Từ GDP đầu người 2.385 USD, khát vọng quốc gia thịnh vượng
2017, GDP/người của Việt Nam rất thấp, tương đương 2.385 USD. Trong khối ASEAN, con số này thua Lào, chỉ hơn Campuchia và Myanmar. Có 6 giải pháp hướng tới quốc gia thịnh vượng.
Từ GDP đầu người 2.385 USD, khát vọng quốc gia thịnh vượng
2017, GDP/người của Việt Nam rất thấp, tương đương 2.385 USD. Trong khối ASEAN, con số này thua Lào, chỉ hơn Campuchia và Myanmar. Có 6 giải pháp hướng tới quốc gia thịnh vượng.
Trong cuộc trò chuyện đầu xuân dành riêng cho Tuổi Trẻ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư NGUYỄN CHÍ DŨNG cho rằng việc tăng GDP đầu người là một trong những mục tiêu cụ thể, vì đây chính là thước đo sự thịnh vượng của một quốc gia.
Ông Dũng nói:
– Từ những gì đã diễn ra trong năm 2017, những kết quả chúng ta đã đạt được, những nền tảng chúng ta đã và đang xây đắp, tôi cho rằng năm 2018 là năm rất quan trọng – năm đem đến cho đất nước ta những thời cơ quý và chúng ta phải nắm bắt bằng được để tiến lên, còn không thì chúng ta sẽ bị tụt hậu xa hơn nữa.
Thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam mới chỉ đạt 2.385 USD, chúng ta đặt ra mục tiêu năm 2035 thu nhập bình quân đầu người khoảng 10.000 USD, trong khi hiện tại Trung Quốc họ đã đạt mức thu nhập bình quân hơn 8.000 USD và mục tiêu 10.000 USD vào năm 2020.
Nhiều nước trong khu vực Asean có mức thu nhập bình quân vượt Việt Nam khá xa. Và họ không đứng lại để chờ chúng ta.
Nếu chúng ta không muốn bị bỏ lại quá xa thì phải nỗ lực để tiến nhanh hơn nữa. Muốn vậy, mỗi người Việt Nam chúng ta phải có khát vọng đổi mới, phải vượt qua chính mình, đoàn kết để phát triển đất nước.
Động lực của cải cách xuất phát từ chính những nỗ lực cá nhân của chúng ta và sẽ lan tỏa để tạo thành sức mạnh tập thể, vượt qua mọi thách thức, cùng đạt được những thành quả trong phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống – như chính kỳ tích mà đội U-23 đã đạt được và chứng minh cho chúng ta
Bộ trưởng NGUYỄN CHÍ DŨNG
GDP đầu người thấp hơn Lào
* Thu nhập bình quân của người dân Việt Nam tăng thêm 170 USD trong năm 2017, nhưng Bộ trưởng vẫn bày tỏ nỗi sốt ruột khi Việt Nam vẫn còn thấp hơn nhiều nước trong khu vực ASEAN. Vì sao như vậy?
– Đây chính là bài toán lớn của kinh tế Việt Nam khi quy mô nền kinh tế vẫn còn nhỏ trong khi dân số lớn, lực lượng lao động đông đảo nhưng năng suất lao động chưa cao.
Mặc dù năm 2017 tốc độ tăng trưởng đạt cao hơn so với nhiều năm trở lại đây nhưng GDP/người của Việt Nam vẫn rất thấp, chỉ tương đương 2.385 USD, tăng 170 USD so với năm 2016.
Theo thống kê của Ngân hàng Thế giới, chúng ta thậm chí đã thấp hơn Lào về GDP/người, chỉ còn hơn Campuchia và Myanmar trong khối ASEAN.
Với mục tiêu tăng trưởng cùng với việc đảm bảo an sinh xã hội, giảm nghèo, cải thiện môi trường…, chúng ta hiểu rằng chúng ta còn rất nhiều việc phải làm.
Việc tiếp tục tăng thu nhập bình quân GDP đầu người là một trong những mục tiêu cụ thể vì đây chính là thước đo sự thịnh vượng của một quốc gia. Nhưng quan trọng hơn, đó là việc nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân với mỗi đồng thu nhập tăng thêm đó.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói về tương lai Việt Nam trong cuộc gặp gỡ báo chí đầu năm 2018 – Video: LÊ KIÊN
* Tuy chất lượng cuộc sống của người dân Việt Nam đã có cải thiện đáng kể so với trước đây, nhưng Việt Nam vẫn được đánh giá là nước có mức chi tiêu đắt đỏ. Đời sống của một bộ phận không nhỏ người lao động có mức thu nhập thấp, trung bình vẫn chưa được cải thiện mấy. Ông nhìn nhận vấn đề này thế nào?
– Trong những nỗ lực điều hành kinh tế mà Chính phủ đặt ra hằng năm, luôn luôn có mục tiêu ổn định chỉ số giá tiêu dùng, lạm phát để không gây ra những biến động lớn về giá cả, giá trị tiền tệ, gây ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống người dân, đặc biệt là những người thu nhập thấp, người nghèo trong xã hội.
Hiện nay, chi phí sinh hoạt, chi phí tiêu dùng của người dân đang có xu hướng tăng lên. Tuy nhiên, những tiêu dùng cơ bản đảm bảo nhu cầu thiết yếu của người dân vẫn luôn được đảm bảo, kiểm soát giá cả chặt chẽ.
Mặt khác, có một thực tế là thu nhập của một bộ phận người dân thành thị tăng cao trong nhiều năm qua đã kéo theo việc xuất hiện nhiều hàng hoá, dịch vụ có giá thành cao, đáp ứng nhu cầu của đối tượng thu nhập trung lưu, nhưng cũng từ đó đẩy mặt bằng giá cao hơn khiến nhiều người có thu nhập thấp khó tiếp cận được những hàng hóa, dịch vụ này.
Đây là sự phân hóa tất yếu trong nền kinh tế thị trường bởi thị trường đáp ứng theo quy luật cung cầu.
Chính phủ luôn đặt trọng tâm ổn định kinh tế vĩ mô, điều tiết giá cả, thường xuyên theo dõi các biến động giá thành, chi phí đầu vào để từ đó tính toán những kịch bản giá cả nhằm có các điều chỉnh kịp thời, vừa đảm bảo phù hợp với kinh tế thị trường, vừa duy trì tỉ lệ lạm phát (dưới 4%) hằng năm.
6 giải pháp hướng tới Việt Nam thịnh vượng
* Việt Nam xuất hiện nhiều tỉ phú hơn, nhưng khoảng cách giàu nghèo lại ngày càng gia tăng. Một tầng lớp đại gia, người có thu nhập rất cao đã xuất hiện và ngày càng nhiều hơn. Nếu sự thịnh vượng của một quốc gia mà chỉ tập trung vào một nhóm tầng lớp như vậy, theo Bộ trưởng có bền vững?
– Không thể nói sự phát triển và tăng trưởng của Việt Nam chỉ tập trung vào một nhóm tầng lớp thượng lưu.
Những chuyển biến kinh tế các năm vừa qua đã tạo ra một số lượng những người có giá trị tài sản lớn, hình thành và tăng nhanh tầng lớp trung lưu, nhưng đồng thời cũng tạo cơ hội cải thiện thu nhập cho người nghèo, người yếu thế.
Về an sinh xã hội, mặc dù lợi ích từ sự phát triển kinh tế sẽ không đồng đều nhưng những chính sách của Việt Nam luôn ưu tiên cân bằng xã hội, đảm bảo không người nghèo nào bị bỏ lại phía sau.
Trong hơn 30 năm đổi mới và phát triển, Việt Nam đã đạt mức thu nhập trung bình, số lượng người nghèo giảm đều và rõ rệt.
Tuy nhiên, với đặc thù địa lý của nước ta, sự phân hóa còn do khác biệt về điều kiện thiên nhiên, ưu đãi tự nhiên của nước ta tại các vùng miền, đặc thù tập quán các dân tộc, việc đảm bảo bình đẳng trong thu nhập và điều kiện sống sẽ luôn là một thách thức lớn.
Có thể nói, mặc dù còn nhiều tồn tại và khó khăn của nền kinh tế nhưng chúng ta vẫn luôn kiên định với những mục tiêu công bằng và tiến bộ cho toàn xã hội, nhằm đảm bảo sự phát triển hài hoà, bền vững trong dài hạn.
* Báo cáo Việt Nam 2035 được xây dựng nhằm hướng tới Việt Nam thịnh vượng, sáng tạo, công bằng và dân chủ. Vậy xin Bộ trưởng cho biết những giải pháp tập trung được đưa ra để cải cách toàn diện ở tất cả các mặt là gì? Làm sao để chúng ta thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình và nâng cao năng suất cũng như thu nhập và đời sống của người dân Việt Nam, gắn với chất lượng tăng trưởng bền vững?
– Trong Báo cáo 2035, chính sách đặt ra cho những triển vọng: thịnh vượng, sáng tạo, công bằng, dân chủ của Việt Nam được tóm tắt trong 6 giải pháp.
Một, hiện đại hoá nền kinh tế và phát triển khu vực kinh tế tư nhân (trọng tâm là doanh nghiệp tư nhân).
Hai, xây dựng năng lực đổi mới, sáng tạo của quốc gia, hướng tới một nền kinh tế dựa vào tri thức, dựa vào đổi mới sáng tạo.
Ba, đổi mới thể chế thúc đẩy phát triển đô thị, tăng cường kết nối giữa đô thị và nông thôn cũng như các khu vực lân cận.
Bốn, phát triển bền vững môi trường, tăng cường khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu.
Năm, đảm bảo công bằng và thúc đẩy hoà nhập xã hội, trọng tâm tạo cơ hội bình đẳng cho nhóm yếu thế và thúc đẩy hoà nhập ở nhóm trung lưu.
Sáu, xây dựng một thể chế hiện đại, một nhà nước hiệu quả.
Đây cũng là những giải pháp hết sức toàn diện, góp phần giải quyết được nhiều hạn chế của nền kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng bền vững và cải thiện đời sống người dân.
Đặc khu kinh tế: kích thích sáng tạo, tiềm năng trí tuệ
* Một trong những dấu ấn của Bộ Kế hoạch và đầu tư năm 2017 là xây dựng được dự án Luật đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt. Ông kỳ vọng gì vào dự luật này cũng như việc thí điểm 3 đặc khu kinh tế trong việc tạo ra mô hình thể chế cho Việt Nam trong tương lai?
– Xây dựng luật về đặc khu kinh tế là minh chứng cho nỗ lực cải cách thể chế để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Việc tạo động lực phát triển mới, có tác động lan toả tích cực ở Việt Nam là điều hết sức cần thiết và cấp bách.
Lúc này, khi các tiềm năng tĩnh của quốc gia như tài nguyên thiên nhiên, lợi thế tự nhiên, lao động giá rẻ đã tới hạn và không thể khai thác hơn nữa, chỉ có các tiềm năng động để tạo ra năng suất lao động, hiệu quả kinh tế cao hơn thông qua cải cách thể chế, kích thích sự sáng tạo, tiềm năng trí tuệ của con người.
Kỳ vọng của việc thành lập 3 đặc khu kinh tế là Vân Đồn (Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (Khánh Hoà) và Phú Quốc (Kiên Giang) nhằm khai thác tốt nhất các tiềm năng khu vực có lợi thế vượt trội, thu hút mạnh các nguồn vốn đầu tư, công nghệ cao, phương thức quản lý mới tiên tiến, hình thành khu vực tăng trưởng cao, tạo thêm nguồn lực và động lực, góp phần thúc đẩy nhanh phát triển và tái cơ cấu kinh tế cho tỉnh, vùng và cả nước.
PGS.TS TRẦN HOÀNG NGÂN (giám đốc Học viện Cán bộ TP.HCM):
Cơ cấu lại kinh tế thực chất và hiệu quả hơn
TS Trần Hoàng Ngân
Vấn đề đặt ra tại sao VN tăng trưởng tốt mà khoảng cách các nước vẫn còn xa? Lý do là năm 1986 đổi mới thì điều chỉnh tỉ giá bao cấp sang tỉ giá thị trường, làm cho giá trị đồng tiền VN sụt giảm nghiêm trọng, nên khi tính lại GDP theo USD thì VN ở mức rất thấp.
Năm 1990 chúng ta chỉ ở mức thu nhập 98 USD/người, trong khi Lào 203 USD/người, gấp 2,1 lần; Indonesia là 623 USD/người, gấp 6,4 lần; Philippines là 715 USD, gấp 7,3 lần; Thái Lan là 1.508 USD, gấp 15,4 lần so với VN.
Đến năm 2016 khoảng cách được thu hẹp khá nhiều, khi Thái Lan chỉ còn hơn VN 2,76 lần; Indonesia chỉ còn gấp 1,6 lần; Philippines trước đây gấp 7,3 lần thì giờ còn 1,3 lần…
Qua số liệu đó để thấy rằng trước đổi mới VN bị các nước bỏ rất xa bởi chúng ta bị ảnh hưởng của chiến tranh, cấm vận, thời kỳ bao cấp… Đến nay, khoảng cách đang được thu hẹp dần.
Tôi cho rằng điều quan trọng là phải tiếp tục quá trình đổi mới mạnh mẽ hơn, cơ cấu lại nền kinh tế thực chất và hiệu quả hơn.
PGS.TS BÙI TẤT THẮNG (viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược phát triển):
TS Bùi Tất Thắng
Rõ dần lý luận và giải pháp
Năm 2017 chúng ta đạt được nhiều kết quả rất đáng mừng, đặc biệt là lần đầu tiên sau nhiều năm chúng ta đạt và vượt kế hoạch cả 13/13 chỉ tiêu về kinh tế – xã hội được Quốc hội đặt ra, có nhiều chỉ số cho thấy năng lực cạnh tranh của nền kinh tế được nâng cao, đặc biệt là sự khởi sắc trong những lĩnh vực VN có thế mạnh như sản xuất nông nghiệp và du lịch.
Đó là kết quả của sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt dựa trên cơ sở lý luận đúng hướng và các giải pháp ngày càng rõ ràng cho phát triển kinh tế – xã hội của chúng ta, theo hướng phát triển bền vững.
Với tầm nhìn 2035 (dự kiến mức thu nhập bình quân 10.000 USD/người), tôi tin với tốc độ phát triển như hiện nay, đồng thời với việc chúng ta tìm được động lực và khơi dậy được các nguồn lực để phát triển thì đến khoảng năm 2040 chúng ta sẽ đạt được mục tiêu trở thành nước công nghiệp hiện đại.
LÊ KIÊN – NGỌC AN ghi