Anh Nguyễn Hoàng Đông (38 tuổi, ngụ ấp Thạnh Lợi, xã Hòa Điền) cho biết gia đình anh sống 3 đời ở đây đều không có nước sạch. Mới đây, xã kêu người dân làm đơn đăng ký kéo nước sạch, tuy nhiên không biết đến bao giờ mới có nước.
Theo anh Đông, đến thời điểm này, cống ngăn mặn vẫn mở nên nước sông bị mặn xâm nhập, bà con quanh vùng không thể lấy nước về dùng. Nhà anh có 5 người, mỗi tháng xài tiết kiệm lắm cũng phải tốn gần 500.000 đồng. Mỗi khi hết nước, từ lúc trời chưa sáng tỏ, anh phải đứng canh ghe nước, dùng đèn pin chiếu nhấp nháy để ra hiệu mua.
“Mua được nước rồi gia đình tôi cũng không dám uống vì nước có mùi thuốc xử lý nồng nặc. Tôi đã đặt đúc 5 bồn xi măng, chờ mưa xuống tích trữ nước uống dần”, anh Đông nói.
Khổ nhất là hàng trăm hộ dân sống ở xóm Chùa và khu dân cư. Ông Danh Đen (55 tuổi, ở xóm Chùa, ấp Thạnh Lợi) cho biết bà con khu vực này toàn dùng nước dưới sông hoặc kênh, nay nước mặn tràn vào không dùng được nữa. Nhiều hộ ở xóm Chùa phải sử dụng nước lấy từ mương được đào lúc làm móng nhà. Nguồn nước tanh hôi do nằm cạnh chuồng heo nhưng cũng đành bấm bụng để dùng. “Nguồn thu nhập của bà con chủ yếu trông chờ vào nghề làm mướn. Cả ngày chỉ kiếm được khoảng 130.000 đồng, trong khi mỗi khối nước đổi dưới ghe hoặc mua từ các hộ sống gần sông không hề rẻ, lúc cao điểm có thể lên đến 140.000 đồng/m3”, ông Danh Đen nói.
Anh Hồ Quốc Khanh (31 tuổi, ngụ ấp Thạnh Lợi) nói: “Nước dưới mương dơ quá không dùng được, nhưng nhiều lúc bí bách cũng phải ra gánh về tắm đỡ. Còn vào mùa khô, người dân trong xóm thay phiên nhau canh ghe mua nước với giá từ 100.000 – 140.000 đồng/m3. Mua xong gánh hàng trăm mét mới đưa nước về được tới nhà”.
Ông Lê Văn Lợi (46 tuổi, ngụ ấp Hòa Giang, xã Hòa Điền), người có thâm niên mấy chục năm trong nghề chở nước sạch đi bán, cho biết lúc mới vô nghề, ông đi bán nước bằng chiếc ghe chèo, không có ống dẫn nước như bây giờ nên ông phải gánh nước lên tận bờ cho bà con.
Đến năm 2000, khi dân cư dần đông đúc cũng là lúc nhu cầu nước sạch tăng mạnh. Ông đầu tư mua chiếc ghe lớn có bồn chứa, hệ thống bơm, ống dẫn chở nước đi bán. Hằng ngày khoảng 2 giờ sáng, vợ chồng ông chạy ghe dọc theo sông Hòa Điền, sông Hà Tiên đến nhà máy xi măng ở TT.Kiên Lương để lấy nước rồi chở vào kênh bán lại cho bà con.
“Thời điểm sau tết, nhu cầu mua nước của người dân tăng cao cho đến tháng 5 âm lịch, vì nước mặn xâm nhập và nguồn nước mưa dự trữ dần cạn kiệt. Tùy ngày đắt hay ế mà tôi đi từ 1 – 2 chuyến, tính ra cũng cung cấp nước cho hơn 50 hộ dân trong vùng”, ông Lợi nói.
Ông Nguyễn Trọng Lâm, Bí thư Đảng ủy xã Hòa Điền, cho biết hiện toàn xã có hơn 2.500 hộ dân nhưng từ trước đến nay không có hệ thống cấp nước sạch. Người dân chủ yếu sử dụng nước sông, dự trữ nước mưa hoặc mua nước từ ghe. Do khu vực này nước bị nhiễm phèn, mặn, tập trung nhiều núi đá vôi nên không khoan cây nước được. Để phục vụ nhu cầu của người dân cũng như được công nhận xã nông thôn mới, địa phương đang lập dự án đầu tư hệ thống cung cấp nước sạch.
DUY TAN