Những điều cần biết khi dùng nhang
Nhang (hay còn gọi là hương) gắn bó với người Việt Nam từ xa xưa, mang ý nghĩa nhiều về mặt tâm linh. Dịp tết hầu như nhà nào cũng phảng phất khói nhang trên bàn thờ gia tiên.
Những điều cần biết khi dùng nhang
Những người thường xuyên sử dụng hương liệu tại nhà có tỉ lệ mắc bệnh tim cao hơn người không thường xuyên sử dụng. Các số liệu thống kê cũng cho thấy những người này có nguy cơ đột quỵ và bệnh mạch vành cao hơn so với những người khác
TS.BS NGUYỄN NGỌC MINH
Tuy nhiên, khói nhang nhiều khi lại chứa các thành phần hóa học, các chất gây hại cho hệ hô hấp, tim mạch, thần kinh và các cơ quan quan trọng khác trong cơ thể mà chúng ta chưa biết hoặc xem thường.
Vậy thì thắp nhang như thế nào cho hợp lý mà vẫn duy trì được nét đẹp truyền thống văn hóa của người dân, đồng thời không gây tác hại cho bản thân cũng như những người xung quanh?
Cẩn thận mùi hương quyến rũ
Trên thị trường mùi hương nhang có hàng trăm nhãn hiệu với nhiều mùi thơm khác nhau rất quyến rũ. Tuy nhiên, chuyên gia y tế cho hay nhang càng thơm càng độc hại do được tẩm hoá chất.
Để nhang thơm hơn, người làm đã dùng cả chất hoá học tổng hợp để tăng độ thơm và tạo vòng cuốn không rụng cho nhang.
Với những sản phẩm không rõ nguồn gốc, dùng hoá chất tạo mùi giá rẻ, không nhãn hiệu, nếu người dùng hít phải khói nhiều sẽ thấy khó thở, buồn nôn, đầu óc quay cuồng. Dùng lâu dài sẽ gây nhiễm độc máu, gan, phổi, thận…
Với những loại nhang có tàn trắng như vôi, như tuyết, được làm bằng bột đá vôi (CaCO3) dùng trong xây dựng. Đá vôi được các cơ sở sản xuất nhang mua trên thị trường với giá rẻ, đem về trộn với mùn cưa theo tỉ lệ nhất định, vôi với mục đích tạo màu trắng như tuyết cho tàn nhang và để cắt giảm chi phí cho thảo mộc.
Đá vôi dùng trong xây dựng có lẫn nhiều tạp chất, tùy theo vùng khai thác có thể chứa các kim loại nặng như chì, thuỷ ngân… Việc người sản xuất nhang kèm đá vôi xây dựng hỗn tạp, với liều lượng không xác định, hoàn toàn có thể gây nguy hiểm tới sức khoẻ người sử dụng.
Ngoài ra, nhang hiện nay để bao lâu cũng không bị mốc là do người sản xuất dùng thêm hoá chất chống rêu mốc có trong công nghiệp sản xuất sơn tường dùng ngoài trời. Khi sử dụng, khói của hương sẽ có mùi cháy khét, khó chịu.
Trước đây, các cơ quan chức năng cũng đã phát hiện về việc nhang tẩm hoá chất như H3PO4 để cuốn tàn. Đến nay, nhiều loại nhang giá siêu rẻ đều có mặt hoá chất này và tung ra bình thường.
Tuy nhiên, chất độc hại sẽ tồn tại trong không khí, khi tác động lên da sẽ làm da bị mẫn cảm; tác động lên hệ hô hấp gây viêm nhiễm phù nề, co thắt, khó thở; tác động lên giác mạc gây ngứa mắt, sung huyết, chảy nước mắt. Vì những lý do này mà khi đi đền, chùa gặp khói hương đốt dày đặc nhiều người có biểu hiện chảy nước mắt, ho sặc sụa…
10 cách tránh tác hại
1 – Nên chọn các thương hiệu nhang có uy tín, đảm bảo được chất lượng.
2 – Nhang phải có mùi thơm đặc trưng, cháy đượm, cháy lâu, vị hương êm dịu, không gắt, không cay mắt…
3 – Để phân biệt bằng mắt thường, ta có thể tách một ít phần bột để nhìn vào màu của tăm nhang phía trong. Tăm nhang truyền thống có màu nâu đen và sự sần sùi thô mộc, còn nếu có màu vàng suộm và độ láng mịn thì chắc chắn là tăm nhang tẩm axit phốtphoric (H3PO4).
4 – Để phân biệt nhang có bột đá vôi hay không thì chỉ có thể biết được khi thắp lên, tàn nhang có màu trắng như tuyết, mùi nồng của đá vôi nung, rất khó chịu cho khứu giác.
5 – Không nên thắp nhang trong một không gian kín, đóng cửa, không thông thoáng có thể gây ra những tác động xấu cho sức khoẻ khi hít quá nhiều khói nhang.
6 – Đừng cắm nhang vào những vị trí dễ cháy hay những bình lọ dễ đổ ngã như tường gỗ, tường giấy, gần những chất liệu dễ cháy như xăng, cồn, dầu hỏa hay các loại keo dán công nghiệp dễ bắt lửa có thể gây hoả hoạn nghiêm trọng.
7 – Không nên cho người già và trẻ em tiếp xúc nhiều với khói hương do sức đề kháng kém, rất dễ bị nhiễm độc.
8 – Trong những dịp cúng kiếng đặc biệt, chỉ nên thắp 1-3 cây nhang/ngày.
9 – Khi đốt nhang tránh ngửi nhiều mùi hương.
10 – Không nên dùng chân nhang làm tăm xỉa răng hay cắm chân nhang vào đồ ăn cúng tế để tránh bị ngộ độc.
Tránh bệnh do khói nhang
Khói nhang cũng có thể gây kích ứng mắt và da, đặc biệt đối với những người da nhạy cảm. Gây kích ứng niêm mạc mũi mạnh làm hắt hơi, ngứa mũi, chảy nước mũi, nhức mũi, nghẹt mũi, thậm chí chảy máu mũi. Đây là biểu hiện của viêm mũi xoang cấp và mãn tính. Ngoài ra, còn dễ gây viêm họng – thanh quản cấp tính.
Với những người quá nhạy cảm và trong môi trường có khói nhang nhiều, cô đặc, không thông thoáng có thể ngứa họng, khô họng, rát đau họng, ho, khạc đàm, khàn tiếng, thậm chí ngộp thở, khó thở do co thắt thanh khí quản.
Viêm phổi cũng có thể xảy ra do hít phải khói nhang. Đặc biệt đối với những người có hô hấp nhạy cảm, dễ bị dị ứng và những người bị hen.
Nhiều nghiên cứu trong nước và ngoài nước như Trung Quốc, Mỹ, Anh, Singapore đã kiểm nghiệm tác động của khói hương đối với các tế bào và so sánh nó với khói thuốc lá.
Kết quả bước đầu cho thấy khói hương có khả năng gây hại tế bào, gây đột biến và tổn hại vật chất di truyền nhiều hơn khói thuốc.