25/01/2025

Làm gì để có giáo sư chất lượng?: Giảm bớt chủ quan, cảm tính khi xem xét

Theo các chuyên gia, để việc xét GS, PGS chất lượng, ngoài việc nâng cao tiêu chuẩn với các ứng viên, yếu tố quyết định để loại trừ cơ chế xin – cho là chất lượng của hội đồng.

 

Làm gì để có giáo sư chất lượng?: Giảm bớt chủ quan, cảm tính khi xem xét

Theo các chuyên gia, để việc xét GS, PGS chất lượng, ngoài việc nâng cao tiêu chuẩn với các ứng viên, yếu tố quyết định để loại trừ cơ chế xin – cho là chất lượng của hội đồng.
 
Làm gì để có giáo sư chất lượng?: Giảm bớt chủ quan, cảm tính khi xem xét

Việc định ra tiêu chuẩn thành viên, cách thức làm việc của các hội đồng sẽ là các yếu tố quan trọng quyết định vấn đề này.
 
Lấy ý kiến công khai thay vì bỏ phiếu kín

Theo PGS Nguyễn Lân Hiếu, Phó giám đốc Bệnh viện Trường ĐH Y Hà Nội, nhìn vào tiêu chuẩn chắc không ứng viên nào không đủ, vì nếu thiếu chẳng ai dám nộp hồ sơ. PGS Hiếu đề xuất các thành viên hội đồng thay vì bỏ phiếu kín thì công khai ý kiến của mình một cách đàng hoàng và chịu trách nhiệm với điều đó. “Chỉ cần một “động tác” nhỏ như vậy sẽ thay đổi được rất nhiều. Sự trong sạch của học thuật sẽ được bảo vệ”, ông Hiếu khẳng định.

 
Để tăng chất lượng GS, PGS, theo ông Ngô Quý Nhâm, giảng viên Trường ĐH Ngoại thương, cần giải quyết 2 vấn đề: Thứ nhất là tăng yêu cầu lên vì nếu không, nhiều người bằng cách này cách khác vẫn đạt được tiêu chuẩn vì tiêu chuẩn thấp quá. Thứ hai, nếu bỏ phiếu kín thì khả năng xảy ra tiêu cực sẽ cao.
 
Tương tự, GS Lê Tuấn Hoa, nguyên Viện trưởng Viện Toán, Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ VN, cho biết vấn đề quan trọng không phải là giao việc này về các trường vì nhiều nước có nền khoa học phát triển như Pháp, Ý, Tây Ban Nha… vẫn giữ mô hình nhà nước đưa ra chuẩn công nhận người đạt tiêu chuẩn GS, PGS, trên cơ sở đó các trường tuyển người đạt tiêu chuẩn để bổ nhiệm. Tiêu chuẩn rất quan trọng, theo ông Hoa, là phiếu của hội đồng. Trên thế giới, thậm chí đây là tiêu chuẩn quyết định, vì họ thậm chí chẳng có quy chuẩn gì cả, mà chỉ có quy chuẩn duy nhất là lá phiếu của hội đồng. Ở ta thì cần kết hợp giữa tiêu chuẩn và lá phiếu của hội đồng. Vấn đề là làm thế nào để phiếu của hội đồng có chất lượng. Câu trả lời là chất lượng của hội đồng. Để hội đồng có chất lượng thì cần 2 thành tố kinh nghiệm và năng lực.
 
Nâng cao chất lượng hội đồng
Theo các chuyên gia, về lâu dài thì đúng là phải nâng cao chất lượng thành viên hội đồng. Do đó, cần phải xem xét kỹ tiêu chuẩn, chuyên môn thực sự của đội ngũ thành viên trong hội đồng chức danh GS ngành, liên ngành. Nếu cần thiết thì mời vào hội đồng đó một số GS nước ngoài.
 
PGS Trần Văn Tớp, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, cho rằng đây là một cơ hội để xem lại tiêu chuẩn, cách thức xét GS, PGS hiện nay. Việc nâng cao tiêu chuẩn PGS, GS là một quá trình, nó đã được thực hiện liên tục từ những năm 1980 đến nay. Ban đầu GS, PGS không cần có học vị, về sau nâng dần lên, và đến thời điểm này đòi hỏi tất yếu là hội nhập quốc tế, do đó tiêu chuẩn đang thấp thì phải nâng cao lên. Cần giảm bớt yếu tố chủ quan trong cách thức chấm điểm hồ sơ của hội đồng, giảm thiểu tối đa việc cho điểm theo cảm tính như hiện nay. Khi có tiêu chuẩn được nhà nước đưa ra, các trường có thể đưa ra tiêu chuẩn cao hơn của nhà nước. Trường nào đủ điều kiện thì giao cho việc tự xét và tự bổ nhiệm, hội đồng nhà nước giống như trọng tài, đưa ra quy chế còn trường có quyền đưa quy định cao hơn, miễn không thấp hơn, không vi phạm quy định, quy chế nhà nước.
 
PGS Nguyễn Ngọc Châu, Viện Sinh thái và tài nguyên sinh vật, Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ VN, cũng đồng tình cần giao quyền cho các cơ sở giáo dục, các trường đại học tự làm theo các tiêu chí, quy trình đánh giá chung do nhà nước ban hành. Các trường cần có đề cương chi tiết về cơ cấu chuyên ngành đào tạo từ đó quy hoạch bao nhiêu nhóm nghiên cứu ứng với bao nhiêu vị trí GS, PGS. Với cơ sở giáo dục đào tạo không hội đủ chuẩn về chuyên ngành đào tạo, cơ sở vật chất và đội ngũ cán bộ giảng dạy cơ hữu cần được tái cấu trúc, sáp nhập hoặc giải thể.
 
Nhiều người xứng đáng mà bị loại !
 
Chia sẻ với Thanh Niên, một thành viên hội đồng cơ sở Trường ĐH Bách khoa TP.HCM cho biết tại hội đồng cơ sở của trường, ngành hóa có khoảng 11 – 12 ứng viên PGS. Ứng viên điểm cao nhất (có 55 bài báo ISI, tổng cộng 23 điểm) lại bị rớt do khâu bỏ phiếu. “Năm ngoái, ứng viên này đã tham gia làm hồ sơ xét PGS, qua được ở hội đồng cơ sở và hội đồng ngành, dù thiếu 2 tiêu chuẩn cứng là làm tiến sĩ chưa đủ 3 năm và chưa đủ 6 năm thâm niên, dù điểm hồ sơ gấp 3 lần tiêu chuẩn. Lên hội đồng nhà nước họ nói rằng thôi để lại năm sau cho chắc chắn. Nhưng năm nay (sau khi đã đủ 2 tiêu chuẩn kia, điểm công trình thì nhiều lên), hội đồng ngành lại không bỏ phiếu nên chúng tôi cũng không hiểu đích thực lý do rớt. Cá nhân tôi rất tiếc cho trường hợp này, vì về chuyên môn người này thực sự giỏi, bài báo ISI rất chất lượng, thậm chí còn tốt hơn cả bài của các ứng viên GS”, vị này nói.
 
PGS Trần Văn Tớp cho rằng câu chuyện xét GS, PGS đôi khi lại nằm ở chỗ những người bị loại. Trường ĐH Bách khoa Hà Nội có một ứng viên ngành vật lý rất xuất sắc, điểm công trình rất cao (có rất nhiều bài báo quốc tế ISI, Scopus), nếu xét chuẩn năm 2019 (theo dự thảo tiêu chuẩn GS, PGS mà Chính phủ đang lấy ý kiến) thì đảm bảo hoàn toàn các tiêu chí cứng. Tuy nhiên, theo tiêu chuẩn hiện hành thì thiếu điểm viết sách (một trong các tiêu chuẩn cứng) để được công nhận đạt GS. Hội đồng cơ sở đề nghị ứng viên này được xét đạt tiêu chuẩn GS diện đặc cách, hội đồng ngành đã đồng ý. Nhưng lên đến hội đồng nhà nước, tới khâu bỏ phiếu thì trượt.
 
Quý Hiên

QUÝ HIÊN – LÊ HIỆP