23/01/2025

Thư gửi các sinh viên, học sinh Công giáo nhân dịp Tết Nguyên Đán Mậu Tuất – 2018

Trong bầu khí hân hoan của ngày Xuân, cha muốn gửi đến các con lời cầu chúc thân thương và tốt đẹp nhất trong năm mới Mậu Tuất này. Xin Chúa giúp các con cảm nghiệm được niềm vui khi sum họp với gia đình trong những ngày Xuân và xin Chúa ban cho các con sự bình an trong tâm hồn mà chỉ mình Chúa mới có thể tặng ban (x. Ga 14,27).

 Thư gửi các sinh viên, học sinh Công giáo nhân dịp Tết Nguyên Đán Mậu Tuất – 2018

 


 

UỶ BAN GIÁO DỤC CÔNG GIÁO
trực thuộc
HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM
________________________________________________
72/12 Trần Quốc Toản, Phường 8, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
Email: [email protected]; Đt: 093 890 5015 – 096 725 7483

 

THƯ GỬI CÁC SINH VIÊN, HỌC SINH CÔNG GIÁO
NHÂN DỊP TẾT NGUYÊN ĐÁN MẬU TUẤT – 2018

 

Các con rất thân mến,

Trong bầu khí hân hoan của ngày Xuân, cha muốn gửi đến các con lời cầu chúc thân thương và tốt đẹp nhất trong năm mới Mậu Tuất này. Xin Chúa giúp các con cảm nghiệm được niềm vui khi sum họp với gia đình trong những ngày Xuân và xin Chúa ban cho các con sự bình an trong tâm hồn mà chỉ mình Chúa mới có thể tặng ban (x. Ga 14,27).

Vì năm nay là năm Mậu Tuất, ngoài những lời cầu chúc truyền thống của Ngày Đầu Năm, cha cũng muốn gửi đến các con vài suy tư để định hướng sống cho năm mới lấy từ câu chuyện hai con chó liên quan đến hai vị Thánh là Thánh Đaminh và Thánh Phanxicô Assisi.

1. Con chó, hình bóng của Thánh Đaminh  

Theo tường thuật của Jordan thành Saxony, thì mẹ Thánh Đaminh, trong thời kỳ đang mang thai ngài, đã đi hành hương đến Silos. Ở đó, bà mơ thấy mình đẻ ra một con chó ngậm bó đuốc đang cháy sáng, đi chiếu soi khắp thế giới. Con chó bà mẹ mơ thấy là hình bóng của chính Thánh Đaminh. Qua lời giảng dạy và gương sáng đời sống, thánh Đaminh đã chiếu sáng lòng trí người thời đại.

Các con thân mến, các con có muốn giống Thánh Đaminh không? Lời nói có thể chiếu sáng tâm trí trong cơn nghi nan, nâng dậy những tâm hồn nản chí, xoa dịu những vết thương sâu thẳm trong lòng, hòa giải những mâu thuẫn. Nhưng cũng có những lời nói làm nản chí, gây hận thù, chia rẽ, kích thích bạo động hoặc làm tủi nhục tha nhân. Sách Huấn Ca dạy: “Đòn vọt làm thân thể bầm tím, nhưng cái lưỡi làm dập gẫy cả xương. Có nhiều kẻ gục ngã vì lưỡi kiếm, nhưng làm sao sánh được với những kẻ gục ngã vì lưỡi người?” (Hc 28,17-18). Nếu các con muốn giống thánh Đaminh, các con hãy nói những lời tế nhị, dịu hiền, toát ra từ một tấm lòng khiêm nhường, yêu thương, cảm thông, tha thứ, kính trọng…

Trong thời đại truyền thông, với những phương tiện đại chúng, chẳng hạn Facebook, Zalo, Viber, Tango, Yahoo…, vừa tầm tay mọi người, các con còn phải cẩn trọng trong việc chuyển tải các thông tin. Mới đây Cha đọc trên báo “Tuoitreonline” bài “Thế giới đáng sợ hơn trong những cơn Share” của tác giả Nguyễn Huỳnh Nhất Bảo. Theo tác giả, người ta “share” cho nhau những tin dữ một cách vô tội vạ: “Có thể họ không để ý, họ đọc để giải trí, họ share để cảnh báo, để chỉ trích, để xuýt xoa ‘sao mà ác vậy nè’…”. Do những cơn “share”, mà một tội ác, một điều sai trái có thể được nhân lên nhiều ngàn lần, làm cho bóng tối tràn lan trong môi trường sống, thâm nhập lòng người và phá đổ các tương quan ngay cả trong gia đình.

Để lời nói chiếu sáng lòng người, các con cần trau dồi lòng cho trong sáng và chất chứa tình thương yêu mọi người, nhất là những người xấu số, bệnh tật, khổ đau và cô đơn. Khi đó, không chỉ lời nói mà cả hành động, cử chỉ của các con cũng chiếu sáng lòng người. Cha mới đọc tâm sự của một người bị cướp giật bên New York (Hoa Kỳ) như sau: “Khi tôi tới bến xe đò, tôi bị một người xô đẩy tôi ngã, giật đồ của tôi và chạy mất. Tôi vô cùng sợ hãi, nhưng cố gắng xuống trạm tầu điện. Chỉ lúc đó tôi mới biết là tôi đã mất luôn cả ví nên không còn tiền mua thẻ tầu điện. Tôi bắt đầu khóc thảm thiết. Một bà cỡ tuổi trung niên để ý và tiến lại gần tôi, với khuôn mặt dịu hiền bà an ủi tôi, đứng bên tôi và cứ chờ cho tới khi cảnh sát tới. Trước khi bỏ đi, bà kín đáo đút vào túi áo tôi chút tiền… Bà đã thắp lên trong tôi ngọn đèn yêu thương, an bình và hy vọng.”

2. Con chó của Thánh Phanxicô

Vào thời Thánh Phanxicô, tại làng Agodio bên nước Italia, có một con chó sói hung dữ quấy nhiễu, cắn chết nhiều gia súc và gieo rắc tai hoạ cho nhiều người. Ai cũng sợ và thù ghét con chó sói này. Nghe vậy, thánh Phanxicô quyết định đi tìm con chó sói dữ này. Khi Thánh nhân tới, con vật nhe răng và chuẩn bị tấn công, nhưng Thánh nhân bình tĩnh tiến lại gần con chó để cảm hoá nó. Ngài nói: “Này anh sói, anh đã gây ra không biết bao thiệt hại cho vùng này, anh giết hại những tạo vật của Chúa. Anh đáng bị trừng phạt. Nhưng nếu anh hứa không làm hại dân làng, thì tôi sẽ nói với dân làng cung cấp đồ ăn để anh không bao giờ bị đói khát.” Thánh nhân vừa nói xong thì con chó sói cúi đầu tỏ dấu sám hối và chấp nhận đề nghị của ngài. Từ đó, con chó sói và dân làng sống chan hoà trong sự an bình.

Các con sinh viên, học sinh thân mến, câu chuyện dân làng Agodio và con chó sói sám hối và làm hoà với dân làng Agodio là một câu chuyện minh hoạ mà cha muốn gửi đến các con để lặp lại cho các con sứ điệp đầu tiên của Chúa Giêsu khi Người bắt đầu sứ vụ công khai: “Thời kỳ đã mãn, và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng.” (Mc 1,15).

Câu nói “Nhân vô thập toàn” (con người không ai hoàn hảo) thường thấy trên cửa miệng mỗi người, nhưng mấy ai thực lòng chấp nhận là mình có những sai lỗi, yếu đuối để gắng sức thay đổi? Trong việc hoán cải, có hai cái khó. Cái khó thứ nhất là việc nhận ra thực tại yếu hèn của mình. Vì bị thú vui, dục vọng và tự ái che lấp con mắt nội tâm, người ta khó nhận ra tình trạng lòng mình, đời mình hay có khi nhận ra, nhưng không dám hay không muốn chấp nhận. Đây là thực tại Chúa nói trong Tin Mừng Thánh Matthêô: “Chúng nhìn mà không thấy, nghe mà không hiểu… vì lòng dân này đã ra chai đá.” (Mt 13,13-15). Cái khó thứ hai là khả năng thực hiện điều đã thấy, đã biết. Thánh Phaolô đã diễn tả vấn đề này trong Thư gửi tín hữu Roma như sau: “Sự thiện tôi muốn thì tôi không làm, nhưng sự ác tôi không muốn, tôi lại cứ làm.” (Rm 7,19). Như vậy thì chúng ta không bao giờ hối cải được sao? Cũng chính Thánh Phaolô đã trả lời cho câu hỏi này ngay trong những câu tiếp theo. Đó là nhờ ơn cứu độ của Đức Giêsu Kitô, Đấng Cứu Thế, chúng ta có thể thực hiện việc ăn năn hối cải theo cách mà chính Người mời gọi (x. Rm 7,25).

Cuối cùng, cha xin các con chuyển đến Ông Bà Cha Mẹ, quý Cha Xứ, Cha Phó, quý Thầy Cô và các bạn học không Công giáo của các con lời chúc Tết của cha: Xin cho mọi người, mọi gia đình, trong năm mới Mậu Tuất này, được Chúa chúc lành và được Đức Maria chở che dưới cánh tay Hiền Mẫu của Ngài, để luôn sống trong an vui, yêu thương và hy vọng.

Với lòng quý mến, Cha thân ái chào tất cả các con.

Ngày 13 tháng 02 năm 2018


+ Giuse Đinh Đức Đạo
 
Chủ tịch Uỷ ban Giáo dục Công giáo
 
Giám mục GP. Xuân Lộc

 

 
 

Gm. Giuse Đinh Đức Đạo