24/01/2025

Kinh Truyền Tin với Đức Thánh Cha: 4-2-2018

Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh, trước sự hiện diện của gần 20.000 tín hữu tại Quảng trường Thánh Phêrô, ĐTC đã quảng diễn bài Tin Mừng Chúa Nhật 5 Mùa Thường niên năm B (Mc 1,21-39), trong đó Thánh sử Marco làm nổi bật tương quan giữa việc làm phép lạ của Chúa Giêsu với sự thức tỉnh đức tin nơi những người Ngài gặp.

 Kinh Truyền Tin với Đức Thánh Cha: 4-2-2018

 
 

 

VATICAN. Trong buổi đọc Kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 4-2-2018, ĐTC giải thích ý nghĩa các phép lạ của Chúa Giêsu, và ngài cũng kêu gọi các tín hữu cử hành ngày ăn chay cầu nguyện 23-2-2018 cho hòa bình thế giới, đặc biệt tại Cộng hoà Dân chủ Congo và Nam Sudan.

Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh, trước sự hiện diện của gần 20.000 tín hữu tại Quảng trường Thánh Phêrô, ĐTC đã quảng diễn bài Tin Mừng Chúa Nhật 5 Mùa Thường niên năm B (Mc 1,21-39), trong đó Thánh sử Marco làm nổi bật tương quan giữa việc làm phép lạ của Chúa Giêsu với sự thức tỉnh đức tin nơi những người Ngài gặp.


Huấn dụ của ĐTC

“Tin Mừng Chúa Nhật này tiếp tục mô tả một ngày của Chúa Giêsu tại Capharnaum, một ngày thứ bẩy là lễ trong tuần đối với người Do thái. Lần này Thánh sử Marco làm nổi bật tương quan giữa hoạt động làm phép lạ của Chúa Giêsu và sự thức tỉnh đức tin nơi những người Ngài gặp. Thực vậy, qua những dấu chỉ chữa lành các bệnh đủ loại, Chúa muốn khơi dậy câu trả lời đức tin.

Ngày của Chúa Giêsu ở Capharnaum bắt đầu với việc chữa lành nhạc mẫu của Thánh Phêrô và kết thúc với cảnh tượng dân chúng cả thành chen chúc trước nhà nơi Ngài trú ngụ, để mang tất cả các bệnh nhân đến. “Đám đông, đau khổ về thể lý và những lầm than về tinh thần, có thể nói là họ họp thành môi trường cuộc sống trong đó sứ mạng của Chúa Giêsu được tiến hành, bằng những lời nói và những cử chỉ chữa lành và an ủi. Chúa Giêsu không để để mang lại ơn cứu độ trong một phòng thí nghiệm, Ngài không giảng như trong phòng thí nghiệm, tách biệt với dân chúng: trái lại, Ngài ở giữa đám đông, giữa dân chúng. Anh chị em hãy nghĩ: phần lớn đời sống công khai của Chúa Giêsu diễn ra trên đường, giữa dân chúng, để rao giảng Tin Mừng, để chữa lành các vết thương thể lý và tinh thần. Đám đông ấy là một nhân loại đang chịu đựng đau khổ, vất vả và các vấn đề khác: hoạt động quyền năng, giải thoát và đổi mới của Chúa Giêsu hướng về những người ấy. Thế là giữa đám đông cho đến chiều tối, ngày thứ bảy ấy kết thúc. Vậy Chúa Giêsu làm gì sau đó?

Trước bình minh của ngày hôm sau, Ngài âm thầm đi ra khỏi cửa thành và rút lui vào nơi riêng để cầu nguyện. Chúa Giêsu cầu nguyện. Qua đó, Ngài đưa con người và sứ mạng của Ngài tránh quan niệm háo thắng, hiểu lầm ý nghĩa các phép lạ và quyền năng thần lực của ngài. Thực vậy, các phép lạ là những dấu chỉ mời gọi câu trả lời của đức tin; những dấu chỉ luôn có lời nói đi kèm để soi sáng, và cùng nhau, dấu chỉ và lời nói, khơi lên đức tin và sự hoán cải nhờ sức mạnh thần linh của ơn thánh Chúa Kitô.

Phần kết của đoạn Tin Mừng hôm nay (cc. 35-39) cho thấy việc loan báo Nước Thiên Chúa, do Chúa Giêsu, tìm lại được nơi thích hợp của mình trên đường. Khi các môn đệ tìm Chúa để đưa Ngài trở lại thành thị, Chúa nói: “Các con hãy đi nơi khác, trong các làng lân cận, vì Thầy cũng phải rao giảng tại đó nữa.” (c. 38). Đó là con đường của Con Thiên Chúa và đó cũng sẽ là hành trình của các môn đệ. Con đường như nơi hân hoan loan báo Tin Mừng, đặt sứ mạng của Giáo Hội dưới dấu hiệu “bước đi”, chuyển động và không bao giờ là tĩnh.

Xin Đức Trinh Nữ Maria giúp chúng ta cởi mở đối với tiếng nói của Thánh Linh, Đấng thúc đẩy Giáo Hội ngày càng cắm lều của mình giữa dân sĩ của linh hồn lẫn thể xác.”

Nhắc lễ phong chân phước Olivelli

Sau khi ban phép lành cho các tín hữu, ĐTC nhắc đến lễ phong chân phước cho thanh niên Teresio Olivelli, bị giết vì đức tin vào năm 1945, trong tại tập trung Hersbruck. Ngài nói: “Chân phước đã làm chứng cho Chúa Kitô trong tình yêu thương đối với những người yếu thế nhất và kết hiệp với hàng ngũ dài các vị tử đạo trong thế kỷ vừa qua. Ước gì sự hy sinh anh dũng của Người là hạt giống hy vọng và huynh đệ nhất là đối với người trẻ; cổ vũ bảo vệ sự sống.”

ĐTC hiệp với các GM Italia cử hành Ngày Sự sống, với chủ đề “Tin Mừng sự sống, niềm vui cho thế giới”… Tôi hiệp với sứ điệp của các GM Italia và đánh giá cao cũng như khích lệ các thực tại khác nhau của Giáo Hội, bằng nhiều cách đang thăng tiến và nâng đỡ sự sống, đặc biệt là Phong trào Bênh vực Sự sống mà tôi chào mừng các vị lãnh đạo hiện diện ở đây, không nhiều lắm. Điều này làm tôi quan tâm. Không có nhiều người tranh đấu cho sự sống trong một thế giới mỗi ngày người ta chế tạo nhiều vũ khí hơn và làm nhiều luật hơn chống lại sự sống và mỗi ngày người ta đi theo nền văn hoá gạt bỏ đang lan tràn, gạt bỏ những gì không dùng đến nữa, những gì làm cho người ta khó chịu. Vậy chúng ta hãy cầu nguyện để dân chúng ngày càng ý thức về việc bảo vệ sự sống trong lúc sự sống bị phá huỷ và nhân loại bị gạt bỏ.

Liên đới với dân Madagascar bị bão lụt

ĐTC cũng bày tỏ sự gần gũi liên đới với dân chúng tại Madagascar mới bị cuồng phong nặng nề, làm cho nhiều người chết, nhiều người tản cư và thiệt hại lớn về vật chất. Xin Chúa an ủi và nâng đỡ họ.

Mời gọi cử hành ngày ăn chay cầu nguyện cho hoà bình

Sau cùng, ĐTC đã mời gọi mọi người tham gia ngày đặc biệt ăn chay cầu nguyện, thứ sáu 23-2 tới đây, tuần I Mùa Chay, cầu cho hòa bình trên thế giới. Chúng ta đặc biệt cầu nguyện cho dân chúng là tại Cộng hoà Dân chủ Congo và Nam Sudan đang bị nội chiến và tình trạng hàng triệu người tị nạn.

Cũng như trong các dịp tương tự, tôi cũng mời gọi các anh chị em không Công giáo và không Kitô, tham gia sáng kiến này, theo thể thức họ thấy là thích hợp nhất.

“Cha chúng ta trên trời luôn lắng nghe các con cái của Ngài kêu lên ngài trong đau khổ và lo âu, “xin chúa lành những tâm hồn tan nát và băng bó các vết thương của họ” (Tv 147,3). Tôi tha thiết kêu gọi để cả chúng ta cũng lắng nghe tiếng kêu ấy, và mỗi người theo lương tâm của mình trước mặt Chúa, chúng ta tự hỏi: “Tôi có thể làm gì cho hoà bình? Chắc chắn chúng ta có thể cầu nguyện; nhưng không chỉ như vậy mà thôi: mỗi người có thể cụ thể “chống lại bạo lực trong những gì tuỳ thuộc mình. Vì những chiến thắng đạt được bằng bạo lực là những chiến thắng giả tạo, trong khi làm việc cho hoà bình là điều mưu ích cho tất cả mọi người”.

Tại Cộng hoà Dân chủ Congo, đứng trước sự kiện Tổng thống Joseph Kabila tiếp tục từ chối không từ chức sau khi mãn nhiệm kỳ vào cuối tháng 12, đã có những cuộc biểu tình, đụng độ, bắt giam và chiến tranh giữa các lực lượng dân quân khiến cho ít nhất 4 triệu người phải tị nạn.

Tại Nam Sudan đang có nội chiến từ vài năm nay, làm cho ít nhất 2 triệu người tị nạn tản cư.

Trong quá khứ, hồi tháng 9 năm 2013, ĐTC đã mời các tín hữu Kitô và không Kitô trên thế giới hiệp nhau cử hành buổi canh thức cầu nguyện cho hoà bình tại Syria.

 

 

G. Trần Đức Anh OP