng sản để thắt cổ Tư bản. Còn kẻ có tiền là Washington  DC sẵn lòng bỏ cái khẩu hiệu “thế giới tự do” của mình đã gây xúc phạm kẻ tính thắt cổ mình, để mà có thể làm ăn với kẻ thù một thời trong tinh thần thực dụng thế giới toàn cầu kinh tế hiện nay.

Lần đầu tiên, tôi nghe đến cái tên Ngô Đình Diệm là vào khoảng thời gian Bảo Đại tái xuất hiện trên chính trường. Tôi ở Hà Nội lúc đó, mới vào trung học Chu văn An. Là một đứa bé mà hoàn cảnh sống trôi nổi những ngày cuối thế chiến thứ hai với những cuộc ném bom của Mỹ, cuộc đảo chính Nhật chấm dứt chế độ thuộc địa Pháp, những xác người khô đét trên đường phố Vinh, không khác gì những người Ethiopia và Phi Châu lạc hậu trong chiến tranh trên truyền thông thế giới bây giờ. Tôi đã thấy tận mắt ngay trên bờ hè trước cửa nhà tôi, buổi sáng dậy một người nằm chết từ ban đêm. Từ dưới đống giẻ rách là quần áo người chết bò ra những con chấy và rận đen trên những viên gạch đỏ.  Tôi đã chứng kiến ngày cán bộ Việt Minh đi xe đạp trên đường phố Vinh cầm loa kêu gọi đồng bào đi biểu tình giành độc lập. Tôi đã trở thành một thiếu niên chú ý đến vấn đề chính trị vì thế. Tôi thích đọc báo. Tôi đã theo rõi những tin cựu hoàng Bảo Đại “hồi loan” trên các báo  Hà Nội. Tôi nhớ môt bài viết phê bình lời tuyên bố của ông Diệm khi từ chối lời mời làm thủ tướng rằng “nếu tôi làm thủ tướng thì hai triệu người Công giáo VN sẽ bị Cộng sản đàn áp”. Đại ý người viết hạch hỏi rằng ông Diệm ở tư cách đại diện người Công giáo VN như thế nào mà có thể nói như vậy.

Rồi tôi theo gia đình di cư vào Nam sau tháng 7/1954. Tôi theo rõi những khó khăn của thủ tướng Diệm có chức mà không có quân, trừ lực lượng Bảo Chính Đoàn không đáng kể ủng hộ ông từ Hà Nội di cư vào. Tôi sống qua giai đoạn ông dẹp đám Bình xuyên của tay anh chị Bẩy Viễn hoành hành khai thác sòng bài và đĩ điếm ở Đại Thế giới Kim Chung ở Chợ Lớn. Tôi chú ý đến họ vì đó là nhóm quần áo nhà binh lăm lăm cầm sung tiểu liên ngồi trên xe jeep phóng trên đường phố Sài gòn Chợ Lớn. Tôi hồi hộp theo dõi nỗi khó khăn của ông Diệm để khuất phục các tướng tá thân Tây cầm đầu bởi tướng Nguyễn Văn Hinh và vất vả chấm dứt được tình trạng sứ quân của các lực lượng giáo phái được Tây hỗ trợ để chống Cộng.

Tôi sung sướng thấy ông Diệm chuyển hoá được bộ máy hành chánh Sài Gòn quan liêu (mà tôi có kinh nghiệm không mấy tốt đẹp khi đi xin giấy tờ) thành một hệ thống hành chánh bình thường. Lần đầu tiên tôi được xem đốt pháo bông ở trước dinh Độc Lập ngày 26 tháng 10 khi ông Diệm trở thành tổng thống. Cũng lần đầu tiên tôi chứng kiến cảnh quay phim The Quiet American (người Mỹ trầm lặng) trước chợ Bến Thành bởi đạo diễn  Joseph Mankiewicz nhân dịp Tết. Trong dịp đó, giữa đám đông dạo phố buổi tối xem quay phim,  tình cờ hai anh em ông Diệm ông Nhu đi tới chỗ hai anh em tôi đang đứng lớ ngớ trước bót Lê Văn Ken chờ  xem quay phim ra sao. Thế là tôi được đứng ngay bên cạnh hai nhà lãnh đạo miền Nam một cách sung sướng vì đang hy vọng họ sẽ khiến miền Nam trở thành yên bình thịnh vượng. Và như thế thật.

Vài năm sau, khi là sinh viên y khoa năm thứ nhất tôi tình nguyện đi theo một phái đoàn y tế về miền Tây vào tận Đồng Tháp Mười, Kiến Phong, Cao Lãnh phát thuốc cho đồng bào. Hưởng cái thú vị kèm theo sự lo lắng sợ sệt khi chiếc thuyền máy chở đoàn cứu tế máy nổ bình bịch trong đêm vì sợ sẽ làm VC thức giậy mà tấn công! Nhưng may không sao cả. Buổi sáng, tôi đã được thực hiện việc nuôi cá tra trên hồ nước giữa đồng một cách bất đắc dĩ, vì cứ phải đứng lên ngồi xuống tránh cá quậy tranh mồi làm bắn nước dơ lên người. Nhưng chẳng bao lâu, tất cả đổi khác với những phá hoại tấn công lẻ tẻ của VC, chặt đầu xã trưởng này, mổ bụng an ninh huyện kia. Rồi trận tấn công đầu tiên của bộ đội Bắc Việt ở Tây Ninh năm 1960. Tiếp theo là chính thức xuất hiện Mặt Trận Giải phóng miền Nam  ra mắt tháng 12 năm 1960. Rồi quốc sách ấp chiến lược năm 1961, phỏng theo chiến lược chống du kích CS đã thành công ở Mã Lai của chiến lược gia Anh quốc Thompson. Chiến lược này đã bị một số dư luận Mỹ chê bai. Vì lúc đó điểm chính trị của ông Diệm đã xuống, dưới mắt truyền thông Mỹ, sau những đấu đá chính trị lai rai ở Sài Gòn, mà ồn ào nhất là cuộc đảo chính 1960 bất thành với tướng Nguyễn Chánh Thi. Cao điểm là cuộc đấu tranh Phật giáo khởi đầu từ lễ Phật đản ở Huế năm 1963. Tôi không muốn  đi sâu vào biến cố chính trị này, để phê bình sai đúng, mà chỉ tóm tắt rằng không thể chối cãi được là từ đầu nó có bàn tay lông lá Mỹ nhúng vào, song song với những mưu tính VC, dựa trên tất cả những tin tức các nguồn sách báo mà tôi có đọc cũng như những điều tôi đã chứng kiến từ bấy đến nay.

Trở lại lễ Halloween với ngày 1 tháng 11 là ngày gọi là “lễ các thánh” và ngày 2 tháng 11 là ngày “lễ vong hồn” dân thường cũng như dân Thiên Chúa giáo, điều còn lại trong tôi vào dịp này là hình ảnh hai ông Diệm và Nhu bị bắn vào đầu bê bết máu nằm chết trong xe thiết giáp M113. Và hình ảnh tổng thống Mỹ John Kennedy bị bắn vào đầu chết gục cạnh vợ trên xe 20 ngày sau đó. Nghi can giết hai ông Diệm và Nhu, là thiếu tá Nguyễn Văn Nhung tùy viên của thủ lãnh cuộc đảo chính Dương Văn Minh, đã chết trong khi bị giam ở trại nhẩy dù để điều tra. Chưa hỏi xong cho rõ ai đã ra lệnh cho Nhung xuống tay, Dương văn Minh hay Mai Hữu Xuân. Cả hai người này nay đều đã chết. Người  thứ ba trực tiếp trong vụ thì còn sống nhưng đã đi tu và giữ yên lặng.

Nghi phạm giết Kennedy cũng bị nhanh chóng bắn chết sau khi bị bắt, bởi một kẻ khác mà kẻ này cũng chết luôn ngay sau đó. Vì thế nhiều câu hỏi về thủ phạm thực sự giết Kennedy chưa được trả lời. Donald Trump lúc tranh cử đã tuyên bố khi làm tổng thống sẽ cho công bố tất cả tài liệu nguyên thủy thu lượm được, khi luật giữ bí mật hồ sơ hết hạn. Nhưng vào phút chót, ông Trump đã không cho công bố hết mà chỉ cho công bố một phần tài liệu đã được soạn để công bố chứ không phải là tất cả tài liệu “nguyên thủy” với lý do “vì an ninh quốc gia”. Có người nghĩ là vì những nhân sự liên quan còn sống. Đúng sai không rõ, nhưng có điều chắc chắn là với những diễn tiến và sự kiện xẩy ra trong sân khấu chính trị Hoa Kỳ từ cuộc tranh cử Donald Trump và Hillary Clinton tới nay thì mối nghi ngờ về sự hiện hữu của một siêu quyền lực chính trị Hoa Kỳ đã gia tăng. Và tổng thống Bush con, một người hiểu rõ hệ thống vận hành chính trị Hoa Kỳ, trong diễn văn nói về tình hình chính trị hiện nay ở Mỹ, ở New York City mới đây cũng xác nhận như thế.

Bác sĩ Trần Xuân Ninh

Ngày 2 tháng 11/2017