29/11/2024

Sai lầm làm chậm phát triển chiều cao của trẻ

Hiện nay, nhiều bà mẹ rất muốn con mình phát triển chiều cao nhưng lại có những sai lầm trong việc chăm sóc trẻ.

 

Sai lầm làm chậm phát triển chiều cao của trẻ

Hiện nay, nhiều bà mẹ rất muốn con mình phát triển chiều cao nhưng lại có những sai lầm trong việc chăm sóc trẻ.


Sai lầm làm chậm phát triển chiều cao của trẻ - Ảnh 1.

Trong nhiều năm, chiều cao trung bình của người Việt tăng không đáng kể so với các quốc gia khác. Trong ảnh: khởi động trước giờ tập bơi – một trong những môn giúp trẻ phát triển chiều cao – Ảnh: Hoài Linh

“Trong 30 năm qua, người Nhật Bản ở tuổi trưởng thành cao thêm được 10cm, còn trong khoảng thời gian này, người Việt Nam ở tuổi trưởng thành chỉ cao thêm được 1cm” – bác sĩ Đỗ Thị Ngọc Diệp, giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM, đã cho biết như vậy.

Theo bác sĩ Ngọc Diệp, chiều cao trung bình ở nữ của nước ta là 153,4cm và nam là 163,6cm (theo số liệu của Viện Dinh dưỡng quốc gia). 

Hiện chiều cao trung bình ở tuổi trưởng thành của cả hai giới trong nước rất thấp so với chiều cao trung bình của các nước trong khu vực. 

Chiều cao trung bình này chỉ thay đổi sau 5-10 năm. Chiều cao của người Nhật Bản tăng lên đáng kinh ngạc sau mỗi 10 năm, còn tại Việt Nam chiều cao trung bình tăng không đáng kể so với các quốc gia khác.

Nhiều sai lầm trong chăm sóc trẻ

Hiện nay, nhiều bà mẹ rất muốn con mình phát triển chiều cao nhưng lại có những sai lầm trong việc chăm sóc trẻ. 

Cụ thể, nhiều bà mẹ chỉ tập trung cho trẻ ăn những thực phẩm có nhiều canxi, vitamin D, thậm chí cho uống các loại thuốc, thực phẩm chức năng có nhiều canxi, vitamin D với hi vọng sẽ giúp trẻ phát triển chiều cao. 

Tuy nhiên, theo bác sĩ Ngọc Diệp, chỉ có canxi và vitamin D sẽ không thể giúp trẻ phát triển chiều cao được, mà cần có chế độ dinh dưỡng cân đối, đa dạng, phù hợp với trẻ.

Một số bà mẹ lại cho con ăn rất nhiều thịt, uống rất nhiều sữa vì nghĩ ăn nhiều thịt và uống nhiều sữa sẽ phát triển chiều cao, nhưng điều này cũng không chính xác. 

Một số bà mẹ còn không quan tâm đến việc trẻ ăn gì, mà chỉ cần cho trẻ uống sữa thay nước và cho rằng chăm sóc như vậy là trẻ sẽ cao. 

Một vài sai lầm nữa là thay vì nuôi trẻ suốt một quá trình, đều đặn cân đối hợp lý về dinh dưỡng, về vận động, về lối sống thì một số bà mẹ chỉ tập trung chăm sóc trẻ tốt trong một số giai đoạn nào đó chứ không tập trung đều. 

Một số bậc cha mẹ (thường thấy ở nông thôn) khi thấy trẻ biết đi, biết chạy là lập tức cắt khẩu phần sữa của trẻ. Một số bậc cha mẹ còn sợ môi trường bụi bặm, sợ nắng gió làm con ốm nên úm con ở trong nhà rất kỹ. 

Những trẻ này dù có một chế độ ăn tốt nhưng vì không có điều kiện vận động thể lực, vui chơi ngoài trời nên gần như thiếu vitamin D hoạt hóa, cũng không thể phát triển chiều cao tối ưu. 

Ngoài ra, nhiều bậc phụ huynh còn cho con học quá nhiều, nặng nề về điểm số nên không có thời gian cho trẻ ngủ đủ giấc cũng như hoạt động thể dục thể thao, vì vậy không thể phát triển chiều cao tối ưu. 

Ngoài những sai lầm trên, còn có một số nguyên nhân khác như do chế độ dinh dưỡng của người Việt Nam chưa đảm bảo tính cân đối, hợp lý để phát triển chiều cao ở mức tối ưu. 

Chế độ ăn của người Việt Nam có những hạn chế như ăn không đủ năng lượng, không đủ chất đạm, ăn quá nhiều chất bột đường (chủ yếu ăn gạo) sẽ thiếu chất cho sự phát triển của xương, hạn chế hấp thu canxi. 

Sau này, có một nhóm người dân ăn quá nhiều năng lượng, chất đạm động vật, nước uống có gas đã đẩy phôtpho ra khỏi cơ thể và hạn chế sự phát triển chiều cao.

Ngoài ra, quá trình chăm sóc dinh dưỡng cho phụ nữ ở tuổi sinh đẻ, phụ nữ mang thai chưa tốt. Tâm lý của phụ nữ Việt Nam là nhường nhịn cho chồng con. 

Khi phụ nữ mang thai có chế độ dinh dưỡng không tốt, thai nhi nằm trong bụng mẹ đã thiếu chất dinh dưỡng, khi trẻ được ra đời đã thiếu chiều cao. 

Bên cạnh đó, việc thực hành nuôi dưỡng trẻ nhỏ còn nhiều hạn chế. Tỉ lệ trẻ được sử dụng sữa mẹ không cao, tỉ lệ trẻ được sử dụng sữa đến khi hết tuổi trưởng thành (hết tuổi tăng trưởng chiều cao) là rất thấp. 

Tình trạng trẻ nhỏ bị mắc các bệnh viêm phổi, tiêu chảy, rối loạn tiêu hóa, ngộ độc thực phẩm… còn nhiều. 

Điều này sẽ làm trẻ bị suy dinh dưỡng, khi đó trẻ khó đuổi kịp đà phát triển bình thường, trong đó có chiều cao. Trẻ thiếu vận động thể lực các môn thể dục thể thao để phát triển chiều cao như bóng rổ, bơi lội… 

Và cuối cùng là tính chất di truyền. Các bậc cha mẹ Việt Nam có chiều cao khiêm tốn nên ít nhiều cũng ảnh hưởng đến sự phát triển chiều cao của trẻ. 

Hiện vẫn chưa có chiến lược và hành động thật sự cụ thể để phát triển tầm vóc cho người Việt Nam. Về mặt khoa học, ít nhất 20 năm sau chiều cao của người Việt Nam mới giải quyết được.

Sai lầm làm chậm phát triển chiều cao của trẻ - Ảnh 2.

Bơi lội giúp trẻ em phát triển chiều cao – Ảnh: QUANG ĐỊNH

Các bà mẹ cần làm gì?

Theo bác sĩ Ngọc Diệp, từ khi có thai, các bà mẹ phải thực hành chế độ dinh dưỡng tốt để đạt được chiều cao tối ưu cho trẻ trong giai đoạn này, nhưng cũng tránh bồi bổ quá để không bị đái tháo đường trong thai kỳ. 

Khi trẻ ra đời, cần có chế độ dinh dưỡng đúng kiến nghị theo từng lứa tuổi. Nên theo dõi sự tăng trưởng định kỳ, chích ngừa đầy đủ để trẻ tránh bị bệnh, ảnh hưởng đến sự phát triển chiều cao. 

Nên dành thời gian để hướng dẫn con, cùng con tham gia những môn vận động ở ngoài trời, kiên trì tập luyện. 

Thiết kế bữa ăn gia đình đầy đủ các bữa theo lứa tuổi, có đủ đạm động vật, các vitamin và các chất khoáng để có thể hỗ trợ hấp thu, chuyển hóa tốt các chất dinh dưỡng ăn vào và hỗ trợ phát triển được khối xương. 

Đảm bảo hằng ngày trẻ được uống đủ lượng sữa theo lứa tuổi, hạn chế việc sử dụng đồ ăn thức uống có nhiều đường, các loại nước có gas và phải đảm bảo môi trường để trẻ ngủ tốt.

Tốc độ gia tăng nhanh hơn

Theo bác sĩ Ngọc Diệp, chiều cao trung bình của trẻ em ở các lớp tuổi (trẻ dưới 5 tuổi, tuổi tiểu học, trung học phổ thông, trung học cơ sở) tại TP.HCM đã cao hơn so với chiều cao trung bình của trẻ em các lớp tuổi của cả nước và tốc độ gia tăng cũng nhanh hơn.

Chiều cao của trẻ em ở TP.HCM (0-10 tuổi) ở mức tiệm cận chiều cao trung bình của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), thậm chí nhích hơn chiều cao trung bình ở lứa tuổi này của thế giới.

Tuy nhiên, trẻ ở tuổi dậy thì tại TP.HCM lại bị thấp hơn so với chiều cao trung bình của WHO (do lúc đó điều kiện kinh tế chưa tốt như bây giờ).

THÙY DƯƠNG ([email protected])