Rà soát phong giáo sư, phó giáo sư: bộ xin khất đến 28-2
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đề nghị Thủ tướng cho phép lùi thời hạn báo cáo kết quả rà soát phong giáo sư, phó giáo sư thêm 8 ngày, đến hết ngày 28-2.
Rà soát phong giáo sư, phó giáo sư: bộ xin khất đến 28-2
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đề nghị Thủ tướng cho phép lùi thời hạn báo cáo kết quả rà soát phong giáo sư, phó giáo sư thêm 8 ngày, đến hết ngày 28-2.Số lượng giáo sư, phó giáo sư được công nhận qua các năm – Nguồn: Hội đồng chức danh giáo sư Nhà nước – Đồ hoạ: TẤN ĐẠT
Muốn làm nghiêm thì HĐCDGSNN không thể chỉ giao về các hội đồng ngành tự rà soát. HĐCDGSNN cần có đánh giá, nhận xét nghiêm túc về kết quả xét duyệt của các hội đồng ngành, sau đó mới giao cho các hội đồng này rà soát”
Ông Đỗ Đức Tín – nguyên trưởng phòng chuyên môn Văn phòng HĐCDGSNN
Trong văn bản gửi Thủ tướng, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng thường trực các hội đồng chức danh GS ngành đã khẩn trương rà soát hồ sơ các ứng viên, các vấn đề mà dư luận đặt ra liên quan tới việc xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư (GS, PGS).
Tuy nhiên, “do thời gian yêu cầu rà soát trùng với thời gian nghỉ Tết Nguyên đán nên để đảm bảo khách quan, công bằng, đúng quy định”, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đề nghị Thủ tướng cho phép lùi thời hạn báo cáo kết quả rà soát thêm 8 ngày, đến hết ngày 28-2.
Nhiều hội đồng bảo lưu kết quả
Ngày 21-2, trao đổi với Tuổi Trẻ, một số lãnh đạo hội đồng chức danh GS ngành cho biết ngoài việc báo cáo bằng văn bản, Hội đồng Chức danh GS nhà nước (HĐCDGSNN) sẽ triệu tập một cuộc họp có sự tham gia đầy đủ của 28 chủ tịch hội đồng ngành, liên ngành.
“Tại đó, dự kiến các chủ tịch hội đồng ngành sẽ đọc báo cáo về kết quả rà soát của từng hội đồng và biểu quyết về một số vấn đề quan trọng” – chủ tịch một hội đồng ngành chia sẻ.
Còn GS Lê Chí Quế – chủ tịch HĐCDGS ngành văn học – cho biết sau khi nhận được công văn ngày 9-2 của chủ tịch HĐCDGSNN, ông đã thông báo đến các thành viên hội đồng trước đó đã được giao thẩm định các hồ sơ rà soát đối với từng trường hợp ứng viên. Nếu phát hiện vấn đề gì cần soát xét lại thì báo nhanh cho chủ tịch hội đồng ngành qua điện thoại hoặc email.
Tuy nhiên, đến chiều 21-2, GS Quế chưa nhận được phản hồi nào từ các thành viên hội đồng. Vì vậy, hội đồng ngành văn học cũng chưa xác định được thời gian để hoàn tất báo cáo.
Tương tự, GS Từ Quang Hiển – uỷ viên HĐCDGSNN, chủ tịch HĐCDGS liên ngành chăn nuôi – thú y – thủy sản – cho biết hội đồng cũng chưa hoàn thiện xong báo cáo rà soát.
Lãnh đạo một số hội đồng ngành khác cũng cho biết việc rà soát sơ bộ không phát hiện gì bất thường, hội đồng nói chung, các thành viên hội đồng nói riêng đều bảo lưu ý kiến trước đó trong việc công nhận GS, PGS năm nay.
Tỉ lệ đạt chuẩn cao: phải rà soát ngay
Số liệu giáo sư và phó giáo sư đã được công nhận ở nước ta từ năm 2011 – 2016 và Tổng số GS, PGS đã được công nhận ở nước ta từ năm 1980 – 2015 (Nguồn: Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước) – Đồ hoạ: N.KH
GS Vũ Minh Giang – chủ tịch HĐCDGS liên ngành sử học – khảo cổ học – dân tộc học – cho biết hội đồng đã hoàn tất báo cáo ngắn gọn hai trang gửi HĐCDGSNN.
Hội đồng đã rà soát kỹ cả quy trình, phiên họp hội đồng cũng như việc phân công thẩm định hồ sơ ứng viên. Kết quả, các thành viên đều cam kết bảo lưu kết quả thẩm định trước đó. Tại hội đồng này, năm nay có đến 38/41 ứng viên được công nhận đạt tiêu chuẩn GS, PGS, tăng gấp 3 lần năm 2016.
Song theo GS Giang, số lượng hoàn toàn không phải là chỉ số để cảnh báo về chất lượng bởi lẽ “nhìn một cách tổng quát, hồ sơ các ứng viên năm nay chất lượng hơn các năm trước”.
Tuy nhiên, ông Đỗ Đức Tín – nguyên trưởng phòng chuyên môn Văn phòng HĐCDGSNN – cho rằng số lượng ứng viên đạt chuẩn tăng mạnh phải được các hội đồng lưu ý ngay, tiến hành rà soát, thẩm định trước khi chính thức công nhận, thậm chí có thể làm chậm lại vòng cuối cùng ở HĐCDGSNN.
Theo ông Tín, cách đây hơn 10 năm cũng có đợt sau khi xét xong ở hội đồng ngành, HĐCDGSNN đã phải thực hiện rà soát vì tỉ lệ đạt tiêu chuẩn cao bất thường so với các năm trước.
Khi đó, tổ thẩm định được thành lập với nhiệm vụ rút ngẫu nhiên một số hồ sơ từ các hội đồng ngành để xem xét. Nhờ đó, có trường hợp đã thông qua ở hội đồng ngành nhưng kiểm tra lại không đạt đủ tiêu chuẩn nên không đưa vào vòng bỏ phiếu tiếp theo.
Ông Tín thống kê tỉ lệ xét công nhận chức danh GS, PGS nhiều năm qua ở các hội đồng chỉ đạt 70-80%. Vì vậy, nếu so sánh với các năm trước, tỉ lệ đạt bỗng nhiên cao hơn thì các hội đồng phải đặt vấn đề xem xét ngay, nhất là với những hội đồng đông ứng viên hơn trước mà kết quả vẫn 90-100% đạt chuẩn.
Thống kê của chính HĐCDGSNN cho thấy năm 2017, số ứng viên đạt kết quả tại 110 HĐCDGS cơ sở là hơn 1.400 người (trên 92%), tại 28 HĐCDGS ngành là hơn 1.230 người (trên 85%) và tại HĐCDGSNN là 1.226 người (trên 91%). Qua ba cấp HĐCDGS cơ sở, HĐCDGS ngành và HĐCDGSNN, tổng số ứng viên đạt là gần 80%.
Thành viên hội đồng có quyền bỏ phiếu cho… con em mình!
Trả lời câu hỏi của Tuổi Trẻ về việc xét duyệt ra sao khi các năm trước từng có trường hợp ứng viên là con của thành viên HĐCDGS liên ngành chăn nuôi – thú y – thủy sản, ngay cả con của GS Từ Quang Hiển cũng từng là ứng viên PGS xét ở hội đồng liên ngành mà cha mình là chủ tịch, GS Hiển cho biết hội đồng luôn làm việc trên tinh thần khoa học, nghiêm túc.
Trừ trường hợp ứng viên cũng lại chính là thành viên của hội đồng thì khi thảo luận, ứng viên đó ra ngoài để không thảo luận về chính trường hợp của mình. Còn lại, nếu ứng viên là người nhà của thành viên hội đồng thì việc thảo luận, bỏ phiếu vẫn diễn ra bình thường.
“Năm con tôi là ứng viên PGS, khi thảo luận, tôi nhường vị trí chủ trì cho phó chủ tịch hội đồng” – GS Hiển chia sẻ.
Trong khi đó, một chuyên gia cho rằng rất khó hiểu khi quy trình xét GS lại “chưa thực sự chặt chẽ” trong những tình huống này. “Tại sao lại để thành viên hội đồng bỏ phiếu cho chính con em mình, thậm chí cho chính bản thân mình, trong khi chỉ ở bậc đại học thôi từ lâu đã không cho phép người thân của thí sinh được dính líu gì đến bất cứ khâu nào của kỳ tuyển sinh đó?” – vị chuyên gia đặt vấn đề.