28/11/2024

Cải cách mà chất lượng không tăng chỉ là cải cách…’cải lương’!

“Sức ép cải cách đã rất nóng” được Tuổi Trẻ ngày 26-2 nêu những vấn đề đặt ra cho các ngành về những cải cách, đột phá trong năm 2018, tiếp tục được nhiều chuyên gia, bạn đọc gửi đến các ý kiến đặt hàng, đề xuất.

 

Cải cách mà chất lượng không tăng chỉ là cải cách…’cải lương’!

 “Sức ép cải cách đã rất nóng” được Tuổi Trẻ ngày 26-2 nêu những vấn đề đặt ra cho các ngành về những cải cách, đột phá trong năm 2018, tiếp tục được nhiều chuyên gia, bạn đọc gửi đến các ý kiến đặt hàng, đề xuất.
 
 
 

 
Cải cách mà chất lượng không tăng chỉ là cải cách...cải lương! - Ảnh 1.

Đà Nẵng là địa phương đi đầu trong việc ứng dụng công nghệ vào giải quyết thủ tục hành chính. Trong ảnh: giải quyết thủ tục hành chính tại văn phòng một cửa Trung tâm Hành chính TP Đà Nẵng – Ảnh: TRƯỜNG TRUNG

* Ông Đậu Anh Tuấn (Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam – VCCI):

Phải đo đếm chất lượng làm việc của công chức

Việc cải tổ bộ máy, rà soát chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức là yêu cầu cần thiết để biết được ai đang làm gì, làm như thế nào. Song không chỉ dừng lại ở tuyên bố, tuyên ngôn mà cần phải có những đo đếm cụ thể về chất lượng đội ngũ cán bộ.

Vì vậy, gắn với việc tái cơ cấu, rà soát đội ngũ cần tăng cường ứng dụng tin học, công nghệ để doanh nghiệp thực hiện các thủ tục hành chính, hồ sơ giấy tờ qua hệ thống mạng, vừa có thể đo đếm chất lượng công việc, vừa giảm thiểu tương tác trực tiếp. 

 

Qua ứng dụng công nghệ cũng có thể kiểm tra được khối lượng công việc từng công chức, giải quyết bao nhiêu hồ sơ đúng hạn, trễ hạn.

Cải cách mà chất lượng không tăng chỉ là cải cách...cải lương! - Ảnh 2.

Ông Đậu Anh Tuấn – Ảnh: N.KHÁNH

Như mô hình trung tâm hành chính công ở Quảng Ninh, thêm một bước là thu nhận phản hồi, khiếu kiện, phản ảnh người dân qua mạng xã hội, giải quyết bức xúc của người dân.

Nghị quyết 19 của Chính phủ cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia cũng đã giao nhiệm vụ cụ thể cho bộ, ngành. Do đó, Bộ Công thương hay nhiều bộ, ngành cần chủ động tổng kết xem việc nào hoàn thành tốt, hoàn thành sớm và việc nào hoàn thành nửa vời. 

Cũng cần có công cụ để người dân, doanh nghiệp có thể đánh giá mức độ hài lòng đối với một văn bản đã sửa đổi, bởi có những văn bản sửa đổi theo kiểu nửa vời thì rõ ràng không thể mang lại lợi ích cho doanh nghiệp.

* PGS.TS Nguyễn Minh Hòa (Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn):

Cần những người tham mưu giỏi

Việc một số cơ quan đơn vị sắp xếp lại bộ máy, sáp nhập phòng ban… là tốt nhưng khâu quan trọng nhất trong vấn đề cải cách chính là con người.

Một cơ quan đơn vị có thể ghép hai, ba bộ phận lại làm một rồi đổi tên hay thay đổi vị trí công việc của vài nhân sự nhưng tổng thể thì số lượng và chất lượng không tăng lên chỉ là cải cách “cải lương”. Muốn thực hiện cải cách tốt phải xây dựng chất lượng con người, chất lượng cán bộ. 

Làm sao để cán bộ tinh thông nghề nghiệp hơn, một người có thể thay cho nhiều người; đặc biệt là những cán bộ đứng đầu cấp sở, ngành, bộ… – vì đây là những “nhạc trưởng” quyết định ở nhiều vấn đề. 

Thứ hai, cần cải cách chất lượng bộ phận tham mưu các chính sách, hiện nay mình thiếu những người tham mưu giỏi.

Cải cách mà chất lượng không tăng chỉ là cải cách...cải lương! - Ảnh 3.

Ông Nguyễn Minh Hoà – Ảnh: T.TRUNG

Muốn cải cách tốt cần phải thay đổi quan điểm, cơ chế nhằm tìm những người giỏi từ việc đào tạo cho tới khâu tìm kiếm ở các trường đại học, ở ngoài xã hội ngay cả những người nước ngoài.

Ở Singapore có hẳn một trường chuyên đào tạo ra những người lãnh đạo hay bộ phận tham mưu cho chính quyền có lực lượng rất lớn từ người nước ngoài. 

Riêng đối với khâu tổ chức cán bộ ở ta cần thay đổi cơ chế bổ nhiệm sang cơ chế dự thi, tranh cử để tìm được người giỏi.

* Bà Đặng Kim Loan (Q.3, TP.HCM):

Cần cải cách thêm về thủ tục nhà đất

Tôi có tham gia công tác địa phương nhiều năm, vừa chiêm nghiệm vừa lắng nghe ý kiến từ bà con thì thấy rằng cái cần cải cách nhất hiện nay là các thủ tục về nhà đất.

Những năm gần đây thực sự đã có nhiều cải tiến đáng kể. Nhiều dịch vụ được làm trực tuyến, không phải đến tận nơi. Một số loại giấy tờ cũng không cần phải sao y nữa. Nhưng nhìn chung vẫn còn rắc rối phức tạp lắm. 

Ngay cả mình là cán bộ, đi làm hồ sơ giấy tờ mà còn thấy khó khăn thì người dân bình thường không biết sẽ ra sao. Đó là chưa kể có khi còn bị làm khó.

Cải cách mà chất lượng không tăng chỉ là cải cách...cải lương! - Ảnh 4.

Bà Đặng Kim Loan – Ảnh: M.HOA

Cải cách thủ tục về nhà đất cực kỳ quan trọng. Đối với người dân, đây là tài sản lớn, muốn mua bán, cầm cố thế chấp lấy vốn để làm ăn. Nếu thủ tục mà ách tắc, làm chậm trễ thì sẽ có bao nhiêu kế hoạch làm ăn dang dở, phải gác lại? 

Tôi từng chứng kiến có những trường hợp khá đơn giản, các giấy tờ đều hợp lệ nhưng vẫn phải chờ tới mấy tháng mới làm xong. Tôi cho rằng việc giải quyết các thủ tục nhà đất phải hết sức tạo điều kiện cho người dân. Làm sao cho thật đơn giản, đừng để dân thiệt thòi.

Q.KHẢI – N.AN – M.HOA ghi