‘Một đất nước mà ngày nào cũng có lễ hội là điều rất nguy hại’
Khuyến khích những người trẻ tổ chức thêm nhiều lễ hội nhân văn như lễ hội hiến máu, lễ hội vì bệnh nhi ung thư… là cách để đối thoại với những lễ hội được gắn mác truyền thống nhưng ngày càng xấu xí hiện nay.
‘Một đất nước mà ngày nào cũng có lễ hội là điều rất nguy hại’
‘Một đất nước mà ngày nào cũng có lễ hội là điều rất nguy hại’
Đó là góc nhìn của nhà phê bình MAI ANH TUẤN trong cuộc trò chuyện với Tuổi Trẻ đầu năm mới.
Đừng bắt buộc người trẻ phải tham dự các lễ hội có tính chất truyền thống thì mới là tôn trọng truyền thống. Người trẻ hoàn toàn có những nhu cầu kiến tạo lễ hội của riêng mình mà ở đó là sự sẻ chia, thương yêu thay vì tranh giành cướp lộc, xô xát…
* Lễ hội xấu xí hiện nay cùng sự cuồng tín của nhiều người hiện nay còn có một phần nguyên nhân do lịch sử tín ngưỡng của người Việt bị đứt gãy. Anh có nghĩ như vậy?
– Tôi nghĩ người Việt có mê tín nhưng không đến mức cuồng tín. Rõ ràng một thời gian dài trong quá khứ, mọi hoạt động tín ngưỡng, tâm linh đều bị bài trừ.
Từ lỗ hổng này nên khi đổi mới, các sinh hoạt tín ngưỡng được cho phép trở lại nhưng đi cùng sự bất an về sinh kế ngày càng lớn đã thôi thúc người dân tìm đến các điểm hành hương tìm kiếm sự an toàn sinh kế cho riêng mình.
Trước đây, từ thế kỷ 17, Phật giáo bình dân chảy về nông thôn, trú ẩn trong hệ thống chùa làng, đã đóng góp quan trọng kiến tạo lối sống tính thiện từ các làng xã.
Nhưng hiện nay, hệ thống chùa làng không còn đóng vai trò như vậy nữa. Các chùa làng đang rơi vào sự chới với giữa việc giữ tinh thần Phật giáo bình dân nhưng bị hút theo đời sống kinh tế – xã hội hiện đại.
Cửa chùa không còn là tiếng vọng, thanh âm phát ra để kiến tạo một nếp sống tính thiện lành hơn. Vậy nên rõ ràng có sự mâu thuẫn là dù có nhiều cơ sở Phật giáo, sinh hoạt tín ngưỡng nhưng những điều chân, thiện, mỹ trong xã hội lại đang giảm đi.
Trong sự mê tín của nhiều người Việt, họ luôn cảm thấy sự bất an càng lớn nên càng cố tìm kiếm vội vàng, mau chóng giải pháp xóa đi sự bất an ấy.
* Năm nay, hội Gióng dự kiến sẽ không cướp giò hoa tre, hội chùa Hương sẽ không phát lộc… để tránh xảy ra tranh giành xô xát như những năm trước. Nhưng câu chuyện can dự của chính quyền vào lễ hội địa phương vẫn là cuộc tranh cãi chưa dứt?
– Thực sự tôn trọng truyền thống của các địa phương thì phải chấp nhận những nội dung, quy tắc có tính truyền thống của các lễ hội dân gian đó.
Tôi cảm nhận rất rõ đang có sự mâu thuẫn và vênh lệch rất lớn giữa trí thức địa phương với cách nhìn lễ hội hiện đại từ bên ngoài và cơ quan quản lý.
Cách nhìn hiện đại có thể nhẹ gánh hơn với những ràng buộc của quá khứ, truyền thống. Song, trí thức bản địa lại vin vào những tập tục quá khứ để xây dựng bản sắc.
Quá trình thương thảo này ở nước ta sẽ còn mâu thuẫn lớn và khó giải quyết. Nhưng với các lễ hội dân gian làng, xã, cơ quan quản lý chỉ nên có định hướng để người dân tổ chức lễ hội trật tự, quy củ. Chính quyền can thiệp quá sâu vào lễ hội chỉ làm nó càng khó kiểm soát hơn.
Nếu đọc những tài liệu về lễ hội của nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Huyên sẽ thấy lễ hội bây giờ không khác trước nhiều. Chỉ có điều, bây giờ lễ hội được bơm thêm nhiều liều doping là sự ganh đua, kích động quá đà… thay vì tôn trọng truyền thống. Các lễ hội đang có xu hướng đề cao truyền thống và tưởng rằng tôn trọng truyền thống nhưng thực ra chúng ta đang đối xử với truyền thống một cách thiếu bình tĩnh nhất mà ta đang có.
Nhà nghiên cứu Mai Anh Tuấn
Người dân chen lấn xin ấn, xin chữ đầu xuân tại chùa Đại Tuệ (huyện Nam Đàn, Nghệ An) vào mùng 5 tháng giêng, Mậu Tuất – Ảnh: DOÃN HOÀ
* Những người trẻ với xu hướng tiến bộ sẽ đóng góp ra sao trong việc kiến tạo những lễ hội tốt đẹp hơn?
– Điều đáng mừng là trong các lễ hội xấu xí ấy, người trẻ không chiếm số đông. Họ đang kiến tạo những lễ hội mới theo thời đại như lễ hội hiến máu, lễ hội vì người đồng tính, vì các em nhỏ ung thư… là những biểu tượng rất đẹp trong xã hội đương đại.
Đằng sau sự tưởng là thờ ơ, bỏ mặc truyền thống, tôi thấy những người trẻ đang nhẹ gánh để thong thả bước an nhiên hơn với đời sống hiện đại thay vì mắc kẹt trong bình sâu quá khứ.
Nên khuyến khích và nhân rộng những mô hình lễ hội nhân văn của người trẻ như vậy.
Đó là tiếng nói đối thoại với lễ hội truyền thống và thay đổi nhận thức về lễ hội của thế hệ trước.
Đừng bắt buộc người trẻ phải tham dự các lễ hội có tính chất truyền thống thì mới là tôn trọng truyền thống.
Người trẻ hoàn toàn có những nhu cầu kiến tạo lễ hội của riêng mình mà ở đó là sự sẻ chia, thương yêu thay vì tranh giành cướp lộc, xô xát…
Về lâu dài, cần có sự thanh lọc và hạn chế bớt sự phát tác và nâng quy mô tổ chức tràn lan của các lễ hội.
Một đất nước mà ngày nào cũng có lễ hội là điều rất nguy hại.
Các trí thức bản địa cần được tham gia sâu hơn vào lễ hội dân gian thay vì chính quyền đứng ra tổ chức.
Bởi cơ quan quản lý luôn mâu thuẫn là muốn quản lý lễ hội tốt hơn nhưng đồng thời lại mong muốn biến lễ hội thành một trong những điểm thành tích của họ.
Trong chương trình giáo dục rất cần thiết có những môn học về xã hội Việt Nam truyền thống, trong đó có lễ hội để giáo dục người trẻ ý thức kiểm soát bản thân khi tham gia lễ hội.
TTCT – Tim Kennedy tốt nghiệp thạc sĩ báo chí và phê bình điện ảnh Đại học New York. Là một công dân thiên niên kỷ của thế hệ toàn cầu, anh đã sống và làm việc ở nhiều nước trên thế giới. Tim chia sẻ cảm nhận của mình về không khí mùa lễ hội ở thời đại đa văn hoá, trong cái Tết đầu tiên của anh ở Việt Nam.